Là một trong 7 thành phố được lựa chọn để thực hiện “Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện, TP Hội An (Quảng Nam) đang nỗ lực hình thành thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Đây là sự chuyển động mới cho hành trình từ thành phố di sản đến thành phố sáng tạo của Hội An.

Tiềm năng từ thành phố di sản

TP Hội An mang trong mình dấu ấn văn hóa đặc trưng của một đô thị cổ. Từ thời tiền-sơ sử cách đây hơn 2.000 năm, một cảng thị sơ khai đã phôi thai ở vùng đất Hội An ngày nay. Trải qua các giai đoạn thời Chăm Pa, thời Đại Việt-Đại Nam-Việt Nam, cảng thị Hội An ngày càng phát triển trở thành một thương cảng mậu dịch quốc tế nổi tiếng của Đàng Trong, liên tiếp trong nhiều thế kỷ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn văn hóa di sản Hội An, đây chính là cơ may phát triển cho các ngành nghề thủ công và khai thác, chế biến nông lâm-thủy hải sản ở Hội An với nhiều ngành nghề rất đa dạng như: Nghề rèn, làm thau thiếc; làm gương lược; đan lát, làm nhà tre/dừa, làm lồng đèn, liễn đối; dệt vải, dệt chiếu; làm đường, làm dầu lạc, dầu mè; muối cà, muối mắm; nung vôi...

Ngay từ thời phong kiến, các làng nghề ở Hội An phát triển thịnh đạt, nhiều sản phẩm thủ công được xuất sang các nước châu Á, châu Âu. Một số nghệ nhân tài hoa còn được triều đình Huế mời về kinh đô để trang trí cung điện. Đến thời Pháp thuộc, người Pháp rất quan tâm khai thác các mặt hàng thủ công, mở trường thủ công nghệ thuật và tổ chức nhiều cuộc triển lãm thuộc địa. Sản phẩm mộc, gốm, vải của Hội An đã tham gia các cuộc triển lãm tại thương cảng Hội An và nhiều vùng, miền ở nước ta.

leftcenterrightdel

Biểu diễn múa thúng ở rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam).

Hiện nay, thành phố có 4 làng nghề là làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng nghề tre dừa Cẩm Thanh và một phố nghề (phố đèn lồng Hội An). Ngoài ra, nghề may mặc theo cách đo may thủ công truyền thống ở đây cũng phát triển khá mạnh mẽ. Cùng với nghề thủ công, tiềm năng về nghệ thuật dân gian của Hội An cũng khá phong phú. Theo tư liệu của các nhà nghiên cứu, từ thế kỷ 19-20, Hội An đã xuất hiện loại hình hát bội. Bên cạnh hát bội, nghệ thuật diễn xướng dân gian như hát múa bả trạo, hát múa sắc bùa, múa tứ linh, hò đưa linh, dân ca bài chòi, nghệ thuật biểu diễn dân ca (các điệu hò, lý...) cũng đã được bảo tồn và phát huy rất hiệu quả.

Năm 1985, Khu phố cổ Hội An chính thức được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia, đến năm 1999 thì được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Với lịch sử có từ lâu đời, với nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao trên nhiều phương diện, với hệ thống di sản văn hóa phong phú, có thể nói đây chính là những tiềm năng để Hội An đến với thành phố sáng tạo.

“Bước đệm” vào thành phố sáng tạo

Chúng tôi tới Hội An vào những ngày thành phố trở lại với nhịp sống mới sau ngày dài “im lìm” bởi đại dịch Covid-19. Phố cổ sôi động với những đoàn người đến tham quan. Trong làng gốm Thanh Hà, du khách say sưa với những sản phẩm gốm, rồi tự tay “thực hành” những chiếc bình hoa xinh xắn. Cách thành phố không xa, ở rừng dừa bảy mẫu thuộc xã Cẩm Thanh, trên những chiếc thuyền thúng, người bạn của chúng tôi cảm thấy thích thú được hòa mình trong hệ sinh thái vùng ngập mặn cửa sông ven biển, xem biểu diễn múa thúng, vãi chài... Trên cánh đồng làng rau Trà Quế-làng nghề vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, những luống rau xanh mướt đang được người nông dân chăm chút, hái tỉa...

Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh, Truyền hình TP Hội An cho hay, việc Hội An lựa chọn “thủ công và nghệ thuật dân gian” để xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo trình UNESCO đã được thành phố cân nhắc trên cơ sở thế mạnh và tiềm năng của địa phương. Hiện nay, Hội An đã bảo tồn và phát huy tốt các làng nghề truyền thống, các hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ. Thành phố luôn có sự tập trung chỉ đạo, điều hành sâu sát trên cơ sở gắn kết các hoạt động làng nghề với hoạt động tham quan du lịch.

Với nghệ thuật dân gian, tại Hội An, hát bội vẫn được duy trì và phát huy thường xuyên qua hoạt động biểu diễn tại phố cổ, nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền... Trò chơi dân gian bài chòi cũng được tổ chức thường xuyên hằng đêm tại khu phố cổ và còn được đưa vào sử dụng tại các sự kiện lễ hội văn hóa du lịch đương đại, các hoạt động văn hóa đối ngoại trong nước, quốc tế.

leftcenterrightdel

Trải nghiệm sáng tạo màu sắc với gốm tại Coco casa (Cẩm An, Hội An, Quảng Nam).

Tại nhiều lễ hội dân gian truyền thống của Hội An, các loại hình diễn xướng dân gian truyền thống như: Hát múa cầu ngư-bả trạo, hát múa sắc bùa chúc xuân, múa tứ linh, múa lân-sư-rồng, hò đưa linh... luôn hiện diện. Các câu hò, điệu lý đã được sử dụng, đưa vào dàn dựng thành các tiểu phẩm, kịch bản dân ca và đưa vào các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại địa phương.

Nhiều năm trở lại đây, các sự kiện lớn mang tầm quốc gia được tổ chức tại Hội An như: Lễ hội đèn lồng, festival di sản quốc gia, giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản, những ngày văn hóa Hàn Quốc, hội thi hợp xướng quốc tế... thu hút đông đảo khách quốc tế tham gia khẳng định thương hiệu và vị thế của Hội An. Nhiều sản phẩm văn hóa được công chúng trong nước và quốc tế đánh giá cao như: Đêm phố cổ, phố đi bộ...; nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống Hội An được mời biểu diễn ở các quốc gia trên thế giới...

Tất cả những hoạt động đó đều tạo dựng cơ hội góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc Hội An trở thành điểm đến hấp dẫn, trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới. Từ những giá trị hiện đang bảo tồn và phát huy, cùng với những tiềm năng sẵn có của địa phương, Hội An sẽ bảo đảm đầy đủ các tiêu chí cũng như điều kiện để đề xuất xây dựng và phát triển “Hội An-thành phố sáng tạo” trong tương lai.

Cơ hội và triển vọng

Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO hứa hẹn mở ra cho TP Hội An những cơ hội, triển vọng mới. Đó là việc được chia sẻ, giới thiệu với bạn bè quốc tế những giá trị về thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian mà thành phố có cơ hội sở hữu, bảo tồn và phát huy nhiều năm qua. Đó là cơ hội để Hội An được hòa mình, học tập kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương trong thời gian sắp tới.

leftcenterrightdel

Một góc làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam).

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm cho biết, thành phố rất quyết tâm và cũng đã có nhiều nghị quyết chuyên đề với chính sách, tầm nhìn, ưu tiên phát triển về văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai mới chỉ ở bước khởi đầu với việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Còn rất nhiều khó khăn bởi thành phố chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hội An đang rất cần thêm những không gian sáng tạo cộng đồng, tìm kiếm thêm những mô hình sáng tạo mới trên cơ sở xã hội hóa, với sự chung sức của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp cũng như người dân địa phương. Đối với nghề thủ công truyền thống, việc bảo tồn, gìn giữ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị thẩm mỹ, tìm kiếm thị trường... cũng đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết.

Ủng hộ việc xây dựng thành phố sáng tạo, anh Lê Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hội An, chủ nhân của nhà hàng ven sông Coco casa đã chia sẻ với chúng tôi câu chuyện biến nhà hàng thành không gian nghệ thuật cho du khách có thể trải nghiệm, đưa các thanh củi lũ thành tác phẩm nghệ thuật tái chế, thổi hồn cho “Lễ hội âm nhạc ẩm thực biển An Bàng”... Anh khẳng định: “Di sản và sáng tạo nghệ thuật luôn là chủ đề mới cho thế hệ trẻ, cơ hội cho lớp trẻ theo kịp dòng chảy của thế giới. Tôi rất mong tới đây Hội An có thêm Công viên nghệ thuật quốc tế và có nhiều hơn những không gian sáng tạo, mang dấu ấn nghệ thuật trên cơ sở giá trị văn hóa bản địa để du khách khi tới Hội An có thêm những trải nghiệm. Đó cũng là cơ hội để lớp trẻ như chúng tôi có thể sáng tạo, kết nối và lan tỏa...”.

Có thể nói, tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là hành trình vô cùng ý nghĩa cho mục tiêu nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hội An. Một cơ hội, một cánh cửa đang rộng mở, đón đợi sự bắt nhịp và sáng tạo từ thành phố di sản ấy.

Bài và ảnh: KHÁNH THƯ