Năm tôi hơn 10 tuổi thì ông nội mất. Tuy nhiên ký ức về ông thì vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Ông tôi là Trần Đức Thịnh (tên gọi khác là Trần Đức Quảng), người xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Trong cuộc đời công tác của mình, ông nội tôi thường được đi cùng Bác Hồ và nghe nhiều lời dạy từ Người. Đặc biệt, những bức ảnh ông chụp với Bác Hồ cùng câu chuyện ông kể về Bác, được coi là “báu vật” của gia đình tôi.

Năm ông nội tôi 24 tuổi, do bị thúc ép từ gia đình muốn có người làm quan, ông ra làm lý trưởng tại xã Vũ Lăng. Nhưng chỉ 3 năm sau, ông từ chức và tham gia hoạt động cách mạng. Ông tôi cùng với hai người em ruột là Trần Đức Thử, Trần Đức Duyên tham gia hội Tương tế-một tổ chức yêu nước, tiến bộ lúc bấy giờ. Tháng 4-1930, cả ba anh em đều được kết nạp Đảng, sau đó ông nội tôi được bầu làm Bí thư Phủ ủy Kiến Xương. Tháng 8-1931, tại cuộc họp của tỉnh ở Cồn Đen (Tiền Hải), Ban Tỉnh ủy lâm thời được thành lập gồm 5 người, ông tôi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông tôi từng hai lần bị đày lên nhà tù Sơn La, rồi bị đày ra Côn Đảo. Năm 1942 ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông công tác ở Tổng bộ Việt Minh và là Ủy viên Thường vụ Mặt trận Việt Minh-Liên Việt, thành viên Tiểu ban Nông vận của Trung ương Đảng (1951). Từ năm 1952, ông giữ chức Trưởng ban Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Ông tôi mất năm 1971.

leftcenterrightdel

Ông Trần Đức Thịnh (người đứng sau Bác Hồ, thứ ba, từ trái sang) trong lần đi công tác cùng Bác. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp 

Bố tôi kể lại, khoảng năm 1966, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ (trong đó có ông tôi) về thăm Nhà máy Gỗ Cầu Đuống. Trên đường về, Bác ghé vào thăm gia đình tôi ở khu tập thể nhà máy. Lúc vào nhà chỉ có Bác, ông nội tôi và Thư ký của Bác. Thấy bố mẹ tôi đông con (4 gái, 2 trai), nhìn một lũ lóc nhóc, Bác nói vui: “Cô chú sinh đẻ thế là vượt tiêu chuẩn đấy nhé!”. Nói rồi, Bác ân cần dặn mẹ tôi: “Cô chú phải nhớ cho các cháu ăn học đến nơi đến chốn. Không được trọng nam khinh nữ! Càng con gái, lại càng phải học!”.

Theo lời dặn của Người, mặc dù cuộc sống hồi đó còn nhiều khó khăn, nhưng bố mẹ tôi đã cho anh chị em tôi học hành chu đáo. Chính vì vậy mà mấy anh chị em trong gia đình tôi được trưởng thành như ngày hôm nay. Anh trai tôi là Trần Đức Thắng (sau này đi bộ đội và hy sinh). Trước khi nhập ngũ, anh Thắng không quên đem theo mấy cuốn sách trong ba lô. Chị em chúng tôi đều rất tự hào khi luôn làm theo lời Bác Hồ dạy. Các cháu nội, ngoại cũng noi gương ông bà, cha mẹ vượt mọi khó khăn để học tập, rèn luyện và cống hiến cho xã hội.

Bây giờ ông bà, bố mẹ tôi đã về cõi vĩnh hằng, nhưng những câu chuyện, những bức ảnh vô giá của ông nội tôi với Bác Hồ luôn là báu vật, nhắc nhở chúng tôi giữ gìn và phát huy truyền thống của gia đình.

TRẦN THỊ QUỲNH GIAO (Nguyên giáo viên Trường THCS Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội)