Trong triết lý giáo dục Việt Nam thời xưa, người dạy, người thầy được coi là trung tâm. Người thầy không chỉ cho học trò cái chữ, làm sáng đầu óc mà quan trọng hơn là mở cho họ cánh cửa ra con đường trau dồi tri thức, nâng cao hiểu biết, dưỡng tâm trong sáng, hướng tới tương lai tốt đẹp, trị quốc, bình thiên hạ, giúp ích cho đời. Thế nên không lạ khi người Việt tôn kính thầy giáo như cha mẹ và dành cho thầy chỗ đứng trang trọng trong tâm khảm. Bằng chứng là bất cứ người Việt Nam nào cũng ghi lòng tạc dạ những câu ca dao, tục ngữ kính trọng người thầy: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”; “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy”...
Trong lịch sử Việt Nam, nhiều nhà giáo để lại tiếng thơm muôn đời, nổi bật nhất là dạy học trò hướng tới sự sáng tạo. Tiêu biểu như thầy Chu Văn An (1292-1370) được lưu danh là “ông tổ của đạo Nho ở Việt Nam”. Hay thầy giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), một danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn, một bậc hiền triết, nhà tiên tri đại tài, một nhà giáo vĩ đại, bậc sư biểu được người đời tôn vinh, ngưỡng mộ gọi là “Tuyết giang phu tử”. Trong mấy chục năm dạy học, thầy dồn hết tâm huyết đào tạo nhiều trí thức lớn cho đất nước như: Phùng Khắc Khoan, Lý Hữu Khánh, Nguyễn Quyện...
Trong những người thầy tôn kính, luôn khuyến khích học trò học tập sáng tạo phải kể đến thầy giáo Lê Quý Đôn (1726-1784). Ông là người học rộng, tài cao, am thông tự nhiên, địa lý, khoa học xã hội, văn chương, sử học... Thầy cũng đã nêu lên một số ý kiến về phương châm học tập, chủ trương học phải biết nắm lấy cái chính: “Không thể vu vơ theo việc ngọn ở ngoài mà không tìm tòi đến chỗ gốc ở trong. Nếu không thể mà cứ vật gì cũng xét cho đến cùng, cho đủ cả thì chẳng hóa ra vì đường có nhiều lối rẽ mà đến nỗi lạc mất dê ư?”. Thầy căn dặn rằng học hành phải có óc suy luận, không chỉ phụ thuộc vào sách vở: “Sách không hết lời, lời không hết ý... Phải hiểu ngầm ý của thánh nhân ở ngoài lời sách mới được” (Dịch kinh phu thuyết).
Công tác trong ngành giáo dục mấy chục năm, tôi thấy nghề giáo thời nào cũng vất vả. Đặc biệt trong thời bao cấp, giáo viên vừa dạy học vừa chạy ngược chạy xuôi kiếm sống, nuôi gia đình. Ở vùng nông thôn quê tôi, cô giáo làm hàng xáo, mua thóc của nông dân sau đó xay xát rồi mang gạo đi bán kiếm lời, lấy cám để nuôi lợn. Thầy giáo thì trồng trọt, chăn nuôi để có đồng ra đồng vào nuôi vợ con.
Nhưng lạ là dù khó khăn, các thầy cô vẫn say với nghề và nêu gương trong sáng trước học trò. Tôi đã chứng kiến nhiều thầy cô dành thời gian để phụ đạo cho những học sinh yếu kém mà không lấy tiền. Ngày Tết, học trò rủ nhau đến thăm thầy cô với nghĩa cử trong sáng, thêu dệt nghĩa thầy trò cao đẹp.
Từ năm 1995 trở lại đây, kinh tế-xã hội phát triển nên giáo viên được sống với nghề đúng nghĩa. Nhiều thầy, cô giáo đã không phải làm các việc phụ để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống như giai đoạn trước. Trong điều kiện xã hội chuyển đổi, hướng mạnh sang xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời thì vai trò của người thầy trong thực hiện triết lý giáo dục gồm 6 mục tiêu cơ bản do các nhà khoa học nghiên cứu đề xuất: Học (để) làm việc, học (để) sáng tạo, học trung thực, học làm người, học chung sống, học (để) tổ chức càng trở nên quan trọng hơn.
Các giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo đã tích cực khắc phục khó khăn, gồng mình vượt qua thiếu thốn về cơ sở vật chất dạy học để đưa con chữ đến với học trò các thôn, bản. Họ thực sự là những người đưa đò thầm lặng, giúp người học bơi trên dòng sông tri thức, không ngừng hoàn thiện nhân cách, tích lũy và đem tài giúp nước.
