Đậm tình làng nghĩa xóm

Ngày còn bé, tiếng là dân Thủ đô nhưng tôi và chúng bạn nào biết cỗ Tết là gì. Nhà đứa nào sang thì có con gà, dăm ba lạng thịt bò, đôi cân thịt lợn, ít miến, bóng, su hào, khoai tây chuẩn bị cho vài ba mâm cỗ ngày Tết. Còn đúng ra, như trong trí nhớ, bố mẹ chúng tôi làm công nhân viên nhà nước, mỗi lần Tết đến là một lần lo bạc mặt. Thường thì chỉ có dăm ba chiếc bánh chưng, con gà, cành đào bé, cây quất xinh, bánh pháo đón Tết.

Cái ngày xa xưa đó tuy nghèo, nhưng Tết sao mà vui, nghĩa tình. Người ta sống với nhau bằng cái tình đậm đà, chân chất. Những ông bố chia nhau từng bánh pháo, cân măng khô đi công tác có được. Các mẹ thì í ới nhau sang vườn nhổ tạm ít su hào, bắp cải, chia nhau lạng miến về chuẩn bị cỗ bàn.

Bọn trẻ con vui với nhau bánh pháo tép, pháo dây, cứ vê đoạn pháo dây rồi lấy búa gõ liên hồi, tiếng nổ thơm thuốc pháo dễ tưởng vẫn còn vương vất trong trí não chúng tôi. Rồi quần áo mặc đón năm mới lỡ có thủng túi, rách túi cũng chả đứa nào lo vì bố mẹ làm gì có tiền.

leftcenterrightdel
 Một mâm cỗ cổ truyền của người Hà Nội.Ảnh: HÀ THÀNH

Nhưng thôi, nói về mâm cỗ Tết chuẩn của người Hà Nội trước cái đã. 4 bát, 8 đĩa hay 4 bát, 6 đĩa là tùy vào gia chủ. 4 bát thường là măng nấu móng giò, bóng thả, miến, canh su hào hoặc khoai tây. Nhà nào có của ăn của để sẽ có thêm bát gà tần, chim tần, cỗ như vậy thực là sang. “4 bát tượng trưng cho 4 mùa”, ấy là tôi nhớ bà ngoại từng có lần bảo thế. Bà ngoại mất đã bốn mùa Tết.

Không biết có phải vắng ngoại mà Tết nhất, mỗi khi về bên đằng nhà mẹ (ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám), tôi thấy không khí kém vui hơn hẳn. Măng khô ngày Tết nếu không phải do các đức lang quân cẩn thận đi công tác tranh thủ kiếm về, thì hẳn là được các bà, các chị đặt trước từ xứ Thanh. Ngâm kỹ, luộc kỹ, xé càng nhỏ càng tốt, bát canh măng ăn nóng bỏng miệng, sợi măng vừa giòn, vừa mềm, thoảng mùi đất rừng, phảng phất mùi thơm của miếng thịt lợn to béo, nghĩ đến đã thèm.

“Còn 6 đĩa hay 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc phát tài”, cái này tôi nhớ nghệ nhân Ánh Tuyết bảo thế, thường là: Đĩa thịt gà, đĩa thịt lợn (luộc, quay, rán), đĩa giò lụa, đĩa chả quế, đĩa thịt đông, đĩa cá kho, đĩa nộm, đĩa nem rán. Món tráng miệng có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho. Tuy là nhiều món nhưng mỗi món chỉ bày vào một bát hay đĩa nhỏ, giúp mâm cỗ ngày Tết vừa đa dạng, đủ vị lại đẹp mắt.

Mâm cỗ kính báo tổ tiên, báo hiếu ông bà

Ẩm thực Hà Nội vốn tinh tế, đa dạng, người Hà Nội, nhất là dân trên phố cổ lại trau chuốt, tỉ mỉ, có lẽ vì thế mâm cỗ ngày Tết không thể qua loa được. Có thể đơn giản với con cháu nhưng còn tổ tiên thì rất cẩn thận, chu toàn. Hơn nữa, vất vả quanh năm, ngày Tết cũng nên có cỗ bàn tinh tươm, vừa là báo hiếu ông bà, vừa là để gia đình mát mặt với bà con hàng xóm, họ hàng. Bởi vậy, cũng đừng ngạc nhiên khi sự chế biến các món ăn lại cầu kỳ đến vậy. Những món ăn ngày Tết luôn thiêng liêng hơn ngày thường rất nhiều, nhất là với những người con sống ở đất Hà thành, nơi hội tụ rất nhiều tinh hoa văn hóa dân tộc và vùng miền.

Đến đây, chúng tôi lại nhớ lời nghệ nhân Ánh Tuyết, người nấu cỗ Tết nổi tiếng trên phố cổ Hà Nội chia sẻ: “Ngày xưa, mâm cỗ Tết thường tròn đầy với nhiều món, còn bây giờ chỉ có một bát canh; thậm chí các bạn trẻ có khi chỉ cần một nồi lẩu là xong. Bởi vậy, mâm cỗ Tết không có tiêu chí gì bắt buộc, chỉ cần lòng thành với tổ tiên, ông bà là chính. Cuộc sống bây giờ cũng đầy đủ, thức ăn không giống như ngày xưa chỉ có giỗ Tết mới có những món ăn kể trên nên lớp trẻ hầu như chế biến món nhanh, không cẩn thận, cầu kỳ như trước nữa. Với lứa tuổi của chúng tôi vẫn có sự kỹ càng hơn, có món nọ, món kia như giò, nem, ninh, mọc, những món để tìm đến ký ức ngày xưa, những món gắn với tuổi thơ thấy gần gũi”.

