Ngay từ đầu, chồng cô đã bảo: Em cứ biếu mẹ tiền, mẹ tự may sắm. Nhưng Hiền nghĩ, đi du lịch cùng đồng nghiệp cơ quan, chợ Đông Hà nhiều vải đẹp, ai cũng mua làm quà cho người thân thì Hiền cũng mua vài bộ về làm quà cho cả hai bên nội, ngoại. Mẹ đẻ cô thì đã lên áo và mặc đi đám cưới, còn chụp ảnh khoe con gái rồi.
Nhưng mà thôi, nghĩ nhiều làm gì, nay đã mồng Ba Tết, cô chỉ ở nhà thêm hai ngày rồi lại cùng chồng con về thành phố. Nhà cửa khi ấy chỉ còn hai ông bà, lại vắng tanh. Nỗi buồn của những người già không có con cháu ở bên cạnh mới đáng kể đến. Còn chuyện chiếc áo, chắc là có lý do để mẹ chồng cô làm thế. Hai mẹ con vừa làm cơm vừa rủ rỉ trò chuyện. Bà Loan kể chuyện rau củ năm nay rẻ quá, được cái giá lợn hơi bình ổn nên những hộ chăn nuôi cũng yên tâm mà ăn Tết. Còn Hiền kể chuyện ở thành phố những ngày cuối năm kẹt xe, đi lại vất vả, vật giá tăng nhưng tiền thưởng không tăng. Về quê vườn tược rộng rãi, đường sá thênh thang, không khí trong lành, bọn trẻ con chỉ thích ở luôn đến hè thôi. Bà Loan cắt ngang lời con: "Ở là ở thế nào, đứa lớn cuối cấp 2, đứa bé cuối cấp 1, vợ chồng con phải dành cho con cái thêm nhiều thời gian nữa. Sang năm, nếu công việc bấn quá, phải trực cơ quan thì không cần về Tết đâu. Ra Giêng rồi về. Các con về ngày nào nhà ta ăn Tết ngày đó".
Vừa nói chuyện, Hiền vừa thấy mẹ chồng nhấp nhổm như sốt ruột điều gì. Hay là bà có khách hẹn đến chơi? Nhưng cô không tiện hỏi, cứ lặng lẽ quan sát. Mẹ chồng cô năm nay bảy mươi rồi, tuổi này còn có gì mà bí mật nữa đây. Nhưng mà cảm nhận của Hiền là mẹ chồng cô có vẻ sợ ông Tiện-bố chồng cô. Vì ông gia trưởng và rất hay ghen. Lại nói cái chuyện ghen. Mới hôm 27 Tết, ăn cơm tối xong độ một tiếng thì thấy mấy cô hàng xóm sang rủ bà đi bộ, vì ngày nào họ cũng đi. Hôm ấy, mẹ chồng cô vừa bước ra sân thì bố chồng cô quát: "Đi đâu? Tết nhất đến nơi, ở nhà mà trông nồi bánh". Hiền thấy thế bèn lên tiếng: "Bánh có con trông đây rồi bố. Bố cứ để mẹ đi, khớp chân của mẹ khô lắm, nếu không đi bộ là rất đau. Mẹ con lại ngồi gói bánh suốt buổi chiều rồi. Mẹ cứ đi đi". Nghe con dâu nói thế, bà Loan chống gối đứng dậy và dặn: "Thế mẹ ra kẻo các bà ấy đợi. Con nhớ tiếp nước bánh nhé, ấm nước mẹ vần cạnh đấy. Mẹ đi chóng thôi". Ông Tiện hậm hực đi ra đi vào, đá thúng đụng nia. Khoảng ba chục phút thì bà Loan về thật, về trước mọi người. Ông đứng sẵn ở cổng, xỉa tay, đay nghiến: "Rõ dơ chửa, già rồi còn tí tởn, thể dục mới thể dịch cái gì. Khỏe đâu chả thấy, chả may mà lăn kềnh xuống mương thủy nông thì no nước đồng". Hiền bấm tay Tuấn thì thào: "Anh sau này cũng thế hả?". Tuấn cười, nhưng ánh mắt rất lạnh.
