Suối Tía bắt nguồn từ những cánh rừng và đỉnh núi cao đổ vào hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt. Phía hạ nguồn có rừng chò ngập nước; hai bên bờ, cỏ dại cùng vô số loài cây thủy sinh mọc thành thảm dày xanh mướt như lụa cạnh những rừng thông bạt ngàn thân cây cao lớn, thẳng tắp, san sát. Ở nơi được coi là “thâm sơn cùng cốc” của Đà Lạt, suối Tía một thời vắng bóng người. Chỉ khi lão Quyền, một người đàn ông nghèo tìm về suối Tía làm nghề đánh cá và những người đam mê chụp ảnh tình cờ ghé qua thì hình ảnh về suối Tía bỗng trở nên nổi tiếng, thành điểm đến yêu thích của nhiều người khi tới Đà Lạt.
|
|
Chân dung lão Quyền, người đánh cá trên dòng suối Tía.
|
Lão Quyền tên thật là Hoàng Minh Quyền, 69 tuổi, quê gốc xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Hơn 20 năm trước, lão đến khu vực suối Tía và mê mẩn cảnh sắc nơi đây, dưới mặt nước cá bơi thành bầy. Từ ấy, lão gắn bó với suối Tía bằng nghề đánh cá, sống cô độc giữa rừng hoang, nước biếc. Trên chiếc bè và lều nhỏ được kết bằng vài tấm gỗ, tôn, vải bạt cũ, hằng ngày, lão chèo thuyền mải mê kéo lưới, câu cá đắp đổi qua ngày. Gần đây, khách đến hồ ngày một đông để chụp ảnh, lão có thêm một "nghề mới" là làm mẫu cho những người chụp ảnh. Với lão, đó là cái duyên, với lại, những tay máy chuyên nghiệp và nghiệp dư từ phương xa về suối Tía lần nào cũng khẩn khoản, nài nỉ lão làm mẫu giúp. Khách còn nói chỉ có hình ảnh của lão mới nói lên được sức sống, cái chất, cái hồn liêu trai của núi rừng, của suối Tía. Mỗi lần như thế, lão Quyền cười hồn nhiên, vui vẻ nhận lời, dù biết khoản thù lao nhận được không đáng là bao.
Công việc làm mẫu với lão thì rất đơn giản và nhẹ nhàng so với chèo thuyền khắp chốn để thả lưới, câu cá. Lão chỉ cần chèo chuyền theo sự hướng dẫn để người chụp có được những góc máy và khung hình đẹp nhất. Thù lao làm mẫu không lớn nhưng cũng có khi lão bị quỵt tiền. Lão kể, có lần chèo thuyền ra giữa hồ, di chuyển qua lại cả tiếng đồng hồ, người lạnh run, tay mỏi nhừ nhưng khi vào bờ thì nhóm người kia đã bỏ đi mà không thèm trả tiền, cũng không nói một lời cảm ơn khiến lão buồn ứa nước mắt.
Suối Tía quanh năm nước xanh trong, dòng chảy êm, đoạn cuối hòa vào hồ Tuyền Lâm dòng nước càng êm đềm, tĩnh lặng. Ngồi trên thuyền nhìn xuống có thể thấy rõ từng ngọn thủy sinh và đàn cá bơi lội dưới đáy nước. Nơi giao nhau giữa suối và hồ, mặt nước trải rộng, những cây chò nước liên tục thay đổi hình dáng, màu sắc theo mùa. Mùa đông, rừng chò rụng lá, để lộ những cành trắng, khẳng khiu như đám cây chết khô, nhô lên khỏi mặt nước. Mùa xuân, cây ra lá non vàng rực. Mùa thu, lá chuyển màu đỏ, rụng xuống mặt hồ. Mỗi buổi sáng khi sương mù giăng kín, mặt trời chiếu những vệt nắng nghiêng xuyên qua rừng thông tựa bức rèm pha lê lấp lánh, mặt nước bốc hơi thành vô số vệt sương mỏng bay lên cũng là lúc lão Quyền bắt đầu ngày làm việc của mình.
Hình ảnh lão Quyền chèo thuyền lướt đi trên mặt nước của dòng suối Tía trong buổi sáng mù sương đẹp như một bức tranh thủy mặc, gợi nhớ câu chuyện "Đào hoa nguyên ký" trong cổ thư Trung Hoa. Chuyện rằng, vào triều Thái Nguyên đời Tấn có một ông lão ở đất Vũ Lăng làm nghề đánh cá, một hôm vì mải ngược dòng suối có hoa đào rơi mà đã gặp chốn đào nguyên. Đó là một nơi cảnh trí tuyệt trần, con người ai cũng đẹp đẽ, cuộc sống quanh năm sung túc, an hòa, vui tươi. Khi trở về, ông lão đánh cá trình báo với quan thái thú những gì mình chứng kiến. Quan thái thú sai người theo ông lão đánh cá đi tìm chốn đào nguyên, nhưng đi mãi vẫn bị lạc đường, không thể tìm thấy lối vào đào nguyên nữa. Từ đó, đào nguyên mãi là phương trời viễn mộng, là ước mơ cháy bỏng về một thế giới thần tiên của con người.
Tích xưa mãi như là giấc mộng, dằng dặc ước mơ chạm đến cõi tiên thoát tục. Nhưng nếu du khách đến với suối Tía ở Đà Lạt để thưởng ngoạn, mê mải trong cảnh sắc, để gặp lão Quyền, chắc hẳn sẽ như tôi, tin rằng cõi đào nguyên là có thật, đẹp cuốn hút đến nao lòng.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG