Lam Lam học lớp 3 thì Tiểu Bảo ra đời. Sự xuất hiện thêm một đứa con làm trật tự trong gia đình tôi hoàn toàn đảo lộn. Chúng tôi không có thời gian để đưa đón Lam Lam nữa. Mỗi lần chồng tôi đi công tác, việc ăn uống của tôi và con gái cũng là cả vấn đề, không phải gọi mua bên ngoài thì lại trộn mì để ăn, chẳng những con gái tôi phát ngán, ngay cả tôi cũng ngán đến tận cổ.

Công việc của chồng tôi thường xuyên đi công tác xa nhà, mà kỳ nghỉ thai sản của tôi lại sắp kết thúc, người giúp việc thì mãi không thuê được. Tôi đã tìm rất nhiều người giúp việc nhưng người thì đòi lương cao quá, người lại đưa ra điều kiện chưa phù hợp. Tôi đau đầu không biết xoay xở thế nào. Vì chuyện này mà tôi và chồng bao phen cãi nhau. Con nhà người ta có ông bà trông, còn ông bà nội nhà tôi đã về hưu thà đi khiêu vũ ở quảng trường chứ không thích trông cháu. Cứ nghĩ đến bố mẹ chồng, trong lòng tôi như ngẹn lại vì “cục tức”.

Nghe con gái liên tục gọi mẹ ơi con đói quá, bao nhiêu bực tức đang đè nén như quả bom trong tôi cuối cùng cũng phát nổ. Tôi liền nhấc điện thoại gọi cho chồng đang đi công tác xa. Ở đầu dây bên kia vừa nghe “A lô!” một tiếng, tôi tức thì “xả” cơn tức giận: “Nhà người ta có ông bà nội trông cháu hộ cho, nhà mình có phải là không có ông bà không? Hai đứa con nhà này có còn là người họ Vương nữa không?...”. Tôi thốt ra cả một tràng dài với chồng về những vấn đề xoay quanh việc ông bà nội không trông cháu, rồi kết luận: “Một là anh bảo ông bà nội đến chăm cháu, hai là tôi sẽ nghỉ làm để ở nhà trông con!”.

Chồng tôi ở đầu dây bên kia sau khi đoán được ý của tôi, liền nói xa xôi một câu: “Chẳng phải hồi mới sinh thằng Bảo, em ý kiến là mẹ nấu ăn không ngon sao?”. Câu nói của chồng làm cơn tức giận của tôi như bị bịt lại.

Khi chúng tôi mới cưới, do luôn nghĩ rằng mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu sẽ chẳng bao giờ tốt đẹp cả, vì vậy, tôi đã chủ động đề xuất không sống chung với mẹ chồng. Tôi âm thầm đưa ra một giới hạn giữa tôi và mẹ chồng, thầm đưa ra nguyên tắc: “Không gần gũi, không chủ động!”.

Khi sinh con thứ hai, mẹ chồng tôi đến nhà chăm tôi ở cữ. Về việc này, bề ngoài tôi vẫn giữ khách khí, nhưng trong lòng thì rất không vừa ý. Mọi hành động nhỏ của bà cũng làm tôi không ưa. Tôi ghét mấy bộ phim sến súa mẹ chồng tôi hay xem, càng ghét hơn là cứ có chút việc gì thì bà cằn nhằn mãi. Tóm lại, giữa tôi với mẹ chồng có quá nhiều khác biệt trong nếp sống. Nói là bà đến trông tôi ở cữ không đúng bằng nói bà đến để chọc “cục tức” trong tôi tăng lên.

Và cuối cùng, sau một buổi mẹ chồng tôi làm đồ ăn không đúng món tôi thích, tôi đã lấy đó làm cớ để nói ra những gì tôi bất mãn trong lòng với chồng. Giọng tôi vừa tỏ ra khó chịu, vừa tỏ ra bất cần: “Mẹ anh ngày nào cũng nấu mấy món giống nhau, chả nhẽ bà không biết nấu món nào khác à?”, nói xong tôi quay người đi và phản đối không ăn cơm.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi không ngờ mẹ chồng tôi nghe thấy. Ngày hôm sau, bà rời khỏi nhà chúng tôi mà không nói một lời. Từ đó trở đi, tôi và bà không liên lạc với nhau. Mối quan hệ giữa tôi với mẹ chồng vốn đã héo hắt nay càng giá băng. Con gái tôi cũng bị ảnh hưởng từ tôi nên tình cảm với ông bà nội cũng lúc gần lúc xa, không thân thiện như những người khác.

