Riêng những kiêng kỵ thường nhật gắn với vật dụng hằng ngày thì chúng ta thấy, hầu như từ trang phục đến công cụ lao động sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, học hành, ngủ nghỉ... không có vật dụng nào lại không gắn với một tục kiêng nào đó.

Điều này có nguồn gốc từ tư duy cổ xưa là “vạn vật hữu linh”: Tất cả vật đều chứa đựng linh hồn như con người. Với các vật dụng, nó còn mang thông điệp về một hoàn cảnh kinh tế eo hẹp mà mỗi thứ đều quý giá, cần tôn trọng, giữ gìn, bảo vệ khi sử dụng. Khi vạn vật đã có linh hồn và người ta trân quý nó thì việc ứng xử với nó cẩn trọng theo các tục kiêng là một lựa chọn hợp lý.

Tuy nhiên, có những tục kiêng vào thời hiện đại đã trở thành mê tín, có những tục kiêng mà nguồn gốc của nó bị chìm lấp trong sự tiếp biến văn hóa, rất khó giải thích. Cũng tùy vai trò của vật dụng mà tục kiêng thể hiện nhiều hay ít. Ông bình vôi là một vật dụng chứa đựng rất nhiều tục kiêng theo kiểu tích hợp văn hóa tinh thần và thực tiễn.

Về công dụng thực tế, bình vôi là một loại bình bằng sành sứ nung dùng để đựng vôi ăn trầu. Nó có nhiều loại to nhỏ, sang hèn khác nhau, tùy điều kiện kinh tế và địa vị của gia chủ. Nhưng với người Việt xưa, hầu như nhà nào cũng có bình vôi.

Trong đời sống của người Việt, các tục kiêng kỵ khá phong phú, đa dạng. Nó như trầm tích văn hóa đã lắng đọng, tạo nên một nền tảng tinh thần phổ quát, hướng dẫn những ứng xử của con người.

Vì gắn với tục ăn trầu nên ngay từ đầu, nó gắn với tín ngưỡng. "Bản đồ trầu" trên thế giới đã được các nhà nghiên cứu dân tộc học trước đây khẳng định là bản đồ hình giọt lệ mà phần phình to nhất thuộc về Ấn Độ, Nepal hiện nay, vòng lưng của nó kéo qua các hải đảo Nam Á và lên tận Đài Loan (Trung Quốc), vòng bụng của nó kéo qua Vân Nam, Bắc Bộ Việt Nam. Con đường lan tỏa của nó cũng là con đường lan tỏa của Phật giáo. Bởi vậy có thể thấy rằng, văn hóa ẩm thực Phật giáo đã mang tục ăn trầu đi theo bước chân các nhà truyền giáo mà lan tỏa.

Miếng trầu, thoạt tiên có thể có công dụng y dược, chữa thời bệnh, dần dần trở thành một tục lệ giao tiếp, ứng xử có tính lễ nghi, chuyển một bước nữa thành giao tiếp đời thường và thành thói quen, nghiện trầu. Trong gốc tích của nó đã mang tính tín ngưỡng. Chúng tôi nghi ngờ từ “không” trong từ ghép “trầu không” là yếu tố chỉ đạo Phật khi nghiên cứu những từ vựng tiếng Việt có cội nguồn trực tiếp từ Phạm ngữ hoặc Pali.

Ba từ "ông bình vôi" thể hiện sự kính trọng đối với hiện vật này như ta hay gọi ông Táo, ông Ba mươi, ông tượng, ông thần...

Bởi vậy, cả cuộc đời ông bình vôi gắn với rất nhiều kiêng kỵ.

Khi đúc ông bình vôi, các lò gốm xưa thường chỉ đúc vào năm nhuận với niềm tin về sự dư dật, dôi ra, nhuần nhị của cuộc sống. Cũng có người cho rằng, theo kinh nghiệm dân gian, “tuổi” của ông bình vôi thường 4 năm, sau đó sẽ đặc ruột, phải thay ông bình vôi mới. Người chủ lễ khi nung là người trong năm đó không có việc trở, gia đình hạnh phúc.

Khi đi chợ mua ông bình vôi, các bà thường mang theo một vuông vải đỏ để bọc lại ngắm độ tròn và gói đem về. Khi mua xong, nếu gửi lại quán hàng thì cất lên chỗ cao, khi đi đường phải đội mủng lên đầu, không xách ngang hông phụ nữ, bởi thế là bất kính. Nếu đi đò giang phải đặt lên mui cao chứ không để dưới chân.

