Mấy hôm nay thực sự buồn, rất buồn, nhưng không phải không hiểu vì sao lại buồn, mà vì không giải thích được vì sao lại thế. Hàng loạt cán bộ trung, cao cấp bị bắt. Có người phấn đấu gần trọn đời, đã trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, bậc danh vọng cao vời vợi ở đời, vậy mà vẫn không thoát được cái “tham, sân, si” mà người thường cũng đang tâm niệm buông bỏ mỗi ngày. Không thể giải thích được.
Bởi hiện nay, dẫu còn thiếu thì cũng đã có Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Công chức, viên chức... Với cán bộ, đảng viên thì cũng có hàng loạt quy định như: Quy định về trách nhiệm nêu gương, quy định về sàng lọc đảng viên, quy định về những điều đảng viên không được làm... Nói thiếu thì cũng không biết thế nào mới đủ? Ngày trước, làm gì có nhiều luật, nhiều quy định như thế, vậy mà số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất rất ít so với bây giờ. Ngẫm suy mãi thì thấy hình như trong xã hội hiện đại, nhiều người đã quên mất chữ liêm sỉ chăng? Người ta nghĩ rằng, những quy định, luật lệ đã bao trùm cả liêm sỉ rồi. Nói liêm sỉ vừa thừa, vừa mang tiếng là người hoài cổ, lạc hậu. Liệu có phải thế không?
Người xưa rất coi trọng liêm sỉ, bởi liêm, sỉ là hai phẩm hạnh không thể thiếu trong bát đức: Hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Về thứ tự, liêm, sỉ được xếp cuối trong bát đức, nhưng người xưa coi liêm, sỉ là phẩm hạnh không thể thiếu được của mỗi người. Bởi thiếu liêm thì không thể trong sạch. Thiếu liêm thì tham lam, “cái gì cũng ăn được”, của người khác, của công cũng muốn lấy làm của mình; thiếu sỉ thì không biết xấu hổ, hoặc “đứt dây thần kinh xấu hổ” nên không giữ mình, việc trái đạo lý, trái lương tâm cũng dám làm. Người xưa coi trọng liêm sỉ đến mức ai không có liêm sỉ bị coi không phải là người. Đối với xã hội, liêm sỉ được coi là rường cột. Vô liêm, vô sỉ rường cột tất mục nát. Mà xã hội đã mục nát thì làm sao phát triển bền vững được.
Trong văn trị giáo hóa, người ta truyền đời nhắc về liêm sỉ. Chọn người không chỉ xem bằng cấp mà xem cái liêm sỉ làm trọng. Trong xã hội phong kiến, “thi đỗ được làm quan”, người ta cũng không coi trọng cái bằng giấy như bây giờ. Người ta chọn người quân tử vì đã quân tử thì nhất thiết có liêm sỉ. Có liêm thì nhất thiết trung thực, ngay thẳng, không tham của người khác, kiệm cần vì dân, vì nước. Có sỉ thì nhất thiết giữ mình, trọng danh dự, không dám làm điều gì dù rất nhỏ trái với đạo làm người.
Ngày nay, xây dựng con người mới chẳng lẽ lại xây dựng người quân tử? Nhưng trong tình huống bắt hết vị này đến vị khác mà kẻ khác vẫn không sợ, “vẫn cứ trơ ra” thì biết viện dẫn chi đây? Thôi thì cứ đi từ cổ đại đến hiện đại cho hết nhẽ kẻo có người đổ thừa cho cái này, cái kia còn thiếu, chứ quyết không nhận là lỗi tại mình. Theo Khổng Tử thì “hành kỷ hữu sỉ”, còn Mạnh Tử thì coi “vô tri ác chi tâm, phi nhân dã”, đại ý là người không biết xấu hổ trước cái xấu thì không thể tính là con người được!
Vậy người không những không xấu hổ trước việc xấu mà còn sẵn sàng làm việc xấu khi đã có nhiều văn bản nhắc nhở, cảnh báo thì xếp vào hạng nào? Đang ở bậc đức cao vọng trọng, được hưởng nhiều chế độ ưu tiên của Đảng, của dân, có đến nỗi thiếu đói đâu mà phải làm càn? Dẫu không học theo hủ nho “bần tiện bất năng di” thì cũng phải học theo dân gian mà hành xử “đói cho sạch, rách cho thơm” để sống giữa đời không hổ thẹn. Chẳng lẽ có bằng cấp rồi thì không cần học cái gì nữa sao? Nhà cao, cửa rộng, kho chất đầy tiền của để làm gì khi bị coi là người vô liêm, vô sỉ? Ngôn ngữ hiện đại thường quy tội “thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý gây thất thoát tài sản của nhân dân”, nặng hơn là: “Tự diễn biến, suy thoái đạo đức, lối sống”... Tất cả gói gọn lại là những việc không thể làm đối với những người trung thực, có lòng tự trọng.
Trong những lần được bàn về xây dựng con người mới, chúng tôi đã nêu một tiêu chí cần có của người Việt Nam hiện đại là “Thượng tôn pháp luật, trung thực, tự trọng”. Thượng tôn pháp luật là điều không thể thiếu trong xã hội hiện đại, nhưng khi xã hội đang thừa sự giả dối và không thiếu người “đứt dây thần kinh xấu hổ” thì trung thực và tự trọng là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, trung thực và tự trọng không rộng và sát nghĩa bằng liêm sỉ. Bởi theo Chu Hi thì “nhân hữu sỉ, tắc năng hữu sở bất vi”, có thể hiểu là người có liêm sỉ ắt không làm cái điều không thể làm...
Sinh thời, ngay khi có chính quyền trong tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu” (“Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tập 5, tr.123). Lấy chữ "liêm" làm đầu vì ở chốn công sở mà không liêm thì dễ tham ô, tham nhũng. Tiền của ở đấy. Quyền chức ở đấy. Mà sung sướng, nịnh hót cũng quanh đâu đấy. Phải liêm thì mới “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không ham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình” (Sđd. tập 5. tr.292). Bác còn nói rõ hơn rằng, “công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp” (Sđd. tập 6. tr.127). Đối với người bình thường, ăn cắp đã là xấu lắm, còn đối với cán bộ thì không thể chấp nhận được! Bác còn yêu cầu “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết” (Sđd. tập 4. tr. 478).
Liêm khiết là chỉ dấu khác biệt rõ nhất so với “quan tham, lại nhũng” trong nhà nước phong kiến, thực dân thối nát. Xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân thì mỗi cán bộ phải liêm chính, trước hết phải liêm chính. Có trong sáng, có trung thực, có quang minh, chính đại thì mới vì dân được. Bác còn phân tích rất kỹ rằng muốn có liêm thì phải kiệm, bởi “có kiệm mới liêm được. Vì xa xỉ mà sinh ra tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm”... Rõ ràng liêm là gốc của những điều tốt đẹp. Bất liêm thì điều xấu nào cũng có thể xảy ra. Chúng ta đang tổ chức rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiếc rằng, nhiều người học nhưng không hành hoặc “học một đằng, hành một nẻo” để đến nỗi phạm tội mà mang tiếng bất liêm, vô sỉ.
Vậy làm sao để không chỉ mình mà đồng chí, đồng đội mình hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên? Những việc làm đã thành quy định như tự phê bình, phê bình, thực hành dân chủ trong Đảng, trong cơ quan cần được triển khai một cách nghiêm túc, thực chất, chân thành, không hình thức sẽ góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Một loạt việc làm cần thiết mà các cấp ủy đảng, các tổ chức, đoàn thể vẫn làm xin hãy làm có chiều sâu, có hiệu quả. Tuy nhiên, không gì bằng tự tu dưỡng để có liêm, có sỉ. Vì có liêm sỉ chắc chắn sẽ không lâm vào vòng lao lý dù trong hoàn cảnh oái oăm nhất của cuộc sống.
Nhân nói về liêm sỉ, xin nêu khái niệm Bác Hồ nói về “liêm một nửa” để tự nhắc nhở mình cùng những người đã có liêm sỉ hiểu rằng, chỉ tu dưỡng cho mình có liêm sỉ là chưa đủ. Theo Bác, liêm riêng mình mới chỉ là “liêm một nửa”, liêm toàn phần phải là giúp đỡ đồng chí xung quanh mình cũng liêm để cả tổ chức, cả cơ quan cùng liêm. Hãy đặt câu hỏi: Những việc làm sai trái của những đồng chí trong “bộ phận không nhỏ” có diễn ra hằng ngày trước mắt bộ phận lớn cán bộ, đảng viên không? Lối sống xa xỉ, “thượng lưu” có kín đến mức không thể nhìn thấy không? Đặt câu hỏi như thế mới thấy lỗi của chúng ta, những người “liêm một nửa”.
Tu dưỡng để mình có liêm sỉ đã khó. Giúp người khác có liêm sỉ thì thật khó vô cùng. Nhưng cách mạng thắng lợi được là nhờ những người đồng chí không từ khó khăn, gian khổ. Có đồng lòng như thế, có quyết tâm như thế, chúng ta mới cùng nhau vượt qua những thử thách, cam go trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của đất nước. Có như thế, khát vọng phát triển được ghi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới thành hiện thực, Việt Nam mới thực sự hùng mạnh, không còn tụt hậu nữa. Và điều đó chính là Quốc sỉ!
Tiến sĩ NGUYỄN VIẾT CHỨC