Để hiểu thêm về mảnh đất, con người, cũng như những nét văn hóa độc đáo của Ninh Thuận, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Long Biên, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận về các hoạt động này.
Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt
Phóng viên (PV): Đồng chí giới thiệu những nội dung chính của lễ hội và các hoạt động văn hóa, thể thao trong tháng 6-2023 ở Ninh Thuận?
Đồng chí Nguyễn Long Biên: Tháng 6-2023, Ninh Thuận tổ chức đồng thời Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho-Vang. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để quảng bá hình ảnh về đất và người Ninh Thuận, cũng như tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển gắn với văn hóa, du lịch và sự phát triển bền vững; thu hút các nhà đầu tư đến với Ninh Thuận.
Sự kiện trên có nhiều hoạt động, như: Hội chợ Công Thương khu vực Nam Trung Bộ-Ninh Thuận 2023; lễ hội ẩm thực; chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố; chương trình nghệ thuật khai mạc, bế mạc lễ hội; hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho; Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị “nghệ thuật làm gốm của người Chăm”; hoạt động tham quan trải nghiệm vườn nho, làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và hành trình khám phá khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa; Hội thi "Nét đẹp văn hóa các dân tộc tỉnh Ninh Thuận lần thứ II-2023"...
|
|
Đồng chí Nguyễn Long Biên. |
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, hấp dẫn mang tính đặc trưng, độc đáo, như: Giải Việt dã truyền thống thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; lễ hội trái cây Ninh Sơn; ngày hội văn hóa Raglay...
PV: Chủ đề của các hoạt động văn hóa trên là “Ninh Thuận-Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”. Vậy những giá trị khác biệt ở đây là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Long Biên: Ninh Thuận là vùng đất của nắng và gió, khô ráo, độ ẩm không khí và lượng mưa thấp, đất đai thoát nước tốt giúp phát triển những loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng và trở thành đặc sản của địa phương mà nhiều nơi khác không có, như: Măng tây xanh, táo, tỏi, dê, cừu; đặc biệt là cây nho và các sản phẩm từ nho.
Ninh Thuận còn là nơi diễn ra một trong những hiện tượng thiên nhiên độc đáo, chỉ xuất hiện ở một số vùng biển trên thế giới. Đó là hiện tượng nước trồi. Khi dòng nước lạnh, nhiều dinh dưỡng và đặc quánh di chuyển từ phía sâu lên vùng nước nông, thay thế cho dòng nước nóng hơn, góp phần mang lại những giá trị ít nơi nào sánh được về chất lượng, sản lượng và đa dạng hải sản, đồng thời giúp sản sinh ra thứ muối giàu dinh dưỡng từ lớp nước sâu được trồi lên rất mạnh từ đáy như ở Cà Ná, Phương Cựu, Đầm Vua...
Ninh Thuận là một trong những địa bàn sinh sống của người Việt cổ, nơi có nhiều di sản quý báu của nền văn hóa Chămpa. Hệ thống tháp Chăm ở Ninh Thuận gần như còn nguyên vẹn xây dựng trong nhiều thế kỷ trước. Tiêu biểu là cụm tháp Hòa Lai (Ba Tháp) xây dựng thế kỷ thứ 9; cụm tháp Po Klong Garai xây dựng thế kỷ 13; cụm tháp Po Rome xây dựng thế kỷ 17. Văn hóa phi vật thể của người Chăm Ninh Thuận cũng phong phú với hơn 100 lễ hội diễn ra quanh năm, trong đó tiêu biểu phải kể đến là Lễ hội Ka-tê tổ chức ở tháp Chăm vào tháng 7 lịch Chăm hằng năm.
|
|
Du khách trải nghiệm tại vườn nho ở Ninh Thuận.
|
Văn hóa cộng đồng dân tộc Raglay tại tỉnh cũng còn lưu giữ những nét đặc sắc như: Lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chính sự giao thoa giữa những nền văn hóa của các cộng đồng dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn đã tạo ra một xã hội Ninh Thuận nhiều bản sắc, đa dạng về ngôn ngữ, ẩm thực và tín ngưỡng.
