Đầu năm 2004, tôi tốt nghiệp ra trường, về đơn vị cơ sở công tác. Trạm Biên phòng Ông Trang nơi chúng tôi đóng quân ở cách xa trung tâm hành chính xã Viên An, huyện Ngọc Hiển cả chục cây số đường sông. Những người lính xa gia đình, quây quần bên anh em cán bộ Khu bảo tồn biển Bãi Bồi và những người dân nghèo, sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thủy sản. 

Nơi cửa biển bốn bề sóng nước, cuối năm, từng bầy cá nược Minh Hải hò nhau bơi từ cửa vịnh Thái Lan trở vào, trở ra, nhào lộn như làm xiếc. Từ đầu tháng 12, mấy anh em chúng tôi cũng bắt đầu chuẩn bị làm khô ăn Tết. Tôi và chiến sĩ Duy được phân công nhiệm vụ đi giăng lưới kiếm cá. Ở ngay cầu tàu trước cửa trạm, nơi ngã ba sông, khi con nước ròng, cá đối nổi lên đớp mồi kín cả mặt nước. Vào mùa gió chướng, trên dòng sông Cửa Lớn, cá úc đi thành từng luồng... Nhưng chài cá đối, giăng lưới cá úc không thích bằng đi đặt xà di bẫy cá thòi lòi. 

Những ngày cuối năm, câu lạc bộ đờn ca tài tử nhà chú Hai Đen nhộn nhịp khác thường. Chiều cuối tuần, bà con trong xóm tụ tập đầy nhà, vừa ăn nhậu lai rai, vừa tập đàn hát chuẩn bị cho văn nghệ đêm Giao thừa. Thời gian này, tôi học được những nhịp điệu đầu tiên của nghệ thuật ca cải lương Nam Bộ. Một tối, tôi cùng đám thanh niên trong xóm đi học hát về, bỗng nhỏ Bé con dì Tư Đường đi thụt lại phía sau rồi nói với tôi rất nhỏ: “Anh có hiểu lời bài hát sau cùng của em hôm nay không? Lời bài ca cũng chính là điều em muốn nhắn gởi tới anh đó...”. Chẳng kịp để cho tôi trả lời, em bước nhanh lên phía trước. Tôi bối rối rồi chẳng hiểu vì sao lại ngại ngùng mà tránh mặt em cho đến hết mùa bắt cua con năm ấy...

leftcenterrightdel

Bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng trên đường tuần tra giữa mùa xuân. Ảnh: HÀ KHÁNH

Đêm Giao thừa, tôi nằm nghe lời chúc Tết trên đài phát thanh và chương trình ngâm thơ bỗng khóe mắt cay sè. Hình ảnh bố mẹ, quê hương hiện lên trong tâm trí rõ mồn một. Giờ này, bên bàn thờ gia tiên, bố mẹ đang khấn cầu tổ tiên phù hộ cho đại gia đình một năm mới nhiều sức khỏe, bình an. Ngoài sân, một làn mưa bụi mỏng tang mang khí xuân thanh khiết trở về. Từ trong sâu thẳm, mùi hương trầm bỗng dâng lên ấm áp, thiêng liêng kỳ lạ. 

Sáng mồng Một, mấy anh em trong trạm chia nhau đi từng nhà bà con trong xóm chúc Tết. Tôi và Duy đến nhà chú Tám Hiền. Ông bà Tám và mấy hộ gia đình xung quanh đã chờ sẵn ngay trước cửa đón anh em Bộ đội Biên phòng đến xông đất. Nồi cháo cá lóc nghi ngút khói trên bếp, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Một rổ đầy ú hụ rau đắng đất được thím Tám rửa sạch sẽ, xanh mướt. Rau hái ngoài bờ vuông tôm, ăn với cháo cá lóc thì không món gì sánh nổi.

Được nửa bữa tiệc đầu xuân, anh Hai Phong giở cây đàn guitar phím lõm trên vách xuống dạo lớp Nam Xuân. Vậy là từ đó, bữa tiệc chuyển thành buổi ca hát về mùa xuân và tình yêu. Tôi nghe mà như say mê nuốt trọn từng lời hát. Trời phú cho những người con nơi tận cùng Tổ quốc chất giọng mượt mà và tình yêu tha thiết với nghệ thuật đờn ca tài tử, có lẽ do vậy mà không người dân Cà Mau nào không thuộc một vài điệu lý, một vài trích đoạn cải lương và thuộc làu làu sáu câu vọng cổ.

Bài hát “Mẹ ơi hãy yên lòng” tôi đã bao ngày tập luyện, vậy mà đến khi hát giữa đám đông, trong tâm trạng nhớ nhà da diết đầu năm mới, nước mắt tôi chực chảy tràn. Nhưng khi hát xong, chính lời bài hát đã nhắc nhở tôi về bổn phận và trách nhiệm, về tình yêu của người chiến sĩ với mẹ hiền, với Tổ quốc. Một sức mạnh bỗng trào dâng lên trong lòng, bồi hồi xúc động...

NGUYỄN HỘI