Những vinh dự chưa có tiền lệ
Việc một công dân độc lập, không làm việc trong một chính phủ trở thành ủy viên Ban giám đốc ICMP là điều hiếm có, bởi được bổ nhiệm vào vị trí này thường là các quan chức chính phủ, cấp bộ trưởng hoặc đại sứ, tòa án, đang đương chức hoặc vừa nghỉ hưu, đại diện cho một quốc gia, hoặc có đóng góp rất lớn về tài chính, công nghệ. Chị Thảo Griffiths-người phụ nữ Việt, thế hệ cuối 7x thật đặc biệt lại là đại diện duy nhất người châu Á tham gia điều hành ICMP và cũng là người trẻ tuổi nhất ở tổ chức này.
Cũng trong tháng 12-2022, ngay trước khi tuyên bố sẽ nghỉ hưu với tư cách Chủ tịch Thượng viện Mỹ sau 48 năm làm việc tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy đã gửi tới Quốc hội nước này một tuyên bố nhằm vinh danh những đóng góp cho quan hệ Việt-Mỹ của Thảo Griffiths. Tuyên bố của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy được lưu giữ tại kho văn thư lưu trữ của Quốc hội Mỹ. Phải nói thêm rằng, trong lịch sử Quốc hội Mỹ, vinh dự này chưa từng được trao cho một cá nhân độc lập không làm việc trong một chính phủ. Trước đó, năm 2021, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã trở thành người Việt đầu tiên được vinh danh trước Quốc hội Mỹ cho những đóng góp to lớn của ông đối với sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ.
|
|
Chị Thảo Griffiths gặp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Hà Nội nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt-Mỹ. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Chia sẻ cảm xúc trước những tin vui dồn dập, Thảo Griffiths khẳng định, trở thành thành viên Ban giám đốc ICMP là vinh dự lớn đối với chị. Chị cho biết, ICMP là một tổ chức quốc tế có nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác giữa các chính phủ và các cơ quan khác trong công tác tìm kiếm và nhận dạng người mất tích do xung đột, thiên tai, thảm họa, tội phạm có tổ chức, di cư bất thường và nguyên nhân khác.
Tại Việt Nam, ICMP triển khai dự án nhằm giúp cải thiện khả năng nhận dạng ADN cho các tổ chức của Việt Nam thông qua hỗ trợ phát triển một hệ thống dữ liệu tập trung, hỗ trợ thu thập, phục hồi và giám định hài cốt. ICMP đang phối hợp với các đối tác của Chính phủ Việt Nam để điều chỉnh các phương pháp tách chiết ADN đã được kiểm nghiệm cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam và thiết lập nền tảng cho việc sử dụng và triển khai công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới (NGS). Việc ứng dụng công nghệ NGS nhằm cải thiện khả năng tách chiết ADN từ các mẫu lâu ngày, đồng thời cho phép so sánh huyết thống giữa các thế hệ với thân nhân ngoài phạm vi 3 đời. Dự án này cũng đặt mục tiêu cải tiến NGS để đáp ứng khối lượng công việc lớn.
Chị Thảo hiểu rằng, nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích sau nhiều năm chiến tranh tại Việt Nam luôn là một trong những trọng tâm trong công cuộc phục hồi và phát triển đất nước. Đây cũng là một thách thức lớn đối với các chính phủ cũng như đối với thân nhân người mất tích trên khắp thế giới. Chính vì thế, chị sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ các chính phủ giải quyết hiệu quả thách thức này. Chị chia sẻ: “Khi nhận lời tham gia Ban giám đốc ICMP, tôi đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ 5 năm là nỗ lực thúc đẩy việc đưa công nghệ tiên tiến về Việt Nam, giúp Việt Nam nâng cao năng lực hoàn thiện quy trình giải mã gen, phục vụ việc tìm kiếm người Việt mất tích trong chiến tranh. Mục tiêu xa hơn nữa là giúp Việt Nam có thể trở thành một trung tâm công nghệ trong khu vực, đủ năng lực trợ giúp các quốc gia khác trong lĩnh vực tìm kiếm người mất tích do chiến tranh, thiên tai, thảm họa...”.
“Chất xúc tác” kết nối quan hệ Việt Nam - Singapore - Hoa Kỳ
Năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Singapore, do đó, có nhiều chuyến trao đổi con thoi giữa các nhà ngoại giao, nhân dân, doanh nghiệp hai nước. “Singapore từ lâu đóng vai trò là trung tâm tài chính-công nghệ của thế giới. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ có trụ sở tại đây. Bởi vậy, các khoản đầu tư từ Singapore vào Việt Nam được coi là “đầu tư kép” từ doanh nghiệp Singapore và doanh nghiệp Mỹ đặt tại Singapore”, chị Thảo Griffiths cho hay.
Vốn có nhiều năm hoạt động trong các lĩnh vực chính sách, chính phủ và doanh nghiệp, nay lại đảm nhiệm vị trí chủ chốt trong một tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ tại Singapore phụ trách thị trường Việt Nam, chị Thảo Griffiths coi việc hỗ trợ kết nối quan hệ Việt Nam-Singapore-Mỹ không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm công dân của mình: “Tập đoàn Meta đang hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia để đưa ra “Thách thức đổi mới Việt Nam”. Đây là chương trình thường niên khởi động từ năm 2022, kêu gọi những giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết những vấn đề về chính sách-xã hội ở Việt Nam thông qua việc kết hợp công nghệ trong khu vực chính sách công”. Chị Thảo Griffiths còn “có chân” trong nhóm những người Việt trẻ tại Singapore giúp kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Khi doanh nghiệp Việt Nam sang Singapore, nhóm giúp họ kết nối với các doanh nghiệp của Singapore và Mỹ. Ngược lại, những doanh nghiệp tại Singapore sẽ tham khảo tư vấn từ nhóm này trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Có thể nói, nhóm của chị đóng vai trò là “chất xúc tác” trong việc gây dựng mối quan hệ doanh nghiệp giữa Việt Nam với một số quốc gia.