Về để trong nhà, có thể tùy góc nhưng bao giờ cũng ngoảnh miệng ra phía cửa vì người ta tin rằng ông bình vôi có thể giữ nhà, thức chủ nhà tỉnh ngủ mỗi khi có trộm. Thế mới có chuyện dân gian kể rằng kẻ trộm khi bò vào nhà, việc đầu tiên là ngoảnh miệng ông bình vôi vào trong khiến cả nhà ngủ như chết.

leftcenterrightdel

Ba từ "ông bình vôi" thể hiện sự kính trọng đối với hiện vật này. Ảnh: HẢI ĐÔNG 

Khi cho ông bình vôi ăn, người ta cẩn trọng từng chìa một nhẹ nhàng cho đến lúc đầy mới thôi. Khi lấy vôi ăn trầu, người ta đưa thẳng chìa vôi vào lòng bình rồi rút ra. Tuyệt đối không ngoáy chìa trong bụng bình vôi vì tin rằng ai làm thế sẽ bị bệnh cồn cào ruột gan.

Vì lấy vôi kiểu như vậy nên miệng ông bình vôi ngày càng đầy lên. Đến một ngày nào đó, miệng ấy sẽ lóc vôi rời ra. Người ta vui mừng đón lấy và treo lên trên cửa gian trong, nơi được cho là ma quỷ hay ra vào. Làm thế để trấn ma quỷ. Khi trong nhà có người bị cam tẩu mã, người ta đi mua một đồng cân hạt trai về nghiền ra, rồi mài miệng ông bình vôi hòa cùng để ngậm, bệnh sẽ lành.

Khi ông bình vôi đã đặc ruột, không được vứt bỏ lung tung mà đem đi gửi chùa, đền, miếu hoặc gốc cây đa-những nơi linh thiêng. Nước đọng trong ruột ông bình vôi lúc ấy cũng có thể dùng làm thuốc. Thành thử, ở những phế tích đền, chùa, người ta thường đào được rất nhiều ông bình vôi cổ, có khi là cả một dãy chân móng được ghép bằng ông bình vôi.

Nhưng vôi cũng gắn với “bạc” vì màu trắng trực quan của nó. Nên ngày xưa có tục kiêng là đàn ông từ 40 tuổi trở xuống không được tôi vôi vì người ta cho rằng... tóc sẽ sớm bị bạc.

Về câu tục ngữ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” có nhiều cách giải thích. Về vế “đầu năm mua muối” thì ý kiến khá thống nhất qua hành động mua bán mang ý nghĩa tượng trưng của nó: Người ta thường chỉ mua một bát, người bán đong đầy có ngọn và người mua không trả giá như ngày thường. Đầu năm, vị muối mặn đem đến ý nghĩa sự mặn mà cho cả năm, đồng thời nhắc nhở sự chu đáo trong việc bếp núc, nấu nướng, ẩm thực gia đình. Muối trong quan hệ gia đình cũng như xã hội là vị tất yếu trong việc “điều canh” (hài hòa các quan hệ như khi nấu một nồi canh vừa muối vậy).

Còn câu “cuối năm mua vôi” có nhiều ý kiến. Năm 1989, trong "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam", tác giả giải thích: “Đây là tính toán của nhà buôn sao cho có lợi nhất... cuối năm, người ta cần vôi để tu sửa nhà cửa trước ngày Tết”. Trong một cuốn từ điển tương tự khác in năm 1993, tác giả giải thích “Một kinh nghiệm buôn bán... cuối năm vôi bán chạy (vì lúc này là mùa hanh khô, người ta xây dựng nhiều)”. Các tác giả đều lấy dị bản “Đầu năm buôn muối, cuối năm buôn vôi” trong khi các sách sưu tầm xưa hơn ghi là “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Hai cách giải thích tương liên với nhau, có lẽ đây là cách giải thích đã hiện đại hóa.

Theo chúng tôi, một phong tục phổ biến cho mọi người như vậy, chúng ta có thể thấy: Cuộc sống thời xưa, số nhà xây gạch rất ít. Xóm tôi bên bờ sông Lam, có 19 nhà thì chỉ có một nhà xây gạch. Làm sao cả xã hội đổ đi mua vôi mà buôn. Hơn nữa, nếu xây nhà hoặc quét vôi nhà thì cần nhiều vôi và người ta mua vôi khối, vôi cục, vôi sống để tôi vôi, đến một thời gian, vôi ủ thật nhuyễn mới tiến hành công việc.

Cho nên tục “cuối năm mua vôi” chủ yếu là nhà nào cũng mua về cho ông bình vôi ăn để sang năm mới ông không bị đói. Họ cũng tin rằng, nếu năm mới để ông đói thì cả nhà cũng thất thu, đói kém. Còn nếu năm mới mà mua vôi thì vướng vào quan niệm vôi là "bạc" với nghĩa là bạc bẽo, bạc phúc (phúc mỏng), bạc nghĩa, bạc tình (tình nghĩa mỏng manh). Chữ “bạc” nghĩa là mỏng với chữ “bạc” là màu trắng của kim loại, bạc được người ta liên tưởng thành điều kiêng kỵ.

Ngày nay, chỉ còn thấy ở nhiều vùng có những người đi rao bán muối vào sáng mồng Một Tết. Mọi người mua với lời chào hỏi, chúc tụng và nụ cười vui vẻ như kỳ vọng về sự mặn mà và tràn đầy phúc lộc cho cả năm.

NGUYỄN HÙNG VĨ