Vài năm trở lại đây, thuật ngữ kinh tế đêm (Night-time economy) thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp... kinh tế ban đêm đã góp phần gia tăng giá trị thương mại, đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia. Họ đã xây dựng và phát triển các khu nghỉ dưỡng, những điểm vui chơi thư giãn không nghỉ về đêm: Quán bar, cà phê, cửa hàng tiện lợi, các khu casino, beach bar, biểu diễn nghệ thuật, xiếc, chiếu phim, triển lãm, trưng bày sản phẩm văn hóa, mở cửa bảo tàng trưng bày chuyên đề, khu ẩm thực... Điểm đáng chú ý trong lễ hội là dịch vụ sản phẩm văn hóa bản địa rất được coi trọng và tổ chức bài bản, chuyên nghiệp. Bạn tôi định cư ở Pháp kể, hằng năm, vùng Côte d’Azur tổ chức lễ hội Carnival Nice vào tháng 2 và diễn ra trong suốt hai tuần với 3 sự kiện: Lễ hội hóa trang Corso, trận chiến muôn hoa và diễu hành ánh sáng. Phần tổ chức diễu hành ánh sáng rất chuyên nghiệp, hoành tráng, nó như một “bữa tiệc ánh sáng” với đoàn xe ngựa diễu hành đều được thắp sáng lung linh. Theo ước tính của bạn tôi, hằng năm, lễ hội Carnival Nice thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trên khắp thế giới bởi sự độc đáo và hấp dẫn. Cạnh đó, các hoạt động bên lề như triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, đấu giá sản phẩm văn hóa và thưởng thức ẩm thực, trưng bày sách... cũng thu hút đáng kể công chúng và du khách. Họ quảng bá văn hóa rất khéo, có chiều sâu nên người xem luôn hứng thú, không bị nhàm chán.

leftcenterrightdel

Gần 1.500 người tham dự Chương trình nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương” tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) tối 12-8-2023. Ảnh: CÔNG THI 

Trước xu hướng đó, mấy năm qua, các hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ văn hóa đêm trong phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam cũng được nhiều địa phương quan tâm, nhất là các tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng, lợi thế về cảnh đẹp tự nhiên, giao thông, văn hóa truyền thống, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa-Vũng Tàu...

Khi chưa xảy ra dịch Covid-19, hoạt động du lịch ở nước ta có nhiều khởi sắc. Các địa phương đã dựa vào lợi thế địa lý, tự nhiên và bản sắc văn hóa vùng miền cùng tích cực đổi mới quản lý, điều hành, tổ chức cung cấp các sản phẩm du lịch văn hóa đêm đa dạng nên đã góp phần đạt kỷ lục trong thu hút du khách, mang lại nguồn thu, đóng góp ngân sách nhà nước khá tốt. Điểm nổi bật ở các địa phương phát triển du lịch đêm trong thời gian này là đã tận dụng thế mạnh văn hóa để kiến tạo các sản phẩm trở thành đặc sản, đa dạng, cuốn hút du khách, như: Xây dựng các công trình biểu tượng văn hóa đặc trưng, tạo sức hút bằng ứng dụng công nghệ ánh sáng; thiết kế các sản phẩm văn hóa trung tâm, quy mô lớn kết hợp với trưng bày những sản phẩm văn hóa, ẩm thực bên lề... đã đáp ứng được nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.

Hoạt động kinh tế đêm, du lịch đêm với trung tâm là cung cấp dịch vụ văn hóa ở các địa phương được chú trọng và đầu tư ngày càng đa dạng. Không chỉ phát triển chợ đêm truyền thống mà còn đầu tư các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, lấy đó là điểm nhấn trong hoạt động kinh tế đêm để mời gọi, thu hút du khách. Điển hình như ở Quảng Ninh, năm 2019 có hơn 14 triệu lượt du khách, trong đó có 5,749 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 15% so với năm 2018. Tổng doanh thu từ khách du lịch năm 2019 của tỉnh Quảng Ninh đạt 29.487 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước, đóng góp vào thu ngân sách nội địa của tỉnh 3.568 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018 (chiếm 10,7% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh). Kết quả trên có phần đóng góp không nhỏ từ hoạt động văn hóa về đêm.

Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động du lịch nói chung và du lịch đêm bị đình trệ, trầm lắng nên gần như văn hóa đêm cũng “án binh bất động” và “đóng băng”, gây ra ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của các địa phương. Nhân cơ hội này, nhiều địa phương đã tái cấu trúc ngành du lịch và không ngừng cho ra các phẩm du lịch mới. Đến nay, hoạt động kinh tế đêm được thúc đẩy, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, hè... Các dịch vụ văn hóa đêm cũng vì thế mà được phục hồi và đua nhau khoe sắc, như: Biểu diễn thực cảnh, nghệ thuật truyền thống và đương đại, hoạt động điện ảnh, chương trình âm nhạc, trình diễn ánh sáng, thời trang, lễ hội pháo hoa, lễ hội hóa trang, diễu hành, nghệ thuật đường phố... Ngoài ra còn có các dịch vụ văn hóa bổ trợ như ẩm thực và giải trí khác.

