Khắc phục tình trạng “đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách”

Tôi là một trong những người làm báo may mắn vì đã có nhiều năm là phóng viên chuyên trách tháp tùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng (trong thời gian đồng chí giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Quốc hội) đi công tác trong và ngoài nước. Trong những chuyến đi tác nghiệp đó, tôi đã được chứng kiến nhiều hoạt động rất ấn tượng, đầy bất ngờ và học hỏi được nhiều điều bổ ích của một người từng 29 năm làm báo chuyên nghiệp, đặc biệt là sự giản dị và gần gũi với nhân dân. 

Trong thời gian giữ trọng trách Chủ tịch Quốc hội (từ tháng 6-2006 đến tháng 7-2011), đồng chí đã chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là khắc phục tình trạng “đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách”. Trong các cuộc tiếp xúc với cử tri, đồng chí luôn chủ động gợi ý để cử tri phát biểu thẳng thắn. Ở nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, đồng chí yêu cầu ban tổ chức không để “bàn chủ tọa” ở phía trên mà để các đại biểu ngồi chung với cử tri. Đồng chí còn yêu cầu các địa phương công bố công khai lịch tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng để tất cả cử tri đều có quyền dự các buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội.

Trong nhiều lần đi công tác trong nước hay nước ngoài, đồng chí yêu cầu Văn phòng Quốc hội xếp lịch để có những cuộc tiếp xúc với cử tri ở cơ sở (nếu là trong nước) hoặc bà con Việt kiều (nếu ở nước ngoài), đó là những cuộc tiếp xúc cử tri toàn thể chứ không phải là đại biểu cử tri.

Trong những cuộc tiếp xúc cử tri đó, tôi nhớ nhất là cuộc gặp gỡ của đồng chí Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, công nhân tại giàn khoan công nghệ trung tâm số 2 của Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro vào năm 2010. Trên giàn khoan, giữa biển khơi mênh mông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có cuộc tiếp xúc với các “cử tri đặc biệt” như cách gọi của đồng chí. Sau khi tìm hiểu đời sống của công nhân Việt Nam và Nga trên giàn khoan, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ. Các cử tri đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến ngành dầu khí như: Việc xác định thuế thu nhập cá nhân của cán bộ, công nhân viên trong ngành phải tính đến sự đặc thù...

Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri ngành dầu khí và theo tờ trình của Chính phủ, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành dầu khí, trong đó có thay đổi phương thức, đơn giản hóa các thủ tục thuế, những khoản thu nộp vào ngân sách nhà nước...

Ngoài việc yêu cầu các cơ quan chức năng ghi chép đầy đủ ý kiến của cử tri, đồng chí còn yêu cầu các nhà báo cũng phải phản ánh những ý kiến của cử tri vào tác phẩm của mình. Vào dịp Tết Kỷ Sửu 2009, tôi được tác nghiệp trong sự kiện đồng chí Nguyễn Phú Trọng đến làm việc và chúc Tết Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn. Hôm sau đọc Báo Quân đội nhân dân (QĐND), đồng chí nói với tôi: “Bài viết của Thọ tốt đấy, nhưng có một chi tiết tại sao Thọ lại không đưa vào bài, đó là kiến nghị của một cử tri là Bộ đội Biên phòng về chính sách hậu phương Quân đội?”. Nghe đồng chí nói, tôi giật mình, lúng túng bởi không ngờ đồng chí lại đọc báo kỹ, nhớ từng chi tiết trong bài báo đến vậy.

Cuối năm 2010, tôi được theo đoàn công tác của Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị Đại hội XI của Đảng đến tìm hiểu thực tế tại Cà Mau. Đoàn do đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi đó là Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XI dẫn đầu. 

Hồi đó chưa có đường ô tô đến mũi Cà Mau, đoàn công tác phải đi bằng xuồng máy. Đến thăm nhân dân xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ với bà con những khó khăn đặc thù của xã cực Nam Tổ quốc, ghi nhận các kiến nghị chính đáng của nhân dân về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ vốn sản xuất, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là những khó khăn chung với nhiều địa phương ở tỉnh Cà Mau.

Phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ, nhân dân xã Đất Mũi; cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 680 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) và Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã gợi ý về phương án giảm nghèo, làm giàu của bà con nhân dân như phát triển hàng hóa đặc sản mà Cà Mau có thế mạnh, làm du lịch cộng đồng, liên kết giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp... Cuối năm 2022, khi trở lại Cà Mau, chúng tôi thật bất ngờ vì những gợi ý của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã trở thành hiện thực sinh động ở nơi đây.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao danh hiệu Anh hùng Lao động tặng Báo Quân đội nhân dân, năm 2010. Ảnh: VŨ QUANG THÁI 

Chủ tịch Quốc hội ăn cơm nắm muối vừng trên xe ca

Tháng 8-2008, tôi nhận được điện của Văn phòng Quốc hội thông báo tham gia đoàn công tác của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Quảng Ngãi. Nhận điện, tôi cứ nghĩ đồng chí cán bộ văn phòng nói nhầm địa chỉ sân bay Nội Bài thành ga Hà Nội, bởi chẳng lẽ đồng chí Chủ tịch Quốc hội đi công tác bằng tàu hỏa! Thế nhưng sự thật đúng như vậy. Xuống ga Quảng Ngãi, đồng chí Chủ tịch Quốc hội lên ngay chiếc xe ca, ngồi cùng với một số nhà báo đến huyện Tây Trà-huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi.

