Đưa tay vịn vào thành giường, hai chân huơ huơ tìm đôi dép lê. Ánh nắng xiên qua lỗ thủng của mái hiên, xiên qua cánh cửa sổ khép hờ, dọi vào mắt. Hai tay lão day day lên thái dương.
- Suỵt, suỵt, Mun! Lão trấn an con chó rồi quay qua bà bạn già:
- Chi rứa bà Sáu?
- Ôi ông còn sống luôn hở, tui tưởng ông chán thở rồi chớ.
Cái giọng bỗng chua ngoa đanh đá. Đôi vai vồng lên ụ thịt dày, mớ tóc bạc lơ thơ được búi lòa xòa vì rụng hơn phân nửa.
- Ông ra ngay đây cho tôi!
Ông lão khó nhọc mở đôi mắt trĩu nặng. Những tia nắng lọt qua từng nan liếp cứ dọc ngang lóng lánh trên nền nhà như một chiếc áo may ô hợp thời.
Lão tháo thanh chắn rồi từ từ chống cánh cửa lên. Mặt trời đã treo ngọn tre, lũ gà bới tung tro bếp. Bụi mười giờ cũng đã nở bung rực rỡ. Ôi trưa rồi sao? Mụ Sáu không qua kêu chắc lão ngủ đến chiều. Mà lạ nhỉ, lão có ngủ thế bao giờ đâu. Tuổi của lão cứ đến 4 giờ sáng đã lục tục dậy.
Cũng chẳng biết tự khi nào, cứ đánh răng, rửa mặt xong lão lại qua ngôi chùa nhỏ sát hông nhà thay nước, lên hương rồi lấy dùi gióng những hồi chuông thánh thót. Lâu dần thành lệ. Hôm nào không nghe tiếng chuông thì chắc hẳn lão ốm liệt giường. Chứ đời lão chẳng mấy khi rời cái làng này. Cũng không đi đâu lâu quá một ngày. Dưng hôm nay lão ngủ đến tận mười giờ sáng.
Lại có tiếng ồn ào từ bên chùa. Nay đâu phải rằm, mồng một. Mà rằm, mồng một cũng đâu đông như thế. Chắc lại có đoàn phim nào về ghi hình. Từ ngày lão tự tâm qua bên ấy sáng tối lên nhang, thì có sự kiện gì người ta cũng báo với lão, như một sự tôn trọng dành cho người coi sóc ngôi chùa. Dẫu sao, chút ánh sáng nơi ngọn đèn dầu leo lét cũng đủ khiến ngôi chùa bớt phần lạnh lẽo.
- Ông không biết chi thiệt hả? Bà Sáu vừa hỏi vừa nhíu mày khó chịu.
- Biết chi là biết chi? Tôi còn đang thắc mắc đây. Lão cáu.
- Đêm qua có mấy thằng trộm vào khiêng Đức Phật đi. May quá Ngài hiển linh, xe tụi nó chết máy không chạy được nên bỏ Ngài chỏng chơ ngoài đường. Chó sủa rứa mà ông không nghe hả?
Mụ nói mà đôi môi trễ ra dài đến nửa cằm. Lão giật mình thảng thốt. Mắt tròn lên kinh ngạc:
- Bà giỡn thiệt rứa?
Bà Sáu nguýt mắt nhìn lão:
- Tôi đã nói dối ông cái chi hồi nào chưa? Mau ra xem sự tình ra sao tề.
Ông lão lập cập lê đôi dép mòn vẹt ra cổng ngóng. Thấp thoáng những chiếc áo công an, những người hiếu kỳ bu kín ngôi chùa. Ông vội chạy qua xem thực hư.
Thấy ông xuất hiện, một vài người nhìn ông chỉ trỏ xầm xì. Ánh mắt tò mò lẫn nghi hoặc. Viên công an mời ông lại chỗ chiếc bàn có kẹp hồ sơ cùng những tờ giấy trắng. Rút chiếc bút bi từ túi áo, viên công an đặt vào tay ông kèm cái gật đầu. Đoạn, viên công an dừng lại, hỏi ông cặn kẽ chi tiết hai người khách lạ.
