“Kể chuyện” lịch sử bằng ánh sáng

Chưa tới 17 giờ, nhưng Nguyễn Thị Thanh Hải và Trần Hà Huyền Châu, sinh viên năm thứ hai Đại học Quốc gia Hà Nội đã háo hức xếp hàng mua vé tham gia chương trình trải nghiệm đêm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngày mới chân ướt chân ráo lên Hà Nội, Thanh Hải và Huyền Châu đã dành thời gian khám phá nhiều khu di tích lịch sử tại Thủ đô, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long... Nhưng đây là lần đầu tiên hai bạn được trải nghiệm không gian đặc sắc vào ban đêm tại trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

leftcenterrightdel

Con đường "Tinh hoa đạo học" đưa du khách đến tham quan các hạng mục tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: VIỆT TRUNG

Vừa bước chân qua cổng Văn Miếu, Thanh Hải và Huyền Châu cùng đông đảo du khách đã bị hấp dẫn bởi sự huyền diệu nơi đây. Khác với sự tĩnh lặng, bình yên mà du khách từng chiêm ngưỡng ban ngày, tối đến, không gian tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám như khoác lên mình tấm lụa mới khi được thắp sáng bởi những ánh đèn lung linh, nhưng vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng của khu di sản.

Du khách thấy rất thú vị khi 3 giá trị văn hóa cốt lõi của Văn Miếu - Quốc Tử Giám gồm truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và coi trọng hiền tài được truyền tải tinh tế bằng nhiều hình thức mới, trọng tâm là màn trình diễn âm thanh, ánh sáng và công nghệ trình chiếu 3D Mapping hiện đại làm nổi bật chủ đề “Tinh hoa đạo học”.

Theo điệu nhạc du dương dẫn dắt, du khách hòa vào dòng người trên trục đường chính đến tham quan khu Nhập đạo. Trên trục đường từ cổng Văn Miếu đến cổng Đại Trung, 4 từ "Tinh hoa đạo học" được sắp xếp thành hàng dọc, như mở ra con đường dẫn lối du khách khám phá chiều không gian mới. Đây là cuộc trải nghiệm độc đáo, nơi tôn vinh trí tuệ của người Việt.

Hai bên trục đường chính trong khu Nhập đạo là 4 tác phẩm nghệ thuật phù điêu "Tứ linh huấn tử" (bao gồm: Lão Long huấn tử, Kỳ Lân huấn tử, Lão Quy huấn tử và Phượng Hoàng huấn tử) trở nên sống động khi lồng vào khung đỡ hình mái nhà theo kiến trúc truyền thống khắc họa hình ảnh người cha, người thầy đầu tiên đang dạy con về cách sống, ứng xử giúp con từng bước trưởng thành. Đây là yếu tố hình thành nên gia đạo, lần đầu tiên được giới thiệu đến du khách tại khu di tích này.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng truyền thống hiếu học của người dân Việt Nam. Vào ban đêm, giá trị này tiếp tục được thể hiện tinh tế qua các kỹ thuật hiện đại như trình chiếu 3D Mapping trên gốc cây di sản nằm bên trái khu Nhập đạo, những chiếc đèn cá chép vượt Long Môn tượng trưng cho các nho sinh dùi mài kinh sử tại khu Thành đạt...

Vườn bia Tiến sĩ cũng trở nên mềm mại, sống động hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ trình chiếu 3D Mapping tiên tiến. Với cách thức diễn giải "bia đá kể chuyện", bia Tiến sĩ tự giới thiệu những trang sách lịch sử chia sẻ đến du khách về số lượng thí sinh qua mỗi kỳ thi, các dạng bài thi, hay những ân điển mà các vị Tiến sĩ tân khoa thời xưa từng được ban tặng... Những thông tin này trước đây chỉ được thể hiện qua lời kể của hướng dẫn viên vào ban ngày, nay đã được tái hiện bằng nhiều hình ảnh minh họa sống động vào ban đêm.

leftcenterrightdel

Trình chiếu Mapping trên gốc cây di sản ở khu Nhập đạo. Ảnh: VIỆT TRUNG 

Trải qua "bữa tiệc" ánh sáng và sắc màu, du khách đến khu Đại thành sôi động và được trải nghiệm sản phẩm công nghệ thực tế ảo trong không gian giả lập, tái hiện lớp học thầy đồ giúp du khách tự hòa mình vào không gian học đường của những nho sinh ngày xưa. Khu vực này có sự xuất hiện rất đặc sắc của 16 bức hoa văn diềm trên bia Tiến sĩ gắn trên các hàng cột hiên của hai dãy nhà Tả vu và Hữu vu.

