Một ngày cuối năm Giáp Thìn, tôi về lại xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) cảm nhận sự nhộn nhịp của người dân chuẩn bị đón Xuân Ất Tỵ 2025. Không khí này không khác so với hồi tháng 4-2024. Khi đó, dù nắng nóng nhưng mọi người đều hối hả đẩy nhanh tiến độ cho kịp hoàn thành và bàn giao các công trình, phần việc để đón “Tết quân-dân” mừng Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer.

Trung tá Đỗ Văn Chung, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Cầu Ngang cho biết: “Xã Nhị Trường có hơn 80% dân số Khmer sinh sống. Để chuẩn bị chu đáo mọi mặt, chúng tôi vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện, kể cả ngoài tỉnh hỗ trợ tiền, hiện vật; chủ yếu là các hoạt động an sinh xã hội, góp phần cùng địa phương sớm đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Tuy lần đầu tổ chức nhưng rất bất ngờ và phấn khởi khi nguồn lực đóng góp vượt kế hoạch đề ra”. Từ nguồn vận động hiện vật và kinh phí hơn 13 tỷ đồng, Ban CHQS đầu tư xây dựng 7 cây cầu; làm một tuyến đường nông thôn; lắp đèn chiếu sáng; xây mới và sửa chữa 3 nhà hỏa táng. Đồng thời, vận động nhân dân đối ứng đất, cây xanh để xây dựng đường nông thôn, trụ sở nhà văn hóa ấp, trồng hoa và vệ sinh các tuyến đường. Ngoài ra còn trao hơn 1.000 suất quà tặng đối tượng chính sách, hộ khó khăn; trao 12 xe đạp, 10 góc học tập và 20 suất học bổng tặng học sinh nghèo học giỏi; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí...

Anh Thạch Hòa, ngụ tại xã Mỹ Hòa, là một trong 6 gia đình trên địa bàn huyện Cầu Ngang được tặng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đại đoàn kết”. Anh Hòa xúc động kể: “Tôi có vài công đất trồng rau xanh chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày nên chưa đủ điều kiện cất nhà kiên cố. Hồi đó nhà lá tạm bợ, mùa nắng thì nắng chiếu vô nhà, mùa mưa thì dột tạt, èo uột lắm. Chol Chnam Thmay năm nay, tôi rất mừng khi được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang, không còn lo mưa nắng nữa”.

Bên cạnh các hoạt động văn nghệ, thể thao, Ban tổ chức thi gói và nấu bánh tét nhằm quảng bá làng nghề phát triển mạnh mẽ hơn; đồng thời, làm quà tặng các cô, chú người Khmer lớn tuổi, neo đơn trên địa bàn đón Tết. Bánh tét Trà Cuôn là đặc sản không thể thiếu ở mảnh đất Cầu Ngang, nổi danh từ năm 1970 và được công nhận làng nghề truyền thống năm 2011. Mỗi năm, 7 cơ sở sản xuất ở đây sản xuất hơn 255.000 đòn bánh tét. Cuối năm 2023, bánh tét Trà Cuôn còn đạt Kỷ lục châu Á về ẩm thực và quà tặng đặc sản của Việt Nam.

Hòa vào không khí rộn ràng của đồng bào, đồng chí Thạch Thị Thu Hà, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, vui mừng chia sẻ: “Có thể khẳng định, các hoạt động “Tết quân-dân” đã hỗ trợ không nhỏ công tác an sinh xã hội cho xã Nhị Trường nói riêng và huyện Cầu Ngang nói chung trong lúc kinh phí ngân sách nhà nước còn khó khăn. Nhờ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân góp phần chăm lo, chia sẻ, giúp cuộc sống bà con Khmer tươm tất hơn. Qua đó, giáo dục, nhắc nhở thế hệ trẻ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp bước cha anh xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Đặc biệt, thông qua đó càng gắn kết tình cảm quân-dân; thể hiện rõ nhất là bà con hưởng ứng và ủng hộ nhiệt tình. Thiết nghĩ, mô hình này cần nhân rộng trong thời gian tới”.

Về huyện Cầu Ngang đón Chol Chnam Thmay, tôi nhớ “Tết quân-dân” mừng Sene Dolta do Ban CHQS huyện Cầu Kè phối hợp xã Hòa Ân tổ chức tháng 10-2023. Đây không chỉ là địa phương đầu tiên của tỉnh Trà Vinh mà còn cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thí điểm mô hình này. Hòa Ân có hơn 65% đồng bào Khmer sinh sống; kinh tế chủ yếu trồng lúa và cây ăn trái. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm hơn 69 triệu đồng. Toàn xã còn 19 hộ nghèo (chiếm 0,78%), trong đó có 8 hộ Khmer. Ban CHQS huyện tham mưu chọn xã Hòa Ân tổ chức “Tết quân-dân” mừng Sene Dolta thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và LLVT.

