Sau thời gian làm cán bộ đoàn xã, Thao được chuyển sang làm bên hội phụ nữ. Năm ngoái, hăm bảy Tết, bác phó chủ tịch xã đi qua bảo:
- Thao này, cháu khéo thật. Từ ngày sang làm công tác phụ nữ, đứa con gái nào ở xã cũng đắt chồng. Còn những đứa có chồng rồi thì đệm ấm, chăn êm vui vầy hạnh phúc. Sang năm bác nghỉ hưu rồi. Nhưng mà mày...
Thao biết cái “nhưng mà” bác ấy nhắc khéo sang đến năm nay thì nó “gay cấn” đến thế nào rồi.
Hôm ấy, chiều Ba mươi Tết, khi đang lúi húi thu cái chiếu về, bỗng Thao nghe thấy tiếng bước chân phía sau lưng. Tiếng chân mạnh mẽ của một người đàn ông. Cô đoán chắc chú, bác nào đó người làng nên cất tiếng chào:
- Nhà ông chuẩn bị Tết đến đâu rồi ông ơi?
Một lúc lâu vẫn không thấy tiếng trả lời, Thao bỏ cái chiếu xuống, quay lưng lại nhìn thì thấy một anh chàng cao to, mặt mũi lạ hoắc, đang đứng sừng sững. Sau phút bất ngờ, Thao nghiêm nghị:
- Anh tìm ai?
- Chào chị, chị cho tôi hỏi... cách ra khỏi làng.
- Ơ, cái anh này, anh vào bằng đường nào thì ra bằng đường ấy chứ... sao phải hỏi?
- Dạ, lúc tôi vào bằng định vị. Giờ điện thoại hết pin nên tôi không biết đường ra.
- Thế anh nghe tôi bảo nhé. Anh đi qua cái gốc đa kia rẽ trái, rồi lại rẽ trái...
- Rồi sao nữa ạ?
- Rồi... cứ thế hỏi tiếp...
Nhìn anh ta vui mừng, cảm ơn rối rít leo lên cabin chiếc xe tải phóng đi, Thao bụm miệng cười. Y như rằng chỉ ít phút sau, khi cô đi đến gần đình làng đã lại thấy cái xe tải ấy nằm chình ình cùng bộ mặt ngơ ngác của anh chàng khi nãy.
- Chị ơi! Tôi vẫn chưa ra được khỏi làng...
Thao tự nhủ: “Ai bảo gọi chị. Cho biết mặt, người ta già lắm à? Cứ gọi là đã vào làng này thì đến đêm không ra được đâu “em”. Ở đây nhìn trước, ngó sau, chỗ nào cũng cừ sen, chỗ nào cũng cột đèn, có mà đi đến mùa quýt chứ nói gì đến Giao thừa. Nghĩ là vậy nhưng không hiểu sao, nhìn khuôn mặt ngây ngô, lành lành của cậu ta, Thao lại thấy tồi tội. Cô bỏ cái chiếu xuống, vén mấy sợi tóc xòa gọn gàng vào sau tai và hỏi:
- Mà tôi hỏi nhé, thế xe anh chở gì đấy mà tối muộn còn vào làng này?
- Tôi chở gà, toàn gà con chị à. Tôi đi giao ở gần đây nhưng gọi người ta không nghe máy. Tính đi quanh quanh hỏi thăm mà lại... Chỉ sợ loanh quanh mãi gà đói chết hết.
Nghe tiếng gà con đang kêu chiêm chiếp trong thùng xe, Thao thấy không đành lòng liền hỏi:
- Hay là...
- Hay là gì chị? Hay chị lấy giúp tôi. Tôi còn về, Giao thừa đến nơi rồi.
- Ơ này không nhé. Khôn nhỉ, đã nghe người ta nói hết câu chưa? Hay là...
- Đấy, lại hay là... hay là chị dẫn tôi ra khỏi làng.
Thao nghĩ chột dạ, tự dưng lại dây vào cái người lạ hoắc này, chẳng biết xấu tốt thế nào. Kinh nghiệm làm công tác phụ nữ bao năm cho thấy, trai đẹp thì chẳng tốt đẹp gì. Nhưng nếu từ chối phắt quay đi cũng dở, cô nghĩ rồi nói đại: “Đi giặt chiếu thì ai mà mang theo ví, thế hay bán trả góp nhé, bao giờ gà xuất chuồng trả tiền sau nhá”. Thao định bụng nói thế để cho xong chuyện nhưng không ngờ cậu ta gật đầu lia lịa:
- Vâng, vâng, chị cứ lấy, xe tôi còn đủ xăng chạy về mà. Lứa gà này mà để nó đói chết thì phải tội. Thế ta về nhà chị luôn nhé.
Giao hàng xong, người đó phóng xe đi rồi, nghe tiếng đàn gà chiêm chiếp, Thao mới ngẩn ra nghĩ: Chết dở, nhỡ hắn bán gà đểu thì sao? Nhưng thế thì hắn đã không bán chịu mà giờ đến cả số điện thoại của hắn, mình cũng chưa kịp hỏi. Đúng là tết nhất còn gặp lắm chuyện gàn dở thật...
Tết đến, bày biện nhà cửa khang trang. Chiều mồng Một, Thao đi chúc Tết họ hàng xong, về nhà là ra ngay chuồng chăm đàn gà con đang háu đói. Cô thấy tự dưng có việc để bận trong mấy hôm Tết cũng hay, còn hơn là nghiền phim để “tiêu” cho hết mấy ngày chả biết làm gì. Chú út nhắn tin, chúc đủ tài lộc, thăng tiến xong xuôi thì chú “chốt” một câu chắc nịch: “Sáng mồng Hai phải sang chú ăn cơm, có việc quan trọng lắm!”. Cái “việc quan trọng” ấy Thao biết tỏng là cái gì từ độ hai mươi hai tuổi ra trường rồi, nhưng cứ để cho mấy gã dở dở ương ương, ế ẩm chú út định mai mối ấy một phen hí hửng. Sớm muộn gì cũng sẽ bị cô cho một trận say bí tỉ.
Thao đến nhà chú út thì phát hiện ra cái anh chàng bán gà ấy ngồi lù lù ở phòng khách nhà chú. Thao giật mình nghĩ bụng: “Trùng hợp thì cũng vừa phải thôi chứ. Chú lại định giới thiệu cái ông này cho cháu mình chắc? Chú út đến là hay!”. Trong bữa cơm, Thao lạnh tanh như một người chưa từng quen biết với hắn. Nhưng thật ra, từ lúc nâng ly đến khi cơm nước xong, bê mâm bát xuống bếp với thím, Thao luôn nghe ngóng xem ý tứ chú thế nào mà chẳng thấy động tĩnh gì thành ra càng lúc càng tò mò, khó hiểu.
Đúng lúc tay Thao đang dính đầy bọt nước rửa bát thì chú út gọi vọng xuống:
- Chị Thao bỏ chén bát đấy lên đây chú nhờ!
Cái chữ “chị Thao” sao mà “điêu” thế không biết. Ngày thường, hai chú cháu đùa vui, tếu táo mà giờ chú gọi thế hẳn là phải có chuyện gì nghiêm túc lắm.
Ngồi trước mặt chú út, Thao vẫn vênh váo cái mặt nhìn ra cành đào phai đang bung nụ:
- Chú xem cháu chọn đào chuẩn không? Nhất chú nhé!
- Ừ, ai gớm như chị, gặp cán bộ lãnh đạo xã mà không mời được chén rượu nào?
Thao tròn mắt, hết nhìn chú lại nhìn anh chàng bán gà giống kia:
- Ai cơ? Anh bán gà này á. Chú định đùa cháu đấy à?
