Sau đại dịch, sàn diễn cải lương đã vượt qua mọi trở ngại để nỗ lực sáng đèn. Khán giả cũng tìm đến những vở diễn mà các đơn vị nghệ thuật cải lương tái diễn và có một số tác phẩm được dàn dựng mới.

Ngoài 3 đoàn công lập trực thuộc thì Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng vừa ra mắt thêm hai sân khấu: Sân khấu Tài năng trẻ (dành cho các diễn viên đã đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang và các giải thưởng trong cuộc thi Chuông vàng vọng cổ do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức 16 năm qua) và Sân khấu Tài năng thiếu nhi (dành cho 20 diễn viên nhí là con em của các nghệ sĩ chuyên nghiệp đang hoạt động tại các đoàn nghệ thuật cải lương). Còn các đơn vị xã hội hóa được hình thành theo mô hình tư nhân đầu tư vốn, những điều mà sân khấu cải lương trước năm 1975 từng làm, hiện nay vẫn hoạt động theo mô hình này, như: Sân khấu Cải lương mới Đại Việt; sân khấu Chí Linh-Vân Hà; sân khấu Huỳnh Long; sân khấu Minh Tơ; sân khấu hậu duệ Thanh Sơn; sân khấu Vũ Luân; sân khấu Kim Ngân; sân khấu Kim Tử Long...

leftcenterrightdel
Một cảnh trong vở "Tiếng trống Mê Linh" của đoàn cải lương Thanh Ngân. 

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, nhận định: “Nội lực của sân khấu cải lương tại thành phố luôn ổn định. Từ khi đưa mô hình xã hội hóa vào hoạt động, xu thế này tạo điều kiện để các đoàn quảng bá thương hiệu của mình. Sức sống của bộ môn này ngày càng lớn mạnh khi có được đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên yêu nghề, hết lòng tạo dựng thương hiệu. Bằng chứng sau đại dịch, các vở diễn được tái dựng, từ cải lương tâm lý xã hội đến cải lương tuồng cổ. Nhiều đoàn đã chủ trương giao các vai diễn khó cho dàn diễn viên trẻ để họ phát huy thế mạnh”.

Nói thế nhưng sức sống của sân khấu cải lương của Thành phố mang tên Bác không phải là không đáng lo. Sự dàn dựng quá dày những kịch bản cải lương tuồng cổ, mượn tích truyện cổ quá nhiều, hầu hết lại là vở cũ, đã cho thấy sự bí bách trong việc tạo nguồn kịch bản mới cho sàn diễn cải lương hiện nay.

Soạn giả Hoàng Song Việt nêu quan ngại: “Nếu cứ dàn dựng các vở cũ thì sáng tạo mới trong hình thức dàn dựng sẽ không tìm được hướng đi đúng trọng tâm định hướng. Tôi cho rằng các đoàn cần mạnh dạn đầu tư vở mới, để thấy sức sống của sàn diễn cải lương tại thành phố không chỉ là dựa vào những vở diễn cũ”.

Từ nay đến cuối năm, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có 3 cuộc thi dành cho diễn viên sân khấu cải lương. Đó là cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022; cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2022 và Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc 2022. Đây là cơ hội để các diễn viên trẻ của bộ môn này phát huy sáng tạo.

Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hải, người nhạc sĩ tài hoa của sân khấu cải lương, cho rằng: “Nội lực có nhưng cách để vực dậy nội lực này cần có chiến lược. Nhà nước nên đầu tư và có chủ trương hỗ trợ các đoàn dựng, quảng bá tác phẩm về đời sống đương đại. Về đào tạo cũng cần tổ chức ngay việc mở lớp bồi dưỡng kiến thức, thủ pháp, cập nhật những thông tin về công nghệ áp dụng trong hình thức dàn dựng sân khấu cải lương cho đội ngũ chuyên viên, kỹ thuật viên, đạo diễn trẻ. Bên cạnh đó, các trại sáng tác do Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cần phải mạnh dạn dành riêng cho sàn diễn cải lương. Nguồn kịch bản quá hiếm là nguyên nhân các đoàn cứ dàn dựng vở cũ”.

Bài và ảnh: THANH HIỆP