Hơn 25 năm gây dựng, thương hiệu kịch nói “IDECAF” là điểm đến được đông đảo khán giả lựa chọn vào dịp cuối tuần. Ngoài sàn diễn chính tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (28 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh), sân khấu này còn tổ chức đưa các vở kịch được dàn dựng hoành tráng ra Nhà hát Bến Thành, Nhà hát TP Hồ Chí Minh và đặc biệt hiện nay, đang thu hút đông đảo khán giả chính là Chương trình “Ngày xửa ngày xưa” số 33 đang gây cơn sốt vé.
Bộ đôi ăn ý
Sân khấu IDECAF được thành lập từ sự kết nối ăn ý của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thành Lộc. Từ khi rời khỏi 5B, NSƯT Thành Lộc đã gắn bó với sàn diễn này và hợp lực cùng ông bầu làm nên sự rạng danh cho thương hiệu. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh phân tích: “Yếu tố con người rất quan trọng trong việc hoạch định chiến lược, làm nên một thương hiệu có đến chiều dài 25 năm. Với sự phân công rất cụ thể: Huỳnh Anh Tuấn lo việc quản lý, tổ chức kinh doanh, quảng bá thương hiệu; Thành Lộc lo chuyên môn nghệ thuật, chọn kịch bản, chọn đạo diễn và hình thành nên khuynh hướng sáng tạo của thương hiệu. Mỗi người tập trung làm rất tốt trách nhiệm của mình, đưa sàn diễn IDECAF lên vị trí hàng đầu trong làng kịch TP Hồ Chí Minh suốt thời gian qua”.
Ngay từ khi sàn diễn tái hoạt động sau đại dịch, sân khấu này là địa chỉ tiên phong sáng đèn sớm nhất và tạo được tiếng vang qua hai dấu ấn đẹp: Vở “A lô, lộ hàng” (đạo diễn, NSƯT Thành Lộc) và Chương trình “Ngày xửa ngày xưa” (đạo diễn Vũ Đình Toàn).
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Hiện nay, vé bán trước của cả hai chương trình đều được mua hết trong ngày đầu công bố bán qua hệ thống online nên chúng tôi rất tự tin. Và trên hết có một nguồn lực khiến sàn diễn này vẫn thu hút đông kín khán phòng, chính là sự biến hóa tài tình của NSƯT Thành Lộc trong các vở kịch được xem là đắt vé của sân khấu IDECAF. Ngoài hai chương trình kể trên, còn có các vở như: "Mưu bà Tú", "Ngôi nhà không có đàn ông", "Mơ giấc tình tình", "Gươm lạc giữa rừng hoa"... đều được tái diễn và khán giả đón nhận đông đảo”.
|
|
Một cảnh trong vở "A lô, lộ hàng" của sân khấu IDECAF.
|
Nói không với game show
Điều tạo nên thành công của sân khấu này chính là lực lượng nghệ sĩ chủ chốt đã nói không với lời mời của các chương trình gameshow, truyền hình thực tế, TikTok và các sản phẩm trên nền tảng số, mạng xã hội. Với chủ trương giữ cho thương hiệu được sáng đèn và tập trung toàn lực cho mỗi vở diễn, các ngôi sao như: Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, Hoàng Trinh, Hương Giang... hầu như chỉ xuất hiện trong các vở diễn của công ty.
Chính vì toàn tâm, toàn lực cho thương hiệu, xác định mục tiêu của sự phát triển là đưa ra chiến lược mỗi năm, ê-kíp chủ chốt của công ty đã điều hành một tập thể gắn kết với nghề, làm nghệ thuật nghiêm túc.
Khoảng 10 năm trở lại đây, sàn diễn này nghiêng về hài kịch, vì theo ông Huỳnh Anh Tuấn, xu thế xã hội hiện nay thích xem hài, những vở kịch mang tiếng cười châm biếm, có thông điệp giáo dục nhẹ nhàng thông qua chất liệu hài. Phải kể đến các vở như: “Hợp đồng mãnh thú”, “Mưu bà Tú”, “Cái đẹp đè bẹp cái nết”, “A lô, lộ hàng”...
Một dấu ấn đậm nét của thương hiệu này phải kể đến chương trình kịch dành cho thiếu nhi. Đã có 33 vở kịch dành cho thiếu nhi được dàn dựng hoành tráng, tạo thế giới lung linh, huyền ảo trong mắt trẻ em và cả với phụ huynh như: “Người đẹp và quái vật”, “Hoàng tử Sọ Dừa”, “Cậu bé rừng xanh”, “Cô bé lọ lem”, “Nàng tiên cá”, “Aladin và đủ thứ thần”... từng chinh phục khán giả. Ngoài ra, còn có mảng kịch lịch sử dành cho thiếu nhi được tổ chức lưu diễn khắp các quận, huyện, thành phố như: “Thánh Gióng”, “Hai Bà Trưng”, “Trần Quốc Toản”, “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, “Đinh Tiên Hoàng”...
Điều kiện kiên định để tạo hiệu quả cho mỗi chiến lược đó là tập trung dàn nghệ sĩ gạo cội, chẳng những biết diễn bi lẫn hài thật giỏi mà còn thể hiện được tính đa năng trong diễn xuất khi vừa có thể ca hát, nhảy múa, biểu diễn võ thuật, ứng dụng kịch câm...
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ, nói về thành công thì cũng cần nói đến thất bại. Sân khấu IDECAF khoảng 3-4 năm nay cũng gặp khó khăn chung với cả nền sân khấu. Nhiều suất diễn dù phải bù lỗ nhưng công ty vẫn tổ chức, phục vụ khán giả. “Kịch mục IDECAF rất phong phú nên vở nào doanh thu kém, tức khán giả không thích, chúng tôi đổi ngay. Bên cạnh đó là chiến lược đào tạo để đưa kịch đến với khán giả trẻ, cho các em xem những vở kịch được dàn dựng nghiêm túc, từ đó hình thành một lực lượng khán giả tương lai cho sân khấu. Đó chính là chiến lược hiện nay của chúng tôi, góp phần làm cho sàn diễn kịch TP Hồ Chí Minh sáng đèn”, ông Tuấn nói.
Bài và ảnh: NGUYỄN DANH HIỆP