leftcenterrightdel
Vẻ đẹp nhà dài và kho lúa của người Mạ. 

Mùa xuân về thăm nhà dài

Chúng tôi xuôi về vùng đất Cát Tiên khi sắc xuân đang bừng lên khắp nẻo. Mùa xuân cao nguyên luôn mang vẻ đẹp phóng khoáng với nắng vàng rực rỡ, hoa cà phê, hoa điều nhuộm trắng núi đồi. Xa xa, sông Đồng Nai rực đỏ, hối hả chở dòng nước nặng phù sa bazan xuôi về biển. Bên bờ sông, những đền tháp nghìn năm ở khu thánh địa Cát Tiên vẫn lặng lẽ phản chiếu ánh sáng huyền bí của một nền văn minh đã khuất.

Trong ngôi nhà còn thơm mùi gỗ mới, mùi men rượu cần ở buôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, cựu chiến binh (CCB) Điểu K’Bôi, người dân tộc Mạ, chơi một bài chiêng mừng khách rồi say sưa kể cho chúng tôi nghe huyền tích vùng đất Cát Tiên cổ xưa, về nguồn gốc dân tộc Mạ và ngôi nhà dài mà ông đã kỳ công phục dựng vào đầu năm 2021. “Nhà này chỉ dài hơn 6 sải tay nhưng mình phải mất hơn hai tháng để làm đấy. Có nhà dài, mùa xuân và ngày Tết thêm vui, tiếng chiêng vang xa, ăn trâu mới ngon, rượu cần mới say, lũ làng ưng cái bụng”, CCB Điểu K’Bôi tự hào chia sẻ.

Chia tay với ngôi nhà của CCB Điểu K’Bôi, chúng tôi ngược núi lên xã vùng cao Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) để thăm ngôi nhà dài duy nhất trên vùng đất Nam Tây Nguyên vẫn “sống” cuộc đời đúng nghĩa của nó hàng chục năm qua. Bà Ka Dít, chủ nhân ngôi nhà dài ở buôn Bơ Đăng, xã Lộc Bắc đã sống gần 70 mùa rẫy, không nhớ ngôi nhà được làm tự bao giờ, chỉ biết rằng khi bà theo chồng về buôn đã thấy ngôi nhà này. Cách đây vài năm, gia đình được ngành văn hóa địa phương hỗ trợ kinh phí tu bổ, nâng cấp giúp ngôi nhà thêm dài, thêm đẹp.

Ngôi nhà của gia đình bà Ka Dít dài hơn 20m, bên ngoài có kho lúa, trong nhà xếp đầy chum, chóe, chiêng, gùi, xà gạc, quả bầu khô... những vật dụng phổ biến và cũng là tài sản quý của người Mạ. Theo thời gian, các vật dụng đều ám khói, rực lên màu bồ hóng tạo cảm giác thật xưa cũ. Giữa một vùng nông thôn mới bát ngát cà phê, dọc ngang những tuyến đường bê tông và san sát nhà xây kiểu mới thì ngôi nhà dài của gia đình bà Ka Dít tựa như một nốt lặng trong bản giao hưởng sôi động, một góc ký ức gợi nhắc về Tây Nguyên xa xưa đượm màu sử thi.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Điểu K’Bôi chơi khèn bầu trong ngôi nhà dài vừa dựng tại buôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. 

Nối lại nhà dài
Cũng giống như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Mạ ở Lâm Đồng trước đây đều sống trong nhà dài. Nhà được làm từ khung gỗ, lợp lá mây, vách đan bằng lồ ô hoặc tre, nứa. Người sống trên núi, sàn nhà thấp so với mặt đất, người ở cạnh dòng Đạ Đờn (một đoạn của sông Đạ Dâng, thượng nguồn sông Đồng Nai) thì sàn nhà cao hơn.

