Từ TP Hà Giang lên Cột cờ Lũng Cú, chúng tôi phải vượt qua quãng đường hàng chục cây số đèo, dốc khúc khuỷu. Những dãy núi cao thâm nghiêm sừng sững bên vực sâu thăm thẳm tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ. Điểm xuyết nét thơ mộng trong bức tranh tuyệt mỹ là sắc hồng tím thơ mộng của những đồi hoa tam giác mạch. Vào mùa hoa tam giác mạch, Cao nguyên đá Đồng Văn như biến thành biển hoa rực rỡ. Bên những ngôi nhà trình tường của đồng bào là biển hoa tam giác mạch nở tràn, lung linh dưới ánh nắng dịu dàng của miền đá xám.
Chúng tôi dừng lại ở đồi hoa của gia đình ông Thò Mí Sính, một đồi hoa tam giác mạch nằm giữa lưng chừng núi. Là một trong những hộ gia đình có kinh nghiệm nhiều năm trồng tam giác mạch, ông Sính cho biết: Mùa hoa nở thường là từ tháng 10 đến tháng 12 (dương lịch) hằng năm. Đầu mùa, hoa có màu trắng tinh khôi do nhiệt độ trung bình lúc này còn cao, từ 20oC đến 28oC. Đến tháng cuối năm, cũng là cuối mùa hoa, nhiệt độ giảm mạnh, khi đó, hoa dần chuyển sắc sang hồng đậm rồi màu tím. May mắn thay, chúng tôi được ngắm hoa tam giác mạch vào mùa hoa nở đẹp nhất: Hồng tím. Trong không khí se lạnh, núi rừng nơi đây như khoác lên mình màu áo mới, dệt bởi hương sắc đầy quyến rũ của tam giác mạch.
Vào mùa hoa, người dân bắt đầu đào xới đất, trộn phân bón và gieo trồng hạt giống từ giữa tháng 9. Sau đó, họ thu hoạch lấy hạt làm bánh kẹo, nấu cháo hay làm rượu... Rượu tam giác mạch nổi tiếng bởi mùi thơm lạ nhưng để lâu thường bị chua, vì vậy, người dân thường trộn hạt tam giác mạch với ngô rồi mới nấu thành rượu.
Từ xa xưa, hoa tam giác mạch là một trong những nguồn lương thực của người dân địa phương. Vài năm trở lại đây, hoa tam giác mạch dần trở thành “thương hiệu” khi nhắc tới du lịch Hà Giang, thu hút sự chú ý của đông đảo du khách cả trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế Hà Giang nói riêng và thúc đẩy du lịch nước ta nói chung.
Được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài hoa tại Cao nguyên đá Đồng Văn, hoa tam giác mạch mỏng manh nhưng lại là một trong những loài hoa có sức sống bền bỉ nhất. Khác với hoa tam giác mạch ở nơi khác, tại Hà Giang, hoa mọc thành từng cánh đồng lớn ven đường, thung lũng, len lỏi trên những vách đá lởm chởm. Mỗi độ ruộng tam giác mạch đổi màu, khung cảnh đất trời Hà Giang cũng biến sắc theo hoa.
Đến Hà Giang vào những tháng cuối năm, không khó để bắt gặp những khoảng hồng tím tinh khôi của loài hoa bình dị phủ đầy ven đường đi đến các làng bản. Tuy rằng tam giác mạch nở vào cuối thu nhưng ngoài Tết âm lịch, du khách vẫn có thể bắt gặp những bông hoa nở muộn đâu đó trên Cao nguyên đá. Di chuyển từ huyện Quản Bạ, huyện Yên Minh đến huyện Mèo Vạc rồi đến huyện Đồng Văn, chúng tôi được thoải mái ngắm nhìn bạt ngàn thảm hoa uốn lượn theo nương đồi. Xuôi đèo Mã Pì Lèng xuống dòng sông Nho Quế xanh biếc, biển hoa hồng tím dần hiện lên trước mắt chúng tôi.
    |
 |
Vẻ đẹp của thiếu nữ bên hoa tam giác mạch. Ảnh: GIANG NAM
|
Ngồi giữa cánh đồng hoa tam giác mạch nhâm nhi chiếc bánh dẻo làm từ chính loài hoa ấy, dưới ánh nắng dịu nhẹ đầu đông, cảm nhận không gian đất trời Hà Giang tráng lệ nhưng cũng mềm mại vô cùng. Giữa bạt ngàn sắc hoa, hình ảnh những cô bé, cậu bé người Mông chân trần rảo bước, trên lưng đeo chiếc giỏ mây đựng đầy hoa tam giác mạch thật xao xuyến lòng người. Gương mặt nhỏ ngây thơ, non nớt của những đứa trẻ vùng cao vui đùa với vòng hoa được đan từ tam giác mạch như một bức tranh tô vẽ thêm giấc mơ tươi đẹp của tuổi thơ. Những tiếng cười giòn tan vang lên giữa cánh đồng hoa rộng lớn như phá vỡ không gian yên tĩnh nơi núi rừng hùng vĩ.
Nói về vẻ đẹp được thiên nhiên ban tặng cho quê hương mình, ông Sính tự hào: “Hà Giang mang một nét đẹp rất riêng, có lẽ bởi chúng tôi được thiên nhiên ưu ái với những cao nguyên đá, những cung đường đèo trải dài, len lỏi khắp các dãy núi trùng điệp. Là loài hoa được biết đến như một biểu tượng của vùng núi phía Bắc, vẻ đẹp ngọt ngào và lãng mạn của tam giác mạch trở thành niềm thương nỗi nhớ đối với những ai từng đặt chân tới vùng đất cực Bắc của Tổ quốc”.
HẠ ANH