Người ta bắt đầu liên tưởng lại vụ việc cách đây vài năm. Cũng chính tại ngôi chùa này. Sau một đêm mưa dông tầm tã, sấm rạch ngang trời, khi mọi người còn trốn kỹ trong chiếc chăn ấm sực thì bên ngôi chùa, ông lão bị đánh thuốc mê và bức tượng giữa bị khiêng mất. Mãi sau này, dân chúng phát hiện pho tượng đã bị cưa ra để tìm vàng và bỏ lại ở một nơi cách ngôi chùa khá xa. Vụ việc ấy cũng dần lãng quên, cho đến hôm nay.
Bước chân như hẫng hụt trên nền đường đá dăm gồ ghề. Đầu vẫn còn buốt và cảm giác bồng bềnh chưa tan biến. Ông lão về nhà với trạng thái rối bời.
Sau buổi ấy, hàng xóm trước mặt lão vẫn cười nói bình thường, nhưng khi lão vừa quay lưng là lời to tiếng nhỏ. Ban đầu lão cũng hơi khó chịu, nhưng rồi tự nhủ, việc mình không làm thì không gì phải ngại. Ông lão vẫn sớm hôm qua chùa nhang lễ như thường ngày. Dân làng ngầm phản đối. Họ cho rằng một người như lão không xứng đáng xuất hiện ở chốn linh thiêng.
Ngay cả bà Sáu, người bạn già bao năm chung vách ban đầu còn ra sức bảo vệ lão, nhưng dần dà, nghe người ta xâu chuỗi lại sự việc, bà cũng đâm nghi ngờ. Nhưng bà hỏi gì lão cũng trả lời nhát gừng cho qua chuyện. Cũng từ hôm đó, bà Sáu chẳng buồn ơi ới nơi hàng rào. Lũ gà nhà lão chạy qua, bà vác chổi cau đập chan chát, rồi xuỵt chó, rồi chửi bâng quơ. Không còn cảnh mỗi sáng gọi nhau tập dưỡng sinh, hay chiều đưa qua hàng rào tô canh mướp. Hai người bạn già cô đơn nương tựa sớm hôm, tự dưng ghẻ lạnh vì một việc chưa sáng tỏ.
Ông lão thấy buồn quá. Nhưng sự việc này lão chưa thể nói cùng bà. Ông lão ngại cái sâu sắc như cơi đựng trầu của đàn bà nên im lặng. Lão nghĩ mãi vẫn không hiểu sao cậu ta lại hành xử như vậy. Chiều hôm ấy, cậu ta đến tìm lão và giới thiệu là con trai một đồng đội cũ của lão. Qua lời cậu ta, ông Hồ-đồng đội của lão đang bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn lắm. Tối ấy, ông lão còn giữ cậu ta lại, bác cháu làm vài chén... xong rồi lão chả nhớ đã ngủ từ lúc nào nữa!
Lúc nghe cậu ta kể, ông lão đã áy náy muốn đi thăm ông Hồ ngay. Ngày trước cùng chiến đấu vào sinh ra tử là thế, nhưng lúc hòa bình, mỗi người một nơi, xa xôi cách trở, liên lạc khó khăn thành ra chẳng biết nhau sống thế nào. Rồi đến tuổi này, muốn đi đâu phải nhờ đến con cháu. Mà chúng thì trăm công nghìn việc.
***
Công an chưa tìm được gì hơn ngoài chiếc xe vô chủ mang biển số giả.
Mấy ngày này lão thường nghĩ đến những kỷ niệm thời chiến trường. Ngày ấy, nếu không có ông Hồ cõng lão băng rừng cả đêm, áo ướt đẫm máu bởi vết thương nơi ngực lão, và từ vết thương cũ của Hồ, có lẽ lão đã lên xanh ở một góc rừng nào đấy. Lúc đó, lão đã nghĩ mình chết chắc nhưng bằng một sức mạnh nào đấy, Hồ đã mang được lão tới trạm quân y dã chiến. Sau này, trong những dòng hồi ức binh nghiệp, ông lão đã viết lại chi tiết này. Một người y tá năm xưa kể lại, khi đến trạm, cả hai người đều trong tình trạng nguy kịch nhưng Hồ tha thiết nói cứu lão trước, vết thương của ông ấy không chết ngay được, rồi lặng đi.
