Những nhà báo ưu tú, dũng cảm
Để thông tin tuyên truyền kịp thời và hiệu quả về Mặt trận Điện Biên Phủ, theo chỉ đạo của Tổng Quân ủy, trực tiếp là Tổng cục Chính trị, tháng 12-1953, Báo Quân đội nhân dân thành lập một nhóm 5 người gồm các cán bộ, phóng viên: Hoàng Xuân Tùy (phụ trách chung), Trần Cư (Thư ký tòa soạn), Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp, họa sĩ Nguyễn Bích và một tổ công nhân cùng máy in, lên Điện Biên để xuất bản báo ngay tại mặt trận.
Trong lịch sử báo chí Việt Nam và thế giới, có thể coi đây là một kỳ tích, là sự kiện “vô tiền khoáng hậu”, có một không hai.
Xuất bản song song cùng với Báo QĐND tại hậu phương ở ATK, Báo QĐND xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ (33 số, trong 140 ngày), bắt đầu từ số báo 116, ra thứ hai, ngày 28-12-1953, đến số cuối 148, ra chủ nhật, ngày 16-5-1954, sau khi quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã thất bại cay đắng.
Cùng với 5 cán bộ, phóng viên của Báo QĐND, các số báo xuất bản tại mặt trận còn nhận được sự cộng tác của một số phóng viên khác như: Hoàng Tuấn (Thông tấn xã Việt Nam), Nguyễn Văn Nhất (Đài Tiếng nói Việt Nam), Thép Mới (Báo Nhân Dân), Thái Duy, Chính Yên (Báo Cứu quốc) và một số văn nghệ sĩ...
Cho đến lúc này, đọc lại các số Báo QĐND được viết và in ngay tại chiến hào, cạnh sở chỉ huy chiến dịch cách đây 70 năm, tôi vẫn như thấy văng vẳng bên tai tiếng hò kéo pháo vào trận địa; thấy hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên gương mặt hốc hác bởi ngày đêm phải “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” nhưng vẫn vui vẻ ra trận và khi đối mặt với quân thù, các anh vẫn dũng mãnh lao lên chiến đấu. Bên cạnh họ là những nhà báo chiến sĩ của Báo QĐND cùng sát cánh đào hào, tay bút tay súng trên các trận địa, không ngại hy sinh để có được những tin tức chân thực nhất phục vụ bạn đọc.
Những đoạn viết sau đây trong bài “Vài nét anh dũng trong trận Him Lam” (trích nhật ký chiến đấu của đồng chí Trần), ngày 18-3-1954 không hiếm trên các số báo: “Đồng chí Trung đội trưởng Diễm chỉ huy phá hàng rào. Diễm đứng với Tiểu đội trưởng Sâm bên cạnh hàng rào vẫy tay cho các chiến sĩ lên. Chiêm vụt chạy lên dưới khói đạn. Bộc phá đầu tiên nổ. Trong chớp lòa Luận chạy lên. Nhưng mới ra khỏi công sự ngã vật xuống. Chiêm sộc xuống gọi Luận. Luận chỉ kịp nói: “Trả thù cho tôi”. Chiêm vành mắt lên, giật ống bộc phá lại chạy lên. Vừa gặp Thao vọt theo: “Anh Chiêm đốt lần thứ hai à? Thao bị thương vào tay rồi nhưng quyết làm tròn nhiệm vụ. Nếu cần cũng đốt lần thứ hai”. Chiêm nói qua tiếng thở: “Tớ trả thù cho Luận”. Thế là chỉ trong 15 phút, 18 tiếng nổ liên tiếp vạch một con đường rộng thênh thang. 3 tên lê dương ở lô cốt đầu tiên chạy ra hàng...”.
Tính thời sự phả lên từng trang báo
Như chúng ta biết, Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 56 ngày đêm, từ 13-3 đến 7-5-1954, nhưng trước đó, từ ngày 25-1-1954, các đơn vị bộ đội ta đã ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến ban đầu “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Tuy nhiên nhận thấy địch đã tăng cường phòng ngự vững chắc, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc” nên đã lùi thời điểm bắt đầu chiến dịch đến ngày 13-3-1954.
Bởi vậy, các số đầu khi chưa vào chiến dịch, báo đưa nhiều bài phản ánh cùng bản đồ ở các mặt trận khác như: "Diễn biến cuộc rút lui Lai Châu về Điện Biên của địch và cuộc truy kích của quân ta", "Tiến quân vào thị xã Lai Châu" của PV; "Những gương dũng cảm quyết tâm diệt địch trong trận đánh chẹn địch ở Mường Pồn" của Trần Cư; "Kinh nghiệm hành quân: Thực hiện 3 tốt" của CS; "Tích cực chống âm mưu do thám của địch ở Tây Bắc" của Đặng Ái; "Chiến sĩ quân báo anh dũng: Những ngày bám đường gian khổ" của Tiếp; "Chị Xuân anh dũng trước bom nổ chậm" của Ngọc Thông và một số bài khác về các gương chiến đấu anh dũng, về công tác dân vận, địch vận...
Càng gần đến chiến dịch, các chỉ đạo và tin tức càng dồn dập hơn: Ngày 9-3-1954, đầu trang nhất báo đưa tin chỉ đạo “Giữ gìn vũ khí sẵn sàng tiêu diệt địch”, cạnh đó Chính Nghĩa có bài bình luận “Những lục đục nội bộ trong phe địch, ngụy sau những thất bại quân sự vừa qua” và ở góc trái là "Ý kiến bạn đọc: Mấy khuyết điểm trong việc lãnh đạo tư tưởng".
    |
 |
Số Báo QĐND xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ.
|
Ngày 10-3-1954, báo đăng lời kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, các đơn vị, các binh chủng của Đại tướng Tổng Tư lệnh: "Kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ"; đăng quyết định của Bộ Tổng Tư lệnh “5 điều kỷ luật chiến trường thi hành trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Từ ngày 14-3-1954, các tin tức dồn dập hơn. Đầu trang nhất là tin lớn tràn cả 5 cột: "Quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Him Lam". Cùng với đó là thư khen của Hồ Chủ tịch và Đại tướng Tổng Tư lệnh gửi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận.
