Thực trạng đáng báo động

Internet đã mang lại nhiều lợi ích cho con người và việc truy cập internet trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người. Sau hơn 25 năm internet xuất hiện ở Việt Nam và hòa mạng toàn cầu, đến nay nước ta trở thành một trong những quốc gia có số lượng người dùng internet ở mức cao. Năm 1997, Việt Nam chỉ có hơn 200.000 người dùng internet, nhưng đến năm 2022, nước ta đã có 72,1 triệu người dùng internet, xếp thứ 13 thế giới. Tuy nhiên, mục đích, cách thức sử dụng internet thiếu lành mạnh nói chung và các ứng dụng trên nền tảng internet nói riêng, nhất là mạng xã hội (MXH) của một bộ phận người dùng Việt Nam đã và đang gây ra hệ lụy đối với đời sống xã hội.

Kết quả công bố nghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI) ngày 11-2 hằng năm (Ngày An toàn internet quốc tế) đánh giá thực trạng cách ứng xử trên internet của người dùng Việt Nam đáng báo động. Theo Microsoft, năm 2020 chỉ số văn minh trực tuyến toàn cầu xuống thấp đến mức chạm đáy trong vòng 4 năm qua. 5 quốc gia có chỉ số văn minh trực tuyến kém nhất là Nam Phi, Peru, Columbia, Nga và Việt Nam. Nhận định, đánh giá này dựa trên nhiều phương diện, tiêu chí khác nhau và chỉ là tương đối nhưng phần nào cũng phản ánh một thực trạng không tốt về cách ứng xử trên internet của người dùng Việt Nam. Nguyên nhân của thực trạng này được chỉ ra, có cả khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ yếu là từ cách ứng xử của người dùng.

Nâng cao nhận thức của người dùng

Trước những thực trạng trên thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức tính hai mặt của internet, MXH và hành vi văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho người dùng, nhất là thế hệ trẻ là giải pháp quan trọng. Cần phải đa dạng các hình thức tuyên truyền theo hướng đồng bộ, toàn diện, quy mô lớn; tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm trong khoảng thời gian, không gian xác định với nội dung cụ thể, nhất là những quy định bắt buộc phải thực hiện đối với người dùng internet.

Mỗi người dùng internet, sử dụng MXH phải biết tự trang bị cho mình "hệ miễn dịch" để tiếp nhận, chọn lọc, xử lý thông tin một cách hợp lý và đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt là khả năng tự sàng lọc, phản biện, đấu tranh với những thông tin không đúng sự thật. Mỗi tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng và chịu trách nhiệm pháp lý về thông tin mình đăng tải trên MXH. Cùng với việc phát huy tối đa, hiệu quả hoạt động tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, cần đưa ra bộ nhận diện thông tin tiêu cực, xấu độc thông qua internet và các nền tảng MXH ANH để người dùng sử dụng và tiếp cận internet văn minh và có văn hóa.

leftcenterrightdel

 Minh họa về môi trường văn hóa internet ở Việt Nam: PHẠM HÀ

Quản lý nhà nước còn lỗ hổng

Trong bối cảnh hiện nay, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên MXH là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để đưa các hoạt động này phát triển lành mạnh, đúng hướng. Trong đó 3 nội dung cơ bản là: Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng; tăng cường kiểm soát hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng; xử lý dứt điểm, nghiêm minh những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong, mỹ tục của Việt Nam trong sử dụng internet và các ứng dụng trên nền tảng internet.

So với nhiều nước trên thế giới, vấn đề quản lý, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng của Việt Nam còn những lỗ hổng, lỏng lẻo khiến internet trở thành môi trường thuận lợi cho các hoạt động vi phạm pháp luật và gây ra những hệ lụy cho xã hội. Hiện nay, nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này, tuy nhiên có nội dung còn chồng chéo; một số vấn đề thực tiễn mới nảy sinh thì lại chưa có chế tài pháp lý để giải quyết. Do đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đánh giá thực tiễn tình hình sử dụng internet, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục, từ đó tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm ổn định, lâu dài, hiệu quả. Quá trình tổ chức xây dựng và ban hành các văn bản luật cần chú trọng thống nhất chi tiết từng quy phạm và tăng cường hơn nữa các chế tài. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu tham mưu ban hành Luật Phòng, chống tin giả, tin sai sự thật.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; quản lý chặt chẽ các địa chỉ IP, đăng ký thuê bao, ngăn chặn sim rác, bảo đảm tính hợp pháp, chính danh của các tài khoản MXH, tính nghiêm minh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ internet; xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm pháp luật trong sử dụng internet và các ứng dụng trên nền tảng số.

Hợp tác quốc tế để ngăn chặn thông tin xấu độc

Thực tiễn cho thấy, những năm qua, sự gia tăng các hoạt động tấn công mạng của tin tặc; vấn nạn tin giả, tin xấu độc; hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen trên mạng... có chiều hướng gia tăng làm cho Việt Nam và các nước đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức về an ninh mạng, đe dọa an ninh quốc gia. Chỉ riêng năm 2022, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, 1.342 trang web lừa đảo trực tuyến, 986 trang web, địa chỉ mạng có nội dung vi phạm pháp luật. Việc bảo đảm an toàn thông tin mạng nói chung, phòng, chống tội phạm mạng nói riêng đã và đang là nhiệm vụ mang tính toàn cầu, trở thành an ninh phi truyền thống đối với mọi quốc gia, dân tộc. Vì vậy, việc tăng cường cơ chế hợp tác, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng trên internet, nhất là đơn vị chủ quản các trang MXH nhằm bảo đảm môi trường không gian mạng trong sạch là giải pháp không thể thiếu trong xây dựng môi trường văn hóa trên internet.

Tuy nhiên, một khó khăn trong việc khắc phục những tiêu cực từ thông tin xấu độc trên không gian mạng hiện nay là cơ chế phối hợp của Việt Nam với các nhà cung cấp, điều hành các trang MXH do hệ thống máy chủ không đặt ở Việt Nam. Giải quyết vấn đề này, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành một số chính sách mạnh mẽ, yêu cầu các đơn vị cung cấp các dịch vụ MXH cải thiện tình hình. Với Việt Nam, cần tăng cường cơ chế, phối hợp và có chính sách cứng rắn hơn đối với các nhà quản lý, cung cấp các dịch vụ MXH bằng các điều khoản cụ thể; yêu cầu các nhà quản lý, cung cấp dịch vụ MXH tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Vấn đề xây dựng môi trường văn hóa internet hiện nay là yêu cầu tất yếu đối với mọi quốc gia, dân tộc. Vì vậy, phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là các chế tài đủ mạnh và xử lý nghiêm minh. Mặt khác, mỗi người khi sử dụng internet và các nền tảng số cũng phải là những người dùng thông minh, có văn hóa; chủ động và tự giác miễn dịch với những thông tin xấu độc, phản cảm, như vậy sẽ góp phần làm trong sạch môi trường internet ở Việt Nam hiện nay.

PHÙNG TUẤN ANH