Lão Kham thoăn thoắt trèo lên cây mơ như một đứa trẻ rồi dùng dao quắm tách cụm tầm gửi có những chiếc lá nhẵn thín màu tím nhạt thả xuống. Hắn lặng lẽ quan sát xung quanh. Cạnh cây mơ lông là một cây chay to bằng bắp đùi trẻ con, lá rậm rì rịt, chả thấy quả nào. Sát cây chay là hai cây mít dong dỏng, vài cái quả hom hem lõ lẹo, có cuống dài nghều treo trên cành. Cách đó một đoạn là một cụm ba cây cọ già cỗi, lủng lẳng những cái buồng khô khốc khi bị bứt hết quả, lá lòa xòa rũ rượi vàng võ, nom chán đời. Ổi, khế, dâu da, bưởi, cam, phật thủ... chả cây gì ra hồn cây gì. Vải, nhãn, xoài, quất hồng bì... tất cả đều không có một chút triển vọng. Ngay cả những cây na, cây vối, cây thị cũng thế. Ở tầm thấp thì nhót, chanh, quýt, cà gai, ớt, riềng, nghệ, đinh lăng, mạch môn, chè, cỏ đĩ, cỏ lác mọc lẫn xương xông, lá lốt. Rồi thì ngâu, dâu tằm, rẻ quạt lẫn lộn quấn quýt vào nhau. Hắn ngửi thấy cả mùi hoa thiên lý lẫn trong mùi hoa cau. Hắn cầm bó tầm gửi trong tay, quyết định thăm dò. Vườn đến dăm sào bác nhỉ? Lão Kham cười khì khì. Rậm rạp thì nom thế thôi, rẻ cũng bảy sào cả nhà đấy. Mà nhà tôi thì bé tẹo. Sân cũng chả đáng kể. Khi nào cần gì, cậu cứ đến nhé, đừng ngại.
Về nhà, nghe hắn kể, mẹ hắn thiếu nước nhảy lên. Ôi, thế mà mày không xin cho mẹ nắm lá đan mặt trời, cả ít cây sài đất nữa, để mẹ tắm cho con mày, khổ thằng bé, cứ gãi suốt. Đan mặt trời còn tốt hơn tầm gửi mơ đấy. Thế là, ngay hôm sau hắn trở lại nhà lão Kham. Lão Kham là người khẩu khí linh hoạt, ý tứ, vừa vặn. Hắn cảm thấy mình không nên tin ngay vào những điều lão Kham nói. Bởi vì, lão ấy nói về cây cối hay như thế mà cái vườn của lão trông như rừng hoang. Lão ấy nói về việc làm ăn kinh tế rất trôi chảy, đâu ra đấy, nhưng lão để hoang bảy sào đất, quá lãng phí. Chị Hải từng đề cập mượn đất của lão để trồng thử nghiệm giống dưa vàng nhưng lão không cho.
Nhà lão Kham ở rìa làng, phía Đông khu vườn của lão là một con đường hai làn mới mở chạy qua. Hông nhà lão là một ngọn đồi trồng đầy mỡ rất bắt mắt. Bên cạnh nhà lão Kham là những hộ nông dân có điều kiện, họ làm ăn khá quy củ. Nhà thì có vườn bưởi Đoan Hùng đến ba trăm gốc. Nhà thì có vườn chanh dây sai trĩu. Để thấy, đất ở đây phù hợp với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Nếu không nghe lời cô con gái út là kỹ sư nông nghiệp thì lão Kham hoàn toàn có thể học hỏi láng giềng. Nhưng, mọi thứ trong khu vườn của lão cho thấy lão không có bất cứ một ý tưởng hay kế hoạch gì nếu không muốn nói là lão lười biếng. Có thể lão biết hết nhưng lão không muốn làm và cũng chả muốn cho con cái làm, chả muốn thuê mướn ai nốt.
Khi hắn tới, lão đang ung dung thưởng trà một mình. Lão rót thêm một chén trà, nhìn hắn rồi hỏi rất chân tình. Thế nào, cu con ngứa à? Cái cây đơn đỏ chữa ngứa tài lắm. Mình ra vườn luôn cho thoáng. Trong nhà bí lắm.
