Khơi nguồn giá trị văn hóa dân tộc

NTK Thanh Lịch, tên thật là Lò Văn Lịch, sinh năm 2000, dân tộc Thái trắng, quê ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Sinh ra và lớn lên nơi vùng quê nghèo khó, anh luôn nỗ lực vượt qua hoàn cảnh để thực hiện ước mơ thời trang. Anh vừa học, vừa làm thêm tại các xưởng may để học hỏi kinh nghiệm và trang trải cuộc sống. Mọi nỗ lực được đền đáp khi anh trở thành cử nhân với đồ án tốt nghiệp đạt điểm cao nhất tại Khoa Thiết kế mỹ thuật, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2023.

leftcenterrightdel
     

Nhà thiết kế Thanh Lịch cùng những người mẫu nhí trình diễn bộ sưu tập áo dài “Hành trình S Việt Nam”. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Sống và gắn bó với núi rừng Tây Bắc, hơi thở non nước hữu tình thấm vào lời mẹ ru, hằng đêm nghe mẹ kẽo kẹt dệt vải... như một lẽ tự nhiên, NTK Thanh Lịch dành nhiều tình cảm với văn hóa dân tộc. Với anh, màu sắc thổ cẩm trên tấm vải mẹ dệt thật đẹp mà ở nơi phố thị xa hoa khó có thể tìm thấy. Những nét đẹp, giá trị truyền thống là giá trị vĩnh hằng, sống cùng thời gian và không thể cách ly thực tại. Vì vậy, nét đẹp truyền thống của quê hương Tây Bắc trở thành nguồn cảm hứng để anh đưa vào tác phẩm của mình. Hơn thế, anh muốn góp sức trong hành trình lưu giữ, quảng bá giá trị văn hóa dân tộc, gấm vóc quê hương. Trang phục “Phiên chợ trong sương” lấy cảm hứng từ chợ tình Khâu Vai vùng núi, hay bộ sưu tập (BST) áo dài S Việt Nam lấy cảm hứng từ các dân tộc khắp mọi miền Tổ quốc... là những tác phẩm nổi bật thể hiện mong muốn đó của NTK Thanh Lịch đã được công chúng ghi nhận và dành nhiều lời ngợi khen.

leftcenterrightdel
        

Trang phục “Phiên chợ trong sương” được siêu mẫu Võ Hoàng Yến trình diễn tại Tây Bắc Fashion Week 2023. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Nỗ lực, tâm huyết với sáng tạo trong nghệ thuật và tôn vinh văn hóa dân tộc đã giúp NTK Thanh Lịch gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực thời trang, dù tuổi đời còn rất trẻ, như: Top 30 thiết kế Quốc phục cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019, đại diện NTK Việt Nam trình diễn tại Bangkok Kids International Fashion Week 2023, một trong 16 NTK trình diễn trang phục truyền thống tại Thái Lan Fashion Week 2022...

Tôn vinh người phụ nữ Việt

Đa số các BST của NTK Thanh Lịch thường mang bóng hình người phụ nữ Việt Nam. Cảm hứng ấy bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ anh dành cho mẹ của mình. Mẹ anh không có cơ hội được tiếp xúc với sách vở, nên bà nỗ lực ngày đêm làm việc để anh có cơ hội được học hành. Anh vẫn nhớ trước khi học đại học, mẹ đã dặn dò: “Hãy học thay phần của mẹ, mẹ sẽ cố gắng để con có tương lai tốt hơn”. Anh nhận ra, không chỉ mẹ anh mà những người phụ nữ sống ở vùng đất đá cằn cỗi ấy đều có ước mơ cho riêng mình. Nhưng mơ ước đó đã hòa với núi rừng Tây Bắc, trĩu nặng những lần họ gánh gồng mưu sinh và gửi gắm lại hạnh phúc cho con cái, gia đình.

Sự hy sinh của mẹ đã cho anh nguồn cảm hứng đưa hình ảnh người phụ nữ vào đề án tốt nghiệp mang tên “Dệt ước mơ trên cao nguyên đá”. Khắc sâu trong tiềm thức tuổi thơ NTK Thanh Lịch là hình ảnh người mẹ cặm cụi dệt vải hằng đêm. Anh tâm sự: “Mẹ cặm cụi dệt vải để nuôi mình ăn học, tạo nguồn sống cho gia đình. Vải cũng chính là ước mơ của mình: Ước mơ được đi học, được sống với thời trang.”