Ngày 15-3-1954, báo lại có tin lớn ở trang nhất cùng bản đồ: “Chiến thắng lớn thứ 2 tại Mặt trận Điện Biên Phủ: Quân ta lại tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn Bắc Phi ở đồi Độc Lập”. Cùng đầu trang đăng toàn văn thư của Đại tướng Tổng Tư lệnh khen các đơn vị chiến thắng trên Mặt trận Điện Biên Phủ. Thú vị hơn, ở góc trang nhất số báo này có “Tin cuối cùng” vỏn vẹn 16 từ được in đậm: “Ngày 15-3-54, quân ta lại bắn cháy và rơi 12 máy bay ở Điện Biên Phủ”...
Cứ như thế cho đến số báo cuối cùng ra ngày 16-5-1954 (6 trang in măng séc màu), ngoài nhiều thư, điện chúc mừng, ở số này báo còn đăng bài “Đại tướng Tổng Tư lệnh nhận định ý nghĩa của Chiến dịch Điện Biên Phủ”, tin “Lễ duyệt binh các đơn vị chiến thắng tại Điện Biên Phủ” của Thái Duy. “Trận Điện Biên Phủ qua cảm tưởng một số sĩ quan địch bị bắt làm tù binh” của N.T, “Cuộc chiến đấu anh dũng, bền bỉ trên đồi số 5” của Nguyễn Tiếp. “Ở Mường Thanh địch ra hàng như nước chảy” của Trần Cư. Ở cuối trang 6 có bài: “Sau khi chiến thắng: Hãy trừ bỏ tư tưởng tiêu cực!” của Lê Liêm, bài viết nhắc nhở và cảnh báo tư tưởng thỏa mãn, lơ là công tác sau chiến thắng.
Bài học mẫu mực về nghiệp vụ báo chí
Đọc lại các số báo xuất bản ở Mặt trận Điện Biên Phủ khiến bất kỳ ai làm công tác nghiên cứu báo chí cũng phải ngạc nhiên về sự chuyên nghiệp, hiện đại, sắc sảo, vượt khó, dũng cảm của cán bộ, phóng viên Báo QĐND ở Mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa. Thời điểm đó ở nước ta chưa có trường lớp đào tạo báo chí chính quy nào ngoài lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng, đào tạo 3 tháng cho 43 học viên. Báo QĐND ra đời ngày 20-10-1950, tức là khi các nhà báo làm báo ở Mặt trận Điện Biên Phủ, báo mới hơn 3 tuổi.
Tính chuyên nghiệp và hiện đại của Báo QĐND xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ thể hiện rõ ở các khía cạnh sau: Một là, các chức năng thông tin, giao tiếp; chức năng tư tưởng; chức năng văn hóa, giải trí; chức năng quản lý, giám sát và phản biện xã hội đều được thể hiện rõ nét trên các số báo. Ở đây cần nhấn mạnh, chức năng quản lý, giám sát và phản biện xã hội chỉ được đề cập trên bình diện lý luận sau này sớm nhất ở nước ta trong cuốn "Truyền thông đại chúng" của nhà nghiên cứu Tạ Ngọc Tấn (NXB Chính trị Quốc gia, 2001). Trước đó, trong cuốn "Giáo trình Nghiệp vụ báo chí" (của Khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương, lưu hành nội bộ, xuất bản năm 1978) mới chỉ nhắc đến 3 chức năng cơ bản của báo chí vô sản là chức năng tuyên truyền, chức năng cổ động, chức năng tổ chức.
Hai là, các chuyên mục phong phú. Tuy báo chỉ có 2 trang, nhưng có tới 10 chuyên mục: Thi đua mở đường thắng lợi, Gương chiến đấu anh dũng, Hộp thư, Sinh hoạt ngoài trận địa, Ý kiến bạn đọc, Sổ tay kinh nghiệm, Đồng chí có biết, Chuyện Điện Biên Phủ, Bộ đội với cải cách ruộng đất, Bộ đội với phát động quần chúng.
Ba là, các thể loại đa dạng, như: Tin sâu, tin vắn, xã luận, tường thuật, tin tổng hợp, tin tòa án, thư, bình luận, phân tích, bài phản ánh, ghi nhanh, bút ký, tranh cổ động, tranh đả kích, thơ.
Bốn là, nhiều bài viết có sapo, tít phân đoạn, điều mà trên báo chí ta chỉ phát triển từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20 trở lại đây. Nhiều bài, tin phản ánh chiến thắng có kèm bản đồ.
Năm là, tính thời sự cao, nội dung thông tin phong phú, thiết thực. Các tin, bài cơ bản đều được viết ngay tại mặt trận và đăng ngay sau đó, có tin viết khi trận đánh vừa kết thúc. Đặc biệt, báo cũng mạnh dạn đăng những tin kỷ luật cán bộ, chiến sĩ sai phạm.
Sáu là, tính chuyên nghiệp thể hiện ở sự nghiêm túc. Báo viết sai liền có “Đính chính” ngay số sau.
Bảy là, có thể coi đây là hình thức “phụ bản” đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam, điều mà chỉ xuất hiện sau này vào những năm 90 thế kỷ 20 cho đến năm 2010-thời gian báo in còn thịnh hành...
TS NGUYỄN QUANG HÒA