Chuyên gia của Meta nhận định, hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện nay tương đối tốt. Việt Nam đang hoàn thiện chính sách, pháp luật và các nghị định liên quan đến thương mại điện tử, an ninh mạng, kiểm soát nội dung quảng cáo không phù hợp. Các chế tài đó sẽ làm cho môi trường đầu tư trở nên lành mạnh hơn và tác động tích cực đến các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam cũng có cơ chế đối thoại cởi mở ở các cấp khác nhau, đặc biệt là tại các cơ quan như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, hay Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... Theo chị Thảo Griffiths, đó là các kênh tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp trong và ngoài nước rất tốt, nhóm của chị cũng khai thác rất hiệu quả các cơ chế đối thoại này.
|
|
Chị Thảo Griffiths (ngoài cùng, bên trái) cùng vợ chồng Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Washington DC, ngày 20-10-2017. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Nhận định về chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, chị Thảo Griffiths cho rằng đây là bước tiến lớn trong việc kết nối số và rất cần các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Tuy nhiên, để thực hiện thành công thì nâng cao nguồn nhân lực là vấn đề mấu chốt. Chị nhấn mạnh: Đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tạo ra môi trường, hệ sinh thái và dịch vụ, từ đó đáp ứng việc đào tạo nhân lực. Do đó, cần tăng cường kết nối với các công ty công nghệ nước ngoài để đẩy mạnh mảng nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam. Từ đó, hàm lượng chất xám của người Việt đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam và thế giới cũng tăng lên. Hàn Quốc, Mỹ, Singapore và Australia là 4 đối tác quan trọng của Việt Nam. Họ vừa là nhà đầu tư, vừa là nhà tài trợ giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực. Hỗ trợ doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam kết nối với các đối tác nước ngoài, đó là nhiệm vụ không dễ dàng nhưng đầy vinh dự mà chị Thảo Griffiths và những người Việt trẻ ở khắp nơi trên thế giới đang miệt mài thực hiện.
Luôn hướng về nguồn cội
Nhiều năm quen biết, chúng tôi vẫn trêu chị Thảo Griffiths sở hữu một “gia đình toàn cầu”. Chị sinh ra và lớn lên ở Hà Giang. Hiện bố mẹ chị đang sống ở Việt Nam; gia đình chồng, chồng và các con sinh sống, học tập tại Australia; còn chị làm việc cho công ty Mỹ tại Singapore và ICMP tại Hà Lan. Kỳ nghỉ Tết vừa rồi có lẽ là một trong những cái Tết bận rộn nhất của chị: Bay sang Australia trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới, bay về Việt Nam trong thành phần đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự Chương trình Xuân Quê hương 2023. Sau khi cùng con gái đón Tết Nguyên đán tại Hà Nội, chị trở lại với công việc tại Singapore trước khi bay sang Hà Lan để tham dự cuộc họp đầu tiên với Ban giám đốc ICMP.
Giờ con cái đã khôn lớn, chị thành công trong vai trò làm bạn với con. Khoảng cách địa lý không còn là rào cản giữa chị và các thành viên trong gia đình. Trong thời đại công nghệ số, chị cùng chồng và các con thường xuyên trao đổi, tâm sự và giúp nhau tháo gỡ mọi khúc mắc trong cuộc sống. Các con chị đều nói được tiếng Việt, biết nấu các món ăn Việt, và đặc biệt, có tình yêu sâu sắc với quê mẹ, yêu cả những miền đất, con người nơi đây. Mỗi lần về Việt Nam, Liêm và My, hai bạn trẻ mang dòng máu Việt-Australia, đều thích theo mẹ đạp xe len lỏi trong từng con ngõ nhỏ của Hà Nội, lang thang nhà vườn Huế, nghe nhã nhạc cung đình trên sông Hương, rảo bước trên những con phố sầm uất ở TP Hồ Chí Minh; thích khoác lên mình bộ quần áo nâu sòng, yêu những điệu hò, những miền quê thôn dã. Tình yêu quê hương ấy được nhen nhóm một cách tự nhiên, từ sâu thẳm nhờ vào cách bồi đắp mỗi ngày của người mẹ Việt Nam.
Từng đặt chân đến nhiều quốc gia trong quá trình đảm nhiệm công việc tại một số tổ chức quốc tế, chị Thảo Griffiths vẫn luôn đau đáu hướng về Tổ quốc. Là người luôn tràn đầy năng lượng tích cực, chị ấp ủ nhiều dự định để đóng góp cho đất nước. Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, các mối quan hệ rộng khắp, cũng như những cơ hội mà công việc đem lại thôi thúc chị phải làm nhiều, nhiều hơn nữa... Chị là minh chứng cho một thế hệ người Việt mới hội nhập quốc tế thành công, đã và đang tích cực tham gia công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, xung đột, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên diễn đàn quốc tế.
LINH OANH - PHƯƠNG THẢO