Ký ức đôi khi tựa một cuốn phim quay ngược, sống động và ám ảnh. Có những điều giản dị, mong manh tựa khói sương mà thời gian đằng đẵng tưởng chừng đã đứt đoạn, đã chìm vào quên lãng bỗng một ngày thức dậy ùa về như dòng sông mùa lũ, cuốn ta đi, chới với giữa bộn bề kỷ niệm.

Như chiều nay, khi nhìn về khoảng sân trước hiên nhà, bắt gặp một nhành phượng tím, hồn tôi chợt như áng mây trôi về phía chân trời cũ, nơi có ngôi nhà tuổi thơ với hàng xoan trước ngõ, “hoa xao xuyến nở, như mây từng chùm” vào mỗi độ tháng ba.

Ngày ấy, làng tôi nhà nào cũng trồng xoan. Với người lớn, xoan là loài cây đa dụng, “của để dành” phòng khi hữu sự. Còn với lũ trẻ chúng tôi, rặng xoan là nơi săn đuổi, kiếm tìm thú vui dẫu đôi khi phải trả giá bằng thương tích và sự ân hận mà ở cái tuổi non nớt dại khờ, chúng tôi chẳng thể nào hiểu được nguyên cớ vì sao.

Trong gia đình tôi, cha tôi luôn là người chọn vị trí, gieo những hạt xoan xuống đất, chăm sóc và thường xuyên nói về chúng với những dự định, tương lai tốt đẹp. Khi hàng xoan đủ lớn, cha thường đợi vào cuối mùa thu thì cưa hạ, chọn lấy khúc thân đẹp rồi dìm xuống bùn dưới đáy ao. Số cành và gốc xoan còn lại, cha xếp vào góc vườn làm củi. Cha bảo phải ngâm khúc gỗ vài năm để xoan ngậm nước, lúc đó gỗ mới đanh, rắn, tránh được sâu mọt và đặc biệt sẽ không bị nứt. Để chữa bệnh giun sán cho trâu bò, cha đẽo một miếng vỏ xoan đối diện hướng Tây (điều này cha tôi cũng chẳng biết vì sao, chỉ biết rằng đó là kinh nghiệm do các cụ truyền lại).

leftcenterrightdel

 Hoa xoan. Ảnh: GIANG TRỊNH

Miếng vỏ xoan bằng bàn tay cùng với cỏ mật đem phơi khô, rang vàng, hạ thổ, sau đó đun thành nước, mang cho trâu uống sẽ trừ được giun sán. Mỗi khi dấm chuối, mẹ tôi đào hố, lót rơm khô rồi bẻ một nắm lá xoan rải vào, buồng chuối xanh đặt vào hố, được phủ kín lá xoan và rơm sau 3 đến 4 ngày sẽ chín vàng, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Những tối muỗi ra nhiều, mẹ đổ trấu, phủ lá xoan tươi lên rồi châm lửa, khói lá xoan cay nồng có tác dụng xua muỗi, giúp đàn chó và con trâu của nhà tôi được yên giấc. Củi xoan dễ bén lửa, cháy lâu, ít khói, than đượm, là thứ nhiên liệu quý được mẹ tôi dành dụm, xếp gọn một góc vườn để nấu bánh chưng vào dịp Tết hoặc dùng vào những ngày mưa dầm, khi việc kiếm chất đốt trở nên khó khăn.

Từng chùm quả xoan lúc lỉu trên cao trông thật ngon mắt nhưng không thể ăn vì độc. Tuy nhiên, với lũ trẻ hiếu động và giàu trí tưởng tượng như chúng tôi thì quả xoan không hề vô dụng. Những buổi chơi cùng nhau, lũ con gái thường lấy cành xoan nhỏ bằng ngón tay làm đòn gánh, hai đầu buộc những chùm quả làm đồ hàng, bày bán cho nhau. Cũng mời chào rôm rả, mặc cả rộn ràng; cũng “tiền trao, cháo múc” và tiền là những mảnh gốm vỡ từ bát đĩa hoặc vỏ hến được nâng niu, cất giữ cẩn thận.

Lũ con trai chúng tôi thì chặt ống tre làm súng thụt, hái quả xoan làm đạn, bày trò bắn nhau. Chơi chán, chúng tôi trèo lên cây, tìm tổ chim chào mào bắt chim non mang về nuôi. Mặc những chú chim non hoảng loạn vẫy vùng và tiếng kêu gào thảm thiết của chim bố mẹ khi bị cướp mất đàn con, chúng tôi vẫn vui mừng với “chiến lợi phẩm” vừa thu được. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, những chú chim chẳng chịu ăn uống gì, dần héo hon, kiệt sức rồi lăn ra chết. Chúng tôi đâu biết rằng, sự ngây thơ và tình yêu của chúng tôi dành cho lũ chim đã tạo nên bi kịch bởi trời đất bao la mới là nơi chúng thuộc về.

Xoan là loài cây báo mùa, khi quan sát quá trình sinh trưởng của cây, người ta có thể nhận thấy sự trôi chảy của thời gian. Cuối thu, lá xoan ngả vàng, rơi theo từng cơn gió tạo nên khung cảnh buồn man mác. Vào mùa đông, cây xoan tựa những bộ xương khô dựng giữa trời, ngủ vùi suốt mùa giá lạnh. Khi mùa xuân gọi mưa phùn tới, vô vàn chùm hoa bung nở như những đám mây màu tím nhạt, pha hòa sắc trời mờ đục, phả vào không gian mùi thơm ngai ngái, dìu dịu. Đó cũng là lúc tiếng trống hội, trống chèo từ sân đình làng tôi vang lên rộn rã, khiến các chàng trai, cô gái bồi hồi, rạo rực, giục họ đi trẩy hội mùa xuân.

Chị tôi, người con gái xinh đẹp nhưng duyện phận lỡ làng vào mỗi mùa xoan nở thường đọc cho tôi nghe những câu thơ quen thuộc: “Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay/ Hoa xoan đã nát dưới chân giày...”. Tiếng của chị thầm thì như tiếng gió, ánh mắt chị buồn nhìn về phía xa xăm. Dường như chị đang độc thoại với chính mình, với sự bẽ bàng, tủi phận của chị trước những chàng trai không giữ lời hẹn ước.

Nhiều mùa hoa cứ thế trôi qua, rồi cũng đến một ngày tôi từ biệt gia đình vào một sớm hoa xoan rụng đầy trước ngõ. Trước khi bước vội để kịp đón chuyến tàu xuôi về phương Nam, tôi ngước nhìn lên trời cao, thu vào tầm mắt những chùm hoa xoan và hít thật sâu mùi thơm dịu nhẹ. Khoảnh khắc ấy thật ngắn ngủi nhưng đã hóa thạch trong trí nhớ để rồi giờ đây, dù sống giữa xứ sở muôn vàn hoa thơm cỏ lạ nhưng một góc tâm hồn tha nhân mãi mãi hao khuyết một sắc hương chẳng có gì bù đắp nổi.

Tản văn của QUANG VINH