Chợ nổi í ới bạn hàng. Có ghe cập sát hỏi mớ cá thòi lòi rồi chừng như ngập ngừng. Bán cá thòi lòi mà treo bông rau mác chi vậy cha nội. Khùng quá chừng trời à! Lọt ngó con nhỏ bà ba tím, nước da trắng ngần, tóc dài đen nhánh. Con nhỏ liếc một cái sắc lẻm. Trên ghe, con nhỏ ắp lẵm bông điên điển với mùi mắm kho. Trời thần, con cá thòi lòi ngặm bông rau mác, bậu thương người khác sao còn liếc chi qua? Lọt nhanh miệng rao câu ghẹo. Cá thòi lòi mới bắt hồi hôm, kho tiêu hay nướng muối ớt ăn ngon hết sẩy nhen cô Mắm. Con nhỏ bà ba tím không nói không rằng, cho ghe nổ lạch bạch rẽ sóng nước mà bỏ lại câu rao cùng cái nụ cười hề hà của thằng bạn hàng chợ nổi. Mới sáng sớm bị chửi khùng mà thằng Lọt vẫn cười. Cười khoái chí nữa là đằng khác.

Lọt từ Một Ngàn cập bến sông này, bán buôn mấy thứ vụn vặt chút xíu rồi về. Người ta bán đầy ghe kiếm đồng ra đồng vô, Lọt bán đúng những thứ đi sông đi đồng có được. Ai hỏi nó cũng cười hề hà, bán nuôi thân với nuôi má. Bận có người hỏi sao lấy cái tên Lọt nghe trớt quớt vậy thằng nhỏ. Mặt mũi cũng sáng, da rám nắng đồng, thân cao vạm vỡ, bộ tía má mầy hết tên đặt hả trời. Lọt đứng trên mũi ghe vịn cây bẹo rồi cười tỉnh rụi. Tui tên đẹp lắm nhen. Nhưng mà tui... ờ tui chết rồi. Giờ chỉ còn mỗi thằng Lọt. Nói xong nó cười khục khặc. Cho ghe bẹo chạy về hướng kinh Một Ngàn. Đứng con nắng sông, chợ tan mà tiếng cười nó còn rớt lại sóng nước mang mang.

***

Má nói Xà No hồi đó mênh mông sóng nước. Phù sa trù phú, châu thổ thảo thơm. Biến thiên thời cuộc khiến Xà No ngày càng khô cằn. Thượng nguồn ngăn đập, Cửu Long khát nước. Dân Xà No qua bắc Cần Thơ trôi nổi thị thành mưu sinh. Tỉnh cho xáng múc rồi chia Xà No thành những sườn kinh theo hình xương cá để dẫn nước vào đồng. Mỗi một ngàn mét là một sườn kinh. Tới mười bốn ngàn rưỡi thì hết. Bởi không đâu như xứ này, người ta không đánh số nhà, chỉ gọi tên mình cộng với cái sườn kinh là thành lý lịch. Bận đó, Xà No mới bắt đầu có người quay về xôm tụ. Trải dọc mười bốn ngàn rưỡi chỉ khúc kinh Một Ngàn này là điên điển vàng nhất. Cứ mỗi mùa nước lên, ven kinh nhuộm màu vàng nhưng nhức. Cái màu điên điển rực rỡ bắt mắt vậy mà má nói nhưng nhức. Bận Lọt hổng ưng bụng khi vậy. Lọt neo cái ghe cặp sát mé sàn lãng, ngắm vạt bông đương mùa lúc lỉu. Buổi chiều hôm trời nấu cơm đỏ lửng Xà No.

Đó là những lúc má nhớ còn những lúc má lẫn, má lại hay ra mé sàn lãng, má cầm cái khăn rằn giũ ba cái rồi mắc lên ngọn ghe bẹo cặp mé sàn lãng. Xong má lại thụp xuống mé sàn lãng má khóc. Lẫn trong tiếng nức nở là tiếng má gọi tên những Tèo, những Tí, Lành ơi, Bần à... Chục cái tên Lọt nhớ hết. Mấy lúc đó, Lọt phải nghiêm nét mặt, giọng đanh lại ra lệnh cho má xuống hầm. Má như sực tỉnh rồi chạy vội vào buồng, chui mình xuống gầm giường. Chục năm rồi vẫn vậy. Chục năm rồi khi chướng non ràn rạt về, má đều nhẩm tính ngày. Má đếm tới đếm lui rồi má làm giỗ sông. Cái giỗ lạ lùng trong đời Lọt biết. Lọt ba chục tuổi đầu cũng là mấy chục năm quen nếp má như vậy.

