Đối với phụ nữ bản Cuôn-nơi được coi là cái nôi sinh ra bộ trang phục truyền thống của người Dao đỏ, chuyện ăn mặc rất được coi trọng. Mỗi bộ trang phục thể hiện sự sáng tạo, tinh tế qua từng đường kim mũi chỉ. Những cô gái độ tuổi lên 9, lên 10 đã được các bà, các mẹ truyền dạy may vá, thêu thùa. Và khi đến tuổi “cập kê” cũng là lúc các thiếu nữ biết làm những trang phục đẹp cho riêng mình. Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức đi kèm. Mỗi trang phục có các màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó tông đỏ là chủ đạo. Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn và mọi điều tốt lành cho con người.

leftcenterrightdel
Phụ nữ Dao đỏ bản Cuôn khoe sắc trong trang phục truyền thống

Trong đám cưới truyền thống của người Dao đỏ bản Cuôn, chiếc khăn (goòng phá) sẽ làm cô dâu nổi bật giữa hai họ. Khi gần đến nhà chồng, cô dâu được người dẫn dâu ra đón và chùm lên đầu một chiếc khăn mà cô dâu Dao đỏ không thể thiếu trong hôn lễ, đó là trùm phả. Khi chùm lên đầu, trùm phả được đỡ bằng khung làm bằng tre. Khung đỡ có hình bướm dang cánh, đế của khung đỡ trùm phả được buộc chặt vào goòng phá đã đội trên đầu.

Chiếc áo dài (tiếng Dao gọi là lui đáo) là điểm nhấn và là phần quan trọng nhất của bộ trang phục. Những quả bông trang trí che kín toàn bộ phần cổ áo. Trang trí ở nẹp áo, gấu, xẻ tà là những dải hoa văn rộng. Cửa tay áo cũng giống như trên nẹp áo, có họa tiết hoa văn hình sóng nước xen lẫn các họa tiết khác tô điểm thêm phần sặc sỡ cho thân áo. Ở hai bên xẻ tà là một dây hạt cườm có đeo tua chỉ màu đỏ, vàng ở đầu. Đầu cửa tay áo thường đáp các dải hoa văn thêu sẵn hoặc bằng vải xanh tùy sở thích của người mặc. Chiếc áo dài thường đệm thêm một lớp vải lót màu xanh ở phía trong làm cho áo khá dày. Còn áo bé (lui ton) được làm bằng vải tự dệt nhuộm chàm. Cổ áo tròn, quanh cổ viền vải đỏ và đính trên là hai hàng hoa bạc song song với nhau.

Một phụ kiện không thể thiếu trong bộ trang phục phụ nữ Dao đỏ bản Cuôn là dây lưng (lỵ sin). Dây lưng được làm bằng vải màu chàm, trang trí hoa văn ở hai đầu. Các hoa văn được bố cục thành các băng nằm ngang, theo trình tự: Các băng hoa nhỏ ngoài cùng rồi đến một băng hoa văn to hơn, tiếp theo là mấy băng hoa văn nhỏ và trong cùng là băng hoa văn to nhất. Hai đầu dây lưng thêu nhiều họa tiết khá bắt mắt như: Hình cây cỏ, hình dấu chân hổ, xung quanh là hình dấu chân mèo màu xanh, hình cây hoa to, hình cây hoa bé, hình ngôi sao màu đỏ, vàng, hình cây thông màu đỏ, vàng, trắng, xanh và hình đứa trẻ với tông màu vàng, đỏ, trắng…

Tiếp đến là chiếc quần (hấu), các băng hoa văn được trang trí cả một đoạn ống từ gấu trở lên chia thành 6 khoanh. Trong các khoanh, các họa tiết được thêu chia thành từng cột bằng chỉ màu trắng, màu vàng nghệ và chỉ đỏ. Hoa văn ở các khoanh nhỏ là hình đồi cây, hình sóng nước. Còn hoa văn ở khoanh to thứ nhất từ dưới lên là hình nước mắt. Khoanh trên cùng có hoa văn hình bàn chân hổ như muốn nói lên khát vọng chinh phục núi rừng của đồng bào dân tộc Dao đỏ.

Yếm của phụ nữ Dao đỏ được trang trí bằng kỹ thuật thêu chỉ màu sáng, đỏ, vàng, xanh và đính bạc. Quanh cổ yếm thân trước và dọc trước ngực yếm được trang trí các bông hoa bằng bạc (nhạn piằng) trong khung hình chữ nhật và gắn các miếng bạc hình chữ nhật nằm ngang nối tiếp nhau. Thân yếm trước nửa phía dưới không trang trí hoa văn, nửa thân yếm sau lại được trang trí hoa văn. Các hoa văn này không chỉ được thêu thành các băng ngang mà cả băng dọc theo chiều dài của thân yếm với các mô típ hoa văn hình đầu tam thanh, hình cây cỏ, hình răng cưa...

Phụ nữ Dao đỏ ở bản Cuôn thường tự tay làm trang phục với các công đoạn rất tỉ mỉ, đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo. Trước khi về nhà chồng, các cô gái được mẹ “đặc cách” ở nhà tập trung cho việc thêu thùa, khâu vá, hoàn thành bộ trang phục của riêng mình. Bộ trang phục này sẽ theo họ đi suốt cuộc đời. Và khi qua đời, bộ trang phục sẽ được chôn theo để người mất được tổ tiên đón nhận. Bà Triệu Thị Sỉnh, 73 tuổi, ở bản Cuôn, một nghệ nhân có thâm niên hơn 60 năm thêu trang phục cho biết: “Để hoàn thành một bộ trang phục phụ nữ Dao đỏ mặc hằng ngày mất khoảng gần một năm, người làm chậm phải mất hai năm mới xong. Chính sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong các công đoạn thực hiện đã tạo nên bản sắc riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ mà không hề pha lẫn với bất kỳ dân tộc nào”.

Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ bản Cuôn là một kho tàng nghệ thuật dân gian rất phong phú và đa dạng. Các hoa văn không chỉ thể hiện trình độ thẩm mỹ cao mà còn khẳng định đức tính cần cù, kiên nhẫn và sáng tạo của cộng đồng người Dao đỏ ở bản Cuôn, Bắc Kạn.

Bài và ảnh: ĐỖ KIM TẬP