Lần đầu tiên, những tác phẩm nghệ thuật này được giới thiệu một cách có hệ thống, truyền tải đến khách tham quan giá trị tạo hình trên bia Tiến sĩ Thăng Long, bên cạnh giá trị tư liệu được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

leftcenterrightdel

Trình chiếu 3D Mapping trên sân Thái học. Ảnh: VIỆT TRUNG

Có lẽ, điểm chạm cảm xúc, đánh thức cảm giác thăng hoa nhất trong trái tim và tâm hồn du khách là màn trình chiếu 3D Mapping mang chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường trên sân Thái học biến thành màn hình khổng lồ, mở ra cánh cửa tiến vào thế giới của những giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt. 

Phim 3D lấy cảm hứng từ những yếu tố đặc trưng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi đạo học của người Việt được chắp cánh và phát triển qua nhiều thế kỷ. Những giá trị tinh hoa đó không chỉ đến từ tinh thần hiếu học, từ gia đạo trong mỗi gia đình mà còn từ tinh thần phấn đấu kiên trì và bền bỉ của mỗi nho sinh trên con đường khai mở tri thức.

Nội dung phim cũng khai thác các biểu tượng linh vật, hình tượng Sao Khuê trên công trình Khuê Văn Các, bia Tiến sĩ Thăng Long, như những phương tiện biểu đạt sự kết tinh và thăng hoa của đạo học Việt Nam. Trình diễn 3D Mapping không chỉ là một trải nghiệm về thị giác mà còn là bức tranh toàn cảnh liên kết, giải thích mọi hạng mục, công trình, hiện vật mà du khách đã được chiêm ngưỡng từ cổng chính vào đến sân Bái Đường. Tất cả những yếu tố này cùng hòa quyện, tạo nên bữa tiệc của ánh sáng, âm thanh, cảm xúc, làm cho chuyến tham quan trở thành một hành trình nghệ thuật, tìm hiểu lịch sử độc đáo, thú vị.

Cách làm sáng tạo trong quảng bá di sản

Từ khi chương trình đi vào hoạt động, ban đêm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở nên sống động hơn bao giờ hết. Nhiều du khách chia sẻ, họ đặc biệt thích thú khi được ngắm nhìn không gian lung linh, huyền ảo của Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ban đêm, đặc biệt là trải nghiệm sáng tạo tác phẩm thư pháp trong không gian giả lập, học viết chữ tại lớp học thầy đồ.

Trong tiếng cười rộn ràng và sự ngạc nhiên, thích thú của du khách, cầm trên tay tác phẩm sau khi tham gia lớp học thầy đồ, bạn Thanh Hải háo hức chia sẻ: “Không gian lớp học thầy đồ cho tôi cảm giác được “xuyên không” trở về quá khứ xa xưa. Được thầy dạy mài mực, viết chữ, dạy lễ nghi thật là một trải nghiệm tuyệt vời”.

leftcenterrightdel

Lớp học thầy đồ thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm. Ảnh: VIỆT TRUNG

Còn anh Animesh Bhaskar, người Ấn Độ cho biết, lớp học thầy đồ đã đem lại cho anh nhiều kiến thức về đạo học, văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Lớp học rất đông, anh phải xếp hàng mới đến lượt được vào học. Những kỷ niệm ấy đối với anh không thể nào quên sau chuyến du lịch tại Việt Nam.

Có thể thấy, những không gian được tái hiện vào ban đêm tại khu di tích đã nâng tầm trải nghiệm của du khách đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Không gian di tích với những hạng mục trải nghiệm mới, những phương pháp trình diễn, giới thiệu hiện đại, phong phú đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ có nhu cầu học hỏi về kiến thức lịch sử, giá trị cổ truyền của người Việt Nam qua nhiều thế kỷ.

leftcenterrightdel

Du khách xem trình chiếu 3D Mapping trên sân Thái học. Ảnh: VIỆT TRUNG 

Sau 3 năm ấp ủ và xây dựng chương trình tham quan về đêm, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong việc làm nổi bật giá trị di sản. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm cho biết, trong tương lai, Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ mở rộng chương trình với nhiều chủ đề mới liên quan đến lịch sử của khu di tích... Tất cả hướng tới việc giới thiệu sinh động, hấp dẫn những giá trị của đạo học Việt Nam và Văn Miếu - Quốc Tử Giám tới du khách, nhất là các bạn trẻ và du khách quốc tế. 

Chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám mở cửa đón du khách từ ngày 1-11-2023 với chi phí tham quan là 199.000 đồng/khách, miễn phí với trẻ em cao dưới 1m. Chương trình mở cửa đón du khách từ 18 giờ 30 phút đến 23 giờ các ngày thứ 4, thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hằng tuần.

HẠ ANH