Hắn cười thầm trong bụng, thong thả theo lão Kham ra vườn, khu vườn mà có nhẽ lão tự hào lắm. Tay lão cầm cái ấm tích, tay cầm cái chén con. Hắn biết, nếu hắn không chủ động thì hắn sẽ bị lão kéo miết vào một lĩnh vực nào đó mà hắn không có nhiều kiến thức trong khi lão lại rất dồi dào. Rồi hắn sẽ thua. Rồi chả còn cửa mà bốc phét với chị Hải rằng, gàn mấy mà vào tay em thì cũng ổn, bố em xưa cũng thế, ngang như cua, cấm có nghe ai. Hơn nữa, chỉ qua một lần tiếp xúc, hắn bỗng thấy có thiện cảm với lão Kham và tự thấy mình có bổn phận phải giúp lão già thay đổi một chút. Để vườn đất thế này là có tội. Hắn đi sau và bắt đầu sứ mệnh bằng một câu hỏi. Cây xoan này sắp chết, sao bác không chặt đi? Sâu bệnh sẽ lây sang cây khác. Lão Kham mỉm cười rất duyên với chiếc răng nanh gãy một nửa. Chặt làm gì, tôi cũng đã hết củi đâu. Chặt xuống thì dây gấc này leo vào đâu? Đấy, nếu cậu có thể bảo nó, mày leo sang cây dâu da đi để tao chặt cây xoan, thì tôi chặt. Chưa kể, tôi đang dùng cây xoan này chài mấy cha gõ kiến đấy. Cậu nhìn thấy những cái tổ kiến vĩ đại trên kia không? Hắn phì cười. Đơn cử ba cái cây này không có tí giá trị kinh tế nào, lại mọc gần nhau, chật cả góc vườn, sao bác không chặt đi? Lão Kham dí dỏm. Bọn chào mào yêu cây khế của tớ lắm. Khế dở đấy, xanh thì chua nhưng chín thì ngọt. Còn cây chay, tán lá rậm kia là chỗ bọn chim ri làm tổ kín đáo, mưa to mấy cũng không hề hấn gì, tôi thấy chúng tha rác về đấy suốt. Xưa bà nhà tôi đẽo gốc nó lấy vỏ ăn trầu, giờ còn cái sẹo tướng kia. Chặt đi làm gì, tôi có trồng gì vào đấy đâu. Còn cây thị, là chỗ cho bọn kỳ nhông và chuột trèo lên mỗi khi bị con mướp săn đuổi đấy. Cậu nhìn kỹ đi, có ba con đang theo dõi cánh mình nãy giờ. Con mướp phi lên tất cả các loài cây trong vườn này trong chớp mắt, trừ cây thị. Có vẻ cái mùi thị chín làm giống mèo khó chịu.
Thế còn cỏ. Cỏ thì ích gì mà bác không xới bớt? Ôi dào, tiếc gì tí đất. Để cho chúng thoải mái đi. Cậu xem, cả vùng này người ta làm kinh tế vườn ao chuồng, vườn nào cũng rào thép gai lên tận trời xanh, thuốc trừ sâu, trừ cỏ phun tít mù, đường thì bê tông kín mít, tôi hỏi cậu, chim chóc rắn rết sống ở đâu, cỏ mọc ở đâu? Tôi có tí đất, tôi chiêu đãi chúng. Cậu nhìn xem, có cả loại cỏ gà mà bọn trẻ như cậu hồi bé vẫn bứt để chọi đấy. Vườn nhà tôi, các loại chim trời kéo về, cậu cứ ở đây đến lúc nhập nhoạng sẽ thấy, đông lắm. Cây cối là nơi trú ẩn của chim muông và bao loài bò sát khác. Rồi thì ong bướm, ếch nhái, chuột, cú, cáo, sóc, chồn... Ngay cả những loài cây bị loại người khinh rẻ, mai mỉa như tầm gửi thì tôi cũng vẫn để chỗ cho chúng sinh sôi. Cây nọ nuôi cây kia, con nọ dựa con kia, như xã hội loài người thôi mà. Có gì đâu, đến một số loài phong lan đẹp đẽ kia, xét về thân phận, cũng chỉ là tầm gửi. Sở thích của con người rất đa dạng, có người thích xe hơi, có người chỉ thích đi du lịch, có người ham mê cờ bạc, có người chỉ thích ăn uống bù khú, có người lại thích chiết ghép cây như bố cậu. Còn tôi, tôi thích nghe bọn chim cò chí chóe cãi nhau mỗi ban mai xem hôm nay kiếm ăn ở đâu và cuối ngày ríu rít dắt nhau về tổ. Có những loài chim dường như chúng không bao giờ rời khỏi khu vườn của tôi, trừ khi tôi không biết là chúng có đi. Đấy, cậu nhìn thấy chưa? Vừa nói, lão Kham vừa vạch những cành lau ra để hắn nhìn thấy những cái tổ chim sâu bé xíu vắt vẻo trên cành lau.