Trong ngôi nhà, các chi tiết như cột, kèo, xà... được liên kết bằng mộng, ngoàm và sợi mây rừng rất vững chắc. Một ngôi nhà có nhiều thế hệ cùng chung sống, mỗi khi có cặp vợ chồng mới cưới, ngôi nhà lại được nối thêm một đoạn, tăng thêm một bếp. Qua năm tháng, những ngôi nhà lại dài thêm, tựa tấm thổ cẩm khổng lồ vắt qua núi đồi xanh thẳm, dài như tiếng chiêng ngân.

Theo bà Đinh Thị Nga, người có nhiều năm nghiên cứu, sưu tập hiện vật văn hóa Tây Nguyên, hiện sống tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), thì nhà dài chính là một dạng thức văn hóa tiêu biểu, phản ánh sự phản xạ của con người trước tự nhiên, hình thái gia đình và tri thức dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đối với đồng bào, nhà dài không chỉ là nơi cư trú mà còn là không gian thiêng, là nơi giữ lửa, giữ các vị thần, nuôi dưỡng câu hát cổ xưa, giữ cho những bài chiêng, điệu xoang được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Cũng chỉ trong nhà dài, đời sống và các thực hành nghi lễ của người Mạ nói riêng, người Tây Nguyên nói chung mới diễn ra một cách bài bản, trọn vẹn. Nhà dài với đại ngàn xanh thẳm, thác nước, lửa rừng, đời sống cư dân, lễ nghi nông nghiệp tạo nên truyền thống mẫu hệ, tín ngưỡng đa thần, không gian văn hóa cồng chiêng và nền "văn minh thảo mộc" đặc sắc.

Là thành tố quan trọng của văn hóa Tây Nguyên, nhưng trong thời gian dài, nhà dài vắng bóng trên chính quê hương của nó. Phương thức sản xuất, hình thái tổ chức gia đình của các dân tộc đã có nhiều thay đổi. Rừng bị thu hẹp, nguồn nguyên liệu để làm nhà dài ngày càng khan hiếm. Nếp sống mới với những tiện nghi hiện đại khiến một bộ phận lớp trẻ không còn tha thiết với nhà dài.

Tuy nhiên, với nhiều người như CCB Điểu K’Bôi, bà Ka Dít hoặc người nặng lòng với văn hóa Tây Nguyên như bà Đinh Thị Nga thì nhà dài luôn là cội nguồn thương nhớ, là giá trị vĩnh hằng. Đó chính là lý do thôi thúc họ quyết tâm gìn giữ, phục dựng nhà dài.

Tại Festival hoa Đà Lạt lần thứ VIII năm 2019, bà Đinh Thị Nga đã bỏ tiền túi của mình thuê các nghệ nhân dân tộc Mạ từ bản Buôn Go, thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên lên Đà Lạt phục dựng nhà dài bên bờ hồ Xuân Hương. Trong thời gian gần một tuần diễn ra lễ hội, bên nhà dài, kho lúa, bếp lửa và cây nêu linh thiêng, 36 nghệ nhân đã trình diễn hàng loạt tinh hoa văn hóa Mạ như: Lễ mừng lúa mới, lễ kết bạn, làm rượu cần, dệt thổ cẩm, rèn sắt, làm gốm... tạo nên điểm nhấn đặc sắc, thu hút đông đảo khách tới thưởng lãm.

Đến với vùng đất Nam Tây Nguyên trong mùa xuân này, ngoài ngôi nhà của CCB Điểu K’Bôi và của gia đình bà Ka Dít, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn nhiều nhà dài khác vừa mọc lên trong các khu du lịch tại TP Đà Lạt, trong không gian của khu thánh địa Cát Tiên, tại xóm đạo thôn 2, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm...

Sau thời gian tưởng như đã rơi vào quên lãng, nhà dài trên vùng đất Nam Tây Nguyên đang trở mình thức giấc, giúp dòng chảy văn hóa Tây Nguyên mãi tiếp nối, sinh sôi trên cao nguyên đất đỏ bazan; cho khách phương xa có cơ hội hiểu và yêu hơn “miền mơ tưởng” Tây Nguyên.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG