Mấy chục năm trời, đều đặn mỗi ngày, dì Bưởi cạo mười mấy ký. Dù mỏi cổ, nhức gối, đau lưng, dì chưa than van câu nào. Măng cắt thành khoanh, rửa qua mấy lần nước rồi ngâm nước chua, ám mùi lên tay và cả người.

Phấn trở mình, hé mắt nhìn dì trong cơn ngáp ngủ. Có một khoảng thời gian của thời thơ ấu, Phấn từng lọ mọ thức dậy vào lúc tờ mờ sáng như thế, ngồi trên chiếc ghế đẩu bằng gỗ cũ kỹ của dì, tập tành gọt gọt, cắt cắt. Con dao nhọn của dì Bưởi cứa mấy dấu nhỏ trên đầu ngón tay, để lại vết hằn đen chằng chịt. Chắc khi đó Phấn chừng tám, chín tuổi, trên đầu còn đầy chí mén. Phấn trốn cơn say của ba, lén quơ đại vài bộ quần áo, mấy quyển tập, ù chạy xuống dì ở nhờ. Dì Bưởi ủ tóc Phấn với tỏi giã nhuyễn để trị chí. Dì nấu thêm nước bồ kết vỏ bưởi cho Phấn gội đầu mượt tóc.

Có khi Phấn ngủ gục, dựa đầu vào tấm phên tre nhà dì, trong tay đang cầm củ cà rốt cạo dở. Có lúc Phấn ngồi huyên thuyên hỏi dì đủ thứ, nghe dì kể về thời trẻ má thắm môi son được bao trai làng bu đen đỏ ngoài đầu ngõ huýt sáo tán tỉnh. Có bữa Phấn cầm quyển sách "Tự nhiên và Xã hội" lẩm nhẩm bài cũ, hoặc cặm cụi giải bài toán khó.

Rồi dì Bưởi vén màn sương, dọn hàng ra cái sạp la-gim ở một góc chợ quê. Phấn ăn vội bữa cơm cá kho xong đi bộ tới trường. Trưa về, ghé ra chợ chờ dì mua bánh bột lọc nhân tôm, bánh bèo chả cây hoặc bún mắm nêm cho ăn. Phấn trông sạp hàng giùm dì, học giá tiền mỗi loại củ, quả, tập cách bán mấy thứ đơn giản. Lúc vắng khách, dì Bưởi vạch tóc Phấn ra bắt mấy con chí già, gí cái bụp.

***

Má thường xuất hiện trong giấc mơ mỗi đêm của Phấn, hình bóng mờ nhạt và quay lưng mất hút. Nghe hàng xóm nhiều chuyện, hồi má mang bầu Phấn, có lần ba đạp vào bụng má, xém xí sẩy thai. Ba đánh má ác chiến lắm, nhưng mỗi khi hết hơi men, ba đều nói là rượu đánh. Chắc đó là lý do Phấn bị sinh non. Được vài ngày, má chảy máu hậu sản, không qua khỏi. Phấn tin mấy lời xì xào đó, bởi ba cũng túm tóc Phấn giật ngược giật xuôi muốn hói đầu.

Ba biết Phấn ở với dì Bưởi, nhưng chưa một lần ghé nhà dì lôi đầu Phấn về như nỗi sợ canh cánh trong lòng Phấn. “Ba đưa cho dì nhiều tiền lắm”. Dì chắc nịch thế, biểu Phấn cứ ăn uống tự nhiên, thèm món chi cứ nói dì nấu. Đồ dùng học tập thiếu cái nào, dì dẫn ra tạp hóa mua.

Nhà dì cách nhà ba chừng mười mấy căn nên Phấn đi lại hai bên khá thường xuyên. Buổi sáng hoặc trưa, lúc ba tỉnh táo, Phấn ghé về nhà dọn dẹp bãi chiến trường do rượu bày ra, hốt đống miểng chén bát vỡ vụn, quét lá khô trên sân, pha ly nước chanh, nấu nồi cơm nóng, kho nồi cá mặn. Chừng khi mặt trời tắt nắng, ba bị “ma men” quấn lấy tâm trí, Phấn chạy xuống dì trốn. Sách vở Phấn cất ở nhà dì để khỏi bị ba xé, đốt. Phấn học bài và ngủ qua đêm ở nhà dì.

Phải tận đầu năm lớp mười hai, tình cờ mở cuốn sổ ghi chép tiền lời lãi bán hàng, tiền chi tiêu của hai dì cháu, Phấn mới biết ba chẳng đưa dì Bưởi một đồng bạc lẻ nào. Cái sạp rau củ của dì chính là nguồn sống suốt thời gian qua của Phấn. Đó là lần đầu Phấn phát hiện ra, nắng gió bắt đầu chấm bao nốt đồi mồi lên khuôn mặt sắc nước hương trời của dì.

Sớm thu chín, cái lạnh bắt đầu tràn về, luồn vào lớp áo mỏng se thịt da. Nghe Phấn cựa quậy trên tấm thanh giường già cỗi, dì Bưởi nhẹ giọng biểu ngủ thêm đi con, dậy làm chi sớm. Phấn kéo mền trùm kín cổ, một cảm giác ấm áp, thương yêu len lỏi trong lòng. Dì vẫn là dì Bưởi của hơn hai mươi năm trước, dù cho thời gian tàn nhẫn in dấu hằn chằng chịt trên làn da của dì, dù cho mây trời có nhuộm trắng mái tóc đen mượt thuở xưa.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Mặt trời lưng lửng ngọn cau, Phấn thôi nướng trên giường, mò dậy lục lồng bàn kiếm đồ ăn sáng dì mua sẵn. Phấn đã qua tuổi băm mà dì vẫn coi Phấn như con bé nhỏ ngày trước. Lâu lắm Phấn mới về thăm nhà, đếm tháng năm chỉ thấy hao gầy thêm. Mấy bữa rồi ba chưa nhận ra Phấn. Ba cứ cười ngây ngốc với dì, ú ớ trong miệng, ráng rặn lắm phát ra được vài chữ rời rạc: “Ăn...cơ...ơm...đi...đi...”.

Ba bị tai biến cách đây sáu năm, những tưởng sẽ đi theo má. Đợt đó, mưa trắng trời, nước ngập lênh láng từ nhà trên xuống nhà dưới. Hàng xóm chạy quanh dọn lụt, hốt củi hong quanh bếp, kê đồ đạc lên cao, kiếm chỗ nhốt gà vịt. Nước ngay chân, đâu kịp nhờ vả ai, dì Bưởi lội lủm bủm cõng ba vào bệnh viện, may mắn cứu được. Ba nằm liệt một chỗ, từ ăn uống tới vệ sinh, một tay dì lo hết. Nhìn dì bón từng muỗng cháo cho ba, lau nước miếng nhễu ra từ cái miệng hôi rình, hốt lau bãi chất lỏng vàng vàng, trong lòng Phấn dâng tràn xa xót. Là phước hay là họa chỉ có trời đất biết.

Dì Bưởi quen với ba trước má, nhưng ông nội cấm ba cưới đứa con gái nhà nghèo, mới học hết lớp bốn đã ra bươn chải cơm hàng cháo chợ. Ông nội đội lễ rước má về làm dâu trong sự bằng mặt không bằng lòng của ba. Hai mảnh ghép không dành cho nhau bị ép đặt vào một bức tranh, có cố gắng thế nào cũng đều sai lệch. Ba cục súc, chìm trong hơi men và trút toàn bộ cơn giận dữ lên má.

Sau ngày má mất, ba cưới dì Bưởi về và vẫn quen thói động tay động chân. Dì cắn răng chịu đựng sáu, bảy năm trời. Bữa dì quyết bỏ ba, quay lại căn nhà cũ của dì, mang theo vết bầm tím trên mặt, vết sẹo lồi to như con rết trên cánh tay cùng mái tóc cháy sém phần đuôi.

Thiệt Phấn nghĩ miết, mắc chi dì Bưởi tự gánh nghiệp vào thân. Lạ lùng, ba đánh đập mức đó, làm lỡ dở hạnh phúc cả đời, dì vẫn nhận về mình phần trách nhiệm chăm ba. Tới đứa con gái ruột thịt là Phấn cũng chưa chăm sóc ba chu đáo, tận tụy bằng dì. Tình cảm của con người là thứ khó giải thích nhất trên đời, không theo bất kỳ quy luật hay lý lẽ nào.

Bạc bẽo quá chăng, khi Phấn gần như dửng dưng với ba. Chừng đó năm sống trên đời, ăn nhờ ở đậu nhà dì, nhờ dì chăm bẵm. Cuộc đời này, có nhiều người giống ba Phấn, lấy danh nghĩa người thân rồi muốn đối xử với nhau ra sao cũng được, cuối cùng gây nên những vết sẹo khó chữa lành trong lòng nhau. Và có người như dì Bưởi, mượn danh nghĩa người nhà để săn sóc, thương yêu một người dưng. Nhưng bất kể là người dưng hay máu mủ ruột rà, mối quan hệ nào cũng cần sự thiết tha từ hai phía.

Bây chừ, ba bắt đầu tập đi lại vài bước, nói được vài từ và tự biết cầm muỗng xúc cơm ăn. Phấn dọn phần thức ăn ba đổ trây ra đầy bàn, lau mặt đang lem nhem miếng cá, giúp ba thay cái áo. Xong xuôi, Phấn ra chợ dạo một vòng.

***

Chợ quê vẫn y hệt như trong ký ức của Phấn. Từ sạp rau củ của dì Bưởi, đi hết hàng rau, rẽ qua khỏi hàng cá là tới quán bà Bé, nơi có món chè đậu thập cẩm nước cốt dừa Phấn khoái nhất. Dù có ăn đủ loại chè Thái, chè khúc bạch, chè bà ba... Phấn cũng chỉ ghiền ly chè đậu chợ quê mình. Hồi nhỏ, mỗi chiều Phấn đều ngồi ở nhà, ngóc mỏ ngóng dì mua về cho bịch chè thập cẩm. Cắn ngay một góc đáy bịch chớ cần chi bày biện ra ly, vừa gặm vừa đoán xem là loại chi: Đậu đỏ, đậu xanh, bắp, đậu ván, thích nhất là đậu ngự béo béo, bùi bùi.

Có lẽ thay đổi nhiều nhất là các căn nhà, quán xá khang trang mọc lên xung quanh chợ. Ngày trước, đằng sau chợ là con đường đất cát dẫn ra cánh đồng. Có trũng nước nhỏ cắt ngang con đường, tạo thành dòng chảy vào bụi cỏ ven đó. Bữa dì Bưởi thồ rau củ bằng xe đạp đi ngang qua đó, nặng quá loạng choạng tay lái ngã nhào, ướt nhẹp. Ba tình cờ thấy được, dìu dì đứng lên, lượm nhặt những trái cà chua, củ khoai tây lăn lóc. Dì kể cho Phấn nghe trên dưới chục lần cuộc gặp nhau định mệnh đó.

Dì biểu, ba từng là người đàn ông hiền như cục đất, quanh quẩn, lăng xăng phụ giúp dì, nói nhờ chi đều làm, kêu chở hàng giao cho khách xa mấy đều lặn lội đi. Ba đổi tính trái nết chắc do quá bất mãn với sự độc đoán của ông nội. Chữ thương nó nặng lắm con, đâu phải muốn dứt là bỏ ngang được. Đã trót thương thì đành thương cho trọn. Nếu hồi đó má bây còn sống, chắc dì cứ ở rứa thôi, khỏi lấy chồng.

Phấn thương dì Bưởi, có nói chi đều thấy khó hiểu. Phấn chỉ biết, dì đã gánh giùm Phấn những phần không dễ dàng của số phận. Ơn nghĩa đó, Phấn đeo mang suốt đời. Từ lâu, Phấn muốn gọi dì một tiếng má, nhưng chẳng biết mở miệng thế nào.

Buổi chợ xế vắng người mua, Phấn ngồi trông sạp hàng để dì Bưởi đi quanh lựa vài con cá hố phấn trắng về làm cơm cho ba. Ổng mê món cá kho của dì lắm đó. Dì tủm tỉm cười duyên, cặp mắt cong vòng thả ánh nhìn dịu dàng như thể ba đang có mặt ở đó. Ngó theo bóng lưng dì, chợt Phấn thấy nắng rớt trên đôi vai gầy, gió ngang qua reo vui tưng bừng.

Truyện ngắn của NY AN