Hơn hai năm trước, chồng bà Nguyễn Thị Nhất (dân tộc Khmer), ngụ tại ấp Bà My không may qua đời; các con ở xa, kinh tế cũng khó khăn. Hằng ngày, bà Nhất đi làm thuê, chưa có điều kiện sửa chữa ngôi nhà lá. Chia sẻ hoàn cảnh, Ban tổ chức “Tết quân-dân” không chỉ xây tặng bà Nhất “Nhà tình thương” trị giá 40 triệu đồng mà còn thường xuyên kiểm tra tiến độ thi công để kịp bàn giao dịp Sene Dolta. Ngoài bà Nhất, 9 gia đình khác cũng phấn khởi đón Sene Dolta trong những căn “Nhà tình nghĩa”, “Nhà nhân ái”, “Nhà tình thương”, “Nhà đại đoàn kết”. Sự vững chắc của mỗi ngôi nhà sẽ tiếp thêm động lực cho các hộ nghèo vươn lên trong sản xuất, ổn định cuộc sống.

leftcenterrightdel
Lực lượng vũ trang cùng người dân thi giã cốm dẹp “Tết quân-dân” mừng Sene Dolta tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: TRUNG KIÊN

Qua câu chuyện với Thượng tá Đỗ Vũ Cường, khi đó là Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Cầu Kè (nay là Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh), chúng tôi được biết thêm, Ban CHQS huyện đã huy động sự chung tay của các tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 4,8 tỷ đồng.

Trong đó xây dựng một tuyến đường đan và 3 cầu bê tông tạo thuận lợi đi lại mùa mưa, vận chuyển hàng hóa cho người dân; lắp 210 trụ đèn năng lượng mang ánh sáng đến từng xóm ấp, từng mảnh đời còn khó khăn. Thời gian qua, Ban CHQS cũng phối hợp với Bệnh viện Quân y 120 (Cục Hậu cần Quân khu 9) khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 600 người dân; huy động hơn 1.000 ngày công phát quang bụi rậm và trồng hoa trên các tuyến đường khoảng 30km; tặng hơn 5.600 suất quà và 9,6 tấn gạo; trao 150 suất học bổng và 20 xe đạp tặng học sinh nghèo hiếu học; mổ cườm mắt 138 trường hợp; mua 950 bảo hiểm y tế... cho đối tượng chính sách, hộ nghèo là người dân tộc Khmer.

Trong hai ngày cao điểm “Tết quân-dân” mừng Sene Dolta, ngoài các hoạt động thể dục, thể thao, trò chơi dân gian, văn nghệ, giới thiệu các loại bánh Nam Bộ, sản phẩm OCOP địa phương; điểm nhấn là Hội thi giã và trưng bày cốm. 

Theo Hòa thượng Thạch Thảo, trụ trì chùa Kan-dal, thì thời chiến tranh, không có điều kiện chà gạo, nấu cơm nên đồng bào Khmer giã cốm dẹp làm lương khô, có thể để vài chục ngày. Những năm đầu đất nước thống nhất còn thiếu thốn, nhất là thời điểm giáp hạt, cốm dẹp sẻ chia với bà con thiếu ăn. Từ đó, vào dịp lễ, tết, cốm dẹp là món cúng dường không thể thiếu để trả ơn trời đất, tổ tiên. Trong cuộc sống hằng ngày, cốm dẹp mang nghĩa tình quân-dân, tình đồng bào, sự chia sẻ trong xóm làng lúc hoạn nạn để cùng vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên. Chùa Kan-dal tổ chức hội thi là cách khôi phục lại và tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa nhân văn đó. Nếu bà con muốn biết nghề truyền thống giã cốm dẹp của đồng bào Khmer như thế nào thì xin mời đến tìm hiểu.

“Tết quân-dân” mừng Chol Chnam Thmay hay Sene Dolta qua đi nhưng còn đó những ngôi nhà khang trang, cây cầu kiên cố, con đường phẳng lỳ ngập sắc hoa là minh chứng trách nhiệm, tình cảm của cấp ủy, chính quyền, LLVT và các nhà hảo tâm với đồng bào Khmer.

Qua đó, góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như giúp người dân ổn định cuộc sống để cùng chung tay xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh từ cơ sở. Đúng như những trao đổi của Thiếu tướng Huỳnh Văn Ngon, Phó chính ủy Quân khu 9 với chúng tôi: “Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các hoạt động thiết thực từ mô hình này mang ý nghĩa lớn với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương không chỉ hôm nay mà sẽ còn nhắc mãi về sau.

Bởi qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, thực hiện đúng các yêu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao; tôn tạo, bảo vệ và duy trì, phát triển các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer; đồng thời, tạo không khí vui tươi, đầm ấm, nghĩa tình quân-dân trên vùng đất chín rồng”.

Năm 2024, TP Cần Thơ và các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long... tổ chức hoạt động “Tết quân-dân” mừng Chol Chnam Thmay với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Năm 2025, ngay từ trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các địa phương trên địa bàn Quân khu 9 đã hoàn chỉnh kế hoạch, tổ chức xuất quân thực hiện các hoạt động “Tết quân-dân” như: Xây cầu, làm đường, cất nhà, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, tặng quà... trị giá hàng tỷ đồng. 

 HỒ KIÊN GIANG