Niềm vui trông nồi bánh chưng

Lời tâm sự của nghệ nhân Ánh Tuyết khiến chúng tôi lục tìm về ký ức tuổi thơ, để nhớ về món ngon một thời ngày Tết của gia đình. Nhưng chịu, khó nhớ và có đứa không muốn nhớ. Ví như nhà tôi, cỗ Tết chả có gì. Giữa năm, mẹ thủ thỉ bảo tôi chịu khó nuôi mấy con gà, con ngan để Tết nhà có cái mà ăn. Thành ra, mâm cỗ ngày Tết nhà tôi thường có món gà luộc, ngan nấu đông, canh măng, canh miến. Su hào, bắp cải trồng sẵn ngoài vườn nên rau ngày Tết phụ thuộc vào vườn sau nhà, có rau gì gia chủ và khách dùng món đó.

Nhà mấy đứa bạn tôi cỗ bàn cũng đơn giản. Hiếm thấy đứa nào khoe có gà tần, chim tần, chả quế. Nếu có là giò bò, giò lợn gia đình tự làm, thêm nồi cá kho nữa. Gia đình nào không may có con gà nuôi để dành cúng Giao thừa lỡ bị trúng gió lăn đùng ra chết, thì chủ nhà một là cúng bằng ngan, hai là kiếm chân giò về cúng đêm 30 cũng được. Lại lan man chuyện nuôi ngan, gà. Tới phiên chợ Bưởi (luôn là 19 tháng Chạp), kiểu gì mẹ cũng giục tôi mang ngan, gà lên chợ bán.

Bán vào phiên 19 âm luôn được giá, vì các gia đình có điều kiện thường đi sắm Tết sớm. Phiên 24 âm thường là công nhân viên chức đi sắm; còn như phiên 29 âm sát Ba mươi Tết đa phần người đi chợ Bưởi là lao động nghèo. Nhưng phiên này hay ở chỗ thường có thêm thịt trâu, thịt bò, hai là cũng có khách sộp đi chợ, kiểu bác thợ mộc bán được bộ bàn ghế, giường tủ cuối năm, người trồng đào, quất được giá trên Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng, Quảng Bá đi chợ mặt hớn hở ai cũng rõ.

Ngày chúng tôi học THPT (niên khóa 1993-1996), thì Hà Nội vùng nào tôi không biết chứ khu vực Giảng Võ, Ngọc Khánh, Kim Mã vẫn còn thiếu ăn lắm. Tiền bán được con ngan, con gà mang về cũng chỉ đủ giúp mẹ tôi lo được nồi bánh chưng khiêm tốn.

Nói đến Tết thì chúng tôi không thể nào quên được kỷ niệm cùng nhau canh nồi bánh chưng. Nhà đứa nào có khoai tây thì lén lấy trộm, cộng thêm chút khoai lang đào ở ruộng (hồi xưa khu Kim Mã, Giảng Võ ruộng trồng rau muống, rau lang nhiều lắm) mang về vùi vào than, vào trấu, vào rơm mà nướng. Vui vô cùng luôn. Cặp nào mà thích nhau nữa đúng là nhất; nhìn ánh mắt chúng nó quan tâm, lo lắng cho nhau bên bếp lửa bập bùng, nhường cho nhau miếng khoai cháy đen thui thơm lừng là biết ngay. Lúc đấy đứa nào còn “cô đơn” cũng mừng cho cái cặp đôi kia, rồi tự động viên bản thân cứ phải học đi cái đã, mùa Tết sau tính tiếp.

Đứa con gái nào khéo tay sẽ tranh thủ vừa trông nồi bánh chưng, vừa mang quả dưa hấu ra chạm khắc chữ “lộc”, chữ “phúc”, khiến bọn con trai phục sát đất. Còn các bà, các mẹ mỗi lần đổ thêm nước vào nồi bánh chưng, mắt lại liếc nhìn đứa con gái khéo tay đang mím môi khắc chữ, hẳn ao ước giá như con bé kia sau này về làm dâu nhà mình thực là phúc đức biết bao.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Xã hội bây giờ khác xưa, các gia đình có điều kiện hơn, người ta chú ý nhiều đến lễ nghĩa cũng bởi phú quý hơn. Còn như chúng tôi, có được cái hẹn ngày Tết quả là ý nghĩa vô cùng. Cỗ bàn làm chi cho cầu kỳ, nói như nghệ nhân Ánh Tuyết quả không sai, đám thanh niên cứ làm nồi lẩu cá, lẩu ốc hay lẩu riêu cua vừa nhanh, vừa ngon. Phải tranh thủ thời gian ngày Tết chứ.

 Nghệ nhân Ánh Tuyết cho hay: “Trong mâm cỗ Tết xưa của người Hà Nội luôn chứa đựng sự nhẹ nhàng, thanh tao và tinh tế. Các cụ xưa ăn là cả một nghệ thuật nhâm nhi, thưởng thức nên trên mâm cỗ Tết thường bày những đĩa nhỏ, đĩa trung bình để nói lên sự nhẹ nhàng, gọn gàng trong sinh hoạt hằng ngày”.

MINH MINH