Tôi cứ hình dung quán bún riêu nổi tiếng mấy chục năm nay ở trung tâm Côn Đảo phải hoành tráng, vì thấy dân trên đảo bảo mỗi ngày có tới cả nghìn khách vào ăn. Nào ngờ, quán lợp tôn, trước cửa có cây lộc vừng, cây phượng vĩ, bên trong bàn ghế giản dị, duy có mùi thơm của nước dùng quả là vô cùng dễ chịu. Hỏi chủ quán mới biết nước dùng được chế từ xương heo, mực một nắng, xương cua biển, xương cá biển... nên có vị thơm ngọt đặc trưng, mà lại không đụng hàng.
Tôi gọi hai bát đặc biệt, giá 35.000 đồng/bát, thấy cơ man là chả cá ở phía dưới bát, một miếng gạch cua biển, hai miếng tiết heo, kèm theo đĩa rau muống chẻ và giá sống, nhìn vô cùng bắt mắt. Tôi cùng anh bạn đến quán bà Hai Khiêm khá sớm, lúc 6 rưỡi, nên quán có vài phụ huynh dẫn con nhỏ đi ăn để kịp vào học buổi sáng. Nhưng khi tôi còn chưa kịp thưởng thức miếng chả cá đầu tiên thì một đoàn hơn 40 du khách kéo vào. Ở Thủ đô, gặp đoàn khách đông như thế này thì chủ quán cứ gọi là đon đả, hỷ hả nhưng sắc mặt chủ quán bún riêu vẫn bình thản, bởi đã quá quen với những đoàn khách đông đổ bộ ùn ùn vào quán.
|
|
Một tô bún riêu đặc biệt tại quán bà Hai Khiêm. |
Bình thường, chế riêu cua sẽ dùng cua đồng nhưng ở quán bà Hai Khiêm, cua biển được dùng nên nước có vị ngọt đậm khác lạ. Hơn nữa, như người dân địa phương kể chuyện, chả cá của quán được làm từ cá biển tươi lấy từ cảng, nên ăn miếng chả cá cũng thấy khoan khoái hơn chỗ khác.
Anh bạn đi cùng tôi còn chế riêng bát nước mắm chanh ớt để chấm chả cá, tiết heo, rau muống, giá trần... Tôi không thể đủng đỉnh như vậy, cứ phải làm miếng riêu, miếng chả cá cùng thìa nước dùng nóng bỏng. Hương vị của đồng quê xen lẫn biển cả như hòa tan trong bát bún riêu. Bởi vì các loại cua nơi đây như cua mặt trăng Côn Đảo, cua đá... có phần thịt và vỏ cứng hơn nhiều so với cua đồng nên việc sử dụng, chế biến cua biển cho nước dùng hoàn toàn là công thức riêng độc đáo của quán.
Mấy chục vị khách lúc nãy vào quán trò chuyện rôm rả, giờ thấy im ắng khác lạ. Ai cũng tập trung vào bát bún trước mặt. Bún riêu bà Hai Khiêm không chỉ ngon, mà quán còn tọa lạc ở vị trí đắc địa. Quán rộng chừng hai trăm mét vuông nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Huệ, du khách đi bộ khoảng 5-6 phút là ra tới biển, đến khách sạn The Secret Côn Đảo; đi bộ tầm 10-15 phút là tới là Bảo tàng Côn Đảo, xuôi nữa là đến Sở Lò Vôi, thưởng thức kem dừa Côn Đảo cũng nức tiếng không kém. Còn nếu đi ngược về hướng khách sạn The Secret Côn Đảo, du khách sẽ đến Dinh Chúa đảo, Cầu tàu lịch sử 914... Sau khi thưởng thức bún riêu quán bà Hai Khiêm, chúng tôi tản bộ về hướng Cầu tàu lịch sử 914 để thắp hương tri ân.
Bài và ảnh: THÔNG ĐẠT