Sách "Đại Nam nhất thống chí", cuốn thứ tám, mục Thổ sản, chép: “Rượu Kim Long ở Hải Lăng-Quảng Trị là ngon hơn cả...”. Người xưa tôn vinh đấy là “Kim Long mỹ tửu”. Rượu Kim Long là thứ rượu tinh khiết, trong vắt, rót ra thì sủi bọt lăn tăn nhưng không bám vào thành cốc, nâng lên thì có mùi thơm nhẹ, uống vào có vị ngọt và cay nhưng êm dịu và không gây nhức đầu. Thời Pháp thuộc, thực dân chiếm hết các lò nấu rượu trong làng và thành lập công ty rượu Xikar, thuê những người “thợ rượu” địa phương trực tiếp sản xuất theo công thức rượu truyền thống Kim Long. Rượu Xikar sản xuất tại Kim Long được đóng vào thùng gỗ, đem ngâm trong hồ nước lạnh một thời gian, rồi dùng thuyền nhỏ chở theo sông Vĩnh Định về Huế, đưa lên tàu lớn chở về Pháp pha chế, đóng chai và xuất khẩu ra nhiều nước. Đầu thế kỷ 20, hãng rượu Xikar mở cơ sở sản xuất rượu Xikar tại Pháp nhưng không thể ngon được như rượu sản xuất tại làng Kim Long. Có lẽ vì thế mà từ giữa thế kỷ 20 đến nay, rượu Xikar đã biến mất trên thị trường.

leftcenterrightdel

Rượu Kim Long được nấu hoàn toàn bằng phương pháp thủ công  

Rượu Kim Long có màu, mùi và vị “độc nhất vô nhị” vì tất cả nguyên liệu và dụng cụ nấu rượu đều ở làng Kim Long, xã Hải Quế. Bởi men ủ rượu phải được chiết từ củ riềng trồng trên đất pha cát Kim Long; gạo nấu rượu phải từ thứ lúa trồng trên cánh đồng Kim Long; đặc biệt, nguồn nước phải là nước giếng từ “long mạch” trong lòng đất Kim Long. Ngoài ra còn một vài yêu cầu tinh tế khác khi nấu... Rượu Kim Long có màu, mùi và vị đặc trưng còn vì nấu rượu này không thể “tham bát bỏ mâm” chạy theo số lượng. Cứ 3 cân gạo, nấu thành cơm, ủ men trong 5 ngày đêm thì đem nấu chỉ lấy đúng 1 lít rượu.

Hiện nay, làng nghề Kim Long có gần 300 hộ chuyên nghề nấu rượu. Ngoài rượu trắng truyền thống, nhãn hiệu “rượu Kim Long” còn có thêm các loại rượu đỏ, rượu nếp, rượu thảo dược và đã có mặt ở nhiều nhà hàng, khách sạn, siêu thị... trong cả nước. Làng nghề Kim Long đang trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn khách gần xa đến tham quan các lò nấu rượu có tuổi đời hàng trăm năm và thưởng thức rượu.

Làng Thi Ông của tôi, nghĩa Hán tự là làng của những người yêu thơ, cách làng rượu Kim Long chừng 3 cây số. Cha tôi kể, ngày xưa vào lúc nông nhàn, hai làng vẫn có những cuộc giao duyên bằng rượu và thơ. Bầu rượu túi thơ đã kết tình bằng hữu, kết nghĩa tao khang, còn mãi với thời gian. Nhớ lại chuyện xưa, tôi ước rồi đây, trong các sản phẩm du lịch độc đáo của huyện Hải Lăng, sẽ có những cuộc giao duyên giữa làng thơ Thi Ông và làng rượu Kim Long. Khả thi lắm chứ, tại sao không!

Bài và ảnh: VÕ VĂN LUYẾN