Chiều hôm ấy, ngày 23-4-1972, tôi gánh hai thùng nước chắt từ lòng suối cạn lên trận địa trên đồi cao. Thấy tôi vóc dáng học trò, mới gánh được vài bước mà cổ mỗi lúc một rụt lại, đỏ dừ, anh Đê bảo: “Để tao gánh hộ. Tao lên chơi nhân thể”. Tôi cảm ơn, anh mắng: “Ơn huệ gì, vẽ chuyện”. Tôi đi theo anh. Đi người không mà vẫn chậm hơn anh gánh hai thùng nước. Anh là pháo thủ lão luyện trận mạc, nhập ngũ từ năm 1968, mới được điều động tăng cường cho tổ anh nuôi. Tôi là lính mới tò te, chỉ biết kỹ thuật bộ binh, chưa hiểu gì về cao xạ. Từ Sư đoàn 325, tôi được chia về d12 Cao xạ 37mm, một mình, lơ ngơ nên chưa được chia vào khẩu đội nào. Tuần lễ ấy, tôi được điều động giúp anh nuôi hái rau rừng và tìm nước uống cho đại đội.
Đuổi theo anh, tôi vừa chạy vừa cười thầm. Tôi nhớ những chuyện rất đáng nghi của anh về phụ nữ, về “mùi đời” mà anh cậy nhiều tuổi hơn, hay bịa ra lòe tôi suốt mấy ngày liền. Anh khoe rằng đã có người yêu, đã được người yêu cho hôn vào cổ. Anh cho tôi xem ảnh người yêu. Đó là ảnh một cô dân quân. Phía sau tấm ảnh chỉ nhỏ này có dòng chữ viết vội, không đủ chỗ nên rất khó đọc. Vài ngày sau, tôi hỏi, anh như quên những gì đã nói hôm trước, lại bảo tôi là đã “hôn vào môi nàng... rất sâu”. Ngay ngày hôm sau, anh lại kể là đã cho nàng được làm vợ thực sự. Nghe, thấy rất mâu thuẫn, tôi biết là anh bịa, nhưng vẫn thích nghe. Dần dà, chính anh cũng tin những điều mình bịa ra là có thật. Anh lim dim mắt, kể. Tôi cũng lim dim mắt, nghe. Cả hai cùng vui sướng, lâng lâng trong cảm giác của tình yêu tưởng tượng...
Chỉ mấy phút lơ là, tôi đã thấy bóng anh Đê gánh nước mất hút về phía trận địa. Đang đi chậm lại, tranh thủ lang thang tìm rau rừng dọc đường, tôi giật mình vì tiếng máy bay trinh sát OV-10 bổ nhào. Khói pháo chỉ điểm bùng ra trước, phản lực Mỹ kéo đến một tốp 4 chiếc. Chỉ trong giây lát, bom sát thương nổ ụp xuống sáng trắng, vỡ trời. Sức ép bom hất tôi vào khe cạn. Hồi sức, tôi định lao lên trận địa thì có tay ai túm chân kéo lại cùng tiếng quát: "Ngu, lên vô nghĩa. Định tự tử à?". Bản năng sinh tồn cho tôi hiểu, đó chính là tiếng quát của lý trí. Tôi nằm lại, gục mặt tránh đạn, trong đầu xuất hiện mấy hình ảnh: Anh Đê đã nhảy vào mâm pháo; tiếng đạn hai khẩu pháo cao xạ 37mm nổ giòn giã, nhưng rời rạc, yếu dần trước tiếng máy bay bổ nhào xé gió...
Đúng như tôi dự đoán, bom Mỹ đã xé cơ thể anh Đê sau khi anh bắn loạt đạn thứ ba. Hai tốp máy bay địch thay nhau quần thảo, đánh cháy đỏ một góc đồi Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Sau hai trận chiến đấu không cân sức, trận địa Đại đội 6 của chúng tôi bị hủy diệt hoàn toàn. Trời tối thẫm, máy bay địch còn nhào xuống sát mặt đất đẫm máu, ngổn ngang xác người, xác pháo, chụp ảnh bằng ánh sáng đèn ma-nhê nhấp nhoáng. Chúng muốn ghi lại chiến công và lấy tài liệu in truyền đơn... Đêm ấy, tôi ngồi bên anh như một thằng học trò vô dụng. Anh quằn quại kêu khóc mà tôi không thể giúp được gì. Chiếc xe chở thương binh, tử sĩ càng chạy, càng lắc, máu trong cơ thể các anh càng cạn kiệt. Tiếng rên la, kêu khóc, đòi uống nước râm ran rồi nhỏ dần, tắt lịm. Chính tiếng kêu của anh Đê làm tôi đỡ sợ.
Tiếng kêu của anh chứng tỏ trên xe đang còn sự sống. Bởi vì quanh tôi và anh là những cơ thể hấp hối và thi thể bất động. Trên cơ thể anh Đê, băng quấn vết thương ngực thì vẫn còn, nhưng vết thương mông và bàn chân của anh bung ra hết. Xương bàn chân anh bị lòi hết ra ngoài. Anh cứ dùng những mẩu xương cụt ấy mà đạp, mà cào vào gỗ thành xe, gây tiếng kêu quèn quẹt, khô khốc. Tôi không đủ sức cản chân đạp của anh. Tôi cũng không có gì trong tay ngoài khẩu AK. Tôi chỉ biết lắp bắp nói dối: “Không sao đâu, sắp đến trạm rồi, anh sống mà”. Thoát khỏi cuộc truy đuổi của chiếc C-130 trên đầu, chúng tôi thay nhau cõng anh cùng hơn chục đồng đội vào hầm cứu thương. Bàn giao cho trạm quân y, chia tay anh, tôi vẫn nghe sau lưng tiếng anh gọi mẹ. Không biết đó có phải là tiếng gọi cuối cùng: Mẹ ơi! Tiếng anh kêu cứu hay tiếng anh chào vĩnh biệt. Tôi không hiểu, nhưng hai tiếng ấy cứ vang mãi gần 50 năm nay không tắt hẳn trong lòng tôi, như tiếng chim cuốc đập vào vách đá, âm vang...
Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, nhưng phải đến 7 năm sau tôi mới có dịp trở lại chiến trường, đi tìm đồng đội. Thật may mắn, tôi đã tìm thấy mộ anh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Giữa những hàng bia mộ san sát bên nhau, ngôi mộ nhỏ của anh nổi bật, như sáng lên vì một bó hoa huệ trắng. Thắp hương, tôi thầm khấn và hỏi thầm anh: Phải chăng đây là hoa người yêu anh năm xưa vào viếng? Tôi biết cha mẹ anh không còn, gia đình, họ hàng của anh đều nghèo khổ, chắc chắn không thể vào viếng anh với một bó hoa huệ to, đẹp, đắt tiền thế này. Mà nếu là hoa của người yêu anh viếng thì người yêu anh đã đi lấy chồng chưa? Tôi đứng bần thần với hàng loạt câu hỏi trong đầu. Bất chợt, một cơn gió mồ côi lướt qua nghĩa trang. Trong tâm trạng bối rối, tôi quên cả thủ tục khấn từ biệt, quên cả việc xin chút lộc lễ cầm về. Tôi đứng lên, lững thững bước khỏi nghĩa trang. Cơn gió như cuốn chân tôi xuống chân đồi trong mùi hương hoa huệ trắng.
Viết những dòng chữ này, lòng tôi vẫn áy náy không yên. Đã 3 năm qua, vì vết thương tái phát, sức khỏe giảm sút, tôi không thể vào viếng mộ anh. Đồng đội nào đọc những dòng chữ này, khi vào viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, nếu đủ thời gian vào khu mộ tỉnh Thanh Hóa, hãy thắp thêm cho anh nén hương tại số mộ 141, hàng thứ 7, khu A, nơi có dòng chữ đỏ như vết thương đang còn rỉ máu: VŨ VĂN ĐÊ.
PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG