Gustave Le Bon, nhà nghiên cứu tâm lý xã hội người Pháp-cha đẻ của cuốn sách kinh điển “Tâm lý học đám đông”, đã chỉ rõ, tâm lý đám đông là thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái tâm lý khi các nhóm người cùng nhau thực hiện một hành động nào đó. Ông lý giải, phần lớn các hành vi này đều xuất phát từ sự tò mò, hiếu kỳ, muốn biết xem việc gì đang xảy ra. Tâm lý đám đông khiến nhiều người đổ xô vào một sự việc nào đó để rồi tình cảm và suy nghĩ của họ hướng về một phía mà không cần suy tính đến nguyên nhân, nguồn gốc, hậu quả sự việc. Đôi khi tâm lý đám đông khiến những người tham gia hành động vô thức hay còn gọi là “bắt chước” một cách bản năng, gây ra những hậu quả khó lường.

Tâm lý đám đông có thể xảy ra ở mọi xã hội, mọi thể chế chính trị và không phụ thuộc vào trình độ văn minh, văn hóa cao hay thấp. Tâm lý đám đông thường bắt nguồn từ một nguyên nhân nào đó và dễ bị lợi dụng dẫn đến hiệu ứng đám đông là biểu tình, đập phá, gây ra những hậu quả khó lường cho xã hội và làm mất ổn định chính trị của một vùng, thậm chí ở một quốc gia nếu không được ngăn chặn kịp thời. Đôi khi chỉ một sự việc đang giải quyết, nhưng bị các đối tượng xấu kích động sẽ lan rộng và trở thành vấn đề chính trị.

leftcenterrightdel

 Minh họa hệ lụy của tâm lý đám đông: Phùng Minh

Vào tháng 7-2023, nước Pháp đã chịu tổn thất nặng nề sau cuộc bạo loạn lớn mà hậu quả là 450 cửa hàng bị cướp phá, 300 chi nhánh ngân hàng bị phá hoại, hàng trăm xe ô tô bị đốt, thiệt hại kinh tế lên tới 1,1 tỷ USD. Điều đáng nói là cuộc bạo loạn này xuất phát từ một sự việc rồi phát triển thành hiệu ứng đám đông, khiến cuộc sống người dân ở nhiều địa phương nước Pháp bị xáo trộn lớn. Theo đó, sau khi thiếu niên 17 tuổi Nahel bị cảnh sát bắn chết vì không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra giao thông thì tình hình trở nên căng thẳng. Ngay lập tức, các nền tảng truyền thông trên mạng xã hội cùng một số nền tảng khác liên quan đến việc tổ chức các cuộc tụ tập bạo lực và bắt chước bạo lực do những người trẻ tuổi khởi xướng đã đưa thông tin, kêu gọi, kích động các đối tượng quá khích. Nguy hiểm hơn, mạng xã hội đã đưa các tin giả, hình ảnh giả lan tràn giống như đổ thêm dầu vào lửa, làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực.

Điều đáng chú ý là độ tuổi trung bình của 2.000 người tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn bị bắt giữ sau đó chỉ mới 17 tuổi, tức là còn rất trẻ. Các nhà nghiên cứu ở Pháp cho rằng, nguồn gốc của bạo lực là do những nhóm người quậy phá, đa số là người nhập cư, thất nghiệp, sống ở những khu ngoại ô nghèo, lười lao động và bất mãn. Bị mạng xã hội kích động, những thành phần này nhanh chóng xuất hiện ở các cuộc tuần hành hoặc nơi tụ tập đông người, nhằm lợi dụng cơ hội để đốt phá, cướp bóc, hôi của.

Ở nước Mỹ, vào ngày 6-1-2021, một nhóm người ủng hộ ông Donald Trump đã nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 bằng cách tiến vào Washington, D.C. để xâm chiếm Điện Capitol. Sau khi vượt qua lực lượng an ninh, bị kích động, họ phá hoại và chiếm giữ một số phần tòa nhà. Hậu quả là 5 người chết và có những người khác bị thương nặng. Cuộc phá hoại khởi phát từ tâm lý đám đông này như "gáo nước lạnh" hất vào nền dân chủ Mỹ.

