Dệt thêu gấm hoa cho bức tranh văn hóa 

Hơn một thập kỷ qua, Thiếu tá QNCN Phạm Vân Anh-nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch... luôn tích cực và nỗ lực trong các hoạt động sáng tác, nghiên cứu về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi cùng các hoạt động an sinh xã hội bền bỉ. Nhờ những chuyến đi và ghi chép của chị, độc giả hiểu hơn vẻ đẹp của giang sơn gấm vóc và nhận ra non nước Việt Nam kỳ vĩ, tươi đẹp biết bao.

“Dặm dài Tổ quốc” tập hợp 16 bút ký của Phạm Vân Anh tại 16 vùng đất mà chị đặt chân tới: Từ rừng thiêng Chúng Chải, đỉnh rừng Túng Sán, cho đến cuối trời Tây Bắc... Có thể nói đây là một tác phẩm kỳ công và gây ấn tượng mạnh cho độc giả bởi những phát hiện vô cùng sống động, tỉ mỉ của tác giả. Phạm Vân Anh chia sẻ: “Những giá trị văn hóa bao đời được lưu giữ và phục dựng của 16 dân tộc “nhỏ bé” này góp phần dệt thêu gấm hoa cho bức tranh văn hóa đa sắc màu của đất nước”. Theo quan sát của chị, do đặc điểm tộc người, di cư, phong tục sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện sống của họ rất khó khăn, còn tồn tại những hủ tục, nhưng họ luôn bám trụ vùng biên giới, góp phần gìn giữ chủ quyền. Dù dân số ít, nhưng trong chiến tranh, họ luôn cử thanh niên ưu tú lên đường đi chiến đấu. Vai trò của họ trong cộng đồng dân tộc Việt là không thể phủ nhận.

leftcenterrightdel

Tập bút ký “Dặm dài Tổ quốc” của Phạm Vân Anh. Ảnh: THU HÒA 

Tập bút ký của Phạm Vân Anh đưa độc giả lên huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, tìm đến với người Pu Péo, để biết rằng, từ thuở nằm nôi, họ đã được truyền cho ý thức thờ thần rừng, đến lúc giã từ kiếp sống cũng nằm lại trong rừng. Cầm sách trên tay mà người đọc cảm thấy “ghen tị” với trải nghiệm thực tế của tác giả: “Mặt trời chói lọi trên đỉnh đầu. Những lát thảo quả muối thơm nồng, miếng thịt lợn gác bếp, đĩa đậu trắng và bát muối dầm ớt cay xè dưới đôi tay khéo của vợ trưởng thôn...”. 

Thoắt cái, Phạm Vân Anh lại dắt độc giả đến thăm bản người Ngái, ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên để chiêm ngưỡng cách họ bài trí nhà cửa: Bàn thờ Thổ công được đặt ngay trong gian chính ngôi nhà. Người Ngái cũng rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên... Người Mảng ở Lai Châu lại yêu cây sáo một cách lạ lùng, thì ra: “Cây sáo, hay còn gọi là “luôm”, được coi là biểu tượng cho sự tự do, bình đẳng dành cho người con gái Mảng. Chỉ có con gái Mảng mới được mẹ dạy cho cách làm và thổi sáo. Con trai Mảng thì học đàn bầu...”.

Tập bút ký “Dặm dài Tổ quốc” còn giúp độc giả biết đến và hiểu hơn về truyền thuyết Ơ Đu-một dân tộc ít người cư trú ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ơ Đu cũng như rất nhiều vùng dân tộc mà Phạm Vân Anh có duyên ghé thăm, theo cảm nhận của chị, dẫu có dân số khiêm tốn, các giá trị văn hóa mà những dân tộc này bảo tồn được thực sự rất đáng quý.

Con đường sáng tạo mang dấu ấn riêng

“Dặm dài Tổ quốc” là minh chứng cho thấy di sản không chỉ là những gì thuộc về quá khứ. Nó còn tượng trưng cho cách mọi người nghĩ về bản thân, những người đi trước và những người hàng xóm của họ ngày nay, cũng như về thế giới mà họ đang sống. Theo nghĩa đó, di sản văn hóa cho chúng ta những bài học quý giá. Điều quan trọng của di sản văn hóa vật thể không phải là bản thân biểu hiện văn hóa mà là sự giàu có của tri thức và kỹ năng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thực tế, nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa cần có sự tham gia của nhiều chuyên gia, từ các nhà bảo tồn đến cơ quan thực thi pháp luật, từ các kiến trúc sư đến các nhà quản lý chương trình... và dĩ nhiên không thể thiếu vai trò của những người làm nghề viết.

Dám đi và dám viết chứng tỏ rằng, bằng tình yêu nồng nàn với quê hương đất nước, một tấm lòng bền bỉ với văn chương và một khát vọng hướng thiện, Phạm Vân Anh đã và sẽ vượt qua được rất nhiều khó khăn để tạo dựng một con đường sáng tạo mang dấu ấn riêng mình. Chị từng nói: “Với tôi, việc vượt qua khó khăn trong cuộc sống có vẻ như dễ dàng hơn là vượt qua khó khăn nội tại để sáng tác hiệu quả. Sự “đa mang” của bản thân nhiều lúc khiến tôi có cảm giác mình đang đi trên dây, nếu không cẩn trọng, bình tĩnh và tinh tế thì có thể thất bại bất cứ lúc nào...”.

Trên con đường của mình, Phạm Vân Anh ngày càng vững bước và gặt hái nhiều thành công cũng như cống hiến nhiều hơn cho văn chương, cho xã hội.

KIỀU BÍCH HẬU