Trong những lời giới thiệu đầy tự hào của chị Tô Thị Trang, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng về khu di tích này, chị không quên nhắc đến một tờ báo được ra đời ngay sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập, đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đội. Đó chính là tờ Tiếng súng reo-tờ báo tiền thân của Báo Quân đội nhân dân ngày nay.

leftcenterrightdel
 Chị Tô Thị Trang, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng (bên phải) giới thiệu về di tích Rừng Trần Hưng Đạo.

Ngày ấy, tờ báo được làm dưới dạng thô sơ, có cả tiếng Kinh và tiếng Tày, Nùng, Dao để phát hành trong toàn khu vực Đội hoạt động. Trong số 34 đội viên, một số người viết, vẽ đẹp được chọn phân công vẽ, viết tay thành nhiều bản trên các loại giấy khác nhau mà ta có được với nội dung phong phú. Đó có thể là bản tin vắn tắt về tình hình thời sự trong nước, thế giới; cũng có cả nội dung về buổi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; sơ lược tình tiết, kết quả hai trận đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần; 10 lời thề danh dự của Đội... Chỉ tiếc là, cho đến ngày nay, trải qua 80 năm với sự thăng trầm của lịch sử, những bản vẽ, viết tay của tờ Tiếng súng reo vẫn chưa được tìm thấy.

Dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, mang theo trăn trở về tờ Tiếng súng reo trao đổi thêm với chị Tô Thị Trang, chị cũng bày tỏ nhiều sự tiếc nuối khi chưa tìm được hiện vật nào liên quan đến tờ báo đặc biệt đầu tiên của Quân đội ta. Chị Trang chia sẻ thêm, giữa năm 2022, ngay khi nhận được công văn của Báo Quân đội nhân dân đề nghị phối hợp sưu tầm thông tin, tư liệu về tờ Tiếng súng reo, chị được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng trực tiếp giao nhiệm vụ phụ trách tìm kiếm thông tin. Lập tức, chị Trang đã ký công văn gửi các sở, ngành, cơ quan chức năng và địa phương để mong tìm kiếm được thông tin quý báu về tờ Tiếng súng reo.

Vậy mà sau khi “chiến dịch” tìm kiếm tạm khép lại, đặt bút ký vào công văn trả lời Báo Quân đội nhân dân, lại một lần nữa chị Trang hụt hẫng xen lẫn tiếc nuối. Mấy tháng liền, cứ ở đâu có thông tin gửi về là chị cùng đồng nghiệp đến nơi tìm hiểu, xác minh, ghi chép. Thế nhưng, những nỗ lực ấy chưa được đền đáp xứng đáng khi mà thông tin nhận được chỉ dừng ở các tư liệu lịch sử, chứ chưa thể tìm được một hiện vật hay bản sao lưu của tờ Tiếng súng reo. Tất cả công cuộc tìm kiếm đành tạm dừng ở các sử liệu được ghi chép nói về tờ báo đầu tiên của Quân đội ta.

leftcenterrightdel

Khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo-nơi tờ báo Tiếng súng reo ra đời sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập ít ngày.

Cũng cần phải nói thêm rằng, từ bé, chị Tô Thị Trang đã được ông nội của mình-cán bộ lão thành cách mạng Tô Vũ Dâu (bí danh Thịnh Nguyên) là một trong 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân kể cho nghe nhiều câu chuyện về những ngày đầu thành lập, sát cánh chiến đấu tại cánh rừng thiêng về tờ báo đầu tiên của lực lượng vũ trang. Chính vì vậy, những tư liệu sống mà chị Tô Thị Trang ghi lại được trong ký ức của mình từ lời kể của ông là vô cùng quý báu, trong đó có cả thông tin về Báo Tiếng súng reo. Đây cũng là tiền đề quan trọng để chị có một thời gian dài làm hướng dẫn viên du lịch ở chính cánh rừng thiêng này.

Vậy là 80 năm qua, nhiều thế hệ người làm báo Báo Quân đội nhân dân, không ai là không được biết và luôn nhắc nhớ đến Tiếng súng reo với tư cách là tờ báo tiền thân của Báo Quân đội nhân dân. Dù những nỗ lực, giúp sức của các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng và tâm huyết của các nhà báo chiến sĩ đi tìm tờ báo tiền thân vẫn chưa đạt được như mong đợi, thế nhưng bằng những cứ liệu lịch sử rõ ràng về Tiếng súng reo và 80 năm truyền thống của tờ báo hai lần anh hùng, Báo Quân đội nhân dân vẫn đang tiếp nối truyền thống, viết tiếp tiếng reo vui của những chiến sĩ cầm bút và cầm súng năm nào!

Bài và ảnh: ANH VŨ