Thiếu tá Đinh Ngọc Tuân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3: Cần trang bị tốt kỹ năng xử lý tình huống
Qua quá trình quản lý đơn vị cũng như nắm bắt từ đồng đội, người thân, tôi thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tan vỡ của các cặp vợ chồng sĩ quan trẻ và chiến sĩ hiện nay. Đó là do tác động, ảnh hưởng của lối sống hiện đại, những người trẻ bây giờ dễ yêu, dễ kết hôn và dễ dàng từ bỏ khi thấy những mâu thuẫn, khó khăn vướng mắc nảy sinh, kể cả khi đã có con. Vì dễ yêu nên thời gian tìm hiểu ngắn, mức độ tình cảm chưa thật sự sâu đậm, chưa hình dung được những khó khăn, vất vả trong cuộc sống hôn nhân, nhất là khi chồng là bộ đội phải thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị chủ lực, thường xuyên phải xa gia đình, vợ con. Bên cạnh đó, điều kiện thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị cơ sở với cường độ cao, liên tục tạo nên áp lực với sĩ quan trẻ, chiến sĩ; thời gian họ dành cho gia đình hạn chế, thêm đó là các mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống hôn nhân tích tụ dần không giải quyết được sẽ dẫn đến tan vỡ. Ngoài ra, mức thu nhập của sĩ quan trẻ còn thấp, chưa đủ điều kiện để chăm lo đời sống vật chất cho gia đình, nếu vợ không có việc làm và còn có con nhỏ sẽ rất khó khăn, vất vả, dễ sa vào suy nghĩ so sánh hoặc chán nản.
Để giữ lửa tình yêu, hạnh phúc gia đình cho bộ đội, rất cần lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm nhiều hơn nữa đến sĩ quan trẻ, có những nội dung bồi dưỡng, định hướng, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn về tình yêu và tiến tới hôn nhân; giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống giai đoạn đầu sau khi kết hôn. Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để trang bị thêm cho sĩ quan, chiến sĩ trẻ những kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống trong cuộc sống hôn nhân, biết sắp xếp, giải quyết các công việc trong đơn vị cho tốt để có thời gian dành cho gia đình. Có các chính sách để cán bộ hợp thức hóa gia đình, nhất là trong điều động, luân chuyển cán bộ.
Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trẻ phải có bản lĩnh, quan điểm nhất quán trong cuộc sống hôn nhân, tìm cách khắc phục những vướng mắc nảy sinh bằng nhiều biện pháp để động viên vợ mình đồng cam cộng khổ, chia sẻ những khó khăn, áp lực trong công việc. Khi có điều kiện nghỉ phép, đi tranh thủ, giờ nghỉ ngày nghỉ, chú ý quan tâm, động viên, giúp đỡ vợ con việc nhà, dành tình cảm cho các con, vun vén tình cảm vợ chồng.
Thượng úy Võ Hải Ngọc, Chính trị viên Đại đội 15, Tiểu đoàn 30, Trường Sĩ quan Thông tin, Binh chủng Thông tin liên lạc: Dung hòa cuộc sống gia đình và công việc
Là cán bộ quản lý chỉ huy đơn vị, công việc phải thường xuyên bám nắm các hoạt động của bộ đội, quỹ thời gian hằng ngày luôn cuốn theo công việc, từ lúc báo thức đến khi bộ đội đi ngủ nên tôi có rất ít thời gian dành cho gia đình. Do đó, tôi nghĩ để dung hòa cuộc sống giữa gia đình và công việc là cả một nghệ thuật.
Tôi lập gia đình được 3 năm và có một con gái 2 tuổi. Vợ là nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện Quân y 4, Cục Hậu cần, Quân khu 4. Vì điều kiện công việc của hai vợ chồng không được ở gần nhau, chưa kể đến giờ giấc sinh hoạt trong ngày cũng không trùng nhau nên việc quan tâm giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, nuôi dạy con cái là tương đối khó khăn đối với tôi. Hằng ngày, tranh thủ lúc nghỉ ngơi, tôi thường liên lạc với gia đình, lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn những tâm sự của vợ, động viên cô ấy lúc khó khăn, trò chuyện điện thoại với con gái. Mỗi khi đi phép, nghỉ tranh thủ, tôi dành nhiều thời gian quan tâm hơn đến vợ, con.
Đối với những sĩ quan công tác xa nhà, tôi nghĩ ngoài tình yêu thương của vợ chồng dành cho nhau thì sự cảm thông chia sẻ trong cuộc sống và công việc là rất quan trọng. Dù chỉ là một cuộc điện thoại hỏi thăm, một món quà nho nhỏ cũng là niềm vui đối với vợ con. Điều quan trọng hơn cả, con cái như sợi dây vô hình kết nối và là mục tiêu để vợ chồng tôi phấn đấu xây dựng cuộc sống gia đình bền chặt. Vợ tôi tâm sự: “Xác định lấy chồng bộ đội thì phải chấp nhận đối diện với vất vả, khó khăn, con cái ốm đau phải một mình gánh vác, khắc phục. Do đó, em phải luôn cố gắng để vượt qua bởi chính anh cũng phải chịu nhiều thiệt thòi về mặt tinh thần khi phải sống xa gia đình, vợ con”.
Tôi thấy các cặp vợ chồng quân nhân trẻ hiện nay tan vỡ một phần là do họ thiếu đi các kỹ năng sống. Nhiều quân nhân đóng quân xa nhà, ít có điều kiện lo cho gia đình. Nhiều bạn bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế khó khăn, nghề nghiệp vợ hoặc chồng không ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh con sớm khiến nảy sinh mâu thuẫn trong xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái. Trong khi đó, không ít bạn lại quá đề cao cái tôi của bản thân, ít quan tâm đến cảm nhận của bạn đời, khó chia sẻ với nhau, khiến họ không đủ bản lĩnh và kỹ năng giải quyết, vượt qua các mâu thuẫn, dẫn đến ly hôn. Do đó, kỹ năng sống tốt sẽ góp phần duy trì tốt ngọn lửa trong hôn nhân.
DUY HIỂN - TUẤN ANH (thực hiện)