Từ thực tiễn tổ chức

Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hoạt động TNHN được coi là một trong những nội dung giáo dục bắt buộc tại cả 3 cấp học: Tiểu học, THCS và THPT. Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh tiếp cận với thực tế cuộc sống, rèn luyện kỹ năng, phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân. Tính đến năm học 2024-2025, hoạt động TNHN đã bước sang năm thứ 5 đối với Tiểu học, năm thứ 4 với THCS và năm thứ 3 với THPT. 

Các tiết học TNHN không chỉ là những buổi học lý thuyết mà còn bao gồm các hoạt động thực tiễn, giúp học sinh tiếp cận với những vấn đề của cuộc sống, văn hóa và xã hội. Nhờ đó, các em không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phát triển kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và khả năng giao tiếp. Đặc biệt, hoạt động hướng nghiệp giúp học sinh nhận ra sở thích, đam mê và định hướng nghề nghiệp tương lai một cách rõ ràng hơn.

leftcenterrightdel

 Học sinh Trường THCS & THPT Lý Thái Tổ (Hệ thống giáo dục Lý Thái Tổ, Hà Nội) hào hứng tham gia hoạt động trải nghiệm. Ảnh: HẢI BÌNH

Trong những năm qua, các trường học đã đa dạng hóa hình thức tổ chức hoạt động TNHN, mang lại hiệu quả rõ rệt trong giáo dục. Chị Nguyễn Kim Cúc (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) nhận xét: "Tôi có hai con nhỏ, cháu lớn học lớp 4, cháu nhỏ 4 tuổi, đang học mầm non, mỗi khi nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, về nhà các cháu rất vui, kể về những việc cùng các bạn thực hiện khi được cô giáo giao cho. Tôi nghĩ rằng, các con được tham gia hoạt động trải nghiệm sẽ là không gian giáo dục hiệu quả để phát triển các kỹ năng".

Tuy nhiên, thực tế khi triển khai cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế. Từ góc nhìn của cán bộ quản lý giáo dục ở bậc Tiểu học, thầy Hoàng Ngọc Hưng, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Lợi (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) cho biết: "Trong những năm qua, nhà trường đã nỗ lực để tổ chức các hoạt động TNHN cho học sinh. Tuy nhiên, quá trình tổ chức vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất, kỹ năng tổ chức của giáo viên, sự phối hợp từ phía phụ huynh và các đơn vị liên kết". Điều này cho thấy, mặc dù hoạt động TNHN mang lại nhiều lợi ích nhưng vẫn còn những rào cản trong quá trình triển khai tại các trường học, nhất là ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Một vấn đề khác cũng được đề cập là việc tổ chức các hoạt động TNHN còn hạn chế về hình thức và nội dung. Hình thức chưa phong phú, phương pháp giảng dạy ít đổi mới và quá phụ thuộc vào sách giáo khoa, không gian lớp học. Điều này khiến học sinh chưa có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế, làm giảm hiệu quả của các tiết học.

Thầy Đỗ Duy Đông, giáo viên Trường TH&THCS Nà Tăm (Lai Châu) nhận xét: "Ở trường chúng tôi, do điều kiện khó khăn, việc tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm ngoài nhà trường rất hạn chế. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại trường, lồng ghép với các chủ đề về văn hóa địa phương. Điều này giúp các em hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời rèn luyện các kỹ năng sống".

Như vậy, dù đã có nhiều nỗ lực, thực tế cho thấy việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt là ở các trường học thiếu thốn về cơ sở vật chất. Việc tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, hoặc các cơ sở sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào kinh phí. Điều này khiến cho hoạt động TNHN chưa thực sự phát huy hết tiềm năng trong giáo dục học sinh.

Cùng nói về những khó khăn khi tổ chức hoạt động TNHN, ở bậc học THPT, thầy Phan Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quế Lâm (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: "Một trong những khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải khi tổ chức hoạt động TNHN là không có đội ngũ giáo viên chuyên trách. Việc tổ chức sao cho khoa học, hiệu quả và sáng tạo đôi khi trở thành thách thức khi thiếu nguồn lực và kinh phí. Đặc biệt, khi phải huy động phụ huynh đóng góp tài chính, đôi khi tổ chức không hiệu quả thì hoạt động đó lại trở nên lãng phí và biến tướng".

leftcenterrightdel

Học sinh Trường THCS & THPT Phạm Văn Đồng (Hà Nội) tham gia hoạt động hướng nghiệp tại Công ty Nissan Automotive Technology Việt Nam. Ảnh: NATV 

Đổi mới và linh hoạt

Hoạt động TNHN được xem là một phương pháp giáo dục tiên tiến, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh. Tuy nhiên, để hoạt động này thực sự hiệu quả, cần đổi mới và linh hoạt trong cách tổ chức. Có thể thấy rằng, đúng như tên gọi của hoạt động giáo dục với hai nội hàm cơ bản là “trải nghiệm” và “hướng nghiệp”. Vì thế, khi tổ chức hoạt động TNHN ở nhà trường phổ thông, cần phải làm rõ hai mục tiêu cơ bản và trọng tâm này. Mỗi trường học cần xây dựng kế hoạch tổ chức TNHN ngay từ đầu năm học, dựa trên số lượng tiết học và nội dung từng chủ đề. Việc lựa chọn các chủ đề phù hợp với từng lứa tuổi, gắn với thực tiễn đời sống và điều kiện địa phương sẽ giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế một cách sinh động và hấp dẫn.

Một yếu tố quan trọng khác là sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và các cơ quan, doanh nghiệp bên ngoài. Việc liên kết với các đơn vị tổ chức trải nghiệm như các khu di tích, làng nghề, nông trại hay nhà máy sẽ tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với nhiều môi trường khác nhau, từ đó phát triển các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và nghề nghiệp.

Cùng với đó, sự tham gia tích cực của phụ huynh là một yếu tố không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng tổ chức TNHN, bởi họ không chỉ đóng góp tài chính mà còn hỗ trợ tinh thần cho các em trong quá trình học tập và trải nghiệm. Đồng thời, việc lựa chọn giáo viên phụ trách TNHN cũng cần được chú trọng. Mặc dù bất kỳ giáo viên nào cũng có thể đảm nhiệm vai trò này, nhưng những giáo viên có kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nhiệt tình và sáng tạo sẽ là nhân tố quan trọng giúp học sinh có được những giờ học TNHN chất lượng. Họ không chỉ là người dẫn dắt mà còn là người truyền cảm hứng, giúp học sinh phát huy tính sáng tạo và chủ động trong quá trình trải nghiệm.

leftcenterrightdel

Một tiết học hướng nghiệp (pha chế) của học sinh Trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội), một trong 3 trường chuyên biệt của Thủ đô. Ảnh: THANH TÙNG 

Với các trường học, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, để khắc phục những hạn chế về kinh phí và cơ sở vật chất, Thạc sĩ Trương Chí Hùng, giảng viên Trường Đại học An Giang gợi ý: "Các trường học nên đa dạng hóa hình thức TNHN bằng cách đưa học sinh tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tại chỗ của địa phương, hoặc mời các nghệ nhân, diễn giả đến giao lưu, từ đó không chỉ mở rộng tầm nhìn của học sinh mà còn giúp các em trải nghiệm những môi trường và văn hóa khác nhau". Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tạo điều kiện cho tất cả học sinh tham gia vào hoạt động. Nhiều trường học đã thành công trong việc tổ chức các hoạt động TNHN tại chỗ, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương như Trường THPT số 3 huyện Bảo Yên (Lào Cai). Hằng năm, các em học sinh được trải nghiệm tại các làng bản của đồng bào dân tộc Tày, tìm hiểu về văn hóa bản địa và các nghề truyền thống của địa phương.

Có thể nói, hoạt động TNHN trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là một trong những hoạt động giáo dục thể hiện rõ nét sự đổi mới của chương trình và hướng đến các mục tiêu tích cực trong giáo dục học sinh. Việc tổ chức tại các nhà trường phổ thông trong những năm qua đã phản ánh rõ nét tính ưu việt và hiệu quả của hoạt động giáo dục này. Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, các nhà trường cần khắc phục, vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của nhà trường để tổ chức sao cho hiệu quả. Dù tổ chức dưới hình thức nào, phương pháp nào và điều kiện ra sao, hoạt động TNHN cần phải đặt học sinh là trung tâm, các em phải được trải nghiệm. Qua hoạt động đó, theo thời gian, các em sẽ dần hình thành và phát triển các kỹ năng cần thiết để ứng xử và thực hành trong đời sống. Từ đó, các em được khôn lớn, trưởng thành và dần hình thành cho mình những ý tưởng hướng nghiệp trong tương lai.

NGUYỄN THẾ LƯỢNG