Thực ra chuyện sân khấu vắng khán giả là điều khó tránh khỏi bởi càng ngày, người xem càng có nhiều lựa chọn. Chỉ tính riêng bóng đá, các chương trình giải trí trên truyền hình, internet đã chiếm một lượng lớn thị phần người xem. Người ta cứ hay so sánh với cái thời hoàng kim của sân khấu những năm 1970-1980, nhưng ngày ấy khán giả gần như không có nguồn vui nào khác ngoài việc tụ tập ra sân bãi xem gánh hát. Còn ngày nay, một tác phẩm kinh điển liệu có hấp dẫn hơn chiếc smartphone? Cuộc chiến giành giật khán giả thời buổi Cách mạng công nghiệp 4.0 quả thật nhiều nhọc nhằn.

Khan hiếm nhân tài

NSND Thế Anh thở dài, bây giờ, khán giả xem kịch như xem một câu chuyện họ đã biết trước, không có gì thú vị, vì thế họ ra về và không thích đến với sân khấu nữa. Nghệ sĩ lão làng không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày ông còn đứng trên sàn diễn cách đây vài thập kỷ, khi ấy diễn viên sân khấu như những thỏi nam châm, hút hết mọi đối tượng khán giả về với ánh đèn. Ông và các bạn đồng nghiệp luôn tin rằng, trở thành diễn viên là niềm vinh dự, tự hào không phải ai cũng may mắn có được. Khán giả sẵn sàng bỏ tiền, xếp hàng nhiều giờ đồng hồ chờ xem các nghệ sĩ hóa thân vào các vở diễn. Thế nhưng, bây giờ thì: “Người làm sân khấu hiện nay ít sáng tạo mà chỉ giỏi bắt chước. Theo tôi, chúng ta chậm hơn sân khấu thế giới đến cả 100 năm rồi”-lão nghệ sĩ nhận định. Một thế kỷ là khoảng thời gian gần như vô hạn đối với cuộc đời hữu hạn của mỗi nghệ sĩ, thế nhưng khát khao vực dậy nền sân khấu đang “ốm nặng” là điều không thể không làm.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa

Một nền nghệ thuật mạnh cần phải là nơi hội tụ các anh tài. Một nghệ sĩ, giảng viên đại học sân khấu điện ảnh thừa nhận, không ít sinh viên trong trường trượt hết các nơi nên mới vào đây học. Cũng có nhiều em xinh đẹp, có tài đến thi nhưng sau đó mất hút. Hóa ra các em đã đỗ vào trường khác “ngon” hơn. “Rèn luyện, trau dồi người tài năng thành nghệ sĩ giỏi, chứ không phải đào tạo người bất tài thành có tài năng nghệ thuật”, đạo diễn, NSND Xuân Huyền từng phát biểu quan điểm về đào tạo nghệ sĩ. Thời còn đứng lớp ở trường, ông từng khuyên một sinh viên thôi học vì chỉ có đam mê mà thiếu năng khiếu, “mất công sức mà sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì đâu”. Nhưng bây giờ, thầy giáo mà khó tính thì số sinh viên còn lại chẳng đủ để làm thành trường, thành lớp. “Trường vẫn tuyển đủ chỉ tiêu. Trong quá trình theo học, sinh viên nào thấy không hợp thì tự bỏ. Ai kiên trì theo đến khi tốt nghiệp, không trở thành diễn viên, nghệ sĩ thì làm một công việc gì đó liên quan đến văn hóa cũng được. 10 người học mà có một trở thành diễn viên giỏi đã là thành công”, một giảng viên khoa sân khấu cho biết. Đối với nghệ thuật, học xong mà không làm được nghề thì cũng là chuyện rất… bình thường.

Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo của chúng ta quá yếu, sinh viên diễn xuất không được học những kiến thức nền tảng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành, nếu như ở các nước khác đều có viện hàn lâm nghệ thuật thì chúng đa đang đào tạo người làm nghề một cách rất “chơi vơi”, thiếu tính chuyên nghiệp. Diễn viên đa phần diễn xuất bằng tư chất sẵn có chứ ít thấy phát huy tinh thần “bác học” khi hóa thân vào nhân vật. Nói đến sân khấu là nói đến diễn viên. Chúng ta cần những nghệ sĩ tài năng, có sức hút khi đứng trước đám đông khán giả, trong khi nguồn cung diễn viên của chúng ta hiện tại vẫn theo kiểu “cầu may”. Ông Thành so sánh, một diễn viên múa rối của Nhật để thạo nghề phải mất 30 năm học hành và khi đã giỏi rồi thì họ làm không hết việc, sống khỏe với nghề. Thế nhưng, ở mình diễn viên kịch chỉ học vài năm, ra làm nghề không đủ sống nên phải làm thêm nghề tay trái, do đó trình độ hao mòn. Sân khấu đang lo đội ngũ kế thừa cho thế hệ sau vì số “cây đa cây đề” ngày càng ít. Có những diễn viên trẻ rất nổi tiếng nhưng hỏi ra mới biết đang bảo lưu kết quả học tập để đi chạy “sô” đóng phim truyền hình.