Bên cạnh đại đa số giáo viên tâm huyết, tự hào, cống hiến, hy sinh với nghề thì vẫn có những giáo viên lợi dụng công việc dạy học để làm những điều sai trái, vụ lợi cá nhân. Hiện tượng đáng buồn đó là việc một số giáo viên gợi ý hoặc tác động, khiến học sinh buộc phải học thêm. Việc học thêm, dạy thêm cứ thế lan ra, trở thành căn bệnh ngày càng trầm kha, chưa có giải pháp chữa trị cho dù những quy định về dạy thêm, học thêm đã được ban hành. Nếu trước đây, chỉ khi nào thi chuyển cấp, thi vào đại học học sinh mới học thêm thì ngày nay, học sinh học thêm có khi nhiều gần bằng học chính khóa. Thầy, cô giáo ở các trường phổ thông cũng vì thế mà bận hơn. Ngoài giảng dạy trên lớp, rồi tất tả với các hoạt động phong trào, bề nổi mang nặng tính hình thức, giáo viên còn dạy thêm ở trường, ở trung tâm, ở nhà...
Người làm nghề giáo hiện nay cũng chịu nhiều áp lực từ công tác quản lý giáo dục, đặc biệt là những ảnh hưởng từ “bệnh thành tích”, “bệnh phong trào”, “bệnh đối phó” ở cả người học, phụ huynh và nhà quản lý, khiến cho bệnh giả dối ngày càng nguy hại. Bệnh này làm cho môi trường giáo dục vốn mang đặc trưng văn hóa cao bị nhuốm bẩn bởi vấn nạn học giả bằng thật, nạn quay cóp trong thi cử ở bậc phổ thông; việc sao chép, thuê viết tiểu luận, luận văn, luận án ở bậc đại học và sau đại học.
Cách đây hơn 200 năm, ở thế kỷ XVIII, nhà giáo Võ Trường Toản, người thầy đầu tiên của đất Nam Bộ nổi tiếng "học rộng, có tài thao lược và đức hạnh hơn người" đã nói đến trách nhiệm và vai trò của người làm nghề giáo, đó là: “Lương sư hưng quốc”. Theo đó, nhà giáo phải là những lương sư với những đặc điểm hiền lành, tốt bụng, có phẩm chất đạo đức, có tài trí, khéo, giỏi trong nghề nghiệp giảng dạy thì mới cho ra các thế hệ học trò tài năng, đạo đức trong sáng, góp trí tuệ, công sức xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.
Để đạt được mục tiêu đó, tôi nghĩ trong điều kiện khoa học-công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các giáo viên, giảng viên dù dạy học cho đối tượng nào cũng phải thường xuyên trau dồi kiến thức và rèn luyện phẩm chất đạo đức trong sáng. Muốn là một “kiến trúc sư trí tuệ”, góp phần đào tạo ra thế hệ tương lai tài năng cho đất nước thì mỗi người thầy cần có phẩm chất đạo đức trong sáng, có sức thu hút và lan tỏa tới học sinh, sinh viên. Nghề nghiệp đòi hỏi người thầy không ngừng rèn luyện, hoàn thiện nhân cách, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tránh xa chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi. Người thầy cần ứng xử chuẩn mực với cấp trên, đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh, phù hợp với xu thế xây dựng xã hội văn minh. Đặc biệt, người thầy phải thường xuyên bồi đắp lòng nhân ái, tự trọng nghề nghiệp để trở thành tấm gương mẫu mực cho người học noi theo.
Người thầy cần không ngừng rèn luyện, trau dồi tri thức, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghề nghiệp, phấn đấu liên tục để trở thành nhà nghiên cứu ứng dụng, giải quyết vấn đề của thực tiễn xã hội, thực tiễn nhà trường thông qua nhuần nhuyễn các kỹ năng: Soạn phiếu phỏng vấn, tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng hồ sơ đối tượng dạy học; thường xuyên đổi mới phương pháp phù hợp với đối tượng trên cơ sở nhu cầu, đặc điểm đối tượng dạy học để có các bài giảng sinh động, hấp dẫn. Ở các cấp học, đối tượng giáo dục khác nhau, người thầy cần khơi gợi, định hướng họ vào tự học, tự nghiên cứu. Đối với cấp học đại học, trung học chuyên nghiệp, người thầy cần chú trọng đến phương pháp tự làm các bài luận, giúp người học khái quát, đánh giá và đưa ra những giải pháp giải quyết vấn đề khả thi.
Người thầy phải có năng lực giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học. Thầy giáo không chỉ đánh giá chính xác, công bằng, khách quan kết quả học tập của học sinh mà còn phải hình thành cho các em khả năng tự đánh giá bản thân và đánh giá lẫn nhau. Muốn vậy, thầy giáo phải nắm vững và biết phối hợp các phương pháp, kỹ thuật kiểm tra, đánh giá.
Giáo dục là một lĩnh vực tôn nghiêm, cao quý và mang đặc trưng văn hóa xã hội, văn hóa dân tộc rất sâu đậm. Tôi nghĩ rằng, ngoài các tiêu chí trên, để trở thành giáo viên, giảng viên giỏi, mỗi người thầy cần sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với danh dự nghề nghiệp và xã hội. Các nhà giáo cần thấu cảm với học trò, thấu cảm với khó khăn của phụ huynh để dưỡng tâm, dưỡng tính, hoàn thành sứ mệnh người đưa đò trên dòng sông tri thức. Đó chính là cách tốt nhất để sứ mệnh “lương sư hưng quốc” cao cả được đời đời kính trọng.
Thạc sĩ NGUYỄN THỊ DƯ