Đồng bào các dân tộc trong huyện Tây Trà cứ ngỡ đồng chí Chủ tịch Quốc hội đi xe con, ào ra đón, không ngờ đồng chí lại bước xuống từ chiếc xe ca 24 chỗ ngồi. Không khí thân tình, thân mật, gần gũi giữa đồng chí Chủ tịch Quốc hội và bà con các dân tộc thiểu số huyện Tây Trà khiến mọi người ngạc nhiên, xúc động. 

Không chỉ có chuyến đi đến huyện miền núi Tây Trà mà rất nhiều chuyến đi cơ sở khác, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã ngồi xe ca cùng với cán bộ Văn phòng Quốc hội và các nhà báo. Thông thường, đồng chí ngồi giữa, cánh nhà báo ngồi xung quanh cùng với một số đồng chí ở Bộ tư lệnh Cảnh vệ. Trên xe, Chủ tịch Quốc hội “tranh thủ” khai thác thông tin từ các nhà báo mà đồng chí thường gọi là đồng nghiệp. Đồng chí luôn yêu cầu chúng tôi phải nói thẳng, nói thật những điều “mắt thấy, tai nghe, óc suy nghĩ, trái tim mách bảo”. 

Tôi nhớ mãi trong chuyến đi Tây Bắc vào năm 2010 cùng với Tổ biên soạn văn kiện Đại hội XI của Đảng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổ trưởng, đến trưa, cả đoàn dừng lại ăn cơm nắm muối vừng tại một vạt đồi ven đường. Khi thấy tôi loáng cái đã ăn xong “tiêu chuẩn” của mình, đồng chí nói với một đồng chí của Vụ Lễ tân (Văn phòng Quốc hội): “Các chú còn dư gói cơm nào không, tăng cường thêm cho chú Thọ, thấy nó cứ chạy trước, chạy sau, mau đói lắm...”. Ngày hôm sau, để tiết kiệm thời gian, đồng chí yêu cầu mọi người ăn cơm ngay trên xe...

Khắc ghi lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư với Báo Quân đội nhân dân

Cách đây gần 14 năm, vào tháng 10-2010, Báo QĐND tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày ra số báo đầu tiên và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Lần ấy, Báo QĐND vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng đến dự, trao danh hiệu Anh hùng Lao động và phát biểu chúc mừng Báo QĐND.

Năm 2015, khi Báo QĐND chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Ngày ra số báo đầu tiên, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi ấy ở cương vị Tổng Bí thư đã đến thăm tòa soạn. Chúng tôi nhớ mãi những lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư khi chúc mừng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên, chiến sĩ Báo QĐND về những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Trải qua 65 năm xây dựng, phát triển, Báo QĐND-tờ báo có vị trí rất quan trọng trong làng báo chí cách mạng Việt Nam-là một trong những tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước và Quân đội, có uy tín và bản sắc riêng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính tư tưởng, tính chiến đấu cao. Đồng chí Tổng Bí thư mong muốn Báo QĐND tiếp tục đấu tranh phê phán cái xấu, cái tiêu cực, bác bỏ những quan điểm sai trái; tiếp tục tuyên truyền, đưa hình ảnh Việt Nam, QĐND Việt Nam ra cộng đồng quốc tế...

Năm 2020, khi chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày ra số báo đầu tiên, Đảng ủy, Ban biên tập Báo QĐND rất xúc động được đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tại phòng làm việc. Đồng chí đã căn dặn chúng tôi nhiều điều và nhắc nhở chúng tôi phải đoàn kết hơn, đổi mới mạnh mẽ hơn, vì lợi ích chung của quốc gia và Quân đội.

Khi nghe Ban biên tập Báo muốn xin đồng chí Nguyễn Phú Trọng một thư khen và một lẵng hoa chúc mừng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đồng ý ngay. Thế nhưng khi nghe chúng tôi đề nghị đồng chí cho phép ban tổ chức chuẩn bị lẵng hoa thì đồng chí gạt ngay: “Hoa của tôi phải để tôi chuẩn bị chứ”. Và thế là vào sáng sớm 19-10-2020, lẵng hoa của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã được Văn phòng Trung ương Đảng chuyển đến đặt trang trọng tại Hội trường Bộ Quốc phòng.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng những tình cảm và phong cách sống giản dị, gần gũi của đồng chí sẽ mãi mãi còn đọng lại trong tâm trí của những người dân đất Việt.

Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ, Nguyên Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân