Ẩn chứa nhiều virus độc hại

Theo thống kê của ngành chức năng, năm 2022, Việt Nam có khoảng 65 triệu tài khoản Facebook, 6 triệu tài khoản YouTube và khoảng 20 triệu tải khoản TikTok. Để kiếm tiền từ MXH, nhiều người đã dấn thân vào cuộc đua view, like, khiến nó ngày càng khốc liệt. Một trong những biện pháp để chiến thắng ở cuộc đua này là tìm và đưa ra các loại “hàng độc” để đăng tải. Thế là, những người sản xuất phim ngắn đua nhau tung ra sản phẩm cạnh tranh mà không cần biết đến tác hại với con người, xã hội.

Trào lưu làm phim ngắn đăng tải trên MXH đã có từ nhiều năm trước. Nói là phim ngắn vì nó có nội dung cốt truyện hoàn chỉnh; bối cảnh, tình tiết, nhân vật và lời thoại giống như một phim thông thường với thời lượng ngắn, thông thường chỉ vài phút. Thực tế cho thấy, một số công ty truyền thông lớn đã xây dựng kịch bản, thuê diễn viên chuyên nghiệp hoặc không chuyên, đầu tư về trang phục, bối cảnh... để cho ra những phim ngắn đăng tải trên các kênh MXH khá có chất lượng, được thị trường đón nhận, ví dụ như phim của một số nghệ sĩ hài trong nước.

leftcenterrightdel

 Minh họa về những hệ lụy của phim ngắn: MẠNH TIẾN

Tuy nhiên, trong hàng trăm, hàng nghìn phim ngắn đưa lên MXH họa hoằn lắm người xem mới tìm được một vài phim có nội dung, thông điệp tốt, chuyển tải những giá trị đạo đức, văn hóa và tính giáo dục tích cực đối với người xem. Còn lại đa phần các phim ngắn trên Facebook, Youtube, Tiktok... là những phim nhảm nhí, lời thoại thô tục, ăn mặc hở hang. Nội dung các phim thì nhảm nhí, thường là: Số phận của các cô gái đứng đường; hãm hại nhau chốn công sở; mối tình sinh viên ở nhà trọ; ngoại tình; chuyện loạn luân... để đánh vào thị hiếu tầm thường của người xem. Đáng chú ý, trong những phim phi văn hóa này có cả các diễn viên nhí.

Theo một số chuyên gia, đa phần những phim ngắn này bắt chước trào lưu, nội dung ở một số nước châu Á và chỉ nhằm mục đích gây tò mò, kích thích người truy cập để câu view, câu like, đạt mục đích quảng cáo thu lợi nhuận. Nội dung; cốt truyện thường đi theo hướng thổi phồng thói hư tật xấu, với những tình tiết vô lý, cư xử lố lăng, không hợp với văn hóa Việt Nam. Nhiều phim ẩn dưới thông điệp “lên án chuyện ngoại tình”, “cảnh báo tiêu cực trong xã hội”, “luật nhân quả” để truyền tải nội dung phản cảm, phi văn hóa. Bởi nhân vật trong các phim thường ăn nói phũ phàng, tàn nhẫn, chửi thề, cư xử kém văn hóa, đặc biệt thích dùng bạo lực. Nam giới thì túm tóc, đấm đá phụ nữ. Phụ nữ thì cào cấu, chửi bới nhau, đánh ghen. “Kẻ thứ ba” thì ăn mặc hở hang, ngôn ngữ lẳng lơ... Nguy hại là một số phim ngắn sau khi đăng tải trở thành “trend” trong giới trẻ và vô hình trung trở thành một loại “rác văn hóa” đầu độc cộng đồng.

Xử lý nghiêm minh

Thực trạng “rác văn hóa” từ phim ngắn trên MXH đang từng ngày, từng giờ tác động đến nhận thức, tư tưởng và thói quen hưởng thụ văn hóa của người sử dụng theo chiều hướng tiêu cực. Tại Công văn số 5589/BTTTT-VP về việc trả lời kiến nghị của cử tri TP Cần Thơ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã nhận định: “Qua rà quét, phân tích đánh giá các xu hướng thông tin trên môi trường mạng, Bộ TT-TT nhận thấy trong thời gian gần đây trên một số MXH nước ngoài như YouTube, Facebook, TikTok nhiều clip có nội dung nhảm nhí, vô bổ, câu view (lượt xem), cổ súy cho lối sống thiếu văn hóa, lệch chuẩn, chạy theo thị hiếu tầm thường dẫn tới lệch lạc về nhận thức văn hóa của giới trẻ, ảnh hưởng đến hệ giá trị văn hóa của dân tộc”.

Trước thực trạng này, Bộ TT-TT đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế... buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, điển hình là Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ kênh, fanpage, group có nội dung nhảm nhí, giật gân, trái với thuần phong mỹ tục, siết chặt quản lý đối với những người làm video clip, phim ngắn kiếm tiền; ngăn chặn, gỡ bỏ kênh Youtube vi phạm; bổ sung bộ lọc và công cụ kỹ thuật để chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung nhảm nhí, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ để ngăn chặn, gỡ bỏ. Tuy nhiên, việc làm ấy vẫn chỉ như “muối bỏ biển”.

Một trong những hậu quả dễ nhìn thấy từ sự tác động tiêu cực của phim ngắn phản cảm trên MXH là sự thẩm thấu của nó vào tâm tư, tình cảm, đạo đức, lối sống, hành vi của giới trẻ. Với đặc trưng là đối tượng ưa cái mới, thích khám phá và trong giai đoạn tâm, sinh lý chưa ổn định, khi tiếp xúc với loại hình phi văn hóa nêu trên một cách không có kiểm soát, giới trẻ dễ bị tiêm nhiễm nhận thức lệch lạc, thói hư tật xấu, chạy theo những giá trị vật chất tầm thường mà quên đi tình người, quên đi hành vi ứng xử văn hóa và trách nhiệm với cộng đồng. Điều thứ hai nhận thấy, đa phần những người làm phim ngắn dạng này đăng lên MXH và những người tiếp cận chúng phần lớn đều rất trẻ. Chính vì vậy, tổ chức đoàn thanh niên các địa phương, cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để góp phần ngăn chặn tình trạng này.

Theo các chuyên gia, dù đăng tải nội dung phim ngắn trên MXH nhưng bản chất của nó vẫn truyền tải đầy đủ nội dung giống như những trang web thông thường và phải thông qua nhà cung cấp dịch vụ. Thế nên, để chặn nó, ngoài biện pháp tuyên truyền, giáo dục, cơ quan chức năng cần phải xử lý các sai phạm liên quan đến nội dung này theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Một là căn cứ vào khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử để xử lý. Hai là, căn cứ vào Điều 326, Bộ Luật Hình sự 2015 để ngăn chặn. Theo đó, những hành vi xâm hại thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm suy đồi về mặt đạo đức, ảnh hưởng đến sự lành mạnh của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa; trực tiếp xâm phạm chế độ bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam, tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên phải bị xử phạt hành chính với số tiền 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Nếu mức độ vi phạm lớn hơn có thể phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hiện tượng phim ngắn nhảm nhí, phản cảm đăng tải trên MXH chưa được kiểm soát và xử lý triệt để nên gây ra những hệ lụy tiêu cực đến đời sống xã hội. Tuy tồn tại trên môi trường ảo nhưng phim ngắn trên MXH lại ảnh hưởng rất lớn tới tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của mọi người, nhất là giới trẻ. Thế nên, dư luận xã hội rất mong các cơ quan chức năng xử lý nghiêm để ngăn chặn, tiến tới loại bỏ sản phẩm phi văn hóa này ra khỏi đời sống xã hội.

Thượng tá PHẠM VĂN QUÂN, Chính trị viên Kho K83, Cục Kỹ thuật, Binh chủng Công binh