Má nấu mâm cúng đồ ăn bánh trái rồi dạn mé sàn lãng. Mười cái chén, mười đôi đũa. Má thả mười ngọn minh linh đăng xuống sông. Má gọi chục cái tên lạ. Má rót rượu xuống lòng sông. Lúc tỉnh má nói đất có thổ công sông có hà bá, mình rót rượu mời, mình thả đèn minh linh để người ta cho mấy ổng về ăn. Một năm chỉ có một ngày. Ngày đó thì Lọt thuộc lòng từ hồi bắt đầu biết nhớ. Từ hồi má còn chưa lẫn như bây giờ.

***

Chiều chạng vạng trời, Tư ghé qua khi chái bếp đã bày mâm cúng. Mé sàn lãng đèn minh linh má thắp sáng. Sóng nước lào xào kể câu chuyện châu thổ của mấy mươi năm qua nhưng chẳng hề cũ. Cuộc chiến nào cũng sẽ đi qua, vết thương nào cũng sẽ lành lặn, chỉ có vết thương lòng là suốt một đời khó thể phôi phai. Nó không đau buốt tê dại như vết thương da thịt, không in hằn vết sẹo lộ rõ mồn một trên cơ thể. Nhưng nó hoắm sâu, cứa bén, tạo thành một vùng ký ức ám ảnh, cho đến khi bạc trắng màu sương mai. Tuổi ngày chồng chất, ký ức cùn mòn, nhớ quên chuyện đời nhưng chuyện đêm ấy với má, với Tư chẳng thể nào quên.

Đó là cái đêm ngày 7 rạng sáng ngày 8 tháng 12 năm 1974, cô nữ dân quân sau khi ra tín hiệu bằng khăn rằn thì ém mình vào bụi điên điển vàng, chờ lệnh để bắt đầu hợp lực cùng Tiểu đoàn Tây Đô đánh chiếm ba chi khu của địch. Tiểu đoàn chia hai mũi thọc sâu vào các chi khu Cái Răng và Phong Điền. Đặc công trong đêm phải vượt sông ém sát đồn địch. Trận đánh mở màn, địch tán loạn vì bất ngờ trong đêm. Giao tranh thời đó ác liệt. Trái sáng tung trời. Đạn rát cả hai bên tai. Cuộc tập kích bất ngờ khiến cơ quan đầu não của địch trở tay không kịp, phòng thủ lúng túng, càng rối loạn thì quân ta càng đánh thọc vào sâu, đánh tan các đồn bót. Chiến thắng đêm đó mở toang cánh cửa cho chiến dịch đánh lộ Vòng Cung vang danh xứ này.

Nhưng, chiến trường nào cũng đổ máu. Máu nhuộm sóng nước đồng bưng. Máu lắng thành phù sa bồi bãi Xà No. Toán lính đặc công vượt sông 18 người nhưng ngày về báo công chỉ còn lại 8. Chục người nằm đâu đó trong đêm giao tranh giành từng tấc đất quê hương. Chục người không về. Trong chục người đó có đứa mới tròn đôi mươi, chỉ vừa kịp hẹn thề với đám rau mác tím màu thủy chung cùng cô giao liên. Chiến tranh mà đi thì đâu đoán định ngày về, chỉ dặn nhau đứa con vừa tượng hình dù gái hay trai cũng đặt tên Phù Sa.

Vậy mà, đêm đó cô giao liên quần thảo với sóng nước xứ mình mãi chẳng tìm thấy xác người chiến sĩ. Đám chỉ điểm bắt được nhốt lại, đánh thiếu sống thừa chết, lấy kềm bấm vào từng ngón tay, biểu khai ra hết kế hoạch, ghi từng tên người trong đội nằm vùng A5. Cô giao liên miệng toe máu nhưng vẫn cười. Tụi ác nhơn thấy bầu ngực căng, thấy cái cổ dài ra, lấy báng súng thúc vào chính giữa hai bên chân. Tao đánh cho mầy lòi con ra. Máu nhiễu ròng ròng thành vệt xuống đất. Đất vón thành cục. Trong ánh nhìn quờ quạng của cơn đau, những cục đất mang hình hài đứa bé. Cô giao liên vẫn cắn chặt răng cho đến khi lịm đi. Chừng mở mắt được ra thì thấy mình được cáng về trạm xá. Đồng đội bảo đêm qua vừa giải phóng cả khu Vàm Xáng, Phong Điền. Ờ đứa nhỏ... ờ chắc nó đi theo ba nó rồi! Cơn đau trong óc trong đầu. Cô giao liên thấy mình trôi về triền kinh Một Ngàn, mùa vàng điên điển, có người bắt con cá thòi lòi đang ngậm bông rau mác...

