Đó cũng là nội dung thông điệp từ bộ phim tài liệu “Niềm tin” của Điện ảnh Quân đội nhân dân ra mắt mới đây, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ Việt Nam.

“Niềm tin” kể về hành trình của gia đình chị Đặng Hương Trà (Bình Định) đi tìm thông tin về người bác ruột-quân nhân Đặng Thành Tuấn. Gia đình quân nhân Đặng Thành Tuấn là một gia đình có truyền thống cách mạng, được xếp vào thành phần cộng sản nguy hiểm trong mắt chính quyền Ngô Đình Diệm. Chú ông là Đặng Thành Chơn khi đó là Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc Quân khu 5; bố ông là Đặng Thành Tân, Huyện ủy viên Huyện ủy Hoài Ân; bác gái ruột Đặng Thị Thú là cơ sở cách mạng bí mật.

Sau Hiệp định Geneve, Đặng Thành Tuấn khi ấy 13 tuổi, cùng nhiều người trong gia đình ra Bắc học tập. Năm 1965, khi nhận được tin bố và bác gái bị địch bắt và sát hại, Đặng Thành Tuấn làm đơn tình nguyện nhập ngũ nhưng không được chấp nhận bởi là học sinh miền Nam tập kết, lại là con liệt sĩ. Phải đến khi ông viết đơn bằng máu mới được tổ chức chấp nhận. Trong giấy chứng nhận gia đình quân nhân khi ấy có ghi rõ “Quân nhân Đặng Thành Tuấn biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Đoàn 1360, Bộ tư lệnh Pháo binh”.

Sau ngày giải phóng, nhiều người lính trở về, có người bằng xương bằng thịt, người về qua tấm bằng Tổ quốc ghi công, nhưng Đặng Thành Tuấn vẫn không có thông tin gì. Gia đình mong chờ, hy vọng và chuẩn bị sẵn sàng cả tình huống ông đã hy sinh... Mang những thông tin ít ỏi, người thân đi hỏi khắp nơi từ huyện đội, tỉnh đội, quân khu... tìm kiếm theo các hướng, nhưng đều không có kết quả. Việc công nhận liệt sĩ cho quân nhân Đặng Thành Tuấn cũng trở nên khó khăn. Thậm chí còn có những lời đồn rằng ông đã chiêu hồi nên mới không lưu thông tin, khiến gia đình vô cùng đau đớn.

leftcenterrightdel

Cảnh trong phim tài liệu "Niềm tin". Ảnh cắt từ phim.

Khi mọi việc tưởng như rơi vào vô vọng thì chị Trà vô tình tìm được thông tin về bác mình qua website kyvatkhangchien được anh Lâm Hồng Tiên ở Hà Nội sưu tầm và đăng tải. Trong bản danh sách báo tử 59 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 724 mà quân Mỹ thu được trong chiến tranh, có thông tin số thứ tự 17 trùng khớp với quân nhân Đặng Thành Tuấn từ họ tên, năm sinh, ngày nhập ngũ, tên cha mẹ, quê quán. Hành trình xác minh những thông tin về sự hy sinh của quân nhân Đặng Thành Tuấn dần được hé mở và làm rõ...

Với độ dài gần 30 phút, phim sử dụng chất liệu kỹ thuật số, chất lượng hình ảnh tốt, sắc nét. Phim được kết cấu theo trình tự thời gian, đan xen giữa hiện tại và hồi tưởng, tự sự. Hành trình hơn 50 năm được đạo diễn chắt lọc qua những chi tiết “đắt”, logic, mang tính biểu tượng, như: Hình ảnh nghĩa trang, những chuyến đi, cánh cổng luôn được mở, những tài liệu quan trọng được quay cận cảnh... đủ giúp khán giả hiểu câu chuyện dài.

Thiếu tá, đạo diễn Vũ Minh Phương chia sẻ, như một mối duyên đặc biệt khi bác ruột anh-cũng là liệt sĩ và gia đình anh cũng từng nhận được thông tin về bác qua những tài liệu quân đội Mỹ công bố giống trường hợp quân nhân Đặng Thành Tuấn. Bởi vậy anh đồng cảm, thấu hiểu phần nào nỗi niềm của thân nhân liệt sĩ và muốn thể hiện bộ phim bằng cách giản dị, chân thành nhất qua chính những người trong cuộc. Phim không dùng lời bình mà câu chuyện được dẫn dắt qua lời kể, tự sự của chính nhân vật.

Đây cũng là phong cách thường thấy trong các phim tài liệu của Thiếu tá, đạo diễn Vũ Minh Phương. Dường như đó cũng là ý đồ của đạo diễn nhằm giúp khán giả xem phim cảm nhận những cung bậc cảm xúc một cách chân thực nhất: Đó là sự xúc động, nỗi trăn trở, xót xa khi người thân không trở về; có khi là thất vọng, muốn buông bỏ sau bao năm tìm kiếm thông tin không có kết quả; rồi lại hy vọng, tin tưởng và như vỡ òa hạnh phúc, tự hào khi mong mỏi bấy lâu đã dần thành hiện thực...

Giờ đây, gia đình, quê hương đang chờ đón quân nhân Đặng Thành Tuấn trở về với tấm bằng Tổ quốc ghi công, chính thức được công nhận liệt sĩ. Sự khốc liệt của chiến tranh, tàn dư của nó khiến hàng vạn liệt sĩ chưa xác định được thông tin, cũng có nghĩa là trên đất nước chúng ta hôm nay, vẫn còn biết bao gia đình đang mong chờ một sự “trở về” như thế. Cũng qua bộ phim đã cho thấy sự chung tay của các đơn vị, cơ quan trong và ngoài quân đội, của các cựu chiến binh, các tổ chức, cá nhân... ở khắp mọi miền đất nước với công tác chính sách. Bởi vậy, dẫu có thể sẽ là một hành trình dài đầy gian nan, có mồ hôi và nước mắt nhưng như lời nhân vật Hương Trà trong phim chia sẻ: “Tôi hy vọng câu chuyện của bác Hai tôi sẽ mang lại niềm tin cho những gia đình khác có cùng hoàn cảnh trong hành trình xác minh thân nhân liệt sĩ.”

DƯƠNG THU