Giá trị cốt lõi của BST nằm ở từ “dệt”. Để khai thác hình ảnh “dệt” ấy, anh chọn những giai đoạn trong cuộc đời của người con gái để thổi hồn cho tác phẩm. BST gồm 5 trang phục với các sắc thái khác nhau của người con gái: Từ  thuở xuân xanh cho đến khi trở thành người phụ nữ của gia đình.

leftcenterrightdel
               

Trang phục tái hiện hình ảnh người mẹ khắc khoải với những giấc mơ trên cao nguyên đá trong bộ sưu tập “Dệt ước mơ trên cao nguyên đá”. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Ở nơi cao nguyên đất đá, người phụ nữ cả một đời dệt những mảnh ước mơ. Ba trang phục đầu tiên thuộc BST ứng với ba giai đoạn tập "trưởng thành" của người con gái, NTK Thanh Lịch sử dụng chất liệu thổ cẩm và vải lanh thô do mẹ anh dệt, gắn thêm chuông "Má hính" (loại chuông nhỏ được phụ nữ dân tộc Thái đeo trên thắt lưng) để tái hiện hình ảnh cô gái trẻ với vẻ đẹp hoang dã, tự do sải bước trên cao nguyên, tập thêu dệt những mũi chỉ đầu tiên về hoài bão của mình.

Đến bộ thứ tư là giai đoạn người con gái chuẩn bị trở thành người phụ nữ của gia đình. Để tìm ra sự đột phá của trang phục, anh dành nhiều đêm thức trắng nghiên cứu ý tưởng. Anh đã xử lý bề mặt trang phục bằng thổ cẩm xé, tạo thành các mảnh ghép, ẩn dụ cho những trằn trọc giằng xé trong tâm trí người phụ nữ khi phải tạm gác ước mơ, xa gia đình đi lấy chồng. Lúc này, giấc mơ của cô hướng về mái ấm hạnh phúc chân chính. Trang phục cuối cùng được NTK Thanh Lịch khắc họa hình ảnh người mẹ đang ngồi trên tảng đá, nghĩ về những ước mơ từ thuở niên thiếu và giờ họ hy sinh ước mơ để vun vén cho tổ ấm của mình. Chọn màu đen là màu chủ đạo, Thanh Lịch muốn thể hiện những tâm tư sâu lắng, tình yêu thầm lặng của người mẹ dành cho con cái, gia đình.

Một trong những chất liệu truyền thống mà anh tâm đắc là nghệ thuật vẽ sáp ong của người Mông được anh sử dụng trong 4 bộ trang phục đầu tiên. Nghệ thuật này thường được người phụ nữ thực hiện nhiều hơn. Trong thời đại công nghệ, đa số mọi người sẽ dùng phương pháp in ấn họa tiết để tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất. Nhưng Thanh Lịch vẫn chọn sử dụng nghệ thuật vẽ sáp ong thủ công với tình yêu và sự ngưỡng mộ dành cho giá trị thô sơ đó, đồng thời lan tỏa chất liệu cổ truyền trong nghệ thuật đến với công chúng qua BST.

Chuyện lấy cảm hứng từ giá trị truyền thống dân tộc để sáng tạo nghệ thuật không còn quá mới mẻ. Nhưng với Thanh Lịch, khi sử dụng chất liệu quê hương, người nghệ sĩ cần hiểu sâu sắc, tỉ mỉ với từng chi tiết, thậm chí đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu; tránh tìm hiểu qua loa để tác phẩm mình tạo ra không đạt đúng ngưỡng, hoặc vay mượn các nền văn hóa khác nhau, du nhập từ nước ngoài rồi cho rằng đó là giá trị truyền thống của dân tộc.

NTK Thanh Lịch mong rằng, hành trình gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc sẽ được các thế hệ nối tiếp nhau vun đắp. Với những bạn trẻ đang theo đuổi đam mê, anh nhắn nhủ: "Hy vọng các bạn luôn nỗ lực, không dễ dàng bỏ cuộc bởi yếu tố ngoại cảnh. Vì hoa còn có thể nở trên cao nguyên đá, huống chi là ước mơ của bản thân mình!".

HẠ ANH - MẪN NHI