Trước đó, vào năm 2011, nước Anh cũng từng xảy ra cuộc bạo loạn xuất phát từ hiệu ứng đám đông. Sau việc một viên cảnh sát bắn chết nam thanh niên da đen 29 tuổi, ngày 6-8-2011, rất nhiều thanh niên tụ tập bên ngoài một đồn cảnh sát ở Bắc London để phản đối rồi phát triển thành biểu tình, bạo loạn. Dù ở thời điểm đó mạng xã hội chưa phát triển và lan nhanh như hiện nay, nhưng chỉ trong 3 đêm đầu tiên, bạo động đã lan khắp London và nhiều thành phố khác. Tình hình nước Anh chỉ trở lại bình thường sau khi cảnh sát bắt giữ hơn 2.000 người, khởi tố hơn 1.000 người.

Ở nước ta, hiện tượng tâm lý đám đông phát triển thành hiệu ứng đám đông không phải không có và diễn tiến với nhiều quy mô, mức độ khác nhau. Ví dụ, điển hình như vụ việc xảy ra ngày 10-6-2018 tại Bình Thuận đã biến thành vụ gây rối làm 45 cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự bị thương; một số phương tiện, công trình trong và ngoài khu vực UBND tỉnh này bị đập phá và đốt cháy; đã có 102 đối tượng quá khích bị tạm giữ để điều tra. Một số nơi, xuất hiện các đối tượng xấu trà trộn vào để kích động công nhân, người dân thiếu hiểu biết nhằm chống phá chế độ ta...

Ngày nay, hiện tượng tâm lý đám đông có tốc độ lan truyền chóng mặt vì tiện ích của hệ thống mạng xã hội, như: YouTube, TikTok, Facebook, Telegram... Thế nên, dù không có mặt tại hiện trường, thậm chí là ở cách xa hiện trường xảy ra sự việc hàng trăm, hàng nghìn cây số thì con người vẫn bị hiệu ứng tâm lý đám đông dẫn dắt.

Trong thực tế, có nhiều kẻ đã lợi dụng tâm lý đám đông để làm những việc với mục đích xấu, thu lời bất chính. Ví như hiện tượng tổ chức các cuộc hội thảo, tri ân khách hàng. Ban đầu, các đối tượng dùng thủ đoạn lôi kéo người dân đến hội thảo bằng quà tặng và chương trình khuyến mãi lớn. Trong hội thảo, họ dùng MC với kịch bản soạn sẵn và hiệu ứng âm nhạc cùng đội ngũ “chim mồi” để dẫn khách hàng. Lúc đầu họ cho một vài người may mắn mua được sản phẩm, nhưng sau đó dẫn dắt để khách hàng tự nguyện mua các sản phẩm. Thậm chí có người đi vay tiền để mua và mua với số lượng lớn. Người mua chỉ biết mình bị lừa sau khi đã mang sản phẩm về nhà một thời gian.

Con người thường mang trong mình đặc điểm tâm lý tò mò, hiếu kỳ, hám lợi. Khi rơi vào vòng xoáy của tâm lý đám đông thì họ mất dần lý trí và để cảm xúc dẫn đường. Trong đám đông, chỉ cần một kẻ nào đó “châm ngòi” bằng những ngôn từ thể hiện mong cầu của con người, định hướng hành động mang lại quyền lợi cho con người là đám đông sẽ nghe theo bất chấp đúng, sai và chạy theo tâm lý đám đông. Ngày nay, tâm lý đám đông còn bị kích hoạt bởi đội ngũ những người làm nghề truyền thông tự phát, các YouTuber, TikToker, Facebooker... Đây chính là gốc rễ để hình thành những nhóm kín hoạt động trên mạng xã hội, là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng tung các chiêu trò dụ dỗ, mua chuộc, lừa đảo.

Thế nên, mỗi người cần tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh để không bị lôi kéo vào đám đông, bị chi phối và gây ra hành động bộc phát, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đối với những người làm công tác lãnh đạo, quản lý xã hội, nghiên cứu về tâm lý đám đông giúp xây dựng các giải pháp, kế hoạch, phương án phòng ngừa, ngăn chặn những nguyên nhân xấu từ sớm. Đối với các cơ quan chức năng, phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những đối tượng lợi dụng tâm lý đám đông, lợi dụng mạng xã hội để kích động, lôi kéo người khác thực hiện những hành động sai trái...

Đại tá, TS NGUYỄN ĐỨC ĐỘ