Tôi từng nghĩ, xa bố mẹ chồng, tôi và chồng tôi hoàn toàn có thể chăm sóc con cái tốt, nhưng tôi đã không dự liệu được rằng, cùng lúc chăm hai đứa trẻ thì độ vất vả khác xa so với chăm một đứa. Khi chúng tôi không thể tìm được người giúp việc phù hợp, những gì mà tôi vốn cho là đúng trước đây đều phải cúi mặt trước hiện thực, tôi đành phải hạ mình trước bố mẹ chồng.

Để bố mẹ chồng trông con là việc mà chồng tôi đã mong ước từ lâu. Chỉ là do tôi từng có thái độ với mẹ chồng nên chồng tôi đành chôn giấu mong ước này trong lòng. Nay thấy tôi chủ động nói ra việc này nên vừa đi công tác về, việc đầu tiên chồng tôi bảo tôi và anh nhanh chóng đi gặp bố chồng tôi để thương lượng.

Khi mẹ chồng tôi có ý giúp thì tôi không cần, nay tôi có ý nhờ thì mẹ chồng lại không muốn. Mẹ chồng tôi lấy lý do người không khỏe nên gọi bố chồng tôi về ngay. Thấy thái độ cự tuyệt của mẹ chồng, chồng tôi rất buồn, anh nói với tôi: “Bà chắc vẫn đang bực chuyện ngày trước, hơn nữa mấy năm nay em với bà không qua lại với nhau, mối quan hệ giữa bà, em và con gái cũng nhạt dần. Thôi chúng mình là phận con nên phải làm lành trước. Chúng ta mang hai đứa con về nhà thăm ông bà, mẹ thấy em và con chắc sẽ vui mừng mà không so đo chuyện cũ nữa”. Lúc đầu tôi nhất mực không đồng ý, tôi thấy việc này chả khác gì việc sống mà phải quỳ gối cả. Nhưng nghĩ về kỳ nghỉ thai sản sắp hết, tôi chỉ còn cách nghe theo và đi đến nhà bố mẹ chồng.

Ngày chúng tôi đến nhà bố mẹ chồng, trong lòng tôi thấp thỏm không yên, một thời gian dài không liên hệ gì với nhau làm tôi cảm thấy ngôi nhà của bố mẹ chồng thật xa lạ. Tôi chậm chạp bước theo chồng, bảo anh gõ cửa. Ra mở cửa là mẹ chồng tôi. Nhìn thấy tôi và các con, mẹ chồng tôi tỏ ra rất bất ngờ, rồi sau đó thấy bà tươi tỉnh hẳn, vui cười ra mặt.

Mẹ chồng tôi cưng nựng hai đứa cháu vô cùng, bà dường như quên hẳn chuyện cũ, rất nhiệt tình hỏi thăm tôi công việc thế nào, có khỏe không, bố mẹ tôi thế nào. Tôi với mẹ chồng người hỏi người đáp, cứ như vậy không khí thật hòa thuận. Trước khi đến đây, tôi đã dự liệu hết những tình huống sẽ xảy ra để thỏa mãn những suy diễn trong nội tâm, duy chỉ có tình huống này tôi hoàn toàn không nghĩ ra được.

Khi chồng tôi đề cập đến chuyện trông các cháu, mẹ chồng tôi chợt liếc nhìn sang tôi như nghi ngờ điều gì. Tôi mỉm cười, nhìn mẹ chồng khẩn thiết. Mẹ chồng tôi ngập ngừng một lúc rồi cũng nhận lời, nhưng đưa ra một điều kiện: Mỗi ngày khi đi làm chúng tôi mang con đến nhà, lúc tan ca thì đến đón con về chứ bà không đồng ý đến nhà tôi trông cháu.

Nghe mẹ chồng tôi nói vậy, trong lòng tôi có chút không vui, tôi nghĩ mẹ chồng tôi vẫn còn để trong lòng chuyện cũ, cảnh vui vẻ hiện giờ chẳng qua chỉ là hình thức mà thôi. Chồng tôi đọc được suy nghĩ của tôi nên nói nhỏ: “Em cứ bình thường đi, nếu như hôm nay em không đến có khi mẹ còn không nhận lời đâu. Em vừa chủ động lùi một bước, mẹ đã cư xử tốt với em như thế, sau này em cố gắng thêm chút nữa, có khi mẹ còn coi em như con gái ấy chứ!”.

leftcenterrightdel
Minh họa: THÁI AN 

Có một hôm, tôi thử về qua nhà bố mẹ chồng xem bà trông cháu thế nào. Tôi xin nghỉ nửa ngày để “thám thính” tình hình. Khi tôi vừa bước vào cửa, nhìn thấy mẹ chồng đang mặc bộ đồ khiêu vũ mà bà vẫn hay mặc khi đi khiêu vũ ở quảng trường, vừa hát vừa làm trò để con tôi vui, còn bố chồng thì đang nằm bò ra cho cháu ngồi trên lưng chơi trò chơi cưỡi ngựa.

