Đơn vị xa nhà, nhà lại xa quê cả ngàn cây số nên để có được phút giây gia đình sum họp, chúng tôi phải “lên kế hoạch” từ vài ba tháng trước. Thường sau ca trực, chỉ huy đơn vị sẽ tạo điều kiện để anh em về nghỉ Tết. Tôi đăng ký trực ca đầu, dù không được ở nhà ngày ba mươi, mồng một, nhưng như vậy sẽ được ưu tiên nghỉ dài hơn đôi chút. 

Sáng mồng hai, khi tôi về đến sân, cây mai già đã bung hoa vàng rực rỡ. Dù ngọn gió bay đến nhẹ nhàng nhưng cũng đủ khiến những cánh hoa và cả nhuỵ hoa trải một lớp rất vàng trên mặt đất. Điều đó chứng tỏ mai đã nở vài ngày. Vợ tôi tuốt lá mai sớm hơn các gia đình khác để mùa xuân về sớm. Trước hiên nhà, mấy mẹ con bày những chậu vạn thọ, cát tường... và cả một hàng cây ngô để năm mới làm gì cũng "chắc ăn như bắp". Trên bàn thờ gia tiên, vợ tôi đã sắp xếp gọn gàng, tươm tất. 15 năm lấy nhau, khi nào vợ tôi cũng chu toàn mọi việc đối nội, đối ngoại để chồng yên tâm công tác.

Sau nghi thức cúng ra Tết, chúng tôi cùng ăn một chén chè hạt sen để vị ngọt ngào thấm qua đầu lưỡi, lan xuống khắp cơ thể và tỏa ra cả một năm trời tươi mới. Trong bữa cơm, các con tôi líu lo bao chuyện và ước mơ “đón lộc” của những ngày sắp tới. Vợ tôi thể nào cũng nhắc: "Cấm các con mở bao lì xì ngay trước mặt khách, phải đón nhận bằng tấm lòng thành và chúc phúc. Lì xì là phong tục mừng tuổi đầu năm, không được tính ít nhiều, cao thấp".

leftcenterrightdel
 Minh họa: LÊ ANH

Chúng tôi “hành quân” luôn về nhà ngoại. Má đã mất gần 30 năm. Cha một mình nuôi dạy 8 chị em khôn lớn nên người. Con gái chị hai đúng bằng tuổi đứa em út, hiện đang làm bác sĩ trên thành phố. Ai cũng đã lập gia đình, mỗi người một phương. Đã nhiều năm nay, từ rằm tháng Chạp, cha tôi đã ấn định ngày sum họp tân niên của cả đại gia đình, thường là mồng hai hoặc mồng ba, tùy năm, để các con sắp lịch. Khi mâm cơm cúng tổ tiên đã khói nhang nghi ngút, con cháu tề tựu xung quanh, cha tôi chúc mừng năm mới và phát bao lì xì cho tất cả. Mấy năm gần đây, vợ chồng cậu em vợ làm hẳn khung tranh chữ, bông hoa dán trên vách tường như ở công viên hay hội chợ. Ngoài tấm hình chụp chung đại gia đình, mọi người thoải mái mừng tuổi và chụp hình cùng “nhân vật chính”. Cha tôi cười hiền lành như ông bụt nhìn con rể, con trai và các cháu trai tưng bừng bên bàn tiệc; các cô con gái, con dâu hát karaoke; còn các cháu kêu lô tô, lắc bầu cua cá cọp...

Sáng mồng ba, khi gia đình tôi về đến nhà nội thì trời đã bắt đầu sáng rõ. Những tia nắng mờ đục xuyên qua đám mây dày cộm chắn ngang lưng chừng trời làm dịu đi cái lạnh sắt se, khiến những cánh hoa đào trước hiên nhà hồng tươi rực rỡ. Mẹ tôi chọn mua cây đào nụ nhỏ, đều và dày chi chít để còn chờ con cháu về quê ăn Tết muộn. Chuyến bay lúc gần sáng khá yên tĩnh, đường quê mịn màng nên vợ và các con tôi ngủ liền một mạch cho đến lúc "hạ cánh"... xuống sân nhà. Sau bao nhiêu mong chờ, ông bà nội và các thành viên trong gia đình ôm chặt chúng tôi vào trong lòng mà ngập tràn niềm hạnh phúc. Khoảnh khắc ấy ngắn ngủi nhưng sâu nặng tình thân.

Tôi dẫn vợ con đi lễ Phật tại một ngôi chùa cổ trong làng rồi đến thắp hương trong nhà thờ tổ, sau đó mới đi đến từng nhà trong họ tộc để chúc mừng năm mới. Làm dâu miền Bắc đã nhiều năm nên vợ tôi rất am hiểu và thích thú những phong tục của quê chồng. Trong mùi nhang trầm thoang thoảng khắp thôn làng, dưới làn mưa xuân mỏng tang như lụa bạch, cặp má bầu bĩnh của các con tôi đỏ ửng lên như hai trái cà chua. Những đứa trẻ cùng huyết thống nhanh chóng kết thân với nhau, chạy nhảy tung tăng trong khu vườn trồng đầy xà lách, su hào, bắp cải, súp lơ, rồi quấn quýt bên những luống rau mùi, rau cải đang trổ bông vàng rực rỡ.

Sáng mồng năm, chúng tôi bịn rịn lên đường trở lại phương Nam, tiếp tục hành trình một mùa xuân mới...

NGUYỄN HỘI