Tàn cuộc chiến, cô giao liên về lại con kinh cũ, cất cái nhà lá mặt hướng về lòng kinh mà sống. Sống mình ên cho đến ngày giỗ sông ba chục năm trước thì ven kinh nghe tiếng con nít khóc. Năm đó, cô giao liên gần bốn chục tuổi đời, đứng nhìn đứa nhỏ ai bỏ trên triền kinh mà thắt thẻo ruột gan. Thương hồ sông nước nên tình chớp nhoáng cũng lắm nỗi lao đao. Trách gần trách xa nhiều khi cũng chỉ là duyên phận. Đứa nhỏ không có tội. Đứa nhỏ đen thui, tròn như cục đất. Cô giao liên bồng lên dỗ dành vài tiếng nó nín thinh. Xóm giềng bảo thì coi như đứa nhỏ đến với cô giao liên là an bài của anh linh châu thổ. Cô giao liên đặt tên nó là Lọt cho dễ nuôi. Cứ vậy mà phù sa nuôi nó lớn, châu thổ dạy nó khôn.

Gió chướng thổi dặt dìu mé sàng lãng. Hai cô giao liên vẫn cúng giỗ sông. Nỗi nhớ lồng theo tiếng gió. Gió lồng theo sóng nước. Sóng nước rủ nhau về ăn giỗ hay sao mà âm ba cả con kinh. Năm đó Lọt mười sáu, biết giỗ sông của hai bà giao liên là giỗ cả đời mình.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

 Tư biểu thích hông thì tao gả, con bà ba tím nó nói thằng bán cá thòi lòi mắc chứng gì ghẹo nó miết. Con bà ba tím cháu ngoại tao đó. Lọt chưng hửng. Ghe bẹo bán bún mắm tự dưng nay có thêm bà giao liên bạn má ngồi chễm chệ rao mời lảnh lót chợ nổi. Ủa mà Tư hổng biết đời con hay sao Tư gan quá chừng dám gả cháu cho con. Lọt buông câu nói rồi lật đật chạy ghe bẹo về kinh Một Ngàn. Má trong chái bếp hết hồn khi thằng con còn nguyên rổ cá thòi lòi. Thằng Lọt mặt đỏ ửng. Chưa kịp nói gì đã nghe mé sàn lãng có ghe cập vào. Cái mùi mắm bốc lên. Hai bà giao liên xưa ngồi chụm vào chái bếp. Mé sàn lãng hai đứa trẻ cứ lóng ngóng.

Hồi đó hai cô giao liên hẹn nhau mần sui, mà thời cuộc nổi nênh, phận người cũng ký thác vào sông những khúc nhôi nghiệt ngã. May mà phù sa xứ này luôn biết cách bồi bãi cho châu thổ vẫn xanh màu thảo thơm. Giờ mần sui kiểu vậy cũng lạ mà cũng hay. Chừng nữa giỗ sông có đám này lo, hai bà già mình thảnh thơi. Hay mình cứ chọn giỗ sông kỳ này mình làm luôn một thể.

Sông thành dòng sông trôi ra biển lớn. Biển trùng khơi lại xuôi nguồn về bể. Tàn mùa hoa này lại có mùa hoa khác. Cỏ nát rồi cỏ vẫn sinh sôi. Giỗ sông đâu cứ phải buồn. Năm nay giỗ sông mình mời mấy ổng đi ăn cưới chắc là mấy ổng vui hết cỡ hen. Hai bà giao liên cười thành tiếng. Tiếng cười khiến hai đứa nhỏ giật mình thon thót. Con bà ba tím ngó thằng Lọt. Thằng Lọt ngập ngừng ấp úng tui nói chơi chứ má đi làm giấy khai sinh cho tui đặt tên tui là Phù Sa đó. Tên đẹp hen! Ven kinh Một Ngàn, mấy con cá thòi lòi đang ngậm bông rau mác.

Truyện ngắn của TỐNG PHƯỚC BẢO