Anh chàng lúc này mới nhẹ nhàng khẽ cúi đầu cười với cô:
- Chào Thao, mình tên là Tuấn, mình không chỉ bán gà mà nghe chú nói mới biết cùng tuổi Mão giống bạn.
- Thế anh... à bạn không đi giao gà nữa à?-Thao cũng không vừa.
- À, hôm trước là mình đi giao hàng giúp ông bác thôi. Mà ngại quá, mang tiếng sau Tết sẽ về đây nhận công tác mà mãi vẫn chưa nhớ đường đi lối lại ở xã...
*
Mùa xuân, gió miên man ấm áp, đàn gà cứ thế lớn lên, một hôm đến trước cửa phòng Tuấn, Thao đứng rất nghiêm rồi hắng giọng.
- E hèm, chào đồng chí tân Phó chủ tịch. Xin gửi đồng chí tiền gà giống hôm trước, tiền bạc phân minh...
Tuấn ngẩng lên rồi bật cười. Một nụ cười hiền lành và chân thật khiến trái tim Thao thoáng rung động.
- Thao này. Thật ra, mình đang có ý định lập nhóm gồm một số thành viên đại diện hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân của xã, hỗ trợ gà giống giúp các gia đình còn khó khăn trong xã có vật nuôi. Tiền thì không có nhiều nhưng có con giống, kết hợp với nguồn thức ăn tự nhiên thì ít nhiều cũng cải thiện được cho bà con. À vì mình có anh bạn làm chủ cơ sở ấp trứng gà, mỗi lứa anh ấy đều bớt ra một ít để làm thiện nguyện.
Hôm nay, Thao nghe Tuấn nhắc đến chữ gà sao thấy ngọt ngào thế. Những ngày sau đó, họ cùng nhau bắt tay vào công việc tuy nhỏ bé nhưng lại rất thiết thực với bà con trong xã. Chiều về, bên đường lại thấy những con gà chúm chím lông đuôi chạy tung tăng, cuộc sống nhiều hộ dân khá lên, người ta bắt đầu truyền tai nhau về gà ri làng Hoành có tiếng ngon từ đó.
Chiều Ba mươi Tết năm nay, sau khi dọn dẹp, trang trí nhà cửa tinh tươm, Thao không giặt chiếu nữa mà tha thẩn ra con đê làng ngắm dòng sông. Từ lúc cô bước ra cửa, đứa em gái đã tủm tỉm cười sau lưng. Thao biết chắc nó cũng muốn đuổi mình đi để chiếm cái phòng có cửa sổ nhìn ra vườn hoa hồng. Các cụ đã bảo cấm có sai “Con chị nó đi, con dì nó lớn”, chắc mình cũng phải tính “sang sông” không lại gây “ách tắc” cho thế hệ trẻ.
Đang tủm tỉm cười một mình nghĩ về lứa gà ri đầu tiên của làng mà Tuấn bán chịu cho cô chiều Ba mươi Tết năm trước, Thao giật mình ngẩng lên. Trước mặt cô là Tuấn, hôm nay nom anh giản dị và trẻ trung với quần jeans, áo gió, giày thể thao chứ không cứng nhắc đóng thùng như mọi hôm ở ủy ban xã. Tay anh hình như đang giấu vật gì đó phía sau lưng, nhìn cái điệu bộ ấy, Thao khúc khích cười:
- Định làm gì thế?-Nói xong cô chột dạ vì kiểu xưng hô hơi gần gũi của mình.
- Thì... anh đi ship gà...
Cái chữ “anh” sao mà nghe kiêu căng, vênh váo đến ghét. Nhưng, Thao chưa kịp nghĩ gì nhiều thì chợt ngỡ ngàng trước bông hồng mà Tuấn đang nhẹ nhàng đặt vào bàn tay cô.
Chiều Ba mươi Tết năm nay cũng là ngày sinh nhật của Thao...
Truyện ngắn của BÙI VIỆT PHƯƠNG