***
Cậu con trai hộc tốc trở về, nhìn cha hồi lâu:
- Cha có gì khó xử sao?
Ông trầm ngâm bên ly trà đã nguội từ khi nào:
- Cha muốn đi một chuyến. Con sắp xếp thời gian được không? Cha muốn xác minh một chuyện trước khi đưa ra quyết định.
Như hiểu được ý cha, cậu con gật đầu đồng ý:
- Con muốn chấm dứt ngay việc này càng sớm càng tốt. Mai mình đi luôn nhé cha.
***
Tới huyện rồi nhưng phải mất gần hai giờ đồng hồ nữa, cha con lão mới tìm được nhà ông Hồ, theo địa chỉ cậu thanh niên kia nói. Đón cha con lão là một cựu chiến binh rắn rỏi. Họ ôm nhau vồ vập. Những câu chuyện nối tiếp câu chuyện. Không có ông già nào hom hem nơi giường bệnh như cậu thanh niên kia kể.
- Thằng ấy kể vanh vách về ông. Tôi tưởng nó là con ông thật. Tôi còn tính... Mà tôi chưa tính được chi cả, rối hết cả đầu. Chỉ sợ công an tìm tới, rồi ông đột quỵ luôn trên giường bệnh thì tôi ân hận lắm. Dè đâu thằng kia làm việc xằng bậy. Lúc đó tôi lại nghĩ, hay bần cùng sanh đạo tặc. Chừ thì xong rồi. Tôi như được trút gánh nặng.
Ông Hồ trầm ngâm:
- Nó là cháu của bà vợ tôi. Bà ấy mất cũng được mấy năm rồi. Cũng phiền não vì nó mà đi sớm. Vợ chồng tôi cũng xem nó như con đẻ của mình ông ạ! Nhưng không ngờ nó hết lần này lần khác mang tôi ra làm trò lừa đảo. Nó đánh vào mối quan hệ và tình cảm mọi người dành cho tôi. Nghĩ tình dì nó, tôi bỏ qua. Nhưng chuyện này thì không được, ảnh hưởng danh dự của ông. Với lại, tôi nghĩ cần đưa nó ra để xã hội dạy dỗ thôi, may chăng uốn nó làm người tử tế, dẫu muộn cũng phải làm.
Cuộc đời, đôi khi có những nhánh rẽ bất ngờ. Như ông Hồ, giải phóng về thì vợ đã theo người khác. Đau đớn, bẽ bàng. Ông rổ rá cạp lại với một người phụ nữ góa bụa. Nhưng vì di chứng của chiến tranh mà vợ chồng ông chẳng thể có con. Cứ tưởng nuôi thằng cháu của vợ như một niềm an ủi. Ai ngờ chính nó lại gây nên những nghiệp oán khó lường. Nhưng nghĩ lại, không có sự việc này thì chẳng biết đến khi nào đồng đội mới gặp được nhau.
***
Nắng đậu nhẹ nhàng nơi đỉnh tháp. Như chia chút rực rỡ ngày tàn xuống sân sau ngôi chùa vắng. Lão nhìn về phía hoàng hôn, nghe lòng mình nhẹ bâng.
Mọi người như trút gánh nghi hoặc khi hay tin ông đã xuống công an trình báo rõ sự việc. Bà bạn già cùng hàng xóm áo lam tề tựu đông đủ bên sân chùa. Hôm nay là đêm rằm cuối cùng của một năm đầy biến động.
Sạch sẽ khăn áo, tinh tươm hương hoa, ông lặng lẽ qua chùa. Sau những lễ vái cung kính, sau những hồi kinh râm ran, mọi người lục tục ra về... Đêm như dài ra. Ông lại nhớ những vạt nắng chiều nơi đỉnh tháp. Dù muộn, mọi thứ đều phải được đưa ra ánh sáng. Ông thong thả gióng những hồi chuông vào đêm thanh vắng. Tiếng chuông thanh thản nhẹ nhàng như chính lòng ông đã trút được những tâm tư.
Truyện ngắn của HỒ LOAN