Đào tạo biên kịch còn bi đát hơn, vì mấy thập kỷ nay không xuất hiện một cây bút trẻ nào. Liên hoan nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua được coi là “thảm họa” về kịch bản vì chưa thấy lấp ló đội ngũ tác giả trẻ sẽ mang trọng trách nâng đỡ cơ thể sống yếu ớt của sân khấu hiện tại. Theo Tiến sĩ Phan Trọng Thành, việc tuyển sinh một lớp biên kịch đòi hỏi rất nhiều tiêu chí như khả năng viết lách, vốn sống dồi dào, sự nhạy cảm với cuộc sống và niềm đam mê cháy bỏng với nghiệp này. Nhưng thực tế hiện nay, sinh viên khi đỗ vào trường, tuổi đời còn trẻ nên vốn sống chưa nhiều, hiểu biết về cuộc sống cũng hạn chế, độ nhạy cảm kém và khả năng viết lách không có gì đặc biệt. Bên cạnh đó, giáo trình đào tạo biên kịch của chúng ta, theo nhận định của các nhà chuyên môn thì chưa hiện đại và còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Phương pháp đào tạo biên kịch hiện nay chủ yếu là truyền nghề và đúc rút kinh nghiệm qua một số tác phẩm tiêu biểu, qua lịch sử phát triển sân khấu nhân loại, lịch sử phát triển sân khấu truyền thống của cha ông. “Hiện tác giả kịch bản sân khấu chưa được đào tạo theo phương pháp hiện đại. Nhà viết kịch phải đối thoại, phản biện được với cuộc sống”, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ quan điểm. Theo bà, kịch bản là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất của sân khấu, và một nền sân khấu chuyên nghiệp thì không thể thiếu vắng một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp. Thực tế, không ít các sinh viên sau 4 năm học tại khoa biên kịch sân khấu vẫn chẳng khác gì lúc mới nhập trường. Có nghĩa, lúc vào chưa biết viết kịch bản thì lúc tốt nghiệp cũng chưa viết được kịch bản.

Cần giải pháp đồng bộ

Không thu hút được nhân tài, mông lung trong cách thức đào tạo dễ khiến sân khấu đi từ bế tắc này đến bế tắc khác, nhất là trong điều kiện cần thiết phải thay đổi về cơ chế hoạt động, quản lý mà cụ thể là đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành cho rằng, sự chuyển mình của sân khấu gặp vấn đề. Cách thức từ giã cơ chế bao cấp để thực sự sống với chính mình của các đơn vị hiện nay đang chưa ổn. Người làm nghề chưa chuẩn bị kỹ, vẫn vương vấn, hoài niệm và muốn quay lại thời bao cấp ít cạnh tranh. Còn theo NSƯT Trần Khánh Hoàng, chuyện phân biệt sân khấu xã hội hóa và công lập mà nhiều người vẫn làm hiện nay là không cần thiết. Thực ra hai cái này không khác nhau vì tất cả vẫn lấy tiêu chí là sàn diễn. Anh làm cách nào tôi không cần biết nhưng lên sàn diễn là như nhau, bình đẳng. Xã hội hóa là chuyện bình thường, đơn giản đó chỉ là nguồn lực của xã hội. Chúng ta tạo được nhiều nguồn lực nhưng phải biết nâng tầm sân khấu. Vì thế, điều cần thiết hiện nay là phải tạo ra sự đồng bộ đủ khả năng kích hoạt nền sân khấu vốn đang chạy tại chỗ.

Theo PGS, TS Phạm Duy Khuê thì việc định hướng đối với văn học, nghệ thuật đang trong tình trạng bảo thủ, không nhìn xa trông rộng, không tiên tiến, không cụ thể. Theo ông, chủ trương xã hội hóa đã manh nha từ hai chục năm nay, nhưng “nửa vời”, chưa có biện pháp thực hiện khoa học, đáp ứng thực tiễn một cách thỏa đáng. Một loạt nghị định được ban hành, nhưng manh mún, chắp vá, trong khi đó tính lịch sử, truyền thống, kế thừa, thời đại và tính nhân loại của văn hóa nghệ thuật bị quên lãng. Đặc biệt không thấy rõ đặc thù của văn học, nghệ thuật nước nhà, nói chung, nghệ thuật sân khấu, nói riêng mà ngoài những chức năng căn bản, còn luôn phải gắn bó với chính trị, với hiện thực cách mạng do Đảng lãnh đạo nhằm xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, người làm nghề hiện nay chỉ hướng tác phẩm của mình vào những vấn đề chung của con người thời đại, hoặc biến tác phẩm của mình ngang tầm một bài báo để duy trì cách hình thức rằng đoàn kịch, nhà hát vẫn “đỏ đèn”.

Nói gì thì việc cần thiết nhất hiện nay là người làm nghề cần năng động. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành cho biết, mới đây ông đã dành cả tháng trời khảo sát cách thức hoạt động của sân khấu xã hội hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh và không khỏi cảm phục sự hoạt bát của các nghệ sĩ nơi đây. Ở trường, các sinh viên học ngày học đêm, các tụ điểm sân khấu thì tìm đủ mọi cách để sáng đèn dù không có địa điểm biểu diễn cố định. Các trung tâm văn hóa, nhà cộng đồng, thậm chí quán cà phê… đều có thể trở thành sàn diễn sân khấu. Họ nắm bắt nhu cầu khán giả rất nhanh, vì thế đa dạng trong cách khai thác đề tài từ hài, kịch ma, tâm lý lãng mạn đến sử thi với những vở diễn hoành tráng, đầu tư tiền tỷ hoặc đơn giản chỉ là nhóm nhỏ các sinh viên trẻ mới tốt nghiệp. Họ làm việc một cách say mê và không trông chờ vào lối mòn cũ. “Nghệ sĩ nên coi mỗi vở diễn mới là sự thử nghiệm để cuốn hút khán giả. Sân khấu cả nước nên thử nghiệm để tìm ra cách thức đến với khán giả thời đại mới”-nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành đưa ý kiến.

THU HUYỀN