Một trong những địa phương tiên phong trong tổ chức các sản phẩm văn hóa đêm để hút du khách có thể kể đến là Hà Nội. Theo dữ liệu từ Booking.com, Hà Nội đã tăng 4 bậc so với năm 2022 và thành công lọt vào top 10 địa điểm du lịch được du khách tìm kiếm nhiều nhất trong mùa hè 2023. Một trong những dịch vụ văn hóa đêm gây ấn tượng, đáng chú ý ở Hà Nội hiện nay là trải nghiệm đêm tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám với chủ đề "Tinh hoa đạo học" Việt Nam. Các nhà tổ chức đã dùng hệ thống âm thanh, ánh sáng và công nghệ trình chiếu 3D Mapping hiện đại để nói về lịch sử và văn hóa học ở Việt Nam trong chiều dài mấy trăm năm qua. Trước đó, Bảo tàng Văn học cho ra mắt tour "Chữ Tâm, chữ Tài" với nhiều câu chuyện, trải nghiệm thú vị về chủ đề văn học, cuộc đời, sự nghiệp của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử đất nước. Hay tổ chức tour "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" vào hai tối trong tuần đã thu hút trung bình khoảng 130 khách/tối và thường bán hết vé từ khá sớm.

Qua theo dõi nhận thấy nhiều địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa đêm rất giống nhau. Ngoài một số chương trình lễ hội như trình diễn pháo hoa, ánh sáng có tính chuyên biệt thì các chương trình diễu hành, nghệ thuật đường phố, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh và các dịch vụ văn hóa ẩm thực khá tương đồng, thậm chí không có gì khác biệt. Đáng nói là, còn xen lẫn cả sản phẩm văn hóa của nước ngoài khiến nó giống chương trình tạp kỹ hoặc thuần túy thiên về kinh tế nhiều hơn. Thế nên, đến đâu cũng thấy các lễ hội đêm giống nhau mà thiếu đi sự sáng tạo khác biệt. Cũng có nhà tổ chức dịch vụ văn hóa đêm để tạo điểm nhấn, nhưng đáng buồn là họ trình làng những sản phẩm kém văn hóa. Ví dụ như mùa hè vừa qua ở Quảng Ninh xuất hiện những hoạt động khiêu vũ khoe thân trong lồng kính dưới sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam nếu không muốn nói là hết sức phản cảm, phi văn hóa, tác động không tích cực đến giới trẻ.

Mặt khác, thực tế cho thấy, các dịch vụ tại những khu phố đêm hiện nay đa số mở cửa đến 22 giờ nên chưa phát huy hiệu quả. Trong khi đó, nhu cầu du khách quốc tế vui chơi giải trí sau 22 giờ là rất lớn, mức chi tiêu cho các dịch vụ này cũng rất cao. Đặc biệt, nhiều địa phương đang quá thiếu các chương trình nghệ thuật giải trí đêm được thiết kế, dàn dựng công phu, mang chiều sâu văn hóa.

Vào tháng 7-2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL về “Ban hành đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”. Trong đề án này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, đến năm 2025, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm; hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Trên cơ sở này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kỳ vọng đến năm 2030 sẽ hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến khích các địa phương lựa chọn tài nguyên văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu, có địa điểm khai thác phù hợp và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đêm. Trong đó, mũi nhọn là ưu tiên lựa chọn chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật quy mô lớn, đẳng cấp quốc gia và quốc tế, giàu tính sáng tạo, có tính nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc vùng miền và tinh hoa nghệ thuật thế giới, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Để phát triển kinh tế đêm ở các địa phương mạnh mẽ hơn, từ thực tiễn và nhu cầu của du khách cũng như kinh nghiệm tổ chức của các nước thấy rằng, các địa phương cần có chiến lược đầu tư xây dựng những chương trình văn hóa lớn hơn, có chiều sâu, tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách để làm tâm điểm thu hút khách du lịch. Các sản phẩm đó cần đổi mới và ứng dụng khoa học, nhưng phải thực sự sát với đời sống tâm lý, lao động sản xuất và tâm lý người Việt, mang giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật, nhân văn sâu sắc. Muốn làm được điều đó, ngành văn hóa các địa phương cần đổi mới phương thức tiếp cận công chúng bằng cách quy tụ những tài năng trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, văn học nghệ thuật; đầu tư đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật có chiến lược và chiều sâu, loại bỏ tư duy ăn xổi, chạy theo thị trường.

Kinh doanh sản phẩm văn hóa, tổ chức dịch vụ văn hóa là một dạng đặc biệt của phát triển kinh tế. Nếu kéo được người dân, du khách quốc tế đến với các hoạt động văn hóa bổ ích sau những ngày làm việc căng thẳng thì chắc chắn ngành du lịch vốn được xem là “công nghiệp không khói” sẽ sinh ra vàng, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách quốc gia.

PGS, TS PHẠM LAN OANH