Trùm nấm độc sống cùng xã hội
Nếu xem sáng tạo là một biểu hiện đặc trưng của văn hóa thì đạo nhái đang từng ngày, từng giờ xâm lấn vào đời sống xã hội người Việt đương đại, là căn nguyên làm thui chột sự sáng tạo, kéo lùi sự phát triển. Dù là hành vi phi văn hóa, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, bị lực lượng chức năng xử lý và dư luận lên án, tẩy chay nhưng sản phẩm của đạo nhái vẫn tồn tại dai dẳng, thậm chí tồn tại rất mạnh bởi các nguyên nhân khác nhau. Nhiều người đã chấp nhận sản phẩm đạo nhái, gây ra nguy cơ hình thành văn hóa đạo nhái.
Ở nước ta, bất cứ lĩnh vực nào trong xã hội cũng có thể bắt gặp hiện tượng đạo nhái. Dường như đạo nhái đã trở thành vấn nạn, như những trùm nấm độc sống cùng xã hội, kéo lùi sự phát triển.
Minh họa về vấn nạn đạo nhái: PHẠM HÀ
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hiện tượng đạo nhái mẫu mã sản phẩm diễn ra có vẻ trầm lặng, nhưng phạm vi ảnh hưởng và tác hại thì rất rộng lớn. Theo các chuyên gia, đạo nhái là một phần căn nguyên sinh ra hàng nhái, hàng giả, trong đó phổ biến nhất là các mặt hàng tiêu dùng có sức tiêu thụ mạnh, có uy tín trên thương trường. Những mặt hàng như: Đồ may mặc; đồ gia dụng; điện tử; thực phẩm đóng gói, đóng hộp; đồ uống có ga, có cồn; mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... thường xuyên bị đạo nhái mẫu mã, làm giả các thương hiệu nổi tiếng của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Hàng giả, hàng nhái xuất hiện tại cửa hàng trên các tuyến phố; các chợ từ thành phố đến thôn quê; thậm chí ngay cả trong các siêu thị.
Trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, hiện tượng đạo nhái diễn ra rất phổ biến ở nhiều lĩnh vực: Hội họa, âm nhạc, điện ảnh, thời trang... Hiện nay, khoa học-công nghệ và thương mại điện tử ngày càng phát triển nên việc đạo nhái càng có điều kiện lan rộng trong nhiều lĩnh vực. Không chỉ đạo nhái sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật mà có cả hiện tượng đạo nhái ý tưởng, đạo nhái thương hiệu diễn ra rất tinh vi. Hậu quả của việc đạo nhái đối với xã hội rất nghiêm trọng, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, kích thích xã hội hình thành thói quen sử dụng hàng đạo nhái. Đây là điều rất nguy hại đối với xã hội hiện đại, văn minh.
Ngăn chặn đạo nhái thế nào?
Có nhiều nguyên nhân khiến hàng đạo nhái tồn tại dai dẳng trong xã hội, trong đó có cả những nguyên nhân rất khó chỉ mặt đặt tên.
Trước tiên, việc đạo nhái diễn ra dễ dàng, nhà sản xuất chỉ phải bỏ ra ít công sức, kinh phí mà vẫn cho ra các mặt hàng người tiêu dùng ưa chuộng để thu lợi nhuận cao nên họ tìm mọi cách để đạo nhái. Do thói quen đăng ký bản quyền, thương hiệu chưa được nhà sản xuất, người sáng tác chú trọng. Chế tài quy định trong luật xử phạt đạo nhái còn quá nhẹ nên bị coi thường. Cơ quan chức năng chưa kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả việc bảo vệ thương hiệu của nhà sản xuất, để hàng đạo nhái tràn lan trên thị trường. Thậm chí có tình trạng cá nhân làm trong cơ quan chức năng bảo kê cho hiện tượng đạo nhái tồn tại.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến đạo nhái phát triển là bởi các loại hàng đạo nhái rất giống hàng chính hãng về hình thức, chức năng sử dụng nên người tiêu dùng không có khả năng phân biệt, vô tình mua phải và sử dụng mà không biết. Đáng lo ngại hơn là, dù nhận ra đó là hàng đạo nhái kém chất lượng nhưng do giá rẻ nên nhiều người tiêu dùng vẫn bỏ tiền mua và sử dụng bất chấp chất lượng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây là nguyên nhân tiếp tay cho hiện tượng phi văn hóa đạo nhái tràn lan trong xã hội. Trong lĩnh vực nghệ thuật, theo các chuyên gia, việc đạo nhái tác phẩm nghệ thuật dưới bất kỳ hình thức nào cũng gây bất lợi cho người sáng tác, làm xấu đi nét đẹp của tác phẩm nghệ thuật, gây hỗn loạn thị trường.
Để đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn đạo nhái thì trước hết cần xác định việc đó không phải là trách nhiệm riêng của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong xã hội hay chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan chức năng. Đó phải là công việc của toàn xã hội.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, muốn không bị đạo nhái sản phẩm hoặc tác phẩm nghệ thuật diễn ra tràn lan, các cơ quan chức năng của Nhà nước phải siết chặt việc quản lý kinh doanh mua bán hàng hóa thông qua việc khai báo pháp nhân và khai báo xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Triển khai các giải pháp số hóa nhằm minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên toàn chuỗi cung ứng, qua đó dễ dàng phát hiện các sản phẩm ngoài luồng không bảo đảm chất lượng, sản phẩm giả, nhái trà trộn vào hệ thống phân phối, dễ dàng truy vết chủ sở hữu và đường đi của sản phẩm để tiện cho việc truy cứu trách nhiệm. Cần phải có chế tài đủ mạnh để triệt tiêu lòng tham và lợi ích trước mắt của một số bộ phận kinh doanh thương mại trên môi trường mạng cũng như đạo nhái, sản xuất sản phẩm kém chất lượng. Đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về tác hại của đạo nhái đối với sự phát triển của xã hội.
Đối với các doanh nghiệp, những nhà sáng tác nghệ thuật, cần đẩy mạnh tiến trình số hóa quản lý và minh bạch chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa, tác phẩm nghệ thuật, tiến tới quản trị dữ liệu tập trung. Cần kết hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật để chứng thực sản phẩm, đăng ký bản quyền tác phẩm nghệ thuật, qua đó tuyên truyền, quảng bá để nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân trong sử dụng hàng chính hãng và trong sưu tầm, trao đổi, sử dụng các tác phẩm nghệ thuật.
Đối với người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc phòng, chống hiện tượng đạo nhái. Kiên quyết không mua, sử dụng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hoạt động gian lận thương mại khác. Đặc biệt, không lưu trữ, sưu tầm, sử dụng những tác phẩm nghệ thuật có biểu hiện đạo nhái. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của mình mà còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự chủ động nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp cũng như phát triển nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần liên kết chặt chẽ hơn để đưa ra thông tin hai chiều, tránh kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi chung.
NGÔ MINH THÚY