Nhân tố nữa tạo nên sự khác biệt của vùng đất Ninh Thuận phải kể đến là người dân Ninh Thuận. Người Ninh Thuận luôn chịu thương, chịu khó, vượt lên những khắc nghiệt để xây dựng quê hương ngày một phát triển và sẵn sàng chào đón du khách đến với nơi đây.
Chia sẻ, gắn bó với vùng đất đầy nắng gió
PV: Lễ hội Vang-Nho ngoài việc quảng bá du lịch, văn hóa, giới thiệu các sản phẩm độc đáo của miền đất đầy nắng gió, tỉnh Ninh Thuận còn muốn gửi những thông điệp gì tới mọi người, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Long Biên: Thông qua việc tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao vào giữa tháng 6-2023, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận mong muốn gửi đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cũng như du khách trong và ngoài nước biết nhiều hơn nữa về tiềm năng, thế mạnh đáng để đầu tư của Ninh Thuận. Đó là phát triển những loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và trở thành đặc sản của địa phương. Ninh Thuận còn có lợi thế về nguồn lao động cần cù, chịu khó; có đặc trưng văn hóa độc đáo cần nghiên cứu, bảo tồn và phát huy.
Từ những tiềm năng, thế mạnh nêu trên, chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp mới tìm hiểu về lợi thế của địa phương để có những phương hướng khai thác, đầu tư trong tương lai. Ninh Thuận cũng mong muốn nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học để có những phương án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vốn có.
PV: Nghệ thuật gốm Chăm nói chung, gốm Bàu Trúc nói riêng đã khá nổi tiếng và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Vậy việc bảo vệ và phát huy di sản quý giá ấy sẽ như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Long Biên: Gốm là vật dụng không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Yếu tố kỹ nghệ, hình thức truyền dạy bí truyền từ mẹ sang con gái và cách thức, tính nhân văn, giá trị con người, những lời răn dạy, bài học truyền thừa theo mẫu hệ đã nâng tầm nghề gốm lên thành một loại hình di sản mang tính thẩm mỹ và nhân văn rất cao. Vì vậy, người Chăm không chỉ xem nghề gốm của tổ tiên là một nghề mang tính thực hành tri thức dân gian mà còn được xem như là một loại hình di sản văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh và các giá trị nghệ thuật sâu sắc.
Ngày 29-11-2022 vừa qua, tổ chức UNESCO chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng công bố đây là một trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trong năm 2022. Vì thế, UBND tỉnh Ninh Thuận quyết định tổ chức lễ đón bằng của UNESCO một cách trọng thị. Thông qua đó, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các dự án, đề án, kế hoạch phù hợp, thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm, như: Quy hoạch vùng nguyên liệu làm gốm; tuyên truyền, quảng bá về giá trị nghệ thuật làm gốm để thu hút sự đầu tư; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân làng nghề... Trên cơ sở những chính sách hỗ trợ, các nguồn đầu tư từ Trung ương và của tỉnh, cộng đồng chủ thể-ở đây là cộng đồng người Chăm sẽ chung tay phát huy, gìn giữ nghệ thuật làm gốm cho hôm nay và muôn đời sau.
PV: Ninh Thuận là vùng đất giàu khát vọng, nhiều tiềm năng. Thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao trong tháng 6-2023, địa phương hy vọng đạt được những điều gì?
Đồng chí Nguyễn Long Biên: Lễ hội và các hoạt động văn hóa, thể thao trong tháng 6 với 12 hoạt động ở cấp tỉnh và 6 hoạt động hưởng ứng tại các huyện, thành phố. Hy vọng các hoạt động này sẽ làm cho nhiều nhà đầu tư và du khách biết đến để yêu thương, chia sẻ, gắn bó với vùng đất nắng gió Ninh Thuận nhiều hơn nữa. Nó cũng góp phần tích cực để hưởng ứng “Năm Du lịch Quốc gia 2023”.
Ngoài việc quảng bá du lịch Ninh Thuận; giới thiệu sản phẩm đặc trưng; những tiềm năng, thế mạnh khác biệt của địa phương, lễ hội lần này còn cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-8-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2023, tỉnh phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đón 2,7 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế đạt 20.000 lượt; thu nhập từ hoạt động du lịch đạt 1.900 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025, ngành du lịch Ninh Thuận cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP. Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, thu hút 6 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
PHI HÙNG (thực hiện)