Gần 70 năm miệt mài hoạt động âm nhạc, lần đầu tiên nghệ sĩ Linh Nga Niê Kdăm có một đêm nhạc của riêng mình vào tháng 11-2022. Trong đêm “Tình ca Linh Nga Niê Kdăm” với sự có mặt của nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân và các thế hệ học trò của bà, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam kể lại: Những năm ông làm Phó hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nghệ sĩ Linh Nga là một bước trung tuyển giúp nhà trường tuyển sinh các học viên ở Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên. “Cứ chị Nga giới thiệu, gửi ra là gần như nhà trường nhận hết. Bởi sự gửi gắm của chị đều rất tâm huyết. Đặc biệt, chị đã chắt chiu bao nhiêu vốn quý của mình về âm nhạc dân tộc Tây Nguyên để làm nên những tác phẩm để lại cho đời”.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, nghệ sĩ Linh Nga là một người đa tài, cả một đời cống hiến cho văn hóa Tây Nguyên với số lượng tác phẩm đồ sộ, đa dạng. Ông nói: “Đó là một nhạc sĩ nữ rất hiếm hoi của Tây Nguyên và của cả nước. Ở Linh Nga, tôi thấy chị luôn luôn đau đáu về văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt là âm nhạc Tây Nguyên, văn hóa và âm nhạc của người Ê Đê mà chính bản thân chị ấy đang được truyền giữ”.

Điều đặc biệt nữa trong đêm nhạc đậm chất Tây Nguyên với chút lãng đãng, đắm say của tình ca ấy là các tiết mục hát và múa đều do những học trò cũ của nghệ sĩ Linh Nga và nghệ sĩ múa Lý Sol (phu quân của nghệ sĩ Linh Nga) biểu diễn. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk-nơi diễn ra đêm nhạc cũng là nơi nhạc sĩ Linh Nga làm công tác giảng dạy thanh nhạc từ khi mới thành lập với tên Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. Chương trình được xây dựng và thiết kế công phu, như một món quà tri ân những cống hiến của nghệ sĩ trong lĩnh vực đào tạo cũng như những dấu ấn của bà trong hoạt động âm nhạc.

Nghệ sĩ Linh Nga Niê Kdăm tên thật là H Linh Niê Kdăm. Bà là người Ê Đê nhưng được sinh ra tại Việt Bắc, là con gái của cố bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kdăm. Linh Nga bén duyên với con đường âm nhạc và là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi người dân tộc thiểu số được đào tạo bài bản tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), từ hệ trung cấp, đại học chuyên ngành thanh nhạc rồi chuyên ngành sáng tác. Sau 25 năm sinh sống, học tập tại miền Bắc, bà trở về Đắk Lắk, công tác tại Đoàn Ca múa Tây Nguyên, sau đó là Đoàn Ca múa dân gian Đắk Lắk với vai trò ca sĩ, tham gia biểu diễn phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa. Khi Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk được thành lập (năm 1980) nghệ sĩ Linh Nga Niê Kdăm là Hiệu trưởng. Bà trở thành “viên ngọc quý”, là giảng viên thanh nhạc đầu tiên và duy nhất tại Đắk Lắk lúc bấy giờ. Nhiều thế hệ học trò của bà đã thành công và trở nên nổi tiếng trong sự nghiệp âm nhạc như: Cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan Ênuôl; nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Y Phôn Ksơr; ca sĩ Siu Black, Y Garia... Ấn tượng của họ về người thầy ấy chính là sự tận tâm, nhiệt tình hướng dẫn để giúp họ có được nền tảng âm nhạc và kỹ thuật tốt, phát huy được bản thân.

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Y Phôn Ksơr bộc bạch: "Cô giáo giống như người chị, người mẹ đã tạo cho mình một lối đi vì nghệ thuật và vì bản sắc quê hương". Nhớ lại khoảng thời gian từ năm 1980, khi ông vừa bước chân vào Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk, cũng là thế hệ học viên đầu tiên của trường, cô giáo Linh Nga chính là người thầy đầu tiên dẫn dắt, chỉ dạy ông về kỹ thuật, tư vấn định hướng phong cách để ông dần trưởng thành, khẳng định tên tuổi trong âm nhạc. Với ca sĩ Ta Ri Na, sự nhẹ nhàng, tận tâm của cô giáo Linh Nga giúp cô từ một cô bé rụt rè, nhút nhát có cơ hội bộc lộ hết tài năng của mình và tỏa sáng. Từ những ca khúc cô Linh Nga sáng tác, Ta Ri Na đã gặt hái được thành công bước đầu như giành Huy chương Vàng Cuộc thi tiếng hát học sinh-sinh viên toàn quốc (năm 1994) với ca khúc “Ngã sáu tôi yêu”...

leftcenterrightdel

Nghệ sĩ Linh Nga Niê Kdăm hướng dẫn học viên luyện thanh nhạc. 

Với nghệ sĩ Linh Nga, niềm tự hào nhất của bà trong suốt hành trình gần 50 năm gắn bó với nghề giáo chính là góp phần dẫn dắt, đào tạo nên nhiều thế hệ ca sĩ người dân tộc thiểu số, giúp họ bay cao, bay xa trong nền âm nhạc Việt Nam. Nghệ sĩ Linh Nga Niê Kdăm còn được biết đến là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Trong thời gian gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam trên cương vị Phó giám đốc Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên, bà đã có nhiều đóng góp trong việc đưa dân ca và âm nhạc Tây Nguyên lên sóng phát thanh, phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc của bà con các buôn làng.

Bà cũng dành nhiều thời gian và tâm huyết tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa vùng đất, văn hóa tộc người. Những công trình nghiên cứu văn hóa của bà như: "Nghệ thuật diễn xướng Tây Nguyên", "Lễ hội cộng đồng của người Tây Nguyên", "Lễ cúng hồn lúa của người Sê Đăng"... hay mới đây là "Văn học các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên", "Nghệ thuật múa dân gian" (các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên), "Văn hóa Tây Nguyên-giàu và đẹp"... đều là sự chắt lọc, tìm tòi để lưu lại những nét tinh túy, những cái hay, cái đẹp, giá trị văn hóa của tộc người, của vùng đất để giới thiệu đến công chúng.

Với bà, có lẽ đây là một trách nhiệm, một công việc thường nhật để gìn giữ, trao truyền lại cho thế hệ sau, như bà từng chia sẻ: “Tây Nguyên là một phần máu thịt, là cuộc sống và sự nghiệp của tôi, gắn bó chặt chẽ với văn hóa truyền thống, trọn vẹn cả buồn vui lẫn hạnh phúc".

Bài và ảnh: H XÍU HMOK