Kho báu trên miền thùy dương cát trắng

Nằm cạnh Quốc lộ 1A, thôn Tịnh Mỹ thuộc xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận mang dáng vẻ đơn sơ, thanh bình như nhiều ngôi làng Chăm khác trên miền thùy dương cát trắng. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc tới Palei Canar (cách gọi của người Chăm về thôn Tịnh Mỹ) thì đồng bào trong vùng đều tỏ vẻ thành kính, tự hào bởi nơi ấy có một nàng công chúa từng sinh sống cùng với kho báu của hoàng tộc Chăm.

leftcenterrightdel
Ông Lư Quốc Thiện, hậu duệ của hoàng tộc Chăm bên bộ di sản của hoàng tộc.  

Trong căn nhà hai tầng nhuốm màu thời gian tọa lạc giữa làng, ông Lư Quốc Thiện, 50 tuổi, hiện là cán bộ Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho biết, căn nhà này do bà nội của ông là Nguyễn Thị Thềm xây dựng vào năm 1964. Bà Thềm sinh năm 1911, mất năm 1995, là hậu duệ của hoàng tộc Chăm nên được người dân địa phương gọi là Nai Thềm (công chúa Thềm). Trải qua gần 60 năm tồn tại, ngôi nhà đến nay vẫn còn khá vững chắc. Tuy nhiên, mọi chi tiết, bộ phận của ngôi nhà, từ tường, nền gạch, cầu thang, cửa gỗ đến nội thất đều đã bị thời gian phủ lên lớp màu xưa cũ. Bên trong nhà, căn phòng giữa tầng một đặt bàn thờ gia tiên với ảnh chân dung bà Nguyễn Thị Thềm mặc áo đỏ, đầu vấn khăn trắng, khuôn mặt toát lên vẻ phúc hậu, quyền quý. Cạnh đó là bằng công nhận di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia do Bộ Văn hóa-Thông tin trao tặng từ năm 1993 cho bộ di sản của hoàng tộc Chăm.

Theo lối cầu thang hẹp dẫn lên tầng hai, khách có cảm giác như thời gian đang trôi dần về quá khứ. Khi cánh cửa hai căn phòng được mở ra, một không gian huyền bí, tôn nghiêm cùng những di vật lộng lẫy của hoàng gia Chăm cách đây 4 thế kỷ hiện ra trước mắt. Tại vị trí trang trọng nhất là tủ kính trưng bày vương miện của vua Pô Klong Mơhnai và búi tóc (hoa tóc) của hoàng hậu Pô Bia Som.

Ngoài ra còn có hơn 100 cổ vật gồm kiếm trận, đồ gia dụng, hoàng bào, xiêm y của vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa, các nhạc khí, những chiếc hộp (klong) lưu giữ những mảnh xương trán của các thành viên hoàng gia sau khi qua đời theo tục lệ của người Chăm, sắc phong của chúa Nguyễn và vua Nguyễn dành cho hoàng tộc... Tất cả đều được chế tác tinh xảo, cầu kỳ, bằng nhiều chất liệu quý như vàng, bạc, đồng, ngà voi, đá...

Đặc biệt, chiếc vương miện của vua Pô Klong Mơhnai bằng vàng cao 19,5cm, đường kính 19,5cm, chạm khắc hoa văn tinh xảo, đậm phong cách nghệ thuật Chăm cùng hình ảnh thần rắn makara thực sự là một tuyệt tác. Đây cũng là vương miện duy nhất của vua Chăm còn giữ được cho đến ngày nay. 

leftcenterrightdel
 Vương miện của vua Pô Klong Mơhnai và búi tóc của hoàng hậu Pô Bia Som.

Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, Pô Klong Mơhnai là vị vua trị vì tiểu quốc Panduranga, lên ngôi năm 1622, thoái vị năm 1627. Ông có nhiều đóng góp trong việc xây dựng kênh mương thủy lợi thúc đẩy canh tác, chăn nuôi, trồng trọt, góp phần mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Năm 1627, ông nhường ngôi cho con rể là Po Rome, cũng là một vị vua rất tài năng, được người dân "thần hóa" sau khi mất và dựng tháp. Tháp Po Rome hiện còn khá nguyên vẹn tại làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Để tưởng nhớ công lao của vua Pô Klong Mơhnai, ngay sau khi ngài qua đời, người dân đã lập đền thờ, ngôi đền hiện tọa lạc tại thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Đánh thức di sản

Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, bà Nguyễn Thị Thềm là công chúa nên được quyền thừa kế di sản hoàng tộc Chăm, trong đó có kho báu do vua Pô Klong Mơhnai để lại. Tuy nhiên, ban đầu bộ di sản này chưa thuộc về bà mà được một nhóm người dân tộc Raglai cất giữ. Nguyên nhân bởi trước đây, khi xảy ra chiến tranh, các vị vua và thành viên trong hoàng tộc Chăm phải rời bỏ kinh thành lên lánh nạn trên vùng rừng núi phía Tây của dải đất Nam Trung Bộ. Trên hành trình lưu lạc, họ đã giao kho báu hoàng gia cho các cộng đồng dân tộc Raglai và Churu cất giữ. Vì là di vật của đấng quân vương nên những cộng đồng này giữ lời thề sẽ luôn bảo vệ, gìn giữ vẹn nguyên kho báu dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thậm chí tại vùng Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, người Churu trước đây còn lập nên hai ngôi đền là đền Sop và đền Krayo để bảo quản, thờ cúng những báu vật của hoàng gia Chăm. Sau này, khi biết bà Thềm là hậu duệ của hoàng tộc Chăm, người Raglai trông coi kho báu ở vùng núi thuộc xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã làm lễ xin thần núi rồi gùi kho báu xuống trao trả cho gia đình bà Thềm. Việc trao trả được thực hiện nhiều lần và lần cuối là vào năm 1958.

leftcenterrightdel
Bộ lư bằng đồng dùng để đốt trầm hương trong hoàng cung và tại các nghi lễ. 

Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, bà Thềm và em trai là ông Dụng Gạch đi theo kháng chiến, tham gia Mặt trận Việt Minh, vận động người dân đứng lên đánh Pháp. Hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, bà Thềm đã họp bàn với các thành viên trong dòng họ, tổ chức lễ cúng tổ tiên và hiến tặng Chính phủ bộ vương miện cùng một số hiện vật bằng vàng. “Sau này, bà nội tôi còn hiến hơn 200 mẫu ruộng cho Nhà nước, chỉ để lại một ít cho gia đình và con cháu canh tác sinh sống. Lúc sinh thời cũng như sau khi bà mất, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi tuyệt đối không bán bất cứ cổ vật nào. Có khổ mấy cũng giữ gìn nguyên vẹn di sản của cha ông”, ông Lư Quốc Thiện khẳng định.

Trải qua 4 thế kỷ tồn tại, bộ di sản của hoàng tộc Chăm đều là những hiện vật gốc độc bản, có giá trị lớn về văn hóa và lịch sử, góp phần làm phong phú và giàu có hơn kho tàng văn hóa Việt Nam. “Trước đây, do hoàn cảnh gia đình và tục lệ kiêng cữ nên ít người được chiêm ngưỡng những báu vật này. Từ năm 2024, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận sẽ phối hợp cùng gia đình và ngành du lịch tổ chức tour tham quan, khám phá văn hóa Chăm, trong đó “kho mở” của hoàng tộc Chăm là điểm nhấn. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho du khách gần xa có thể tận mắt chiêm ngưỡng những báu vật vô giá của hoàng gia Champa, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Chăm trên vùng đất Bình Thuận”, bà Lư Thái Tuyên, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho biết.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG