Cổng làng của người Việt được xây dựng cùng với quá trình khai thôn, lập ấp và phát triển mà thành. Đó có thể là sản phẩm của tập thể người dân sinh sống trong làng quyên góp, bỏ công sức xây dựng mà nói như thời nay là sản phẩm của xã hội hóa. Nhưng cổng làng cũng có thể là sản phẩm của một người, một gia đình tài trợ tiền, vật liệu để xây dựng. Cổng làng có vai trò làm cột mốc phân chia địa giới hành chính giữa các làng, đồng thời mở ra khu đất thổ canh của làng đó. Cổng làng thường mở vào buổi sáng để người dân đi làm và đóng khi tối lặn mặt trời, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, làng có thể chỉ có một cổng duy nhất nhưng cũng có làng dựng hai cổng, gồm có cổng tiền và cổng hậu (cổng trước và cổng sau). Cổng tiền thường hướng về phía Đông Nam, hướng của mặt trời mọc, hướng của gió lành, thể hiện ước vọng về sự sinh sôi, tươi tốt. Cổng hậu, thường hướng về phía Tây, hướng mặt trời lặn nhằm tiễn đưa những vướng bận, u sầu, không may mắn. Cánh cửa ấy mở ra mỗi sớm, với hy vọng mang về phúc lộc và niềm vui... Tùy vào điều kiện kinh tế và những lý do khác nhau mà cổng làng có kiến trúc khác nhau. Có cổng làng có cửa gỗ hai cánh hoặc có cổng làng có cửa phụ hai bên. Nhưng cũng có cổng làng không có cánh cửa.

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHÙNG MINH

Có nhà nghiên cứu văn hóa từng nhận định, cổng làng là biểu tượng của văn minh lúa nước bởi nó là bộ mặt của làng. Người xưa có câu, "Nhà có nóc, làng có cổng". Cổng làng chính là vật chuẩn đầu tiên để mọi người nhận dạng về nơi mình sinh sống. Cổng làng mở ra những quy định, những hương ước, phong tục, tập quán với những đặc trưng khác biệt của từng làng, nhằm bảo đảm cho người dân được sống thanh bình, sinh sôi phát triển.

Nếu tìm hiểu kỹ, cổng làng ẩn chứa rất nhiều thông tin, cả về kinh tế, văn hóa và thậm chí là lề thói, tập quán sinh hoạt. Khi nhìn vào cổng làng cổ kính, bề thế và nhiều hoa văn sẽ cho ta biết làng quê này từng có đời sống kinh tế khấm khá. Những làng giàu, làng khoa bảng, làng nghề... tất cả cái hay cái đẹp đều được các vị túc nho viết thành những đại tự. Câu đối hay những hoa văn, hình ảnh được phác họa trên cổng làng thường có nội dung nói về truyền thống tốt đẹp, thanh cao của làng hoặc những lời răn dạy đạo lý để con cháu của làng đi về, đọc trên đấy để mà hiểu... Cổng làng luôn mang đến cảm giác bình yên, thân thương, tạo ra những giá trị hữu hình, vô giá và bất biến trước thời gian.

Xưa nay, trong các nhà thơ Việt Nam chuyên chú viết về làng quê thì thi sĩ Bàng Bá Lân có nét riêng đặc biệt. Có lẽ, ông là người đầu tiên viết về cổng làng, một biểu tượng văn hóa ít được các thi sĩ chú ý và khai thác. Cổng làng trong bài thơ cùng tên của Bàng Bá Lân hiện lên sinh động và là trung tâm trong các hoạt động của người dân làng quê. Nhà thơ đưa hình ảnh chiếc cổng làng đến với độc giả vào thời điểm buổi chiều, khi bao người rời đồng ruộng, từ nơi khác trở về trên con đường quê quanh quất: Chiều hôm đón mát cổng làng/ Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi. Buổi sáng, cổng làng trong thơ Bàng Bá Lân sinh động nhờ vệt nắng mai nhen nhóm: Sáng hồng lơ lửng mây son/ Mặt trời thức giấc véo von chim chào/ Cổng làng rộng mở. Ồn ào/ Nông phu lững thững đi vào nắng mai. Nhà thơ đặc tả hoạt động của con người và thời tiết mà chiếc cổng làng là trung tâm khiến độc giả, đặc biệt là những người sinh ra ở làng quê, tâm hồn luôn đau đáu với tuổi thơ gian khó đọc một lần sẽ nhớ mãi: Cổng làng vài chị gái non/ Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm... Những khi gió lạnh mưa buồn/ Cổng làng im ỉm bên đường lội trơn.

Đối với mỗi người, cổng làng in đậm các kỷ niệm. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hưởng ứng chủ trương xây dựng, phát triển kinh tế mới, cuối thập niên 1970, bác tôi vào Lâm Đồng sinh sống cho đến nay. Khi về già, bác tôi luôn đau đáu, tự hào về chiếc cổng làng. Bác kể, cổng làng mình đẹp nhất trong các làng. Ngày bé bác thường cùng các bạn đồng trang lứa ra cổng làng chơi trò trốn tìm. Sau ngày lập nước, khi phong trào bình dân học vụ phát triển, muốn đi ra ngoài, người trong làng phải đọc được chữ do những người có học viết trên bảng đặt tại cổng làng thì mới được bước ra khỏi cổng. Trước đây, hằng năm, bác đều được các con đưa về quê thăm người thân, thăm làng, thăm cổng. Mấy năm gần đây, do sức khỏe yếu, không đi lại được nên mong ước được nhìn thấy chiếc cổng làng trong bác càng quay quắt. Khi biết chiếc cổng làng đã bị phá bỏ và xây mới hiện đại, bác tôi rất buồn.

Cổng làng mang giá trị văn hóa đặc biệt với mỗi người, với xã hội nông nghiệp lúa nước là vậy, nhưng đáng buồn là nó đang bị mai một và thậm chí có nơi bị mất đi. Quá trình phát triển, đặc biệt là sau khi mở rộng địa giới hành chính, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, đường làng được mở rộng, được bê tông hóa và trải thảm nhựa khiến cho những chiếc cổng làng xưa cũ trở lên nhỏ bé, mờ nhạt. Do không cân xứng, do không thuận tiện với việc đi lại, người ta đã nâng cấp cổng làng hoặc phá bỏ đi xây mới bằng chủ trương xã hội hóa. Những chiếc cổng làng uy nghi, rêu phong khi xưa với đường nét cong cong uốn lượn mềm mại được thay bằng những cột bê tông và đường nét vuông thành sắc cạnh, được phủ lên những màu sơn sáng lóa, mịn màng.

Hầu hết cổng làng được xây dựng trên nền diện tích lớn hơn nhằm thuận lợi cho người dân trong việc đi lại đã làm mất đi nét văn hóa cổ xưa. Những cổng làng như thế không mang lại điều gì ngoài độ hoành tráng cho làng. Có nơi chưa coi trọng đúng giá trị văn hóa của cổng làng, chỉ làm cổng sơ sài bằng sắt, được vài năm thì bị hoen gỉ rồi bỏ. Có những làng thì làm cổng theo lối đóng hộp, chạy đèn LED ở trên hoặc rập khuôn giống hệt nhau không có đặc trưng của làng. Trong thực tế cũng thấy, có làng sẵn điều kiện kinh tế thì huy động vốn, xây dựng cổng làng bằng những khối đá xanh chạm khắc rồng phượng rất quy mô. Thậm chí có những địa phương khẳng định sự giàu có bằng cách xây dựng cổng làng với kiểu dáng mang nét kiến trúc châu Âu hết sức bề thế, đã tạo sự chú ý đối với nhiều người mỗi khi đến chơi, làm ăn hay đi qua. Hiện nay, chúng ta không khó để bắt gặp những cái cổng làng to, hoành tráng treo chữ “làng văn hóa...” và bên dưới ghi khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hiện diện khắp mọi miền đất nước.

Việc xây dựng của người dân nước ta, nhất là với các công trình của hộ gia đình hoặc công trình do người dân trong một địa phương chủ trì thường được tiến hành rất không chuyên nghiệp mà thay vào đó là cách làm tự phát, theo kiểu phong trào, không có thiết kế kiến trúc. Bằng chứng là, ở làng quê, khi có điều kiện xây nhà mới, người dân đi xem hết công trình này đến công trình khác, thấy hợp mắt là tổ chức xây cho giống là được mà ít khi đưa ra ý tưởng và thuê hoặc nhờ kiến trúc sư thiết kế, thể hiện trên bản vẽ. Xây dựng cổng làng cũng vậy, thấy cổng làng A, làng B, làng C đẹp là bắt chước và xây theo. Có người tinh nhạy hơn thì copy ưu điểm của tất cả cổng làng đã gặp để cho ra cái cổng của riêng làng mình. Thế nên, cổng làng xây xong thường chẳng cân đối, hài hòa. Do dân số tăng nhanh, nhiều địa phương có chủ trương giãn dân, quy hoạch đất ở vượt cổng làng xây trước đó vài năm. Đất phân lô, nhà ống cao tầng mọc lên san sát khiến cái cổng lọt hỏm và chẳng còn tác dụng gì, chỉ chờ phá bỏ xây cổng mới. Ngoài cổng làng, nhiều địa phương còn xây cả cổng ngõ bề thế. Nhiều gia đình có điều kiện, thiết kế cổng nhà to lớn, rộng rãi choán cả một khu đất khiến hình ảnh làng quê Việt Nam không còn dáng vẻ thuần khiết.

Hiện nay, chưa có văn bản, quy định nào của Nhà nước quy định việc bảo tồn cổng làng ngoại trừ cổng làng nằm trong quần thể di tích. Đặc biệt, cũng chẳng có quy định nào về xây dựng đề cập đến vấn đề xây mới cổng làng. Thế nên, tình trạng trăm hoa đua nở trong xây cổng làng cứ mặc nhiên tồn tại. Cổng làng mới xây có cái mang lại giá trị thẩm mỹ, làm đẹp hơn làng quê, và tạo ra điểm nhấn thu hút sự chú ý của mọi người. Tuy nhiên, rất nhiều cổng làng xây mới chỉ mang tính chất khoe mẽ, có tính chất “trưởng giả học làm sang”, chưa phù hợp với tổng thể kiến trúc làng quê.

Đô thị hóa đã trở thành xu thế trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, đô thị hóa cũng là một cuộc đua không có hồi kết và cho ra những công trình kiến trúc với hình khối, đường nét và kiểu dáng hết sức đa dạng, trong đó có chiếc cổng làng khiến bộ mặt làng quê thay đổi. Những chiếc cổng làng mới trong thời hiện đại đã khiến cho những người xa quê thổn thức mỗi khi hoài niệm về cổng làng.

Tìm ra chiếc cổng làng uy nghi, rêu phong và cổ kính lại phù hợp với làng trong thời hiện đại ngày nay quả là khó khăn!

PHẠM THỊ HOÀNG OANH