Đấy là chuyện trước Tết. Còn bây giờ, thái độ của mẹ chồng cô lạ lắm. Có gì đó như nhẫn nhịn, chịu đựng; lại có gì đó như bất cần, ngang ngạnh. Nếu không cẩn thận, bố chồng cô lại tra khảo, làm ầm lên thì mất cả không khí ngày Tết. Nhân lúc chỉ có hai mẹ con trong bếp, cô hỏi: "Nếu hôm nay mẹ đi đâu chơi thì con đưa mẹ đi. Cả mấy hôm Tết, con chưa thấy mẹ đi đâu cả". Hiền vừa nói đến đó thì ông Tiện đi vào, thấy hai mẹ con đang trò chuyện lại ngưng bặt nên ông sinh nghi. Chắt cốc nước lọc từ bình xong, ông còn nán lại hỏi: "Mẹ con bà định đi chơi đâu à? Định đi thì cơm nước nhanh lên, ăn xong thì đi. Trưa bố con tôi sẵn đấy, đói thì ăn. Chiều về để còn làm cơm hóa vàng, tôi mời các bác trong họ rồi". Mặt bà Loan đỏ lựng. Chờ ông Tiện ra khỏi bếp, bà mới buông một tiếng thở dài. Hiền nghe một người cô bên chồng kể, trước đây, bà Loan từng có một đời chồng, là người trong huyện. Hai người cưới nhau rồi ông ấy mới nhập ngũ. Nhưng ông ấy hy sinh, bà Loan ở lại nhà chồng đợi ông thêm bảy năm, nhưng nghe đâu có va chạm gì nên nhà chồng đuổi bà về. Rồi bà mới lấy ông Tiện bây giờ, cũng là một thương binh. Chính vì thế mà tận ba mươi tuổi, bà mới sinh Tuấn-chồng cô. Khoảng cách mẹ chồng-con dâu khiến Hiền không dễ mở lời, nhưng thấy bà lầm lũi, âm thầm, buồn bã, cô rất thương. Con gái thì lấy chồng xa nhà cả nghìn cây số, có khi ba năm mới về thăm mẹ một lần.
Bữa cơm dọn ra từ 8 giờ nhưng ông Tiện cố tình kéo dài ra bằng việc cà kê kế hoạch sửa bếp, xây kè ao nọ kia. Mà khi ông chưa đứng dậy thì bà cứ phải ngồi đấy không dám đứng dậy. Gần 9 giờ ông mới với lọ tăm, liếc đồng hồ rồi vờ thảng thốt: "Chết thật! Sắp trưa rồi, thế mẹ con bà có đi không?". Bà Loan thủng thẳng: "Đi sớm thì về sớm, đi muộn thì về muộn, có gì đâu mà". "Ấy chết, bà về còn làm cơm cúng chứ. Bố con tôi biết đằng nào", ông Tiện nói. Thấy bà xách theo cái túi vải màu nâu, ông vỗ vào cái túi và hỏi bà nhét cái gì vào cái túi mà phồng thế? Bà Loan không nói gì, nắm chặt quai túi ngồi xuống ghế. Ánh mắt mông lung nhìn ra vườn cây phía trước cửa nhà. Hiền đi ra, cầm cái túi lên, nói với bố chồng, nửa đùa nửa thật: "Cái áo chống nắng của con, chứ bố nghĩ mẹ con con xúc gạo cho ai hay sao?". Rồi cô quay sang bảo mẹ chồng: "Thôi, mẹ con mình đi kẻo muộn".
Hai mẹ con ra đến đường, bà Loan bảo con dâu tạt vào cửa hàng hoa để lấy một lẵng hoa tươi bà đã đặt làm. Trên đường đi, bà kể: "Hồi xưa, khi bà ấy đuổi mẹ đi, mẹ giận bà ấy lắm, giận cả nhà chồng. Nhưng sau này mới biết, bà cụ làm thế là vì thương mẹ, muốn mẹ tái giá, sinh con đẻ cái, sau còn có chỗ bầu bạn. Nhưng cứ mỗi lần mẹ lên đó thăm bà cụ là mỗi lần nhà cửa lục đục, nên mấy năm nay mẹ không lên nữa. Bên ấy họ biết cả. Nay mừng thượng thọ 97 cho bà cụ, mẹ muốn sang và tặng cụ tấm áo. Mẹ đã xin số đo để thợ may cắt cho vừa vặn". Hiền nghe mà thấy mũi cay cay. Mẹ chồng cô chu đáo, nghĩa tình là thế.
