Hơn nửa thế kỷ tham gia cách mạng, từ một nhân viên trong một cơ quan báo chí đến khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Nguyễn Phú Trọng luôn luôn thể hiện một nhân cách lớn, coi “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Ông thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng trong sáng. Trong công tác cũng như sinh hoạt thường ngày, ông luôn sống giản dị, chân thành, tận tâm với công việc và thân ái với mọi người... Bởi vậy, sau khi có thông báo chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, mặc dù Đảng, Nhà nước và gia đình chưa thông báo lễ tang cụ thể nhưng đồng chí, đồng bào cả nước đã để tang ông bằng những nghĩa cử thành tâm, tự giác, vô cùng cảm động.
Nhiều tòa chung cư, khách sạn, công sở... ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã treo cờ rủ từ chiều chủ nhật 21-7-2024. Nhiều chương trình nghệ thuật được chuẩn bị công phu đã tạm dừng biểu diễn. Nhiều khu vui chơi giải trí vẫn đông du khách nhưng không có loa đài âm nhạc náo nhiệt. Nhiều người dùng mạng xã hội đã thay đổi hình đại diện, hình nền; đồng thời viết những dòng trạng thái thể hiện sự đau buồn, tiếc thương một nhà lãnh đạo trọn đời vì nước, vì dân. Một số nhà sáng tạo nội dung số đã tạm thời ngừng đăng video clip hay tổ chức livestream trên các nền tảng mạng xã hội, mặc dù việc đó sẽ thiệt hại đáng kể từ các hợp đồng quảng cáo...
Có danh ngôn rằng: Thiên tài khiến người ta kinh ngạc, đức độ khiến người ta kính phục. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo tài năng và đức độ nên ông được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân kính trọng, tín nhiệm, tin tưởng và yêu quý, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao. Bởi vậy, mặc dù đã được chuẩn bị về mặt tinh thần từ khi có thông báo của Bộ Chính trị nhưng khi được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, quân và dân cả nước vẫn hết sức bàng hoàng, thương tiếc.
|
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vui mừng gặp lại thầy giáo Lê Đức Giảng, năm 2020. Ảnh: TTXVN
|
Báo chí và mạng xã hội chia sẻ những hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của ông; bên cạnh những bức ảnh hoạt động công vụ trong nước và quốc tế là những hình ảnh ông hòa đồng, gần gũi với đồng chí, đồng bào, khiêm cung và trọng thị: Một cựu chiến binh được Tổng Bí thư khoác vai ngồi hàn huyên trước bậu cửa; một cụ ông người dân tộc cùng nắm tay ông trong điệu dân vũ nơi bản làng Tây Nguyên; một bé gái thích thú được bế bổng trong tay vị Tổng Bí thư tóc bạc; một lá thư chúc Tết cô giáo thời phổ thông với những dòng tái bút: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy dỗ”; một cuốn sách đề tặng thầy giáo thời đại học với chữ ký chân phương và dòng lạc khoản “Người học trò nhỏ của thầy”; một vòng hoa khiêm nhường xuất hiện trong lễ tang một giáo sư nổi tiếng, với dòng chữ ngắn gọn: “Học trò Nguyễn Phú Trọng kính viếng thầy”; một bức thư gửi Tạp chí Văn nghệ Quân đội và các nhà văn Quân đội nhân dịp Xuân Nhâm Thìn 2012 với lời chúc: “Xứng đáng với danh hiệu nhà văn-chiến sĩ, góp phần nuôi dưỡng và xây dựng những giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ”...
Đặc biệt là những kỷ niệm, những câu chuyện, nhận xét... của các đồng chí, đồng môn, đồng nghiệp, của văn nghệ sĩ và bà con làng xóm về ông. Nhân dân xã Đông Hội quê ông (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) nhắc mãi câu nói của ông với dân làng: “Về đây, tôi chỉ là con em trong làng...”. Các thế hệ học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) bồi hồi nhớ lại lần ông về hội trường, khi chụp ảnh, mọi người mời ông lên hàng trước nhưng ông xin được đứng hàng sau để không che lấp thầy cô và các anh chị lớp trước. Các cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây nhớ mãi lần ông đến hội khóa bằng xe máy và nói rằng: “Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn”...