Hắn thấy mình bắt đầu bé nhỏ khờ khạo bên cạnh lão Kham. Lúc này, hắn mới bắt đầu nhìn khu vườn bằng ánh mắt thiện chí hơn. Cái suy nghĩ phải “cứu rỗi” lão Kham khiến hắn xấu hổ. Hình như, chính hắn mới là người cần đến sự cứu rỗi. Trong lúc di chuyển về góc vườn phía Đông, nơi giáp với con đường, hắn nhìn thấy một vạt dứa dại khổng lồ cùng với những bụi đùm đũm hương đang phất những cái ngồng hoa màu tím lên giời trông rất ngộ. Tiếp đó là vầng trinh nữ đang chồm lên, đè nghiến những cành mây chi chít gai xuống. Và kia, một cây bồ kết khổng lồ, cái gốc tua tủa những bè gai sắc như lông nhím. Tán lá to như cái ô, đang mùa quả, xanh nõn từng chùm lấp ló. Cả một vương quốc của những loài gai góc ở trước mắt hắn, rất là gớm ghiếc. Lão Kham như hiểu ý, nói tưng tửng. Cậu đang tiếc đất thay tôi chứ gì. Cậu nghĩ là tôi không quý đất, không yêu lương thực, hoa màu hay sao? Nói cậu nghe này. Tôi phục viên sớm, vào đúng cái năm miền Bắc đói rã rời đấy. Bộ đội mà bo bo sắn mốc, bụng sôi ầm ầm thì hỏi dân còn đói như thế nào. Nhưng cũng cái năm ấy, đồng đất quê mình như thay da đổi thịt vì cái chủ trương khoán 10. Khi đồng đội khuyên tôi ở lại thêm vài năm, về sớm là thiệt thòi lắm, tôi vùng vằng về là về. Không ai khỏe bằng tôi, không ai làm ngày làm đêm hăng như tôi, chưa kể việc làng việc nước quàng lên vai tôi như trâu đeo ách. Đúng ra là tôi bóc lột đất, không cho đất nghỉ lấy một ngày trong suốt mấy mươi năm. Giờ tôi đang trả nợ cho đất thôi. Con dâu con giai tôi gửi tiền về đủ ba ông cháu tôi sinh hoạt, tôi chả phải lo gì. Này, cậu đừng đá chân vào bụi cây, trong ấy có tổ kiến lửa đấy. Còn trong cái đống củi mít mà mộc nhĩ mọc hàng đám kia, có con hổ mang chì đến dư năm cân. Cu cậu béo mẫm, trườn ỳ ạch, lột xác liên tục. Hắn rùng mình, khúm núm đi ngay ngắn trên lối đi bé xíu, không dám cả vung tay đá chân như trước.
Hắn dừng lại, ngồi xuống một khúc gỗ xoan đặt ngay cạnh lối đi như một cái ghế băng trong lúc lão Kham đặt tích nước trà và chén xuống khúc gỗ, luồn tay ngang thân, giật lên cả nắm cây đan mặt trời rồi cột lại bằng mấy cái lá mạch môn như cách người ta đon mạ. Này bác, bác đã bao giờ nghe chị Hải nói chuyện nghiêm túc về mô hình làm kinh tế vườn chưa? Lão Kham cười, lắc đầu rồi cun cút bước đi. Tôi chán cái lý luận đất này hợp cây này cây kia của các cô cậu lắm rồi. Con Hải, nó chỉ muốn tôi chia đất cho nó. Chia xong là nó phân lô, tôi lạ gì. Sớm muộn nó cũng bán. Nhưng sau này tôi nằm xuống rồi, chúng làm gì kệ chúng.
Hắn vội vàng đứng dậy, chạy theo lão Kham định nói gì đó nhưng vấp dây muống mủ ngã sấp mặt xuống bãi cỏ gà, quyển sổ nhỏ văng xa, cái bút bi trườn ra khỏi túi áo ngực biến đâu mất. Hắn thấy đất dưới ngực mình mát rượi. Nếu ở nơi khác, có lẽ hắn đã ngay lập tức bò dậy. Đằng này, hắn cứ nằm như thế, cho cỏ gà mơn man lên mặt và những cái dây đầy nhựa đang hằn in vào thân thể hắn bằng tất thảy những dịu dàng. Chỉ đến khi những con kiến lửa trinh sát thấy hắn và rung râu gọi đồng bọn, hắn mới vội vàng chồm dậy, hét lên sảng khoái.
Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN