PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: Không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Thời gian gần đây, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực của quan chức tha hóa có bóng dáng, sự tham gia của người thân, người quen. Biểu hiện lợi dụng địa vị của người nhà làm lãnh đạo, quản lý ngày càng phức tạp, đa dạng, tinh vi. Việc lợi dụng ấy thường nhắm đến hai mục tiêu chính yếu nhất là lợi ích kinh tế và danh vọng, địa vị chính trị. Trong một số trường hợp, mối quan hệ giữa người nhà, người thân, người quen và cán bộ cũng có thể xem là một trong những biểu hiện đặc trưng của lợi ích nhóm; một mối quan hệ mà tiền bạc và quyền lực gắn chặt với nhau; quyền lực sinh ra tiền bạc và dùng tiền bạc đầu tư vào để rồi lại có địa vị, quyền lực cao hơn, lớn hơn.

Cán bộ cấp càng cao thì nguy cơ bị người thân, người quen, kẻ cơ hội lợi dụng để trục lợi càng nhiều. Nhận thức được sự nguy hiểm của thực trạng trên, Đảng và Nhà nước đã đề ra những biện pháp đúng đắn và quyết liệt để ngăn chặn. Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QÐ/TW ngày 2-2-2023 về lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Một trong những nội dung được dư luận chú ý là sự gương mẫu của vợ, chồng, con của cán bộ lãnh đạo, quản lý là một trong những tiêu chí để đưa ra xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm.

leftcenterrightdel
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ 

Có thể thấy, đây không phải lần đầu tiên Đảng ta đề cập về vấn đề nêu gương của cán bộ có chức quyền đối với người thân trong công tác quản lý và giám sát cán bộ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ rõ một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là: “Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Đảng yêu cầu không chỉ bản thân cán bộ phải gương mẫu về mọi mặt mà vợ, chồng, con cũng phải gương mẫu trong việc chấp hành các quy định và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ðây chính là một nội dung của vấn đề kiểm soát quyền lực.

Trong thực tế, đã có những trường hợp cán bộ để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền cần nâng cao bản lĩnh, đạo đức trách nhiệm, tự kiểm soát hành vi của bản thân cũng như người thân trước nguy cơ suy thoái, không chỉ là trách nhiệm bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ mà còn là bảo vệ bản thân và gia đình mình. Muốn làm được điều đó, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải tự giác, gương mẫu, tự phê bình kiểm điểm, xây dựng bản lĩnh đạo đức tác phong lối sống, thường xuyên chủ động tự điều chỉnh, tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài.

Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên tự nêu gương quan tâm, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, thiếu gương mẫu thực hiện trách nhiệm công vụ cũng như các quan hệ trong cuộc sống đời thường, nói không đi đôi với làm... Thực hiện tốt việc nêu gương từ bản thân, vợ, chồng, con của cán bộ lãnh đạo các cấp là yếu tố cơ bản để người cán bộ có thể an tâm, vững vàng trên con đường phụng sự Đảng, dân tộc, đất nước và nhân dân.

-----------------

PGS, TS Bùi Đình Phong, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Người lãnh đạo không “chính ngôi” thì cấp dưới sẽ hư hỏng, hỗn hào

Cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Họ là cái gốc của mọi công việc, là rường cột, then chốt. Người có quyền phải hiểu rằng, họ chỉ là đại diện của dân, cán bộ, đảng viên. Quyền hành là ở nơi dân. Nhân dân ủy quyền cho họ, chứ không phải quyền lực của cá nhân họ. Vì vậy, trước hết cán bộ lãnh đạo phải là đày tớ thật trung thành của dân.

Người lãnh đạo là đày tớ, phục vụ nhân dân chưa đủ mà còn phải nêu gương. Đảng viên thường đã phải nêu gương để nhân dân theo thì lãnh đạo càng phải nêu gương. Đây là góc nhìn của văn hóa phương Đông với ý nghĩa một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Nêu gương còn là một khía cạnh thuộc phương thức lãnh đạo của Đảng. Từ khi Đảng ta ra đời lãnh đạo cách mạng, kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo đã để lại những tấm gương sáng ngời về nhân cách văn hóa, đạo đức cách mạng. Chính cái gốc đó đã truyền cảm hứng, cổ vũ, lôi cuốn, đoàn kết cả dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại.

leftcenterrightdel
PGS, TS Bùi Đình Phong 

Người lãnh đạo không gương mẫu thì không xứng danh lãnh đạo. Nhân dân không bao giờ chấp nhận những người lãnh đạo “chân mình còn lấm bê bê/ mà mang bó đuốc đi rê chân người”. Mặt khác, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Người lãnh đạo mà không nêu gương, không “chính ngôi” thì cấp dưới hư hỏng, hỗn hào là điều dễ hiểu. Người lãnh đạo chỉ nói hay mà không thực hành, không gương mẫu; tuyên truyền cán bộ, nhân dân liêm chính mà mình lại bất liêm; nhắc nhở cán bộ làm việc có trách nhiệm mà mình lại vô trách nhiệm... thì rất có hại cho cách mạng. Bác Hồ từng cảnh báo: Người lãnh đạo miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm mà mình xa xỉ thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích.

Những năm qua, nhiều cán bộ lãnh đạo cả cấp Trung ương và địa phương nói hay, viết hay, tuyên truyền hùng hồn nhưng lại suy thoái đạo đức, lối sống đã làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Đây là lực cản đối với sự phát triển của đất nước.

Cán bộ lãnh đạo nói không đi đôi với làm, không gương mẫu, lợi dụng chức vụ để tham nhũng là mầm mống, nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ. Thực tế cho thấy, người lãnh đạo có quyền, nếu không giữ được cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì rất dễ dẫn đến suy thoái và vi phạm pháp luật. Vì vậy, cán bộ, đảng viên nói chung, đặc biệt người đứng đầu phải chính tâm tu thân, xây dựng văn hóa liêm chính để tạo dựng tính liêm chính trong nhân dân...

------------------

Đại tá, PGS, TS Lê Xuân Thủy, Chủ nhiệm Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị: Loại bỏ cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm gì

Ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW tạo ra cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Những phẩm chất này của cán bộ, nhất là người đứng đầu là tấm gương sáng, nét văn hóa thực thi công quyền để lan tỏa, truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Điều này quyết định đến sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đất nước. Mặt khác, phẩm chất “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm” còn là căn cứ để đánh giá cán bộ.

Trước khi có Kết luận số 14, trong Nghị quyết số 05-NQ/HNTW khóa VI, ngày 20-6-1988 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng” cũng đã đưa “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vào hệ tiêu chuẩn, phẩm chất của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý là người được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó thực hiện công vụ theo chức trách của mình. Nếu họ không dám hoặc không thực hiện chức trách của mình thì phải xem xét và loại ra khỏi bộ máy công quyền.

leftcenterrightdel
 Đại tá, PGS, TS Lê Xuân Thủy

Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận khách quan rằng, với công việc, nhiệm vụ mới mang tính đột phá bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí thất bại. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần khuyến khích những nỗ lực sáng tạo, đổi mới của cán bộ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm với động cơ trong sáng.

Thời gian qua, một số tập thể, cá nhân trong tổ chức đảng, bộ máy chính quyền bị xử lý kỷ luật, hình sự do làm trái quy định, tham ô, tham nhũng... Điều đó cho thấy, một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; mặt khác cũng bộc lộ những lỗ hổng trong quản lý nhà nước. Tất cả tập thể, cá nhân vi phạm đều bị Đảng và Nhà nước xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Gần đây, trong bộ máy công quyền xuất hiện những cán bộ dĩ hòa vi quý, ngại va chạm, sợ trách nhiệm nên nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại, không dám làm; tính năng động, sáng tạo hạn chế. Thực trạng này tạo ra tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, làm việc trì trệ, kéo lùi sự phát triển của xã hội. Vì vậy, chúng ta phải cương quyết, kịp thời loại bỏ những cán bộ có biểu hiện này.

Sự nghiệp cách mạng cho thấy, cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm luôn là những tấm gương sáng để quần chúng nhân dân tin tưởng, làm theo. Đây là nét tiêu biểu về văn hóa nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền. Điều này đã được đề cập trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng và các nghị quyết của Đảng sau này về xây dựng nền văn hóa, con người mới, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên.

VĂN TUẤN - HẢI LÝ (thực hiện)