Họ sống mãi với dân tộc qua những hồi ức sâu thẳm và chưa bao giờ mất đi trong dòng thi ca tưởng niệm-tri ân vô cùng xúc động.
Cuộc sống thay đổi chóng mặt, xã hội tiện nghi đã hình thành mấy thập kỷ nay, dòng đời trong đục lẫn lộn nhưng những thi phẩm hay về liệt sĩ dường như vẫn còn nguyên giá trị. Bởi tôi biết, thơ ấy được chắt ra từ máu, mồ hôi, nước mắt của hàng triệu người. Không thể nói khác được. Chiến tranh đã lùi xa nhưng dòng thi ca tưởng niệm-tri ân vẫn chưa ngừng chảy cùng những tác phẩm, tác giả mới. Nỗi ám ảnh chiến tranh chăng? Tôi nghĩ, đó chỉ là một phần nhỏ, cái lớn hơn và xuyên suốt chính là tinh thần: Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng.
Vẫn còn đây "Viếng bạn" của Hoàng Lộc; "Tây Tiến" của Quang Dũng; "Giá từng thước đất" của Chính Hữu; "Núi Đôi" của Vũ Cao; "Quê hương" của Giang Nam; "Hãy nhớ lấy lời tôi" của Tố Hữu; "Bài thơ về hạnh phúc" của Dương Hương Ly; "Khoảng trời, hố bom" của Lâm Thị Mỹ Dạ; "Nấm mộ và cây trầm" của Nguyễn Đức Mậu; "Dáng đứng Việt Nam" của Lê Anh Xuân... từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hai cuộc chiến đấu giải phóng đất nước kết thúc nhưng dòng thơ về chiến tranh và liệt sĩ vẫn tiếp tục hành trình với những tác phẩm mới ấn tượng, như: "Phan Thiết có anh tôi" của Hữu Thỉnh; "Bài thơ người đi tìm phần mộ em trai mình" của Dương Kỳ Anh; "Viếng chồng" của Trần Ninh Hồ; "Gió đất" của Lê Đình Cánh; "Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc" của Vương Trọng; "Đám cưới một linh hồn" của Vũ Bình Lục; "Cái roi ngày ấy" của Đinh Phạm Thái; "Khát vọng Trường Sơn" của Nguyễn Hữu Quý... Sau năm 1975, nhiều trường ca nối tiếp nhau ra đời, hình ảnh người chiến sĩ hy sinh được khắc họa trong nhiều tác phẩm dài hơi của Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Trần Mạnh Hảo, Thanh Thảo, Trần Anh Thái...
Mỗi tác phẩm thơ là một nén tâm hương dâng lên các liệt sĩ. Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, điều đó đã được thể hiện trong bài "Viếng bạn" của Hoàng Lộc. Có thể xem đây là bài thơ viết về liệt sĩ sớm nhất của dòng thi ca kháng chiến. Bài thơ không dừng lại ở nỗi đau mà được đẩy lên hành động yêu nước: "Mai mốt bên cửa rừng/ Anh có nghe súng nổ/ Là chúng tôi đang cố/ Tiêu diệt kẻ thù chung"... Tây Tiến của Quang Dũng là một trong những thi phẩm có sức sống lâu bền nhất của thơ kháng chiến chống Pháp khi thi sĩ khắc tạc sự can trường, lạc quan và dâng hiến của những người lính Cụ Hồ: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành"... Chính Hữu vừa cụ thể, vừa khái quát khi nói về giá trị hy sinh của đồng đội trên chiến trường Điện Biên Phủ khốc liệt: "Khi bạn ta/ Lấy thân mình/ Đo bước/ Chiến hào đi/ Ta mới hiểu/ Giá từng thước đất"... ("Giá từng thước đất"). Còn "Núi Đôi" của Vũ Cao, cho đến nay tôi thấy đây vẫn là một bài thơ hay, bi tráng trữ tình: "Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em!"... Tình yêu đôi lứa càng man mác bao nhiêu thì sự hy sinh của cô du kích càng lung linh bấy nhiêu.
    |
 |
Chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2023). Ảnh: TRẦN HUẤN
|
Thơ về liệt sĩ thời chống Mỹ, cứu nước chú trọng tô đậm chất anh hùng. Khí phách lẫm liệt của các liệt sĩ được miêu tả hùng hồn trong những bài thơ: "Hãy nhớ lấy lời tôi" của Tố Hữu: "Anh bước lên, nhức nhối chân đau/ Dáng hiên ngang vẫn ngẩng cao đầu/ Quần áo trắng một màu tinh khiết/ Thân gầy yếu mạnh hơn cái chết"...; "Bài thơ về hạnh phúc" của Dương Hương Ly: "Em đã ra đi với mắt cười thanh thản/ Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai/ Bởi biết mình có mặt ở tương lai"...; "Dáng đứng Việt Nam" của Lê Anh Xuân: "Và Anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.../ Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ"... Đặc biệt, bài thơ "Khoảng trời hố bom" của Lâm Thị Mỹ Dạ theo tôi là một bài thơ viết về liệt sĩ hay và mới nhất của thời chống Mỹ, cứu nước. Nhân văn và chân thực rung rinh từng thi ảnh, câu chữ, nhịp điệu thơ: "Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói, lung linh/ Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong/ Đã hóa thành những làn mây trắng?"...
Sau năm 1975, nhiều bài thơ viết về liệt sĩ ra đời với nỗi đau thương thăm thẳm, sự hồi tưởng khôn nguôi về một thời chiến tranh khốc liệt. Những bài thơ tưởng niệm-tri ân thực với ảo hòa trộn, đời thường và tâm linh quyện chặt vào nhau. Chúng ta vẫn hằng tin người hy sinh vẫn mang trong mình những khát vọng đẹp đẽ của cuộc sống. Đó là hạnh phúc bình dị mà nhiều cô gái trong chiến tranh mong mỏi nhưng chưa được tận hưởng trọn vẹn. Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vẫn có nhiều máu đổ. Danh sách liệt sĩ nối dài thêm. Nơi hy sinh là biên cương, hải đảo và cả ở ngoài Tổ quốc mình. Chúng ta quặn lòng khi đọc bài "Gặp lại các em" của Nguyễn Đình Chiến: "Các em đi khi mười tám tuổi xuân/ Và để lại những trái tim trong trắng/ Tiếng các em thét gọi nhau trong chiến hào khói lửa/ Còn cháy lòng bao chiến sĩ xung phong"... Và đây, ta không khỏi xúc động khi đọc bài thơ "Tổ quốc đón anh về" của Phan Vỹ dâng lên các chiến sĩ trẻ hy sinh ở Trường Sa: "Hoa trắng tươi nguyên như lời hẹn ước/ Các anh ơi! Thương lắm chỗ anh nằm/ Sóng vỗ ngàn năm lặn sâu trong đáy mắt/ Hương hồn về gọi mẹ biết bao đêm"...
Trong bài viết ngắn này, tôi làm sao nói hết được những điều muốn nói về sự hy sinh của các liệt sĩ, về tấm lòng dân tộc dành cho các anh chị. Dòng thi ca tưởng niệm-tri ân còn nhiều bài thơ, câu thơ đọc lên rơi nước mắt mà tôi chưa trích dẫn được ở đây. Chỉ biết rằng, những người hiến dâng và hy sinh vì Tổ quốc đang ở cõi thiêng lay động mọi trái tim. Có dòng thơ đang chảy về đó soi bóng quá khứ bi hùng và những nỗi niềm sâu thẳm nhất.
Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.