Các nhà báo trong nước và quốc tế còn nhớ mãi những lần ông phát biểu nhậm chức, dù ở cương vị nào, trong từng lời nói của ông đều thể hiện rõ sự khiêm tốn, chân thành và cốt cách cao quý của một người cộng sản chân chính. Tháng 6-2006, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XI. Ông phát biểu cảm ơn Quốc hội đã tin cậy giao cho ông trọng trách và bày tỏ: “Với cá nhân tôi, chuyển sang lĩnh vực công tác mới chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Tôi tự thấy mình còn nhiều hạn chế, cả về kiến thức và kinh nghiệm. Vì vậy, tôi mong nhận được sự giúp đỡ tích cực của các vị đại biểu Quốc hội; sự cộng tác chặt chẽ của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự phối hợp thường xuyên của các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước...”.
Ngày 19-1-2011, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI bầu làm Tổng Bí thư. Trong cuộc họp báo do ông chủ trì ngay sau đó, một nhà báo nước ngoài đặt câu hỏi: “Với cương vị mới, Tổng Bí thư sẽ thăm nước nào đầu tiên?”. Ông chia sẻ: “Nói thật, tôi vừa nhậm chức Tổng Bí thư xong, nghe các bạn gọi “Tổng Bí thư” tôi còn chưa quen tai, thấy ngượng quá, chưa kịp nghĩ đến việc đi đâu. Chắc sau này phải đi, còn đi đâu thì Ban Đối ngoại, Bộ Ngoại giao chuẩn bị. Hơn nữa, người ta có mời thì mới đi...”.
Nhỏ nhẹ, khiêm nhường, chân tình là thế nhưng ngay từ thời trai trẻ, ông đã nổi tiếng là người kiên định và nhất quán. Một đồng nghiệp của ông hồi ở Tạp chí Cộng sản nhận xét: “Nhà báo Nguyễn Phú Trọng có tố chất của một nhà lãnh đạo. Đặc biệt, ông rất coi trọng công tác nghiên cứu và học tập lý luận. Ông sống gương mẫu, có tư duy sắc bén, nghiêm túc, cách làm việc khoa học, hiệu quả. Nhưng dù công việc có áp lực đến đâu, ông cũng hòa nhã, không nóng nảy bao giờ”.
Tố chất ấy kết hợp với quá trình rèn luyện, tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đưa ông trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển; trong bối cảnh thế giới đầy biến động, bất trắc và thách thức. Với nhãn quan chính trị sâu sắc và tầm tư duy chiến lược, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát triển tư duy đối ngoại Việt Nam, tổng kết thực tiễn và hình thành nghệ thuật “ngoại giao cây tre”; góp phần tạo những bước ngoặt có tính lịch sử, thay đổi về chất trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác cường quốc. Thành công nổi bật, có ý nghĩa lịch sử của đường lối “ngoại giao cây tre” đã góp phần làm sáng rõ nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Giáo sư Hà Minh Đức, thầy giáo chủ nhiệm thời sinh viên của ông hơn 60 năm trước nhận xét: “Anh Trọng là một người hết sức khiêm tốn, tình nghĩa, thân thiết với bạn bè. Đức tính ấy, từ ngày sinh viên đến khi là Tổng Bí thư không hề thay đổi”. Cái “không hề thay đổi” ấy của ông là đạo lý “Thương người như thể thương thân”, là phép tắc “Trên kính dưới nhường”, là lối sống “Giấy rách phải giữ lấy lề”; là cốt cách của kẻ sĩ “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.
Những phẩm chất truyền thống ấy thấm đẫm trong ông, khi bắt gặp lý tưởng của Đảng và được chiếu rọi bằng những tấm gương mẫu mực của Bác Hồ và các vị cách mạng tiền bối, càng tỏa sáng trong ông. Hằng ngày, dù ở cương vị nào, người đảng viên Nguyễn Phú Trọng cũng tự răn mình giữ gìn tứ đức “cần, kiệm, liêm, chính” mà sinh thời Bác Hồ luôn nhắc nhở. Ông là một người cộng sản chân chính, một CON NGƯỜI, một yếu nhân mang phẩm chất văn nhân.
Nhà thơ MAI NAM THẮNG