Nhiều năm qua, các nhà văn hóa, nghệ nhân, nghệ sĩ đã và đang nỗ lực nghiên cứu, biểu diễn, truyền dạy... để những thanh âm nặng hồn dân tộc của cha ông được kế thừa và nuôi dưỡng tâm hồn lớp lớp thế hệ người Việt Nam. Ngành nhạc cụ truyền thống gần đây cũng nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước. Nhưng để phát huy được những giá trị âm nhạc truyền thống quý báu của dân tộc, chúng ta cần có thêm nhiều hành động thực tế-những giải pháp thiết thực đưa âm nhạc truyền thống gần gũi hơn với cộng đồng.
Ở cấp độ đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, học sinh tất cả chuyên ngành âm nhạc, kể cả chuyên ngành nhạc cụ phương Tây và chuyên ngành lý luận, sáng tác, chỉ huy... đều cần được học và tiếp xúc nhiều hơn với âm nhạc dân gian. Các nghệ nhân cần tham gia giảng dạy ở giảng đường chứ không chỉ truyền dạy ở các nhóm, các câu lạc bộ, các lớp học cá nhân dạng tự phát. Chúng ta cũng cần vượt qua các rào cản về thủ tục, quy trình để công tác đào tạo ngành âm nhạc có hiệu quả hơn. Nếu lấy thời gian từ hai đến 3 năm là thời gian đào tạo bậc trung cấp dạy nghề áp dụng cho đào tạo khối nghệ thuật thì trong tương lai gần, chúng ta sẽ có một lớp người khoác chiếc áo nghệ sĩ quá sớm.
Âm nhạc là chuyên ngành đặc thù, thẩm thấu âm nhạc cần quãng thời gian dài, học sinh học âm nhạc chuyên nghiệp nên bắt đầu từ lứa tuổi tiểu học, thậm chí càng sớm càng tốt. Trong đào tạo âm nhạc truyền thống, các nghệ sĩ tương lai cần sớm tiếp cận thường xuyên và trực tiếp với các nghệ nhân-những “bảo tàng sống” gìn giữ tinh hoa âm nhạc dân tộc.
Cần lấy âm nhạc dân tộc làm gốc rễ để phát triển, như vậy, nghệ sĩ mới sáng tạo ra những tác phẩm mang đậm phong cách dân tộc hoặc phát triển theo hướng dân tộc đương đại. Tác phẩm âm nhạc mang màu sắc dân tộc sẽ gần gũi với đông đảo khán giả trong nước và dễ được nhận diện khi ra sân khấu quốc tế. Thực tế cho thấy, rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ (kể cả những người không chuyên về âm nhạc truyền thống) thành công trong sự nghiệp, tác phẩm có nhiều sáng tạo xuất sắc mang tính đột phá có xuất phát điểm từ âm nhạc truyền thống hoặc là người có tìm tòi, nghiên cứu, hiểu biết về văn hóa âm nhạc dân tộc.
Hiện nay, các đơn vị nghệ thuật thường dùng các loại nhạc cụ điện tử kết hợp với nhạc cụ dân tộc lập thành dàn nhạc, đôi khi, âm thanh điện tử lấn át âm thanh của nhạc cụ truyền thống. Khán giả khó tìm thấy các buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống thuần chất trên sân khấu nhà hát. Âm nhạc dân tộc thường được biểu diễn bởi nhóm nghệ sĩ, nghệ nhân bươn chải mưu sinh, phục vụ các hoạt động biểu diễn nhỏ lẻ.
Vì thế, cần có cơ chế, có hoạt động biểu diễn tích cực cho các dàn nhạc dân tộc, trước hết nhằm giải quyết đầu ra của sinh viên tốt nghiệp ngành âm nhạc truyền thống, đồng thời cống hiến cho khán giả những buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc chất lượng cao. Bên cạnh đó, các đài phát thanh-truyền hình cần có nhiều hơn những chương trình giới thiệu chuyên sâu và biểu diễn âm nhạc truyền thống, được biên tập bởi các chuyên gia về âm nhạc và những người được đào tạo âm nhạc chính quy, nhằm mang đến cho khán giả những kiến thức cơ bản về văn hóa âm nhạc Việt Nam, những tiết mục biểu diễn có tính giáo dục truyền thống, có định hướng thẩm mỹ âm nhạc, tránh lai tạp.
Nếu những vấn đề này không được quan tâm đúng mức sẽ dẫn đến những sự việc đáng tiếc như sử dụng nhạc tùy tiện, nhầm lẫn, ngộ nhận ngay cả ở phim tài liệu chính sử. Việc này trong thực tế đã từng xảy ra, chúng ta không mấy khó khăn để tìm ra một đoạn phim về lịch sử Việt Nam nhưng lại lồng ghép âm nhạc dân tộc nước ngoài trên internet.
|
|
Lớp hòa tấu nhạc cụ dân tộc của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). |
Trong việc phổ cập và giáo dục âm nhạc cộng đồng, cần đưa âm nhạc dân tộc thành môn học chính thức trong các trường phổ thông, hướng đến mục tiêu mỗi trường đều có một dàn nhạc dân tộc. Âm nhạc truyền thống và nhạc cụ dân tộc nên trở thành gần gũi, tự nhiên với các em học sinh. Hoạt động phổ cập âm nhạc truyền thống các trường dân lập đã làm tốt hơn các trường công lập.
Một số trường dân lập đã đưa nhạc cụ dân tộc vào thành môn học chính khóa với mục tiêu kết thúc bậc tiểu học, các em học sinh đều biết chơi một loại nhạc cụ dân tộc ở trình độ cơ bản. Do tác dụng của âm nhạc, hầu hết các em được học nhạc cụ trong trường phổ thông sẽ giúp ích trở lại cho việc học tập kiến thức, tinh thần và tâm lý của các em cân bằng, vui vẻ. Hướng học sinh đến âm nhạc cũng có tác dụng kéo các em ra xa khỏi các trò chơi điện tử, máy tính, điện thoại. Dạy các em biết chơi nhạc cụ dân tộc, hát dân ca ngay từ bé, chính là bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, đất nước!
Tại các festival âm nhạc dân tộc trên thế giới, các tuần lễ văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, âm nhạc truyền thống Việt Nam luôn tạo nên những dấu ấn đặc biệt, được đông đảo khán giả quốc tế yêu thích và đánh giá cao. Tôi nhiều lần chứng kiến khách nước ngoài đến Việt Nam rất thích thú với âm nhạc dân tộc, hay đặt câu hỏi: “Đàn này là đàn gì?”.
Tiếc thay, có những hướng dẫn viên du lịch không thể trả lời câu hỏi đó. Nhìn một cách tổng thể, để phát huy được các giá trị âm nhạc truyền thống trong đời sống đương đại, chúng ta cần thực hiện giáo dục âm nhạc truyền thống chuyên nghiệp đi đôi với phổ cập âm nhạc truyền thống trong cộng đồng. Âm nhạc truyền thống là nhịp cầu kết nối Đông-Tây, đưa hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
Âm nhạc truyền thống với những nghệ nhân, nghệ sĩ đầy tâm huyết, luôn đau đáu gìn giữ, kế thừa và phát triển di sản mà cha ông để lại. Quan tâm đến việc phát huy giá trị của âm nhạc truyền thống trong đời sống đương đại chính là góp phần gìn giữ cốt cách, tâm hồn tốt đẹp của con người Việt Nam.
TS, NSƯT HOA ĐĂNG