Xe chạy trên con đê lớn, phía dưới là cánh đồng ngô đang phất cờ, ngoài xa là dòng sông lững lờ trôi bình yên. Gió xuân lạnh se sắt, mưa phùn lất phất. Bà Hiền vòng tay ôm ngang bụng con dâu và thủ thỉ kể chuyện ngày xưa... Bà lấy chồng là do mai mối, hôm cưới là lần thứ hai nhìn thấy nhau. Cưới xong, chỉ có năm ngày bên nhau là ông nhập ngũ. Sau này, khi ông ấy gửi thư về, thư qua thư lại mới yêu nhau. Ngay cả bố thằng Tuấn bây giờ cũng thế, gá buộc mà thành chứ có yêu đương gì đâu. Nhìn thấy ông ấy người đầy sẹo mà thương, mà lấy thôi. Nhà ông ấy nghèo đến nỗi cái giường không có, ngày cưới nằm phản. Hai mẹ con đi hết đê thì rẽ vào đường lớn rồi chạy thẳng gần 10km.
Nơi mẹ con Hiền đến là một ngôi làng cũ kỹ phía trong đê, phải đi qua một mặt đồng khá rộng. Nhà ở trên một ngọn đồi xanh mướt. Ở đây, những nếp nhà lợp lá cọ nằm xen kẽ những ngôi nhà xây nhỏ bé, khiêm tốn. Con đường đất rợp bóng tre và ríu rít tiếng chim. Hiền ngạc nhiên vô cùng: "Ở đây vẫn có nhà lá hả mẹ?". "Ừ. Xã này còn nhiều hộ nghèo mà". Con đường đất lượn quanh chân đồi đưa hai mẹ con tới một con dốc nhỏ. Bà Loan bảo Hiền dừng xe mà dắt lên, dốc cao lắm, lại quanh co. Hiền xuống xe, vẫn nổ máy, dắt xe đi lên. Chừng năm phút thì tới nơi. Khi hai mẹ con cô lên đến nhà thì con cháu, họ hàng đã đông đủ, mùi thức ăn ngày Tết bay ra thơm lừng. Thấy bà Loan, mọi người reo lên: "Ôi bá Loan! Chị Loan kìa!". Có người vẫn gọi bà Loan là thím, có người gọi là mợ, thân tình y như ngày xưa. Ngay cả Hiền, khi được giới thiệu là con dâu bà Loan, cô cũng được mọi người ân cần thăm hỏi. Vì là mẹ liệt sĩ nên lễ mừng thọ của bà cụ diễn ra trọng thể và ấm cúng lắm. Trong bài phát biểu của ông trưởng họ, nay đã ngoài bảy mươi tuổi, cũng là con trai cả của bà cụ có nhắc đến ông Lân-chồng bà Loan đã hy sinh ngoài chiến trường. Bà Loan rưng rưng nước mắt. Bà trao lẵng hoa và nói nghẹn ngào: "Con mừng tuổi mẹ! Kính chúc mẹ sống vui, khỏe mạnh bên cháu con".