Nhìn thấy tôi đột ngột xuất hiện, mẹ chồng tôi giải thích: “Thằng Bảo nó thích mẹ mặc bộ váy đỏ này để nhảy múa cho nó xem, mỗi lần mẹ làm thế nó thích lắm con ạ”. Còn bố chồng tôi vừa “làm ngựa” cho cháu vui nên thở hổn hển và nói với tôi: “Chỉ cần cháu thích là bố vui rồi con ạ!”.

Nhìn thấy hai ông bà làm tất cả chỉ cho bọn trẻ được vui, trong lòng tôi chợt trào dâng một cảm xúc không thể nói thành lời. Tôi cảm thấy vui mừng, hạnh phúc, nhưng cũng cảm thấy bản thân thật đáng trách. Tối hôm đó, tôi kể chuyện cho chồng nghe, chồng tôi nói với tôi đầy ý nghĩa rằng: “Thực ra, tất cả những thứ tình yêu trên thế gian này đều cần sự thấu hiểu, chỉ có thấu hiểu mới cảm nhận được độ ấm áp của nó. Nếu như lúc đầu em không cắt đứt sự qua lại với bố mẹ thì giữa em và bố mẹ cũng không có ngăn cách”. Sau đó, chồng tôi nói thêm: “Mẹ nói mẹ không đến nhà mình trông cháu, đó là vì mẹ lại sợ nếp sống không giống nhau chứ mẹ không có ý gì đâu”. Nghe chồng nói tôi chợt tỉnh ngộ và hiểu ra nhiều điều, đúng là tất cả những tình yêu trên thế gian này đều phải dựa vào sự thấu hiểu mới cảm nhận được. Sự xa cách ở một góc độ nào đó có thể tốt, nhưng một mặt nó cũng mang đến cho người ta cảm giác lạnh lùng, xa lạ.

Tôi quyết định chủ động tìm kiếm cơ hội nắm bắt lấy tình cảm của mẹ chồng, để giữa chúng tôi không còn bị ngăn cách, để cho tình cảm giữa tôi và bà có thể nồng ấm hơn. Nghĩ vậy, tôi đã chủ động thêm tài khoản WeChat của mẹ chồng tôi, chủ động tương tác với bà và bạn bè của bà trên WeChat. Mỗi lần bà đăng về những món ăn bà tự làm, tôi lại gửi “icon” thể hiện mình cũng muốn ăn... Có lúc tôi cũng lấy cớ hỏi chuyện con cái để gọi điện nói chuyện với mẹ chồng. Những việc làm đó tuy nhỏ nhưng ý nghĩa thì không hề nhỏ. Cứ dần dà như vậy, mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng trở nên vô cùng thân thiết, chuyện gì cũng có thể kể được với nhau, từ chuyện con cháu đến chuyện cuộc sống hay công việc. Chồng tôi cười trêu tôi rằng chúng mình đã biến một mối quan hệ lạnh lùng trở thành một mối quan hệ mật ngọt.

Năm ngoái, ngày sinh nhật mẹ chồng tôi, tôi đã bí mật ra tiệm quần áo chọn cho bà một chiếc áo khoác. Khi bà nhìn thấy chiếc áo khoác tôi mua chính là chiếc áo mà bà rất thích nhưng tiếc không dám mua, bà vô cùng ngạc nhiên hỏi tôi sao tôi có thể chọn một chiếc áo đúng với ý bà như vậy, tôi cười và nói vui: “Mẹ con mình có giác quan thứ sáu mà !”.

Có lần đi ăn nhà hàng, tôi để cho mẹ chồng tự chọn món ăn, nhưng những món ăn mà bà chọn thì toàn là những món tôi thích ăn. Tôi hỏi nhỏ chồng có phải anh đã tiết lộ khẩu vị của tôi cho mẹ chồng biết không, nhưng anh quả quyết là anh không bao giờ nói. Trong lúc tôi đang không hiểu sao thì mẹ chồng nói: “Những món ăn này mẹ nhìn thấy bạn bè của con trên WeChat thường gửi cho con. Trước mẹ thấy con gầy nên mẹ muốn nấu đồ ăn có thêm thịt cho con ăn, sau này mẹ mới biết con thích ăn những đồ thanh đạm thế này”.

Hóa ra, mẹ chồng thường xuyên theo sát những hoạt động của tôi, bà ghi nhớ những sở thích của tôi. Hóa ra, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu đâu phải lúc nào cũng không tốt, chỉ cần chúng ta thấu hiểu thì mối quan hệ đó hoàn toàn trở nên thân thiết.

SONG VÂN (dịch từ truyện ngắn của Đường Tiểu Miêu, Trung Quốc)