Sau đó, bà Loan đưa tấm áo gấm màu hoa cà cho bà cụ và nói: "Còn đây là quà của cháu Hiền may tặng mẹ". Bà cụ móm mém cười rất tươi, ánh mắt cụ thay bao điều muốn nói. Khuôn mặt bà cụ phúc hậu, tươi tắn nhưng cử chỉ và lời nói thì đã chậm chạp. Có lẽ vì bà cụ mới vừa ốm dậy. Mấp máy mãi rồi cụ cũng nói thành tiếng: "Chúng nó cứ mong suốt, tôi bảo thế nào chị Loan cũng lên, cứ đợi thêm chốc nữa". Rồi quay sang Hiền, cụ bảo: "Hồi xưa không như bây giờ, khi mẹ cháu đi, bà thì mang tiếng ruồng rẫy con dâu, mẹ cháu thì mang tiếng bội bạc, khổ lắm! Nhưng thôi, giời có mắt, giời sẽ đền bù cho. Bà chả biết nói hay đâu"... Suốt quãng thời gian còn lại, hai người không nói với nhau câu gì, chỉ thấy họ nắm tay nhau rất chặt. Một mái đầu trắng phau kề sát mái đầu hoa râm. Hiền giơ điện thoại ra định chụp một bức ảnh nhưng ánh mắt bà Loan ngăn cô lại.
Trên đường về, bà Loan bảo còn một nơi nữa bà muốn đến, đó là nghĩa trang liệt sĩ của xã, nơi hài cốt của liệt sĩ Khuất Quang Lân được đem về hai chục năm trước. Hiền không theo mẹ chồng vào trong nghĩa trang, cô đứng đợi ở ngoài. Bà Loan vào rất nhanh, chục phút sau đã ra, bà bảo: "Ngày Tết ngày nhất, ngồi với ông ấy tí thôi, để ông ấy còn tiếp khách. Thôi ta về kẻo muộn".
***
Trong lúc hai bố con ông Tiện đang bơm nước rửa sân, ông Tiện cằn nhằn: "Hai mẹ con bà ấy ngủ ở nhà người ta hay sao? Đi hơn ba tiếng rồi, Tết nhất, phiên phiến thôi chứ". Tuấn nhìn bố, anh trầm ngâm một lúc rồi nói: "Bố ạ, con Tết này là tròn 40, con gái con cũng 15 rồi. Con muốn nói với bố một lần về chuyện này, như những người bạn nói với nhau, được không bố?".
Ông Tiện chột dạ, khóa van nước lại, sốt ruột giục: "Anh cứ nói đi, bố nghe". Tuấn nói chậm rãi và cân nhắc: "Bố ạ, con thấy bố chưa công bằng với mẹ, bố kiểm soát mẹ con từng li từng tí, bố ghen tuông vô cớ. Trước khi bố mẹ đến với nhau, bố đã biết rõ về hoàn cảnh của mẹ con. Con và Hiền lấy nhau khi trước đó cả hai đều có những mối tình sâu sắc. Trong khi mẹ con, mang tiếng có một đời chồng nhưng số ngày bà ấy ở bên chồng không kín mười đầu ngón tay. Còn việc gia đình người ta quan tâm đến mẹ con là bởi họ trọng nghĩa tình. Hôm nay là ngày mừng thọ bà cụ, nếu mẹ nói trước, ắt bố sẽ phản đối và cấm đoán. Chính vì thế mà vợ con phải nói dối về tấm áo. Một món quà đẹp đẽ, ý nghĩa như thế mà vợ con phải nói rằng đó là cái áo chống nắng. Bố nghĩ mà xem, khi bố ngắm cành hoa đào kia đủ lâu thì cả mùa xuân cũng đang nhìn bố. Những điều tốt đẹp trong cuộc đời cũng thế. Mai kia, gia đình nhỏ của chúng con về thành phố, nhà chỉ còn bố mẹ. Con biết bố rất yêu mẹ. Nhưng yêu không có nghĩa là kiểm soát, là khiến người mình yêu ngột ngạt trong chính ngôi nhà của hai người. Mẹ con vất vả nhiều rồi, thấy mẹ không vui, lòng chúng con không yên được".
Ông Tiện mở van nước, xối ào ào ra sân, quét lấy quét để ra cổng. Xong xuôi, ông mới bảo con trai: "Biết hôm nay mừng thọ bà cụ thì bố sẽ bảo mẹ con đi sớm lên. Thôi, bố con mình vào bếp. Bố sẽ tự tay làm món gà hầm thuốc bắc. Suốt mấy hôm Tết ăn đồ chiên rán mệt cái bụng lắm". Thấy bố vừa làm trong bếp vừa bồn chồn liếc mắt qua cửa sổ bếp, Tuấn tủm tỉm cười.
Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN